(Post 14/11/2008) ADSL hiện đang được sử dụng
nhiều ở thành phố lớn. Làm sao để tận dụng tối đa hiệu suất
đường truyền ADSL là một vấn đề không mấy người quan tâm, để rồi
tốn thêm tiền vì những điều không đáng.
Các phần đã đăng:
Phần II: Đường truyền
ADSL
Kết nối ADSL là một dạng kết nối internet “trực
tiếp” thông qua đường dây điện thoại (Dial-Up là kết nối “gián
tiếp”). Ở đường truyền ADSL, thông tin dữ liệu được truyền ở tần số
cao hơn so với tín hiệu âm thanh của đường truyền Dial-Up, cho nên
kết nối ADSL có khả năng truyền dữ liệu trên đường dây điện thoại nhanh
gấp 140 lần so với kết nối Dial Up thông thường.
Tại Việt Nam hiện nay, có các nhà cung cấp ADSL
là SPT, FPT, Netnam, Viettel, VNN (bưu điện các tỉnh, thành phố).
ADSL được sử dụng trên đường dây điện thoại sẵn có,
nên các dịch vụ khác như điện thoại, fax sẽ được sử dụng song
song (trường hợp Dial-Up nếu kết nối internet thì sẽ không dùng
điện thoại, fax được và ngược lại khi nghe- gọi điện thoại, dùng
fax thì không thể vào mạng)…
Khi sử dụng ADSL, bạn không phải trả cước phí điện
thoại phát sinh (cước nội mạng). Một đặc điểm rất hay của ADSL
là có thể kết nối nối nhiều máy tính vào chung một đường ADSL.
Thực hiện kết nối
Bước 1: Muốn kết nối internet ADSL,
bạn cần một Modem ADSL (nên chọn loại ADSL vừa có cổng RJ45 vừa
có cổng USB). Hiện có hai loại giá rẻ nhất, nhưng chất lượng
tốt là D-LINK (522T) có 1 cổng USB và 1 cổng RJ45, giá 583.000
đồng, một loại khác là ZYXEL P-660RU cũng gồm 1 cổng USB và 1
cổng RJ45 giá 535.000 đồng.
Hầu hết các gia đình có hai máy tính trở lên
đều được tư vấn mua loại Modem 4 cổng RJ45 nhưng không bao giờ dùng
hết bốn cổng này. Ngoài ra, giá của những loại Modem này cũng
đắt hơn 100.000 đồng so với những loại 1 cổng RJ45.
Trước khi mua modem, bạn cần hỏi kĩ nơi bán xem
có hỗ trợ dịch vụ ADSL không (bạn hỏi họ xem Modem đó có dùng
được cho mạng ADSL của VNN không, nếu dùng dịch vụ của Bưu điện....).
Bước 2: các loại modem có cách
kết nối khá giống nhau, và dưới đây chúng ta lấy modem CNet ADSL
2/2+ Router làm ví dụ. Trước tiên, hãy tắt nguồn điện của máy tính,
modem đi, rồi cắm các loại dây sẵn có vào Modem (thường khi nhân
viên dịch vụ ADSL đến “bắt dây” thì họ sẽ làm sẵn luôn.
Ở đây, chúng ta tìm hiểu cách làm cụ thể giúp
bạn tự làm để chuyển vị trí Modem qua phòng khác hoặc mở rộng
thêm các cổng kết nối.
Trước tiên, đường dây điện thoại sẽ được đưa vào
một hộp tách tín hiệu ra thành tín hiệu điện thoại và tín
hiệu ADSL. Bạn cắm đầu dây điện thoại vào lỗ có chữ Phone, còn
dây tín hiệu ADSL vào lỗ có chữ ADSL.
Bước 3: đầu dây tín hiệu ADSL còn
lại cắm vào lỗ nhận tín hiệu ADSL của Modem. Giữa cổng RJ45
và cổng USB thì cổng RJ45 có tốc độ kết nối cao hơn, nên bạn
tiếp tục nối cáp ADSL từ Modem vào cổng ADSL của máy tính. Bây
giờ mới được bật máy tính và Modem lên.
Bước 4: bạn vào Start > Control
Panel. Trong khung bên trái, chọn Classic View (nếu đã có sẵn chữ
Switch to Category View thì bỏ qua bước này)
Bước 5: nhấp chuột kép lên icon
Network Connections, trong cửa sổ hiện ra, nhấp chuột phải lên mục
Local Area Connection, rồi chọn Properties. Trong thẻ General, chọn
Internet Protocol (TCP/IP) rồi bấm chuột lên nút Properties.
Bước 6: ở thẻ General, đánh chọn
mục Obtain an IP address automatically và mục Obtain DNS server address
automatically, sau đó bấm OK để xác nhận chọn lựa.
Bước 7: Mở trình duyệt web Internet
Explorer rồi gõ địa chỉ IP mặc định của Modem (địa chỉ này được
cung cấp sẵn trong catalogue của Modem), sau đó nhấn Enter để đăng
nhập trình điều khiển Modem.
Khi đó, bạn được yêu cầu nhập mật khẩu đăng nhập,
hãy sử dụng tên và mật khẩu mặc định trong Modem (có sẵn trong
catalogue của Modem, chẳng hạn với Modem CNet ADSL 2/2+ Router là
root). Trong thẻ Status là các thông số mô tả trạng thái làm việc
của Modem bao gồm địa chỉ IP Modem, tốc độ truy nhập...
Bước 8: Chuyển qua thẻ Wizard. Bây
giờ, hãy thiết lập các thông số mạng cho Modem. Trước tiên, dòng
Country, chọn Vietnam, ISP là nhà cung cấp dịch vụ ADSL (chẳng
hạn, nếu dùng đường truyền ADSL của bưu điện thì chọn là VNN
Mega).
Trong mục Set PPP Password, bạn hãy điền thông tin
tài khoản mà nhà cung cấp dịch vụ đã tạo cho bạn (thường thì
nó sẽ được ghi trong hợp đồng khi đăng kí dịch vụ và nhân viên
của nhà cung cấp sẽ nói cho bạn biết trong lần đầu tiên họ xuống
nhà để “bắt đường dây” cho bạn). Các phần khác bạn không cần
quan tâm vì nó phục vụ cho việc tạo mạng nội bộ. Cuối cùng
bạn bấm Submit để xác nhận các thông tin vừa đưa vào.
Như vậy, bạn đã tạo ra giao thức kết nối ADSL
cho Modem của mình. Từ nay về sau, khi cần sử dụng internet, bạn
chỉ việc cắm cáp ADSL vào máy tính là có thể sử dụng ngay.
Các thông số đã được lưu trữ vào bộ nhớ của
Modem, do đó, dù bạn có cài lại máy tính thì việc kết nối
vẫn không bị ảnh hưởng. Tất cả những máy tính khác đều có
thể kết nối với internet từ Modem của bạn mà không cần phải
thiết lập lại trên từng máy. Đây chính là một ưu điểm của ADSL
so với đường truyền Dial-Up.
Sử dụng nâng cao
1. Gọi điện thoại quốc tế: một ưu điểm
hàng đầu của ADSL là giúp bạn có thể nói chuyện xuyên lục địa
mà không phải tốn bất kì một khoản chi phí nào. Trước tiên,
bạn và đối tác cần có máy tính nối mạng, có một...tài khoản
Yahoo. Mở chương trình Yahoo Messenger lên, vào Actions > Call Setup
> Next > Next > Next để thiết lập trạng thái cho loa và
microphone.
Tiếp theo, bạn và đối tác hãy mở hết loa và microphone
trong máy rồi mở cửa sổ chat với người muốn nói chyện, sau đó
nhấp chuột lên biểu tượng để chương trình tiến hành mở một cuộc
gọi sang máy tính của người kia. Khi có cuộc gọi đến, sẽ có
một cửa sổ hiện ra, nếu chấp nhận đàm thoại, bạn hay đối tác
hãy nhấn nút Accept, còn từ chối thì nhấn Decline.
Khi bắt đầu nói chuyện thì Yahoo Messenger sẽ tiến
hành đo thời gian đàm thoại. Bạn có thể nói chuyện với người
ở Mĩ, Canada, Úc, Anh, Đức, Nga cả ngày mà không mất tiền.
2. Xem phim, nghe nhạc, giải trí:
Với đường truyền ADSL, bạn có thể lên mạng để xem phim, nghe nhạc,
học anh văn một cách miễn phí và tiết kiệm. Nếu máy có tính
năng xuất hình ảnh ra tivi, bạn có thể đưa các bộ phim trên mạng
về tivi để trình chiếu cho cả nhà xem.
Tất cả những dịch vụ này, bạn có thể dễ dàng
tìm thấy nhờ các chương trình tìm kiếm như của Microsoft,
Yahoo và Google
Bảo mật nâng cao
Các thông số mặc định của Modem là phổ biến cho
mọi người cùng biết, vì thế, kẻ xấu có thể lợi dụng những
thông số này để tác động kiểm soát máy tính của bạn. Do đó,
bạn cần phải thay đổi các thông số bảo mật của Modem để có
thể tự vệ an toàn khi truy cập vào mạng internet.
1. Trước tiên, bạn cần thay đổi
mật khẩu bảo vệ cho việc thay đổi các thông số thiết lập cho
Modem bằng cách mở trình duyệt web Internet Explorer, rồi vào trang
địa chỉ IP mặc định của Modem (chẳng hạn Modem CNet ADSL 2/2+ Router
là 192.168.1.1). Trong khung đăng nhập, bạn hãy gõ thông tin User
name và Password mà nhà cung cấp cho sẵn (ở đây là Root) sau đánh
chọn Remmember My Password rồi nhấn OK.
Bạn vào thẻ Admin rồi nhấn chuột trái vào biểu
tượng cây bút và tờ giấy . Bây giờ, một cửa sổ mới hiện ra,
bạn hãy nhập mật khẩu mới cho Modem. Mật khẩu càng dài, có
cả số lẫn chữ thì thì độ an toàn càng cao. Sau khi hoàn tất,
bạn nhấn Submit để xác nhận các thông tin vừa khai báo.
2. Thay đổi mật khẩu tài khoản ADSL:
Khi đăng kí sử dụng dịch vụ ADSL của bất kì nhà cung cấp nào,
bạn cũng được cung cấp một tên sử dụng cùng với một mật khẩu
bảo vệ. Ngay sau khi thiết lập được kết nối với dịch vụ, bạn
nên thay đổi ngay mật khẩu đó để ngăn ngừa các nguy cơ xấu có
thể xảy ra khi mật khẩu đó bị lộ.
Nếu bạn đăng kí dịch vụ ADSL của Bưu Điện, bạn
hãy vào trang web này
hoặc này để thay đổi mật khẩu.
Sau khi vào trang này, ở phần cột bên trái, hãy nhấp chuột lên
liên kết “Đổi Mật Khẩu”. Sau đó, khai báo lại tên sử dụng, mật
khẩu cũ và mật khẩu mới vào các ô cho sẵn tương ứng; đánh chọn
mục Đổi mật khẩu truy nhập MegaVNN - Change MegaVNN password, rồi bấm
Thay Đổi/Submit để xác nhận việc đổi mật khẩu mới cho tài khoản
ADSL.
Với các nhà cung cấp khác, bạn hãy hỏi trực
tiếp cách thức thực hiện từ bộ phận chăm sóc khách hàng.
3. Một vài Modem có tính năng tạo tường
lửa để chống các cuộc tấn công từ bên ngoài và chúng
cần được kích hoạt mới sử dụng được. Với loại Modem của CNet,
để kích hoạt tường lửa, bạn vào trang địa chỉ IP mặc định của
Modem theo hướng dẫn trình bày ở trên. Tiếp theo, vào thẻ Services
> FireWall, sau đó đánh chọn Enable trong các mục Blacklist Status,
Attack Protection và DOS Protection.
Ở mục Log Destination, hãy điền những địa chỉ
email mà bạn dùng thường xuyên vào khung E-Mail ID of Admin 1, 2,
3 rồi đánh chọn mục Email để nhận được thông báo qua email các
trường hợp khẩn cấp mà Modem ghi nhận được. Khi đó, Modem sẽ
tự động gửi thư đến hộp thư để nhắc bạn. Bây giờ, nhấn Submit
xác nhận việc cài đặt.
Trục trặc
Trên Modem có bốn loại đèn dùng để hiển thị các
chế độ làm việc của Modem. Trước tiên, để nhận biết Modem có
hoạt động hay không, bạn cần kiểm tra đèn dưới chữ Power. Nếu
đèn này sáng thì Modem đang hoạt động, còn nếu đèn không sáng,
thì Modem chưa được kích hoạt, bạn cần kiểm tra lại các phích
cắm.
Khi Modem hoạt động, bạn kết nối Modem với máy
tính thì đèn Link/Act sẽ hoạt động. Nếu đèn này không sáng,
nghĩa là cáp nối máy tính và Modem đã bị trục trặc. Khi Modem
kết nối được với internet thì đèn ADSL sẽ bật sáng. Nếu đèn
này không sáng thì nghĩa là nghẽn mạng hoặc bị đứt dây điện
thoại... Bạn cần nhờ nhân viên dịch vụ ADSL kiểm tra lại.
Modem kết nối được với internet là một chuyện,
nhưng có thể tiến hành các quá trình upload, download dữ liệu
hay không thì lại tùy thuộc vào mật khẩu truy nhập internet ở
tổng đài ADSL của bạn. Vì vậy, lúc này, mật khẩu sử dụng ADSL
được cung cấp bởi nhà dịch vụ chính là chiếc chìa khóa đó.
Khi mật khẩu và tên truy nhập đúng, đèn Ready sẽ bật sáng. Nếu
đèn này không sáng thì chắc chắn là mạng đang bị nghẽn hoặc bạn
cung cấp sai mật khẩu truy nhập ADSL.
Tóm lại, bạn chỉ có thể truy cập được vào internet
khi cả 4 đèn Power, Link/Act, ADSL và Ready bật sáng.
Trục trặc phổ biến nhất của ADSL hiện nay ở Việt
Nam chính là tốc độ. Sở dĩ xảy ra việc này là do đường truyền
còn chưa được nâng cấp đồng đều và do dung lượng được gán một
mức nhất định rồi chia sẻ theo nguyên tắc dùng....chung. Khi ít
người dùng, tốc độ truyền tải nhanh còn nhiều người dùng thì
tốc độ sẽ chậm lại.
Vì thế, khi nhận thấy tốc độ tải quá chậm, bạn
nên điện thoại lên trung tâm chăm sóc khách hàng hoặc bộ phận
quản lý dịch vụ để họ kiểm tra lại và nếu được thì tăng dung
lượng đường truyền cho bạn.
Nhiều trường hợp Modem truyền tải dung lượng chậm
một cách “kì lạ”, nguyên nhân là do Modem hoạt động quá lâu nên
các linh kiện tạm thời “nhiễu” vì nhiệt độ cao. Khi đó, bạn
có thể tắt Modem đi rồi chờ một hai phút khởi động lại Modem,
có thể việc truy cập sẽ diễn ra bình thường trở lại.
Thông thường, khi Modem đã được thiết lập cấu hình,
bạn có thể sử dụng mãi cho đến khi Modem bị hỏng hoặc bạn đổi
nhà cung cấp dịch vụ ADSL khác. Cho nên, khi các đèn trên Modem
đều bật sáng, mà bạn truy cập internet không được, trong khi máy
tính đã được quét virus đầy đủ thì bạn nghĩ ngay đến hai trường
hợp:
- Thứ nhất: Modem bị lỗi cấu hình vì ai đó “táy máy” thay
đổi nó.
- Thứ hai: Hỏng Windows.
Trong trường hợp thứ nhất, bạn hãy nhấn nút Reset
trên Modem (nút này tùy Modem mà nằm ở vị trí khác nhau, bạn
có thể tham khảo trong catalogue của nó) để xóa hết các thiết
lập đã tạo trên Modem, rồi theo hướng dẫn ở phần trên, nhằm tạo
lại cấu hình mới cho Modem (khi Reset lại Modem thì cấu hình mặc
định do nhà chế tạo đặt ra sẽ được khôi phục, bạn phải sử dụng
lại mật khẩu do nhà sản xuất Modem, còn mật khẩu thay đổi lúc
trước nay đã bị xóa).
Trong trường hợp thứ hai, bạn nên cài lại Windows
là xong.
Vương Thanh Phương
(theo báo Tiền Phong) |