(Post 28/02/2009) Ngày 24-2, gần 170 học viên
FPT-Aptech đã tham gia chương trình “Du xuân FSO” tại Hà Nội. Chương trình
do bộ phận quan hệ học viên (SRO) của FPT-Aptech phối hợp với Trung tâm
đảm bảo nguồn lực của FPT Software (FSO) tổ chức tại Hà Nội...
Học viên
FPT-Aptech thăm quan FPT Software tại Hà Nội |
|
Ngày 24-2, cùng với các bạn FPT – Aptech của mình, tôi
hào hứng có mặt tại tòa nhà FPT Cầu Giấy, Hà Nội để tham gia hành trình
“Du xuân FSO”.
Ngay khi bước vào sảnh của tòa nhà FPT Cầu Giấy, chúng
tôi đã bị thu hút bởi rất nhiều hiện vật bầy ở khu vực lễ tân, từ chiếc
máy tính đầu tiên dùng tại FPT cho tới những chú rùa đá đội những tấm
bảng ghi tên các trang nguyên của FPT, bức hình hoa sen được ghép bằng
ảnh của CBNV tập đoàn FPT,... một không gian rất riêng mang tên FPT.
Chúng tôi chia thành từng nhóm, mỗi nhóm gồm 20 người.
Nhóm tôi được một chị rất xinh thuộc phòng khách hàng của FSO tên là Hồng
Ánh dẫn đi thăm quan. Ai cũng háo hức và trò chuyện sôi nổi từ trong thang
máy, làm chị Ánh bước ra nhầm tầng khiến cả nhóm phì cười. Rời thang máy,
chúng tôi bắt gặp tấm ảnh lớn cao gần 3m và phải rộng chừng 5m, tấm ảnh
lớn nhất mà tôi từng thấy. Theo lời giới thiệu của chị Ánh thì tấm ảnh
chụp nhân viên FSO trong một kỳ Tổng kết cuối năm (Sum Up) ở Hạ Long.
Tấm ảnh có tới cả nghìn người. Ấn tượng nữa với tôi là cái anh cầm loa,
gầy gầy đứng ở đầu đoàn người lại là anh Nguyễn Thành Nam, cựu CEO của
FSO và hiện là CEO của tập đoàn FPT. Anh ấy ăn mặc giản dị.
Chị Hồng Ánh đang giới thiệu về tấm ảnh lớn của FSO |
|
Khu làm việc tầng 9 mà chúng tôi được tham quan thuộc
2 trung tâm sản xuất phần mềm số 21 và 13 của FSO (còn có tên gọi tắt
là G21 & G13). Phòng họp, phòng cán bộ quản lý và khu làm việc của
nhân viên được chia khu, gọn gàng, ngăn nắp. Một cậu bạn trong nhóm ngẫu
hứng ngồi thử vào chiếc ghế trống cạnh một anh LTV đang làm việc, cười
tít mắt: “tớ ngồi thử nhé!”. Trên tường có treo khá nhiều thứ đáng chú
ý, lúc thì là tấm bản đồ mô phỏng các điểm cần “đánh” của dự án giống
như đánh chiếm cứ điểm Điện Biên Phủ, chỗ khác là các bức ảnh kỷ niệm
của các cá nhân và tập thể, chỗ lại là các bài viết về các chim vàng,
chim bạc của FSO (hình ảnh và giới thiệu về các cá nhân đạt thành tích
tốt trong công việc), chỗ khác là những bản giấy khổ A4 viết về các tin
tức của trung tâm có kèm mục thư giãn, giải trí…Các LTV vẫn tập trung
cao độ trong khi chúng tôi đi tham quan. Ghé qua phòng anh Giám đốc của
G21, cả nhóm nhao nhao chào và hỏi: Điều kiện như thế nào để được tuyển
dụng vào FSO? Anh ấy trả lời: chẳng cần điều kiện gì cả. Các em
có nhìn thấy anh ngồi cái ghế có khoác áo đỏ kia không? Anh ấy chưa tốt
nghiệp trường nào cả. Theo anh ấy thì “làm được việc” mới là
yếu tố quyết định có được nhận vào làm ở FSO hay không.
Vị trí những nơi FSO đã đặt “dấu chân” trên Bản đồ thế giới |
|
Sau khi thăm quan, nhóm tôi chuyển xuống tầng 5 lướt
qua những cái phòng tên nghe rất lạ: phòng đổi mới, phòng cất cánh, phòng
đồng đội, phòng Hà Đông…Đều là phòng họp nhưng mỗi phòng một tên. Chị
Ánh nói, ở FSO nói riêng và FPT nói chung, các phòng trong công ty đều
được đặt tên kiểu như thế. Nó cũng tạo nên nét văn hóa phân biệt FPT,
FSO với các công ty khác. Các bạn học viên biểu lộ sự ngạc nhiên pha chút
bình luận chí chóe: vào phòng cất cánh, mình được cất cánh nhỉ!
Sau đó nhóm tôi được hướng dẫn vào phòng họp lớn, nơi
tập trung các nhóm khác trong đoàn thăm quan lần này. Chúng tôi được nghe
anh Nguyễn Quốc Nguyên – trưởng phòng đảm bảo nguồn lực FSO, giới thiệu
các thông tin cơ bản về FSO với mức tăng trưởng trung bình 70% một năm.
Năm 2008, doanh thu đạt 42 triệu đô la. Từ gần chục người khi mới thành
lập năm 1999, đến nay, FSO đã phát triển lên hơn 2500 nhân viên, có văn
phòng đại diện tại Nhật, Singapore, Malayxia, Úc và Mỹ. Những con số thật
ấn tượng! Nhưng điều cả bọn quan tâm vẫn là làm thế nào được nhận vào
FSO (chúng tôi mê FSO mất rồi “_”). Anh Nguyên giải thích: quan
trọng là các bạn pass qua kỳ thi English & GMAT Test. FSO cũng ưu
tiên nhận ngay các bạn đạt thành tích tốt trong các kỳ thi CNTT trong
và ngoài nước, các bạn đã có kinh nghiệm làm việc hoặc tham gia làm các
dự án thực tế ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Các bạn học viên FPT – Aptech đang nghe giới thiệu về FSO |
|
Tiếp đó, chúng tôi được giao lưu, chia sẻ trực tiếp với
các anh Lê Hồng Hải – Trưởng phòng sản xuất số 8 trung tâm sản xuất phần
mềm số 2, anh Trần Anh Tuấn đến từ Trung Tâm sản xuất phần mềm số 10,
anh Nguyễn Đức Cường – quản lý đào tạo thuộc Phòng đảm bảo nguồn lực FSO
chia sẻ về các chương trình đào tạo và công việc thực tế của FSO qua những
điều các anh đã trải qua, qua công việc thực tế, các suy nghĩ của bản
thân. Các anh đều khẳng định: có kiên trì, đam mê thực sự thì sẽ thành
công ở bất cứ đâu. Chương trình kết thúc mà nhiều bạn vẫn nán lại hội
trường hỏi chuyện. Các anh vẫn nhiệt tình trả lời và hướng dẫn.
Các bạn học viên vui mừng nhận quà lưu niệm của FSO |
|
Chuyến “Du xuân FSO” của tôi và các bạn học viên FPT-Aptech
đã khép lại. Chúng tôi đã có những cái nhìn tổng quát về công việc lập
trình, về các trung tâm sản xuất phần mềm, về môi trường làm việc chuyên
nghiệp – cởi mở của FSO. Ai cũng có những dự định cho riêng mình nhưng
đều chung một mục tiêu trước mắt là: học tập thật tốt tại FPT-Aptech để
sau này có cơ hội được vào thực tập và làm việc tại FSO. Chuyến thăm quan
đối với các học viên FPT – Aptech thực sự là một hoạt động hướng nghiệp
bổ ích.
Ý kiến của một
số bạn học viên FPT – Aptech sau chuyến “Du xuân FSO”
Lương
Thị Quỳnh (Lớp C0708L) |
|
Lương Thị Quỳnh
(Lớp C0708L): “Mình đang bắt đầu học năm thứ 2 tại
FPT-Aptech. Qua chuyến thăm quan, mình muốn học tập tốt để có
cơ hội được thực tập và làm việc tạo môi trường chuyên nghiệp,
team work và tính quốc tế như FSO. Em thấy chuyến đi thật bổ ích,
đặc biệt với học viên năm cuối”.
Vũ Quý Ngọc (Lớp C0810L) |
|
Vũ Quý Ngọc (Lớp
C0810L): “Mình là học viên năm đầu tại FPT – Aptech.
Chuyến đi giúp mình hiểu thêm về công việc lập trình. Theo mình,
FSO là một môi trường mở, tạo cơ hội để nhân viên có thể khẳng
định đam mê và phát huy tài năng của mình. Sau này, mình cũng
rất mong ra trường được nhận vào làm ở FSO. Trường tổ chức chuyến
đi rất phù hợp với học viên chúng mình”.
Vũ Viết Hoàn (Lớp C0612I) |
|
Vũ Viết Hoàn (Lớp
C0612I): “Du xuân FSO là hoạt động hướng nghiệp bổ
ích, đặc biệt với các bạn học viên năm cuối. Tuy nhiên, vì phần
giao lưu có hạn nên các bạn cũng chưa trao đổi được nhiều vấn
đề với các anh chị FSO. Mình hy vọng , trường tiếp tục tổ chức
các chuyến tham quan, giao lưu trực tiếp với các công ty CNTT
khác trên địa bàn Hà Nội”. |
Lan Phương |