(Post 25/03/2009) Ai cũng biết ngày mà Steve
Jobs rời Apple trước sau gì cũng đến. Vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu CEO
của Apple không trở lại vào cuối tháng 6 như đã hứa?
CEO Steve Jobs của Apple đang chuẩn bị cho một ca ghép
gan. Đây là kết quả của một biến chứng sau việc điều trị căn bệnh ung
thư tuyến tụy năm 2004, theo những người đang theo dõi sức khỏe của ông.
Lịch sử tồn tại và phát triển của chính Apple đã cho
thấy đây không phải là lần đầu tiên họ thiếu vắng Jobs, nhưng nó cũng
chứng minh rằng, không có Steve Jobs, Apple “chẳng làm được gì nên hồn”.
Kể từ khi Steve Jobs quay trở lại vào năm 1996, Apple đã liên tục “thăng
hoa” khi đưa ra một tiêu chuẩn mới về mặt thiết kế cho những chiếc máy
tính, đã có trong tay một chuỗi các cửa hàng luôn đông nghịt khách trên
khắp thế giới, đưa những bản nhạc số lên bán trên Internet, và biến những
chiếc điện thoại di động thành một “kiệt tác”.
Người khó thay thế
Ngay sau khi thông báo tạm rời Apple của Steve Jobs được
công bố, nhiều nhà phân tích đã ngay lập tức chỉ ra rằng sự vắng mặt này
không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của Apple bởi hãng đang có một ban
lãnh đạo bao gồm toàn những nhân vật tài năng “kiệt xuất”. Đó là Timothy
Cook – Giám đốc điều hành có thâm niên của Apple. Đó là Jonathan Ive –
Giám đốc thiết kế sản phẩm, người đã mang lại diện mạo hoàn toàn riêng
biệt cho những sản phẩm của Apple. Nhưng có vẻ từng ấy vẫn là chưa đủ.
“Nếu nhìn vào lịch sỷ, Apple sẽ vẫn tương đối ổn
trong ít nhất vài năm”, Paul Mercer, một chuyên gia đã từng làm việc
cho Apple trong những năm 80 phát biểu, “Nhưng đó là một điều rất mạo
hiểm bởi không có ông ấy, Apple có thể đánh mất những mục tiêu dài hạn”.
“Steve là một người rất giỏi trong việc tập hợp
những người khác, lên kế hoạch và khiến tất cả phải “dính” vào một công
việc chung duy nhất”, Stephen Perlman, một “ông chủ” khác ở Silicon
Valley, người đã từng là kỹ sư chủ chốt của Apple trong thập niên 80 nói,
“đó chính là lý do lớn nhất và quan trọng nhất cho thấy Steve là một
người rất khó thay thế”.
Apple còn được hưởng lợi rất nhiều từ khả năng thương
thảo hợp đồng và thuyết phục khách hàng, đối tác của Steve Jobs. Người
ta còn nhớ hồi năm 2003, sau khi Apple trình diện “cửa hàng số” iTunes,
không một ai “thèm” mang hàng đến đó bán. Nhưng Steve Jobs đã đến gặp
và thuyết phục được hầu hết các công ty sản xuất chương trình giải trí
đưa phiên bản số các sản phẩm của họ lên bán tại iTunes, xóa đi mối lo
ngại lớn nhất về bản quyền. Hơn 5 năm sau, iTtunes đã thành công và mang
về cho Apple một nguồn doanh thu khổng lồ đến thế nào thì thế giới công
nghệ đã biết.
Trong suốt 11 năm không có Steve Jobs (từ 1985 đến 1996),
3 vị CEO khác đã từng đến và đi khỏi Apple “không kèn, không trống” để
lại di sản là giá trị cổ phiếu của hãng tụt giảm tới 68% mặc dù họ cũng
đã có không ít những cơ hội nổi tiếng như việc giới thiệu chiếc máy tính
Mac với màn hình màu đầu tiên, cho ra đời chiếc laptop PowerBook danh
tiếng hay phần mềm QuickTime – sản phẩm tiên phong đưa video lên trình
chiếu trên máy tính cá nhân.
Apple vẫn đủ sức “thăng hoa” 5 năm nữa
Andrew Hertzfeld, một trong những người đầu tiên trong
nhóm phát triển máy tính Macintosh của Apple, hiện đang làm cho Google
cho rằng với hơn 12 năm được Steve Jobs lãnh đạo, những giá trị mà vị
CEO này tạo ra sẽ hoàn toàn không dễ biến mất khỏi Apple. Những sản phẩm
và dịch vụ sắp ra mắt trong tương lai của hãng như máy tính iMac thế hệ
mới, Nano iPhone… vẫn in rất đậm dấu ấn của Steve Jobs. “ông ấy hoàn
toàn có thể yên tâm vắng mặt tại Apple trong ít nhất nửa thập kỷ”,
Andrew Hertzfeld nói.
Thậm chí, nhiều chuyên gia khác còn lạc quan hơn nữa
khi cho rằng trong trường hợp xấu nhất là Steve không thể trở lại Apple
vào cuối tháng 6 như đã hẹn thì những di sản mà ông ấy để lại đủ khiến
Apple tiếp tục “thăng hoa” thêm nhiều thập kỷ nữa. Hãy nhìn vào những
lãnh đạo khác đang nắm vai trò chủ chốt tại Apple. Họ là ai? Có thể nói,
họ là những học trò xuất sắc nhất, là bản sao gần như hoàn hảo của Steve
Jobs và thông qua họ, các cổ đông và người hâm mộ Apple hoàn toàn có thể
yên tâm rằng cả Steve và Apple đã có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng cho “ngày
không Steve Jobs” tại đây.
Nhưng những người lo lắng cho sự vắng mặt của Steve vẫn
có lý do khác. “Thế giới lo ngại cho Apple nhưng tôi lo ngại cho cả
Silicon Valley. Tôi cần Apple để họ trở thành một đối trọng với Microsoft.
Chúng ta cần khuấy động bầu không khí của công nghệ bởi nếu không có ai,
Silicon Valley sẽ trở thành một Detroit (Trung tâm ngành công nghiệp xe
hơi Mỹ, hiện đang phải đối mặt với những vụ phá sản hàng loạt của nhiều
hãng lớn như GM, Ford… - PV) thứ 2”, Perlman – Giám đốc của một hãng
công nghệ ở Silicon Valley phát biểu.
Lương Hương |