(Post 20/05/2009) Lãnh đạo Chính phủ đề nghị
triển khai 13 giải pháp đào tạo nhân lực công nghệ cao (CNC) nhằm đáp
ứng nhu cầu trong thời gian tới.
Nhà máy
kiểm định chip của Intel tại Việt Nam sắp đi vào sản xuất sẽ là
nơi cần nhân lực công nghệ cao. Ảnh Minh họa |
|
“Đầu tư đào tạo nhân lực công nghệ cao (CNC) đòi
hỏi chi phí ban đầu lớn, tuy nhiên hiệu quả kinh tế đem lại là vô cùng
to lớn. Vì thế, đào tạo nhân lực CNC đáp ứng nhu cầu xã hội là hướng đi
đúng, nhằm làm thay đổi căn bản nhận thức của các cơ sở đào tạo, nhận
thức của những cơ sở CNC và người học”, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện
Nhân nhấn mạnh tại “Hội thảo quốc gia Đào tạo nguồn nhân lực công nghệ
cao theo nhu cầu xã hội” do Bộ GD&ĐT, Bộ KH&CN, UBND tỉnh Bình
Dương tổ chức ngày 11/4 tại tỉnh Bình Dương.
Các đại biểu tham dự hội thảo đều thống nhất cho rằng:
Hiện Việt Nam chưa sở hữu hay làm chủ được công nghệ nguồn, công nghệ
cốt lõi nào thuộc lĩnh vực CNC mà mới chỉ dừng ở mức làm chủ được một
vài công đoạn, một số quá trình hoặc một số yếu tố CNC mang tính chuyên
ngành.
Đề cập tới cơ cấu đào tạo về CNC ở Việt Nam, Thứ trưởng
Thường trực Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long cho biết, hiện nay cả nước có 321
trường đại học, cao đẳng đào tạo các ngành về CNC như CNTT, Công nghệ
sinh học, Công nghệ vật liệu và Công nghệ Tự động hoá/Điện tử - Viễn thông;
trong đó có 128 trường đại học đào tạo các ngành CNC trình độ đại học
(chiếm tỷ lệ 40%) và 193 trường đại học (60 trường), cao đẳng (133 trường)
đào tạo các ngành CNC trình độ cao đẳng (chiếm tỷ lệ 60%).
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân
cho rằng, từ nay đến năm 2020, chúng ta muốn có được số lượng lớn nhân
lực CNC đủ tiêu chuẩn quốc tế, kỹ sư chất lượng cao, bản thân cá nhân
người được đào tạo và cả cộng đồng phải rất nỗ lực để thúc đẩy các chương
trình đào tạo CNC hiện có và quyết tâm xây dựng những chương trình mới.
Theo đó, Phó Thủ tướng đã đề xuất 13 giải pháp cụ thể hóa về đào tạo nhân
lực CNC như sau:
1. Cụ thể hóa chương trình đào tạo nhân
lực theo nhu cầu xã hội của Chính phủ.
2. Khuyến khích và đẩy mạnh hình thành
việc đào tạo có chất lượng quốc tế ở các trường đại học để có thể phục
vụ được các nhu cầu đào tạo CNC.
3. Đẩy mạnh việc đào tạo theo hợp đồng,
thử nghiệm các cơ chế đào tạo nhân lực cho tập đoàn Intel.
4. Khẩn trương đưa trung tâm hỗ trợ
đào tạo, cung cấp nhân lực của Bộ GD-ĐT vào hoạt động.
5. Sớm hình thành các chuỗi phòng thí
nghiệm trong cả nước, qua đó để có thể chuyển giao công nghệ nhanh cho
các doanh nghiệp.
6. Có chính sách khuyến khích các doanh
nghiệp tham gia thành lập trường học trên cơ sở Nghị định 69 của Chính
phủ.
7. Hình thành và tiếp tục phát huy các
trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động.
8. Đẩy mạnh chương trình đào tạo 2 vạn
tiến sĩ, đặc biệt chú ý tỷ lệ của nhóm ngành CNC.
9. Xây dựng chính sách để khuyến khích
nhân tài đi đào tạo ở nước ngoài sau đó trở về xây dựng khoa học CNC.
10. Hình thành các phương tiện thông
tin đặc thù như tạp chí, bản tin chuyên ngành để có sự giao lưu giữa nhà
đào tạo và các DN có nhu cầu đào tạo.
11. Sẽ tiến hành hội nghị quốc gia hàng
năm về CNC, gắn nghiên cứu, đào tạo với sử dụng của DN trong nước và quốc
tế.
12. Có cơ chế khen thưởng trong lĩnh
vực này, khen thưởng các nhà khoa học, các nhà trường và các DN đã đóng
góp công sức vào đào tạo CNC.
13. Có chương trình, cơ chế khuyến khích
Việt kiều, các nhà khoa học và doanh nghiệp nước ngoài đến hỗ trợ đào
tạo CNC ở Việt Nam.
P.V
(theo ICTnews) |