(Post 22/05/2009) Trong vòng một năm qua,
những chuyên gia thiết kế cao cấp của Google lần lượt rũ áo ra đi vì không
thể chịu được cách quản lý và môi trường làm việc ở đó.
|
Ngày 20/3, Doug Bowman – chuyên gia thiết kế cuối cùng
đã quyết định rời khỏi Google sang đầu quân cho Twitter, để lại sau đó
là một khoảng trống “mênh mông” trong lĩnh vực thiết kế sản phẩm và trải
nghiệm người dùng của Google. Cách đây gần 1 năm, Google cũng đã mất chuyên
gia thiết kế tài năng nhất của họ, Kevin Fox – người đã góp công lớn trong
việc khai sinh cho dịch vụ Gmail và Google Reader – vào tay của FriendFeed.
Giữa năm ngoái, Jeff Veen – người cuối cùng trong nhóm thiết kế sản phẩm
Google Map, rời Google để sang làm việc cho một công ty mới thành lập
có tên là Small Batch. Đầu tháng trước, Alexander Limi, người sáng lập
cho dự án CMS Plone cũng đã ra đi và đến tháng 11/2008 là cuộc chia tay
của Adam Howell. Kể từ sau ngày 20/3, Google đã gần như không còn một
chuyên gia thiết kế cao cấp nào. Chuyện gì đang xảy ra ở hãng tìm kiếm
trực tuyến lớn nhất thế giới này?
Nếu như những người đã bỏ Google ra đi để sang đầu quân
cho một đối thủ sừng sỏ khác, chuyện có thể không đáng nói vì cuộc chiến
cạnh tranh nhân tài giữa họ vẫn quyết liệt từ xưa đến nay. Nhưng có điều
tất cả những người ra đi đều chọn bến đậu mới là những công ty nhỏ, thậm
chí còn vừa mới thành lập để nhận mức lương thấp hơn nhiều so với khi
họ đang ở Google.
Có 3 lý do chính gây ra tình trạng này.
Lý do thứ nhất, đó là hệ quả của những sai lầm
trong vấn đề quản lý.
Một vài sai lầm nhỏ trong vấn đề tuyển dụng nhân sự đã
ảnh hưởng mạnh đến những người đang làm việc cho Google. Các chuyên gia
thiết kế đã bị buộc phải tham dự rất nhiều những cuộc họp có nội dung
chẳng liên quan gì đến công việc hay bộ phận của họ. Hậu quả của những
cuộc họp ấy là hầu hết đều phải ở lại công ty để làm việc ngoài giờ và
Google gọi đó là chính sách làm việc “120% thời gian”.
Không chỉ mất thời gian, những cuộc họp còn khiến cho
các nhà thiết kế mất hết cảm hứng và ý tưởng mà họ đã dự định áp dụng
trong công việc mà đó lại là những yếu tố quan trọng hàng đầu của những
người làm thiết kế.
Theo tiết lộ của những người đã ra đi, họ muốn dừng chân
ở những công ty nhỏ, hoặc mới thành lập để khỏi phải tiêu tốn năng lượng
vào những công việc “vô bổ”. Trong blog của mình, Alexander Limi đã nói:
“Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu như trong vòng 1-2 năm tới Google vẫn giữ
được vị trí số 1 trong lĩnh vực trải nghiệm người dùng. Google không thiếu
tài năng nhưng vấn đề là những tài năng ấy đang bị phí phạm vào những
cuộc họp và cung cách quản lý nhân sự kém cỏi”.
Lý do thứ hai: các lãnh đạo cấp cao của Google
quá “ba phải”.
Chuyên gia Doug Bowman – người vừa quyết định bỏ Google
sang Twitter đã tiết lộ một bí mật: “Nhiều khi những người có trách
nhiệm ở Google không thể quyết định được việc họ nên dùng màu xanh nào
cho sản phẩm sắp tới và cuối cùng họ đã phải mang cả 41 mẫu màu xanh ra
thử nghiệm để quyết định dùng cái nào. Chưa hết, chỉ một vấn đề cỏn con
và vô bổ như nên để bo ( đường viền) cho thiết kế này dày bao nhiêu? 3,4
hay 5 pixel họ cũng cãi vã nhau triền miên và cuối cùng lại bắt tôi phải
chứng minh quan điểm của mình. Thực sự tôi không thể làm việc trong một
môi trường như thế”.
Ở Google, các chuyên gia thiết kế phải làm việc theo
kiểu “thiết kế theo ý định hội đồng”. Họ cho phép các nhà thiết kế được
đưa ra ý tưởng của mình cũng như đấu tranh về bảo vệ ý tưởng đó nhưng
trong đa số các trường hợp, ý kiến của các nhà thiết kế không thể tồn
tại “trong một căn phòng đầy những nhân vật với mỗi người một ý kiến
nhưng điều quan trọng là họ có quyền quyết định cuối cùng”.
Lý do thứ ba: Môi trường làm việc
Hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên khi Google bị phàn nàn
về môi trường làm việc nhưng thực chất, đại gia tìm kiếm này đang phạm
sai lầm trong việc bố trí không gian làm việc của các bộ phận cũng như
trả giá cho sự phát triển quá nhanh trong một thời gian ngắn. Tại trụ
sở chính của họ chỉ có 2 bộ phận: Tìm kiếm và Quảng cáo. Những bộ phận
khác bao gồm cả bộ phận thiết kế trải nghiệm người dùng (UX) lại nằm rải
rác thậm chí cách xa nhau hàng chục km. Ở góc độ kinh doanh, điều đó gần
như không có sự ảnh hưởng nhưng ở góc độ quản lý nhân sự, đó là một sai
lầm. Google đã “lớn quá nhanh” trong một thời gian ngắn nên họ không có
thời gian và điều kiện để dọn dẹp những di chứng của giai đoạn trước đó.
Khi phát triển quá nhanh và có quá nhiều sản phẩm được tung ra trong một
thời gian ngắn, các kỹ sư và chuyên gia thiết kế gần như không có cơ hội
để được chứng tỏ họ đã đóng góp gì vào sự phát triển của công ty.
Adam Howell – một chuyên gia thiết kế và phát triển các
dịch vụ trên nền web của Google tâm sự: “Nhiều lúc, những người làm
thiết kế như chúng tôi rất hoang mang. Chỉ trong vòng 2 năm tôi ở bộ phận
thiết kế trải nghiệm người dùng, bộ phận này đã phải chuyển nơi làm việc
tới 4 lần và cũng trong từng đó năm, tôi có phải làm việc với 4 “đời”
quản lý khác nhau. Trong khi những vấn đề cũ còn chưa được giải quyết
thì người mới về lại đặt ra cho chúng tôi những vấn đề mới và thực tình,
tôi chẳng biết “bơi” thế nào trong mớ rắc rối này”.
Adam cũng đã chỉ ra một số giải pháp mà theo ông Google
cần phải làm ngay trước khi mọi việc quá muộn. Đầu tiên là Google hãy
ngừng ngay các chiến dịch tuyển dụng ồ ạt và tràn lan và thay vào đó là
tạo ra một bộ khung vững chắc cho tất cả các bộ phận. Thứ hai, Google
nên thay đổi phương cách làm việc với những chuyên gia thiết kế. Hãy cho
họ không gian phát triển sản phẩm của mình và tôn trọng ý tưởng của họ.
Người quản lý của họ phải là người đứng đầu các dự án và phải thấu hiểu
sâu sắc công việc mà các nhân viên đang làm.
“Tuần nào cũng phải báo cáo công việc với một vị
chẳng biết gì về chuyên môn quả thực là phí phạm thời gian và thậm chí
còn gây “ức chế” khi vị quản lý đó luôn miệng thúc giục chúng tôi phải
làm việc năng suất hơn nữa. Hãy để chúng tôi được làm việc và hãy tin
tưởng chúng tôi”, Adam nói.
Lương Hương
(theo ICTnews)
|