(Post 26/05/2009) “Google còn hiểu rõ về bạn
hơn cả mẹ đẻ của bạn”. Đó là câu mà nhiều chuyên gia phân tích ngày nay
đều muốn nói với người dịch vụ tìm kiếm Internet nổi tiếng này.
Biết những gì?
Nếu câu nói này được đưa ra một vài năm trước đây thì
có nói nó sẽ bị người dùng Google phản đối mạnh mẽ. Nhưng ngày nay khi
mà Google ngày càng “bành trướng” với nhiều sản phẩm và dịch vụ hơn thì
người dùng đã phải ngồi lại để cân nhắc trước khi có phản ứng đối với
câu nói trên đây.
Sở dĩ các chuyên gia phân tích phải đưa ra “cảnh báo”
trên đây bởi thực tế này hiện đang gây ra rất nhiều lo ngại về vấn đề
bảo vệ tính riêng tư người dùng trên thế giới mạng Internet.
Và Google chỉ là cái tên được lấy ra làm đại diện mà
thôi đơn giản vì hãng này quá nổi tiếng và có quá đông khách hàng sử dụng
dịch vụ. Nếu bạn sử dụng công cụ tìm kiếm của Google thì Google sẽ biết
bạn thường tìm kiếm những gì. Hay nếu bạn truy cập vào website của đối
tác nào đó có sử dụng dịch vụ quảng cáo của Google thì Google sẽ biết
bạn đã thao tác những gì trên trang web đó. Còn nếu bạn sử dụng trình
duyệt Chrome mới ra mắt của Google thì Google sẽ biết được tất cả những
website mà bạn đã truy cập.
Google còn có trong tay email của bạn nếu bạn sử dụng
Gmail, lịch hẹn làm việc nếu bạn sử dụng Google Calendar, và thậm chí
là cả chỗ gần đây nhất của bạn nếu bạn có dùng dịch vụ Google Latitude.
Hãng này còn biết bạn đã xem những gì trên YouTube hay biết bạn đã gọi
cho ai – thậm chí toàn bộ lời thoại cuộc gọi – nếu bạn sử dụng Google
Voice.
Và nếu bạn có một album ảnh nào đó trên dịch vụ Picasa
Web Albums thì chỉ cần ứng dụng một công nghệ nhận dạng gương mặt là Google
đã có thể biết được gương mặt bạn cũng như những người bạn khác của bạn
qua những bức ảnh có trong album.
Còn nữa nếu bạn có sử dụng Google Books thì Google còn
có thể biết được cả sở thích đọc của bạn, khoảng thời gian mỗi ngày mà
bạn thường dành cho việc đọc cũng như những gì mà bạn đã ghi lại trên
trang web dịch vụ này.
Cái gốc của lo ngại
Nói vậy chứ thực tế Google không biết bất kỳ cái gì về
bạn cả đâu. Nói nghe có vẻ hơi mâu thuẫn chứ thực tế Google đâu có đủ
thời gian để tìm hiểu sâu về bạn như thế được. Cái mà Google có được chính
là một cơ sở dữ liệu khổng lồ về bạn cũng như những hoạt động trên thế
giới mạng Internet của bạn – từ những nội dung mà bạn đã tạo ra trong
quá trình tìm kiếm cho đến những website mà bạn đã truy cập đến và những
quảng cáo nào bạn đã nhắp chuột vào.
Có thể nói Google đang mong đợi “người dùng tin tưởng
vào hãng này là chính”.
Nguyên tắc ứng xử với thông tin cá nhân người dùng của
Google rất rõ ràng: “Chúng tôi không bán những thông tin cá nhân người
dùng. Chúng tôi không thu thập thông tin nếu không được sự cho phép của
người dùng. Chúng tôi không sử dụng thông tin cá nhân người dùng phục
vụ cho mục đích quảng cáo mà không được sự cho phép của người dùng”.
Nguyên nhân làm nảy sinh những lo ngại trong cộng đồng
mạng đều bắt nguồn từ một gốc duy nhất. Đó là chuyện thuật ngữ “thông
tin cá nhân” đến nay vẫn chưa có được một định nghĩa chung nhất. Mỗi người
có vẻ như vẫn có một cách hiểu khác nhau.
Google không phải là công ty duy nhất theo đuổi mô hình
kinh doanh như trên. Nói như tác giả cuốn sách “Google biết được bao
nhiêu về bạn?” – Greg Conti, Giáo sư Học viện quân sự Mỹ West Point
– thì: “Công cụ trực tuyến không hoàn toàn miễn phí. Cái giá mà chúng
ta phải trả chính là thông tin cá nhân của chính chúng ta”.
Nắm trong tay một khối lượng thông tin cá nhân khổng
lồ, những nội dung mà người dùng đã tạo ra, những hoạt động mà người dùng
đã thực hiện khi bước lên thế giới mạng Internet … chính là nguyên nhân
khiến Google “bị lôi ra làm bia đỡ đạn”.
Pam Dixon – Giám đốc điều hành World Privacy Forum –
khẳng định: “Không một công ty nào trên thế giới có được một cơ sở
dữ liệu khách hàng lớn như Google”.
Minh bạch hay không minh bạch
Một nguyên nhân nữa khiến Google “trở thành tấm bia
đỡ đạn trước nòng súng của các nhà hoạt động bảo vệ tính riêng tư cá nhân
người dùng” chính là chuyện hãng này chưa minh bạch hóa cách thức
mà hãng này đã dùng để thu thập thông tin người dùng, cách thức chia sẻ
sử dụng những thông tin này giữa các dịch vụ và đối tác quảng cáo của
hãng này, cách thức bảo vệ những thông tin này trước “con mắt” của các
nhân viên điều tra chính phủ cũng như việc thời gian những dữ liệu này
được lưu trữ trên máy chủ của hãng, bao nhiêu lâu thì những dữ liệu đó
sẽ được xóa hoàn toàn khỏi máy chủ của Google?
Ngoài ra Google cũng chưa hề giải thích rõ những quyền
cơ bản của người dùng đối với những thông tin mà hãng đã thu thập. Tổng
hợp tất cả những nguyên nhân này thì rõ ràng ai cũng thấy chuyện Google
trở thành “bia đỡ đạn” là một điều tất yếu…
Nói vậy chứ việc không minh bạch trong chính sách không
chỉ giới hạn ở riêng Google mà đang là một tình trạng rất phổ biến trên
mạng Internet. Nó phổ biến đến mức mà gần đây Ủy ban thương mại liên bang
Mỹ đã lên tiếng cảnh báo rằng sẽ thắt chặt quản lý đối với kinh doanh
trực tuyến nếu như ngành này không thể giải thích “rõ ràng, ngắn gọn,
súc tích, dễ hiểu và nhất quán” những thông tin được thu thập, cách thức
sử dụng những thông tin này cũng như việc người dùng có thể làm gì để
loại bỏ những thông tin mà họ không hề mong muốn bị thu thập.
Còn tiếp ...
(theo VnMedia) |