(Post 02/06/2009) “Google còn hiểu rõ về bạn
hơn cả mẹ đẻ của bạn”. Đó là câu mà nhiều chuyên gia phân tích ngày nay
đều muốn nói với người dịch vụ tìm kiếm Internet nổi tiếng này.
Các phần đã đăng:
Nhượng bộ?
Trước áp lực ngày càng lớn của cộng đồng đấu tranh bảo
vệ tính cá nhân riêng tư người dùng, Google cuối cùng cũng phải nhượng
bộ thêm một lần nữa.
Không đồng ý xóa bỏ mọi dữ liệu nhật ký máy chủ nhưng
Google đồng ý cứ sau một khoảng thời gian nhất định hãng này sẽ tiến hành
“nặc danh hóa” những thông tin này. Mục đích là để làm sao những thông
tin những thông tin này không còn gắn với bất kỳ cookie hay một địa chỉ
IP cụ thể nào đó.
“Khoảng thời gian nhất định” được nói đến trên đây theo
đúng một thỏa thuận đã đạt được trong năm 2007 là 18 tháng. Song tháng
9 năm ngoái Google đã quyết định rút ngắn khoảng thời gian này xuống còn
9 tháng. Duy nhất đối với cookie trình duyệt thì thời gian vẫn được duy
trì y nguyên như cũ. Mọi dịch vụ của Google đều phải tuân thủ theo đúng
quy định mới này.
Mặc dù nhượng bộ như thế nhưng Google vẫn chưa hoàn toàn
“thoát kiếp bia đỡ đạn”. Hãng này vẫn liên tục bị lên án vì kiểu cách
nặc danh hóa thông tin một cách rất nửa vời. Ví dụ, Google chỉ chấp nhận
xóa bỏ 8 bit cuối cùng trong địa chỉ IP 32-bit. Điều này mới chỉ giúp
PC của người dùng “nặc danh” trong một nhóm 256 người dùng PC khác trong
cùng một vị trí địa lý.
Đối với một công ty đăng ký sử dụng một số lượng địa
chỉ IP nhất định thì việc xóa thông tin địa chỉ IP theo cách trên gần
như không có tác dụng gì cả. Mọi hoạt động của người dùng trong công ty
gần như vẫn bị phơi bày đầy đủ ra bên ngoài. Chỉ cần kết hợp những thông
tin này và những dữ liệu cá nhân khác là Google vẫn rất dễ dàng xác định
được cụ thể từng người dùng.
Cũng phải đối mặt với những lên án như Google nhưng có
những đối thủ của hãng này lại thấy đây là cơ hội rất tốt để cạnh tranh.
Cụ thể, thay vì “nặc danh hóa” địa chị IP, Microsoft tuyên bố sẽ xóa bỏ
toàn bộ thông tin dữ liệu nhật ký máy chủ sau mỗi 18 tháng đồng thời đề
xuất cứ sau mỗi 6 tháng toàn bộ các dữ liệu nhật ký tìm kiếm đều phải
được “nặc danh hóa” hoàn toàn.
Yahoo “nặc danh hóa” các yêu cầu tìm kiếm cũng như các
dữ liệu nhật ký khác sau mỗi 3 tháng. Trong khi đó Ixquick còn không thèm
ghi lại địa chỉ IP của người dùng. Có thể thấy đây đều là những biện pháp
nhằm hút lấy người dùng của Google.
Nếu bị dùng sai mục đích?
Một trong những vấn đề mà cộng đồng bảo vệ tính riêng
tư cá nhân của người dùng lo ngại nhất là chuyện nếu như “kho dữ liệu
không lồ” của Google lọt vào “bàn tay xấu xa” của một kẻ nào đó thì hậu
quả sẽ như thế nào. Với những dữ liệu như thế, người ta sẽ có thể điều
tra chi tiết cụ thể tất tần tật về người dùng. Không thể không nghĩ tới
trường hợp người dùng còn có thể phải đối mặt với pháp luật khi những
thông tin của Google bị tiết lộ ra bên ngoài.
Hiện luật bảo vệ tính riêng tư cá nhân người dùng gần
như không mấy đả động đến vấn đề này nhiều lắm. Cùng lúc đó chính sách
bảo vệ tính riêng tư của các hãng – cả Google cũng vậy – đều không hề
đề cập đến bất kỳ một biện pháp bảo đảm rằng các công ty sẽ thông báo
đầy đủ cho người dùng trong trường hợp các cơ quan bảo vệ pháp đòi họ
phải cung cấp thông tin cá nhân của họ.
Cộng đồng bảo vệ tính riêng tư cá nhân người dùng hiện
đang muốn Google công khai rõ ràng đến nay hãng này đã nhận được tổng
cộng bao nhiêu “trát” từ phía các cơ quan bảo vệ pháp luật đòi cung cấp
thông tin cá nhân người dùng cũng như việc hãng này hồi đáp những “trát”
đó như thế nào. Song không chỉ Google mà cả các đối thủ cạnh tranh của
hãng này đều từ chối cung cấp thông tin về vấn đề này.
Có một số lãnh đạo của Google đã từng tiết lộ rằng khi
nhận được những cái “trát” như thế này này thường “đối phó” sao cho đúng
luật và sao cho không tiết lộ thông tin cá nhân của người dùng.
Lấy ví dụ như trường hợp Google bị hãng truyền thông
Viacom khởi kiện liên quan đến vấn đề bản quyền trên YouTube. Viacom đã
có được “trát” của tòa án buộc Google phải cung cấp lịch sử duyệt YouTube.
Google đã “hồi đáp” bằng cách chỉ cung cấp những dữ liệu đã được “nặc
danh hóa” hoàn toàn và không thể được sử dụng để lần ra bất kỳ một người
dùng cụ thể nào.
Trên đây mới chỉ là vụ kiện nổi tiếng nhất mà thôi. Chắc
chắn Google phải đối mặt với rất nhiều tình huống tương tự như thế. Hãng
này đã có những biện pháp như thế nào để đối phó với những yêu cầu cung
cấp thông tin người dùng.
Đâu là giải pháp
Cộng đồng đấu tranh bảo vệ tính riêng tư cá nhân người
dùng cho rằng Google nên giới hạn việc thu thập thông tin cá nhân người
dùng và chỉ lưu trữ chúng trong một thời gian ngắn. Điều này sẽ làm hài
lòng được cả hai phía – người dùng và Google.
Trong điều kiện kinh tế như hiện nay các nhà làm luật
đều tập trung chủ yếu đến vấn đề kinh tế là chính chứ có lẽ trong thời
gian ngắn sẽ chưa nhòm ngó gì đến vấn đề luật bảo vệ tính riêng tư cá
nhân của người dùng cả.
Song nói vậy chứ các nhà làm luật cũng không hoàn toàn
bỏ qua hẳn vấn đề này. Thời gian qua họ cũng đã liên tục gây áp lực buộc
Google phải tăng cường bảo vệ tính cá nhân người dùng. Nói thẳng ra thì
họ muốn Google “từ bia đỡ đạn” trở thành “kẻ đi tiên phong mở đường làm
tấm gương” cho những hãng khác.
Thông tin cá nhân chính là “cái giá” mà người dùng phải
trả khi đăng ký sử dụng các phần mềm và dịch vụ ứng dụng trên web. Chính
vì thế mà người dùng cần phải biết họ “phải trả bao nhiêu” và “những gì
mà họ bỏ ra” có hoàn toàn tương xứng với những gì mà họ nhận được hay
không. Họ phải có quyền được chọn lựa chia sẻ những thông tin gì và ai
là người có quyền được truy cập đến những thông tin đó.
Căng thẳng giữa một bên là nhu cầu bảo vệ tính riêng
tư cá nhân và một bên là nhu cầu được linh hoạt trong việc sử dụng những
thông tin của người dùng có thể nói sẽ còn kéo dài và rất khó giải quyết
triệt để. Google là một công ty và hãng này kiếm được lợi nhuận từ những
thông tin thu thập được từ phía người dùng. Nguồn lợi nhuận này lại được
đầu tư phát triển các dịch vụ miễn phí cho người dùng. Đó là cuộc trao
đổi giữa “cho-và-nhận”.
Mô hình kinh doanh của Google hoàn toàn dựa chủ yếu
vào sự tin tưởng của người dùng. Thách thức của Google là phải làm thế
nào phải xây dựng được niềm tin của người dùng vào mô hình kinh doanh
đó mà không hề ảnh hưởng đến tính sáng tạo linh hoạt trong kinh doanh.
Luật bảo vệ tính riêng tư cá nhân tương lai sẽ đóng vai
trò quyết định đâu là giới hạn được làm và đâu là giới hạn cấm. Có lẽ
khi đó các bên sẽ có một sự thỏa mãn nhất định.
Còn tiếp...
Hoàng Dũng (Tổng hợp)
(theo VnMedia) |