(Post 18/06/2009) "Phải làm triệt để.
Tất cả các em đến tuổi phải học hết tiểu học, học đàng hoàng, và phải
dạy đạo đức sao cho khi các em tốt nghiệp tiểu học phải xứng đáng là những
thiếu niên ham học hỏi, hiền ngoan, có thái độ và hành động đúng mực ở
nơi công cộng và đối với các quan hệ xã hội". - GS Trần Văn Thọ
Giáo sư
Trần Văn Thọ và nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển |
|
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Đứng trước
một bước ngoặt mới, nhiều người quan ngại nếu chúng ta không tiếp tục
đổi mới mạnh mẽ, cứ ì ạch như thế thì không thể đưa đất nước bật lên được.
Nhìn vào câu chuyện tranh chấp biển Đông thì rõ, nếu không nhanh chóng
trở thành một cường quốc, vững mạnh về kinh tế thì dân tộc ta luôn bị
lép vé, o ép?
Giáo sư Trần Văn Thọ: Về lâu dài, để
cạnh tranh được với thế giới lại liên quan đến giáo dục đào tạo. Giáo
dục đào tạo ở VN chưa thể khiến người ta lạc quan. Chúng ta mở đại học
ra tràn lan, nhưng liệu các sinh viên tốt nghiệp đại học đó có cung ứng
đủ nhân tài cho giai đoạn phát triển sắp tới không? Đó là một câu hỏi
rất lớn.
Phải dạy cách làm người trước
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Giáo dục
đang là câu chuyện thời sự, bây giờ ai cũng bàn, ai cũng kêu ca. Phó Thủ
tướng kiêm Bộ trưởng Giáo dục cũng rất trăn trở, mong muốn cải cách. Nhưng
cảm giác là chúng ta vẫn chưa tìm được điểm khởi đầu để bật lên. Giả sử
nếu đứng đầu ngành Giáo dục, ông sẽ làm gì để tháo gỡ thế bế tắc này
Giáo sư Trần Văn Thọ: Theo tôi, chỉ
tiêu số lượng không nên đặt ra. Bộ Giáo dục cho biết, vì còn thua các
nước xung quanh về số lượng sinh viên (trên 10 vạn dân) nên giờ phải đạt
cho được. Nếu đặt mục tiêu đạt cho được số lượng, nhưng chất lượng không
được thì sao? Tôi thấy các bậc học ở dưới cũng còn nhiều vấn đề lắm.
Giáo dục phải được nhìn nhận như hình tháp, rất vững
chãi ở phần dưới rồi mới từ từ đi lên. Chỉ cần đi khảo sát thực tế vài
nơi thôi, chẳng hạn các tụ điểm bán báo dạo tại các thành phố lớn, ta
sẽ thấy có rất nhiều em ở tuổi trên dưới 15 đến từ vùng nông thôn chưa
học hết tiểu học và về tác phong, đạo đức, còn quá nhiều tồn tại đáng
lo.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Ý của Giáo
sư là chúng ta phải giải quyết cấp tiểu học trước?
Giáo sư Trần Văn Thọ: Phải làm triệt
để. Tất cả các em đến tuổi phải học hết tiểu học, học đàng hoàng, và phải
dạy đạo đức sao cho khi các em tốt nghiệp tiểu học phải xứng đáng là những
thiếu niên ham học hỏi, hiền ngoan, có thái độ và hành động đúng mực ở
nơi công cộng và đối với các quan hệ xã hội.
Phải làm dứt điểm từ cấp tiểu học, sau đó đến cấp 2,
trung học và đại học. Dĩ nhiên hiện nay phải cải cách đồng thời các bậc
học nhưng với nguồn lực giới hạn thì thứ tự ưu tiên phải từ bậc ở dưới
đi lên.
Với đại học cũng phải đặt chất lượng là ưu tiên hàng
đầu. Chất lượng tốt rồi thì đào tạo ít cũng được. Những người tốt nghiệp
ra phải làm được việc, nhưng làm được việc không có nghĩa là làm được
ngay những công việc cụ thể ở nhà máy, ở công ty.. . Trong nước có nhiều
người hiểu sai vấn đề này. Ở các nước phát triển, không phải cứ tốt nghiệp
đại học ra là làm được việc ngay. Vào công ty còn phải được huấn luyện
một thời gian, 3 tháng, 6 tháng hay 1 năm, tùy theo công việc. Vấn đề
cơ bản là sau thời gian được huấn luyện đó có làm được việc không.
Ở đây vấn đề quan trọng là năng lực cơ bản của người
tốt nghiệp, là năng lực thích ứng, năng lực tiếp thu cái mới. Bây giờ,
công nghệ kỹ thuật tiến rất nhanh, đại học không thể đào tạo nhân tài
đảm nhận được ngay những lĩnh vực cụ thể mà mục tiêu đào tạo phải là năng
lực cơ bản, khả năng tự học tập, năng lực tiếp thu cái mới.
Nguyên Bộ Trưởng Trương Đình Tuyển:
Mặc dù không phải là một chuyên gia giáo dục, nhưng tôi hoàn toàn đồng
ý với ông Thọ.
Có một thực tế là tỉ lệ sinh viên những người tốt nghiệp
đại học trên một vạn dân Việt Nam vẫn rất thấp so với trong vùng. Đó là
thực tế. Nhưng không vì thế mà chúng ta chạy theo số lượng. Quan trọng
nhất là phải bảo đảm chất lượng. Bởi chạy theo số lượng thì thực tế không
có đủ giáo viên để dạy. Một giáo viên có khi ghi tên đến sáu, bảy trường,
có khi chỉ ghi tên cho người ta làm hồ sơ nộp thôi chứ không thể đi dạy
được. Và nếu đi dạy được thì cũng không có thời gian để đầu tư cho bài
giảng của mình, không có thời gian để nghiên cứu khoa học. Mà dạy đại
học không có nghiên cứu khoa học thì không có nền giáo dục chất lượng
cao.
Do vậy, phải bắt đầu từ hai việc. Một là, xây dựng nền
tảng cho phát triển giáo dục, phải làm từ giáo dục phổ thông. Hai là,
trong phát triển đại học, để có số lượng, trước hết giải quyết chất lượng
đã. Trước mắt là đầu vào, là giáo viên và học sinh. Thầy không giỏi thì
đừng nói là có trò giỏi. Có khi thầy giỏi rồi nhưng trò vẫn chưa giỏi
thì còn phụ thuộc vào khả năng tiếp nhận của sinh viên ấy. Nhưng nếu không
có thầy giỏi thì không bao giờ có trò giỏi.
Giáo dục phải được nhìn nhận như hình tháp, rất vững chãi ở phần dưới rồi mới từ từ đi lên |
|
Cơ chế cũ khiến người tài né tránh
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Xung quanh
câu chuyện trồng người, hiện nay, Bộ GD - ĐT đang lo thiếu thầy cô có
năng lực tốt, đáp ứng được yêu cầu hôm nay . Giáo dục xét cho cùng là
con người, mà lại không có sự sẵn sàng về nhân lực . Theo Giáo sư, giải
quyết cái khó này như thế nào?
Giáo sư Trần Văn Thọ: Trước hết phải
tạo cơ chế làm sao để người tài muốn đến dạy tại các trường đại học. Tôi
gặp nhiều người Việt sang Mỹ học, tốt nghiệp những đại học hàng đầu của
Mỹ, hỏi họ lấy tiến sĩ xong rồi làm gì? Đa số trả lời sẽ xin việc tại
các cơ quan quốc tế, các viện nghiên cứu và các đại học ở nước ngoài.
Chỉ có một số ít về nước nhưng họ lại không vào dạy trong các trường đại
học mà đi làm những việc khác. Tức là đại học VN chưa phải chỗ hấp dẫn
để họ đến.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Dưới góc
nhìn của Giáo sư, vì sao các trường đại học Việt Nam không thu hút được
người tài? Do lương không cao hay do môi trường không lành mạnh để cho
họ được tôn trọng, được phát huy?
Giáo sư Trần Văn Thọ: Tôi nghĩ là cả
hai. Nhưng nếu có cơ chế tốt thì vấn đề tiền lương có thể được giải quyết.
Chẳng hạn người dạy ở đại học tiền lương có thể thấp nhưng nếu điều kiện
giảng dạy và nghiên cứu tốt, nhiều người tài giỏi sẽ chọn đại học làm
địa bàn hoạt động khoa học của mình và có thể kiêm nhiệm một số việc ngoài
đại học để tăng thu nhập mà không ảnh hưởng đến công việc giảng dạy.
Ngoài ra phải làm cho người dạy ở đại học có một địa
vị xứng đáng với công việc của họ mà những người khác nếu không có khả
năng nghiên cứu và không say mê với sự nghiệp giáo dục thì không thể có
được.
Ở VN cho đến gần đây, nhiều người không dạy học, không
nghiên cứu nhưng vẫn được phong giáo sư. Xã hội như vậy sẽ không làm cho
những người chuyên tâm về giáo dục nghiên cứu thích thú.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Nhiều người
kêu ca do lương thấp, do môi trường, do Nhà nước. Nhưng phải chăng chúng
ta còn nhiều trở lực khác? Chẳng hạn, ý thức của từng người dân , đơn
cử việc chấp hành luật giao thông của nhiều người rất kém. Tầng lớp tinh
hoa của xã hội thì không phải ai cũng tâm huyết cống hiến cho đất nước.
Ngay cả vấn đề nghiên cứu về biển đảo cũng chưa thấy nghiên cứu sâu sắc,
đến nơi đến chốn. Còn doanh nhân thì nhiều người còn chụp giựt, không
giữ chữ tín, thậm chí tàn phá môi trường …
Giáo sư Trần Văn Thọ: Tôi thấy chung
quy vẫn là những vấn đề liên quan đến lãnh đạo, cơ chế. Con người Việt
Nam thông minh, thích nghi, cầu tiến nhưng phải có cơ chế.
Ví dụ, trí thức Việt Nam nhiều người thật tâm muốn đóng
góp, muốn phản biện xây dựng, muốn thẳng thắn góp ý với chính phủ, nhà
nước về nhiều vấn đề mà họ thấy là hệ trọng cho đất nước. Nhưng cần phải
để họ được hoạt động trong môi trường tự do.
Ảnh minh hoạ: vinhcity.gov.vn |
|
Phải bươn chải nên người tài không chuyên tâm
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Thế nhưng
có rất nhiều ngành khoa học, ngay cả khoa học - công nghệ dù không có
ai cản nhưng chúng ta cũng không có sản phẩm công nghệ có chỗ đứng trên
thị trường toàn cầu, vẫn chưa có sản phẩm gì để thế giới phải nể phục,
hoặc sử dụng rộng rãi. Đây là lỗi ở đâu, chẳng lẽ lại đổ cho cơ chế hay
do điều hành lãnh đạo?
Giáo sư Trần Văn Thọ: Để chuyên tâm
nghiên cứu thì cuộc sống vật chất của họ phải đầy đủ. Lương của các nhà
nghiên cứu ở VN không cao nên họ phải có thu nhập ngoài tiền lương. Mà
vấn đề thu nhập ngoài tiền lương của những nhà hoạt động khoa học Việt
Nam quá lớn. Bởi họ phải lo bươn chải, lo tìm đề tài, chạy theo đề tài.
Nhiều người vào một hội đồng phản biện một đề tài là có thu nhập. Và để
có thu nhập thì anh ta phải phản biện làm sao để được mời tham gia. Thêm
vào đó, khi tham gia hội đồng, chấm luận án cũng có phong bì, được trả
thù lao.
Ngân sách xã hội trả lương cho người nghiên cứu không
thiếu. Nhưng do cách trả như vậy làm cho người nghiên cứu mất động lực
nghiên cứu.
Trường hợp của tôi làm công tác nghiên cứu, giảng dạy
ở nước ngoài, thì việc tham gia hội đồng, đánh giá một luận án là một
công việc có tính cách bổn phận. Bổn phận của giáo sư bao gồm cả các hoạt
động ấy, còn lương đã được đảm bảo đủ rồi nên không có các khoản thù lao
phụ trội cho các hoạt động ấy. Nước mình phải đổi cơ chế như vậy thì mới
được.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Nhưng nếu
là những trí thức chân chính, chính trực thì họ phải giữ quan điểm của
họ, và họ chấp nhận hi sinh lợi ích vật chất để bảo vệ chân lý khoa học,
bảo vệ lẽ phải chứ ?
Giáo sư Trần Văn Thọ: Tôi đồng ý. Có
những trường hợp ngoại lệ. Vẫn có một số nhà khoa học chân chính.
Nguyên Bộ Trưởng Trương Đình Tuyển:
Con người Việt Nam chúng ta, hay các nước cũng thế thôi, đều có những
ưu điểm và nhược điểm. Nhược điểm tồn tại trong qúa trình lịch sử. Đặc
biệt, tôi đồng ý với ông Thọ là nó gắn chặt với cơ chế.
Ví dụ: Trong chế độ bao cấp thì ta vẫn thường nói các
doanh nghiệp của ta như gà công nghiệp. Nhưng khi chúng ta chuyển sang
thị trường mới, dù chưa hoàn thiện, chưa đầy đủ, nhưng rõ ràng con người
Việt Nam trở nên năng động hơn rất nhiều. Một trong những thành tựu rất
quan trọng của đổi mới mà ít người nói đến là tạo ra một lớp doanh nhân
trẻ năng động. Quan trọng nhất là cơ chế.
(theo Tuần Việt Nam) |