(Post 20/06/2009) “Hiện nay từ đào tạo mẫu
giáo đến đào tạo tiến sĩ phương pháp dạy đều giống nhau. Cách làm này
sẽ thủ tiêu sức sống cá nhân. Cứ học dồn, cứ nghĩ rằng làm trước là xong
mà không thấy chất lượng cuộc sống của mỗi giai đoạn một khác... Bản thân
tôi cả một đời dạy học. Với tôi, “trẻ em là cứu tinh của dân tộc”. Giáo
sư Hồ Ngọc Đại trăn trở.
Giáo sư
Hồ Ngọc Đại (trái) và Nhà báo Nguyễn Quang Thiều. Ảnh Phạm Hải |
|
Trẻ con luôn luôn đúng?
Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Thưa
quý vị độc giả, câu hỏi muôn thuở của xã hội về một thứ sản phẩm, và đây
cũng là sản phẩm quan trọng nhất, hệ trọng nhất làm nên đời sống, xã hội.
Đó là sản phẩm người. Nhưng chúng ta cũng bắt đầu thấy lo lắng về sản
phẩm này. Dường như có điều bất ổn, khiếm khuyết, sai lầm, ở đâu đó trong
hệ thống giáo dục.
Cũng chính vì điều đó, VietNamNet đã mời Giáo sư
Hồ Ngọc Đại- một người dành tâm huyết cả đời mình cho nền giáo dục, cùng
bàn luận về một trong những vấn đề cấp bách của giáo dục nước nhà: đào
tạo dạy dỗ học sinh tiểu học.
GS. Hồ Ngọc Đại: Cuộc sống hiện nay
đã khác trước rất nhiều. Có căn cứ nào để chúng ta nói về sự đúng - sai.
Theo tôi, có hai căn cứ để xác định một vấn đề là sai hay đúng trong giáo
dục.
Căn cứ quan trọng nhất là cuộc sống thật, cuộc sống ta
đang sống, mà triết học gọi là khách quan. Gọi là cuộc sống thật, vì nó
phải sống thật, không thể giả dối được. Cuộc sống ấy phải là cơ sở để
xử lý tất cả mọi vấn đề (văn hóa, khoa học, chính trị, thơ văn...). Và
cuộc sống thật của ta so với cuộc sống thật của nền giáo dục hiện nay
như thế nào?
Căn cứ thứ hai là trẻ em hiện đại. Giáo dục trẻ em, dạy
trẻ con, cần phải biết nó là cái gì? Từ cuối thế kỷ 20, khi ở châu Âu,
tôi đã nhận thức được một điều là cuộc sống biến đổi ghê gớm. Tôi đã chứng
kiến sự nổi loạn của sinh viên. Tôi cũng đã từng có một cuộc phiêu lưu
lớn trong giáo dục. Nhưng cuộc phiêu lưu ấy thất bại.
Vì sao có cuộc nổi loạn của sinh viên năm 1968 và tại
sao lại có sự nổi loạn của giáo dục thế giới hồi năm 1960? Là vì họ không
chấp nhận được cái nền giáo dục hiện tại của họ. Không thể chấp nhận được
vì cuộc sống hiện đại đã hoàn toàn thay đổi.
Sự biến đổi của tuổi trẻ thế kỷ này đã khác rất nhiều
so với thế kỷ trước. Những đứa trẻ lên 5 lên 6 tuổi sống ở thế kỷ 20 đã
có thể đi làm nuôi em. Nhưng giờ đây, lứa tuổi 18, 20 vẫn còn bé bỏng,
vẫn cần cha mẹ chu cấp.
Do vậy, tôi kết luận: cuộc sống thực luôn luôn đúng.
Cuộc sống thực không thể sai. Cuộc sống là như thế, vì nó buộc phải như
thế. Cho nên, tôi gọi triết lý gốc của con người là từ đó: Muốn gì thì
gì, phải sống đã. Và rồi mới tính đến chuyện sống tốt hơn.
Trong cuộc sống thực ấy, chúng ta cứ giả định trẻ em
luôn sống đúng. Điều đó có thể khiến các thầy giáo sẽ khó chấp nhận. Vậy
trong tình huống này phải xử lý thế nào?
Khi mà cuộc sống diễn ra hiển nhiên như thế và dĩ nhiên
ta phải sống. Do vậy có khi anh phải chấp nhận chịu thua cuộc sống, đơn
giản vì anh không thể thắng nổi. Đối với trẻ em, vì đã xác định chúng
luôn đúng, cho nên ta phải bằng lòng với hiện thực này.
Nguyên lý một nhà giáo dục là phải biết chịu thua trẻ
em, để rồi sau đó tìm cách thắng lại, mà phải làm sao để thắng được cái
lý của chúng, chứ không phải thắng cái lý của mình.
Nếu độc giả chấp nhận hai mệnh đề tôi vừa đề xuất là
cuộc sống thực luôn luôn đúng và trẻ em luôn luôn đúng thì cứ căn cứ vào
đó chúng ta sẽ xử lý được mọi vấn đề.
Do vậy, trong một nền giáo dục mà được trẻ em chấp nhận,
thì mới hi vọng nền giáo dục đó đúng. Còn với một nền giáo dục mà trẻ
em không chấp nhận, chúng cảm thấy bất hạnh, thì dứt khoát đó là một nền
giáo dục sai, một nền giáo dục thất bại.
Nhà trường sai, người lớn
sai?
Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Tôi
đồng ý với GS rằng cuộc sống thực luôn luôn đúng. Nhưng khi nói trẻ em
luôn luôn đúng thì hơi khó thuyết phục. Phải chăng chúng đang sai, chúng
đang trốn chạy nhà trường? Hoặc là nhà trường sai?
GS. Hồ Ngọc Đại: Nhà trường sai. Thầy
giáo sai. Người lớn sai.
Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: GS có
thể chỉ ra vài điều cơ bản nhất để minh chứng rằng trẻ con đúng và nhà
trường đang sai. Do đó, hiện thực đang đòi hỏi phải có sự quan tâm cẩn
trọng hơn nữa, đặc biệt hơn nữa đối với cấp tiểu học?
GS. Hồ Ngọc Đại: Tôi có một cách tiếp
cận khác với khái niệm trẻ con. Cách đây 30 năm, chúng ta phải đồng ý
với quan điểm rằng coi trẻ em là của trời đất, cha mẹ, văn hoá, truyền
thống, tự nhiên. Phải coi các em như thực thể sống trong đời, hít thở
không khí, chịu ánh sáng tự nhiên, đói thì ăn, khát thì uống.
Nhưng hiểu lầm lớn nhất xưa nay là cứ bắt trẻ con phải
làm theo mình, nếu trẻ con mà làm trái ý là coi như sai. Đáng lẽ khi trẻ
con hiểu sai ý mình, thì mình phải tìm hiểu cái lý của nó là gì? Trẻ con
không có âm mưu, chỉ suy nghĩ trên cơ sở chính nó, vì lợi ích cơ bản của
nó, vì sự sống của nó chứ nó không tính về phía anh. Nhưng người lớn thì
cái gì cũng tính về mình. Hai cách tính khác nhau, nên vênh.
Trẻ con phải hồn nhiên, vui tươi, không có gì đau khổ,
vì ở vào lứa tuổi đó, chúng không đáng phải đau khổ. Chỉ có người lớn
chúng ta mới đau khổ. Trẻ con khi đã không thích là không thích, nhiều
khi bố mẹ còn cảm thấy ngượng với khách vì con, những khi mà không thích
thì chúng thản nhiên bỏ đi, mặc kệ khách khứa. Nhưng chúng ta vẫn phải
tôn trọng nó như một thực thể tự nhiên, bọn trẻ vốn sống hồn nhiên. Chúng
có sai là sai theo ý mình, chúng cư xử trên cái lý của chúng.
Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Một
trong những bức thư của các em học sinh gửi đến cho chúng tôi, bức thư
của em Thảo Ly ở Hưng Yên. Bức thư này là một thông điệp, một lời cảnh
báo, một tiếng kêu cứu của một đứa trẻ đối với nền giáo dục mà em đang
sống trong đó, đang phải gánh chịu nó, đang phải cố gắng để vượt qua và
thực hiện những tham vọng của người lớn. Bức thư viết : Cháu đang học
lớp 3, cháu cảm thấy mệt mỏi vì chương trình học quá tải, chúng cháu học
cả ngày, tối về lại ôn bài, làm bài, chuẩn bị cho ngày hôm sau. Cuối tuần,
chúng cháu có rất nhiều phiếu ôn tập nhà trường giao cho, chúng cháu mong
Bộ Giáo dục chỉ bắt chúng cháu học nửa ngày thôi, để buổi chiều chúng
cháu có thể ôn bài, có thể chuẩn bị bài, có thể vui chơi, có thể chia
sẻ, buổi tối chúng cháu có thể xem những chương trình tivi dành cho chúng
cháu, được chọn trò chơi, được đọc truyện..
GS. Hồ Ngọc Đại: Em ấy nói đúng, cuộc
sống không chỉ có chữ, cuộc sống nó còn nhiều thứ khác. Một trong những
sai lầm từ ngàn năm nay của giáo dục là gì? Đến trường để kiếm dăm ba
chữ, và ai hơn mình nửa chữ thôi cũng tôn làm thầy. Điều này ở một khía
cạnh nào đó có nghĩa nhưng ở khía cạnh khác lại là vô nghĩa, chữ không
phải là tất cả.
Tôi đã phê phán khẩu hiệu "vì tương lai con em chúng
ta". Sao lại đi hứa hão với bọn trẻ rằng cứ chịu khổ đi, chịu khó
đi rồi nay mai sẽ hạnh phúc. Và thế là bọn trẻ bị đầy đọa từng ngày. Đáng
lý ra khẩu hiểu đó phải là: “Ngày hôm nay các em hạnh phúc, ngày mai các
em còn hạnh phúc hơn”. Tại sao lại không vì hạnh phúc ngay hôm nay, hạnh
phúc ngay bây giờ của con em chúng ta. Hãy nói với chúng rằng, ngày hôm
nay em đến trường vui, ngày mai em đến trường vui hơn.
Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Phụ
huynh Nguyễn Văn Trường ở Hà Nam viết về thời gian biểu của con mình mà
lại ngập tràn đau xót : “Cháu không còn một chút thời gian nào để nghỉ
ngơi và chơi, lúc nào cũng trong tình trạng như hoảng loạn. Nhiều khi
buổi tối cháu học mệt quá ngủ gục trên bàn, tôi bế cháu lên giường ngủ
thì cháu choàng tỉnh dậy vội cầm bút ngơ ngác học tiếp”. Tôi thấy thời
gian biểu của một học sinh không mang lại cho em một cảm hứng nào mà lại
như là một án phạt đối với em. Những đứa trẻ đến trường với một nỗi sợ
hãi như thế thì nền giáo dục ấy mang lại gì cho những công dân tương lai
của một dân tộc ?
GS. Hồ Ngọc Đại: Tôi cũng đau khổ lắm,
như tất cả các vị. Bởi vì người lớn có thể chịu đựng mọi nỗi đau khổ,
nhưng trẻ con không đáng phải chịu đựng như thế.
Trẻ con cần hưởng hạnh phúc, trẻ con cần được vui chơi
và chưa đến lúc phải chịu nỗi khổ của người lớn. Cái đúng là sự hồn nhiên,
thanh thản, được làm theo ý mình.
Ta cứ nghĩ trẻ làm theo ý mình là hư – nhưng cuộc sống
thực của nó bảo nó phải làm như thế, chứ nó không tự ý.
Xã hội đã ngàn đời coi trọng bằng cấp, đè nén con người
khủng khiếp. Chính nỗi đau đó cũng là nỗi đau của các thầy giáo.
Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Có một
bạn đọc phản ánh, trước kia con chúng tôi phải vác 1 cặp sách, thì nay,
sau cải cách, con chúng tôi phải vác đến 3 chiếc cặp sách đến trường?
GS. Hồ Ngọc Đại: Một bước tiến của nền
giáo dục trong nền văn minh hiện đại là phải có tư tưởng mới và cách làm
đúng. Để có những bước phát triển mới thì phải có tư tưởng và cách làm
mới. Cách làm xưa nay là thầy giảng, trò ghi nhớ. Cách làm của tôi là
thầy không giảng giải, trò tự làm tất cả. Cách làm cũ là trò phải cố gắng,
còn cách làm của tôi là trò không phải cố gắng, hãy cứ tự nhiên.
Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Mọi
người đều quan tâm đến một sáng tạo của giáo sư đối với nền giáo dục Việt
Nam đó là trường Thực Nghiệm?
GS. Hồ Ngọc Đại: Đó là một sáng tạo
của thế kỷ 20 của những nhà tâm lý học Liên Xô.
Trường Thực nghiệm vừa là trường, vừa không phải là trường.
Ở đây những tư tưởng, ý tưởng phải được làm thật, trên những con người
thật.
Anh đã dám làm khoa học trên những con người thật, thì
khoa học của anh phải thật và anh cũng phải thật. Và trẻ cảm nhận mỗi
ngày đi học đúng là một ngày vui. Thay vì bắt trẻ làm theo ý mình, ở đây
chúng tôi nói với chúng: "Thưa các em, thầy nghĩ như thế, thầy làm
như thế, các em xem có đúng không, các em có chấp nhận hay không?".
"Hãy nói với chúng rằng, ngày hôm nay em đến trường vui, ngày mai em đến trường vui hơn". Ảnh: antdonline |
|
Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Nó ưu
việt như vậy, nhưng vì sao mô hình trường Thực nghiệm hay những phần ưu
việt của mô hình này vẫn chưa được phổ cập trong đời sống giáo dục của
nước ta? Phải chăng các nhà quản lý giáo dục không nhận ra điều ấy ? Hay
họ nhận ra nhưng không làm ? Chúng ta đang vì những học sinh hay chỉ vì
lợi ích và lòng tự ái của chúng ta ?
GS. Hồ Ngọc Đại: Tôi đã từng đề xuất
“Học sinh là nhân vật trung tâm, thầy giáo đóng vai trò quyết định” và
“Đưa công nghệ giáo dục mới vào nhà trường”. Nhưng khi đưa vào Nghị quyết
thì lại thành: “Học sinh là nhân vật trung tâm” và “Đưa công nghệ mới
vào giáo dục nhà trường”.
Tôi đem thắc mắc này đi hỏi và được giải thích: “Xưa
nay ta vẫn quen đề cao giáo viên, nay phải nhấn mạnh vai trò của học trò
thì nên đặt dấu chấm ở đấy cho gọn. Còn câu thứ hai, nếu đưa nguyên xi
vào thì hóa ra ngả hẳn về phía cậu à?”.
Sau đó Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định cả nước dùng
chung một bộ sách giáo khoa, chung một phương pháp, và đương nhiên tôi
trở thành thiểu số...
Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Tôi
đã thăm một trường tiểu học ở Boston (Hoa Kỳ), được xem một vở kịch của
các em lớp 1 diễn. Chúng tranh luận với nhau về việc ai làm đổ cái chuồng
của chúng. Và một con lừa già xuất hiện nói: “Ta xin lỗi, chính ta đã
làm đổ cái chuồng, nhưng lúc trước ta đã không dám thừa nhận, vì ta xấu
hổ, ta sĩ diện, ta hão huyền, ta ngạo mạn…”.. Tôi đã rất “kinh hãi” và
xúc động vì con lừa đó do ông hiệu trưởng đóng. Họ thật sự hoà đồng, chia
sẻ, và lắng nghe. Xin tất cả hãy suy ngẫm thật kỹ về câu chuyện này. Những
điều này sao không có trong các trường ở Việt Nam ?
GS. Hồ Ngọc Đại: Ngày xưa, chúng ta
giáo dục dựa trên nền tảng là vì lợi ích của người lớn, còn ngày nay là
vì lợi ích của đứa trẻ. Đó là hai vấn đề khác nhau.
Lâu nay người lớn chúng ta vẫn quan niệm trẻ con là trẻ
con. Nhưng với tôi, trẻ con là dân tộc, là thiên nhiên, chúng sống thánh
thiện và vô tư. Khi chúng không bằng lòng là không bằng lòng thật. Không
giống người lớn, thất bại nhiều rồi nên nhiều khi phải giả vờ. Mà giả
vờ chính là sự hèn mọn. Do không phải giả vờ nên bọn trẻ con chưa hèn,
cuộc đời chưa làm cho chúng hèn đi. Vì vậy, bọn trẻ đáng được tôn trọng,
và chúng ta phải tôn trọng thật, chứ không phải sự tôn trọng giả vờ.
Còn đối với nhà giáo, trong một ý nghĩa nào đó phải coi
học sinh là cấp trên. Nghĩ như vậy không phải là chúng ta hạ mình, mà
đây chính là trách nhiệm, chính là lương tâm.
Không thể cứ sai lầm mãi
Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Có một
quan niệm sai lệch trong nền giáo dục của chúng ta là bậc đại học thì
được quan tâm hơn tiểu học. Nhưng tiểu học lại là thời điểm con trẻ hay
có thể nói chính xác hơn là thời điểm quan trọng nhất của một đời người
để bắt đầu nhận thức thế giới xung quanh, với con người bên cạnh, với
muông thú, cây cỏ, côn trùng, đất trời… nhằm đặt nền tảng cho tâm hồn
và nhân cách con người thì càng cần những “người thầy vĩ đại” nhất, thấu
hiểu chúng, biết lắng nghe chúng, chia sẻ với chúng, hướng dẫn chúng,
gợi mở chúng. Thì GD Việt Nam lại làm ngược lại tất cả các nguyên lý cơ
bản đó. Có ai nhận ra điều đó không? Tại sao vẫn để tồn tại?
GS. Hồ Ngọc Đại: Muốn giải quyết nền
giáo dục hiện nay thì phải tập trung vào giải quyết 2 bậc Tiểu học và
Đại học. Và phải làm mới hoàn toàn.
Thứ nhất, bậc tiểu học có 2 đặc điểm cơ bản, học sinh
tiểu học còn nhỏ, còn bố mẹ, ông bà nội ngoại, còn họ hàng… có hàng chục
người gắn vào học sinh lớp 1. Nếu học sinh lớp chúng hạnh phúc thì hàng
chục người đó hạnh phúc. Nếu giáo dục nhà trường tốt thì gia đình dễ yên
ấm, xã hội dễ yên lành.
Thứ hai, với cấp tiểu học, đặc biệt nhóm lớp 1 nghiệp
vụ phải tinh tế nhất, cao siêu nhất, chắc chắn nhất.
Và cấp tiểu học cũng nên kéo dài 6 năm, Vì đây là khoảng
thời gian chúng ta có thể chuyển tải tất cả những gì gọi là bản sắc văn
hóa, truyền thống dân tộc, đạo lý dân tộc, quan hệ giữa người với người,
hạnh phúc gia đình, hạnh phúc xã hội,...
Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Thưa
Giáo sư, với những đứa trẻ từ mầm non đến tiểu học chúng ta đào tạo để
đưa chúng tiếp cận với những nền khoa học, những vấn đề chính trị thời
đại hay là để chúng được trau dồi những nền tảng của mỹ học. Song nếu
đưa chúng đến với nền tảng mỹ học, giàu tính nhân văn thì dường như phương
pháp giáo dục của chúng ta và giáo trình của chúng đang sai?
GS. Hồ Ngọc Đại: Sai! Bởi nếu đã học
văn hoá, học sinh phải tiếp cận với nền văn hoá hiện đại, thành tựu khoa
học hiện đại, cuộc sống học hành giải trí hiện đại, vậy hà cớ gì phải
học những cái cũ, chữ nghĩa từ mấy thế kỉ trước.
Dạy sai có thể khiến cả
một dân tộc sai lầm
Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Chứng
kiến trong ngày quốc khánh Mỹ, tôi thấy những đứa trẻ Mỹ ở một trường
tiểu học tự viết diễn văn, tự nói về dân tộc... Các thầy cô chỉ là những
người quan sát, hỗ trợ và gợi ý. Và trong tâm hồn trong sáng, công bằng,
không vụ lợi và đầy trí tưởng tượng về dân tộc của chúng, người lớn chúng
ta sẽ có cơ hội nhìn thấy dân tộc họ trong một hình ảnh mới đầy sức sống
và sáng tạo. Tôi tự đặt câu hỏi, nếu những điều đó là chân lý vậy tại
sao chúng ta không làm? Trong khi đó, chúng ta đang biến những đứa trẻ
trở thành những robot thực thi các “lệnh” của chúng ta ?
GS. Hồ Ngọc Đại: Khi một điều gì đó
ra vượt khỏi nhà trường và vào xã hội, đó là quyền lực hành chính. Khoa
học thì không bao giờ có quyền lực, chỉ có lời khuyên thôi.
Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Có một
bạn đọc ở Xuân Trường (Hải Dương) hỏi: Thực tế cho thấy chất lượng sản
phẩm giáo dục của chúng ta, rất thiếu sức khoẻ, thiếu kĩ năng sống, thiếu
vốn kiến thức cơ bản để hoà nhập với đời sống xã hội và thiên nhiên. Thưa
Giáo sư, thực trạng này là do chúng ta thiếu tiền hay thiếu chính những
người thày có chất lượng?
GS. Hồ Ngọc Đại: Có những người thầy
khiến tôi rất kính trọng. Nhưng đúng là nhiều người thầy hiện nay vẫn
chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Với những người làm thầy cần nhất
là sự lương thiện. Đó là cách để làm ra sản phẩm thật cho xã hội.
Khi mà 5% dân cư đi học, và thất bại cả 5% thì ko sao.
Nhưng với một nền giáo dục mà tất cả trẻ em đều đến trường mà lại được
dạy bảo sai thì điều đó sẽ khiến cho cả một thế hệ sai lầm, cả một cả
dân tộc sai lầm. Dân tộc đó là dân tộc của một trăm năm nữa, chứ không
phải dân tộc của ngày hôm nay. Đây là nỗi đau của cả dân tộc.
GS Hồ Ngọc Đại: "Trẻ em là cứu tinh của dân tộc. Ảnh: hocmai.vn |
|
Dạy trẻ con tự cảm nhận
theo cách của mình
Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Thực
tế cho thấy ngày càng nhiều giáo viên dạy văn đã không còn cảm xúc. Dạy
văn, mục đích cơ bản là để học sinh tiếp cận vẻ đẹp ngôn ngữ và vẻ đẹp
tâm hồn cũng như lòng nhân ái chứa đựng trong ngôn ngữ đó. Nhưng những
buổi học văn vô cảm sẽ không mang lại bất cứ điều gì cho học sinh. Theo
Giáo sư, điều gì đã mang lại sự vô cảm trong những bài giảng hiện nay?
Phải chăng đó là những giáo trình sơ cứng và những phương pháp dạy bị
động không sáng tạo?
GS. Hồ Ngọc Đại: Có 2 sai lầm. Nền giáo
dục cũ hiện nay đề cao quá vào lí trí, chữ nghĩa, coi thường tình cảm,
niềm tin, đạo đức. Mất niềm tin đạo đức sẽ trở thành người vô đạo đức.
Lí trí hoá nền giáo dục, và lí trí hoá cuộc sống con người đi nhiều. Do
vậy, phải tôn trọng tình cảm, mà tình cảm do nghệ thuật mang đến. Có thể
áp đặt về lí trí, nhưng không thể áp đặt trong nghệ thuật và đạo đức.
Tôi luôn chú ý cả 3 lĩnh vực: khoa học, nghệ thuật và
lối sống. Lõi của lối sống là niềm tin đạo đức. Nghệ thuật không thể giảng
được. Nhưng có thể gợi ý, định hướng và hướng dẫn. Các em hoà nhập vào
tác phẩm để cảm nhận theo cách riêng của mình.
Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Ông
sẽ dạy những gì cho những học sinh không học trong trường thực nghiệm.
Và ông sẽ chia sẻ những gì với cha mẹ chúng?
GS. Hồ Ngọc Đại: Việc này khó. Bởi họ
đã quen nếp cũ, nếu thay đổi, phải thay đổi đồng bộ. Thay đổi giáo trình,
phương pháp dạy với đứa trẻ. Thay đổi các mối quan hệ giữa đứa trẻ và
thầy giáo, giữa thầy giáo và phụ huynh. Quan hệ giữa thầy giáo và phụ
huynh hiện nay là quan hệ đối phó, chưa phải hợp tác.
Hiện nay phụ huynh thường có tâm lý trăm sự nhờ thầy
giáo, hoặc lấy lòng thầy giáo vì sợ thầy giáo không hài lòng thì con mình
khổ.
Đã không ai thấy rằng thành quả của các em là do gia
đình và nhà trường cùng làm nên. Trong tương lai phụ huynh học sinh phải
được đào tạo thành phụ huynh học sinh theo đúng nghĩa vụ, thầy giáo đúng
trách nhiệm và nghĩa vụ, hai bên hợp tác nhau, không bên nào làm lẫn nhiệm
vụ của bên nào, có vậy đứa trẻ mới thấy được hạnh phúc cả khi ở với gia
đình lẫn ở trường. Với nền giáo dục hiện nay một số người đã không chịu
nổi, và khi tất cả đều không chịu nổi thì sẽ khác.
Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Nhiều
bạn đọc của VietNamNet đã gửi thư bày tỏ băn khoăn, lo lắng về quy định
chuẩn cho trẻ 5 tuổi. Giáo sư có ý kiến gì về vấn đề này?
GS. Hồ Ngọc Đại: Những năm 70 ở Liên
Xô có cuộc tranh luận. 1 phái nhận trẻ con 6 tuổi vào lớp 1 và phái kia
nhận trẻ 7 tuổi (tôi là phái 7 tuổi).
Tại sao phải trì hoãn tuổi đi học? Bởi trong cuộc đời
không có giai đoạn nào đẹp hơn thời kì từ 0 đến 6 tuổi. Tuổi này mà được
ở nhà, được vui chơi thoải mái là thích nhất. 6 tuổi là thời điểm tích
luỹ kinh nghiệm một cách thiên nhiên, bản tính. Giai đoạn này trẻ thích
mầy mò, khám phá. Nên hãy để các em thảo sức tìm tòi. Dĩ nhiên có thất
bại, có thành công…. không nên ràng buộc các em bằng những chuẩn hoá quá
sớm.
Không dám nhìn vào sự thật
Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: GS có
thể nói gì về cái quy chuẩn trẻ 5 tuổi?
GS. Hồ Ngọc Đại: Tôi cho rằng không
cần thiết. Việc các trường mẫu giáo dạy chữ trước khi trẻ vào lớp 1 là
hi sinh một thứ rất lớn để đổi lấy thứ không cần thiết.
Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Chúng
ta đang mắc những sai lầm lớn trong giáo dục mầm non, tiểu học. Chúng
ta phải từ bỏ ngay ý nghĩ những đứa trẻ phải nhất nhất nghe lời chúng
ta. Chúng ta đã bỏ rơi chúng trong chính ngôi nhà của mình, nhà trường
của mình và ngay cả trong xã hội của mình mà cứ lầm tưởng là chúng ta
đang chăm sóc chúng. Thực tế, chúng ta đang chỉ chăm sóc phần xác của
chúng mà thôi. Vậy theo Giáo sư, chúng ta làm gì để khắc phục những sai
lầm đó, phải mất bao lâu thời gian để khắc phục?
GS. Hồ Ngọc Đại: Tôi thấy đau xót vì
không ai nhìn thẳng vào sự thật. Có thể nói thành lời, nhưng không ai
cảm thấy rằng trẻ con là máu thịt của mình, không ai cảm thấy đứa con
đau khổ chính là mình đau khổ. Và không thấy được sự tối ưu của mỗi giai
đoạn khác nhau.
Hiện nay từ lớp mẫu giáo cho đến các bậc tiến sĩ dạy
đều có phương pháp dạy giống như nhau. Cách làm này sẽ thủ tiêu sức sống
của cá nhân. Phương pháp cứ dồn góp, cứ nghĩ rằng làm trước là xong, mà
không thấy được chất lượng cuộc sống mỗi giai đoạn một khác. Do vậy, phải
có phương pháp giáo dục riêng cho từng cấp học, mầm non khác, tiểu học
khác, tiến sĩ phải càng khác. Bản thân tôi cả một đời dạy học. Tôi luôn
quan niệm trẻ em là cứu tinh của dân tộc.
Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Cuộc
trò chuyện chỉ vọn vẻn trong khoảng hơn 1 tiếng, nhưng chúng ta nhận ra
quá nhiều điều bất ổn trong những đứa trẻ thời nay. Chúng ta không biết
điều đó, và ngay cả những người biết nhưng đã chôn vùi những lỗi lo lớn
ấy của xã hội vào giấc ngủ hưởng thụ và tự mãn của cá nhân mình. Chúng
ta phải thừa nhận rằng: tất cả những lầm lẫn trong giáo dục hay những
thất vọng về những đứa trẻ nào đấy đều do người lớn chúng ta gây ra. Có
một lúc nào đó Giáo sư tuyệt vọng vì những lỗi lầm này?
GS. Hồ Ngọc Đại: Tôi đã nói những điều
này từ cách đây 30 năm nay rồi. Tôi không sợ ai giận cả. Tôi không tuyệt
vọng. Tôi có chiến lược, chứ không phải làm ẩu.
Khi tôi về nước, tôi hi vọng sau 20 năm sẽ có nền giáo
dục mới. Tôi bỏ ra 10 năm đầu để làm mất nền giáo dục hiện nay đi, cùng
lúc đó, tôi thiết kế một nền giáo dục khác. Khi không có những đứa trẻ
thật, những cha mẹ thật, một nền giáo dục thật thì tất cả đều là viển
vông. Dân tộc ở lại mãi mãi, trẻ em ở lại mãi mãi.
Tôi chịu trách nhiệm với trẻ em. Qua trẻ em tôi chịu
trách nhiệm với cha mẹ. Qua trẻ em và cha mẹ chúng tôi chịu trách nhiệm
với dân tộc này.
Nhà báo Nguyễn Quang Thiều: Nhiều
người đều cảm nhận và không hài lòng với cách giáo dục hiện tại. Họ lo
ngại điều đó sẽ mang lại tai hoạ cho đất nước. Đây cũng là nỗi lòng mà
đông đảo các vị phụ huynh trên cả nước, những người có lương tâm giáo
dục chia sẻ với Giáo sư và chúng tôi.
Vẫn còn rất nhiều câu hỏi của bạn đọc, nhưng tạm
thời xin được phép khép lại cuộc bàn tròn nhỏ với một vấn đề quá lớn và
còn quá nhiều điều phải bàn. Nhưng không còn cách nào là chúng ta phải
lên tiếng.
Xin thay mặt bạn đọc VietnamNet, Tuần Việt Nam cám
ơn Giáo sư. Mong rằng tất cả mọi người trong cộng đồng này cùng lên tiếng,
lên tiếng mãi cho đến khi chúng ta đổi thay, kiên trì như Giáo sư Hồ Ngọc
Đại để đến một ngày nào đó nền giáo dục mầm non nói riêng và nền giáo
dục Việt Nam nói chung có sự đột phá khởi sắc.
(theo Tuần Việt Nam) |