(Post 17/07/2009) Bill Gates đã nghỉ hưu và
Vista, sản phẩm mới nhất của Microsoft đang vấp phải nhiều khó khăn. Vậy
Microsoft sẽ phải làm gì để duy trì vị thế của mình?
Máy tính trên mọi bàn làm việc và trong mọi nhà đều sử
dụng phần mềm Microsoft. Tỷ phú Bill Gates thường nói về điều này, viễn
cảnh mà từ đó đã thôi thúc ông cùng Paul Allen thành lập công ty phần
mềm vào năm 1975. Đến giữa thập niên 80, mọi người không còn xem thường
câu nói ấy nữa khi Microsoft đã thật sự biến một mục tiêu táo bạo, khó
khăn thành hiện thực.
BƯỚC ĐI TIẾP THEO?
Còn lúc này, Bill Gates đang từng ngày rời khỏi cương
vị quản lý và Microsoft thời hiện đại đang tìm kiếm một hướng phát triển
mới. Thực tế thì Microsoft vẫn là một trong những hãng làm ăn có lãi nhất.
Trong năm tài chính 2007, doanh thu của Microsoft nhiều hơn doanh thu
từ Adobe, Apple, Google, Oracle và Yahoo gộp lại. Tuy nhiên, những vết
nứt trong vương triều Microsoft không chỉ xuất hiện sờ sờ ra đó mà chúng
còn dần nứt rộng hơn.
Trên đấu trường web, chính Google chứ không phải Microsoft
đang khiến nhiều công ty run rẩy và sợ hãi, điều mà Gates và Microsoft
từng làm được trong những năm 1990. Lời đáp của Microsoft trước sự bành
trướng của Google chỉ là những cố gắng không ngừng để mua lại Yahoo, nhưng
mọi thứ vẫn chưa ngã ngũ tính đến thời điểm giữa tháng 7 vừa qua. Cạnh
đó, những nỗ lực mở rộng và đưa Windows và Office lên web của gã khổng
lồ trong lĩnh vực phần mềm này lại lờ đờ và khó hiểu. Trong khi đó, những
đối thủ truyền kiếp như Apple và các công ty mới nổi như Mozilla đã chọn
được con đường đúng đắn để cạnh tranh với đế chế Microsoft. Và bên ngoài
tổng hành dinh Redmond, hầu như ai cũng xem Windows Vista là sản phẩm
thất vọng.
Tác giả Harry McCracken tại tạp chí PC World Mỹ đã đưa
ra vài lời khuyên dành cho Microsoft, đó là 15 biện pháp có thể giúp hãng
tiến lên trong những năm tới. Có vài ý tưởng rõ ràng cũng đã nằm trong
kế hoạch của Microsoft, số còn lại thì hãng này luôn muốn khước từ. Và
dĩ nhiên cũng có những lời khuyên xung đột lẫn nhau. Tuy nhiên, không
như tổng giám đốc điều hành Microsoft Steve Ballmer và các cộng sự, tác
giả đã thoải mái vạch ra tương lai của Microsoft mà không phải cân nhắc
đến việc thực hiện chúng như thế nào.
BỨC TRANH LỚN
1.
Đừng cố làm mọi thứ cho mọi người
Microsoft sản xuất phần mềm và dịch vụ cho đủ loại đối
tượng, từ những công ty khổng lồ cho đến trẻ nhỏ. Hãng cung cấp các ứng
dụng cho máy tính cá nhân, máy chủ, thiết bị công nghiệp, điện thoại di
dộng, thiết bị GPS và cho cả xe hơi. Microsoft cũng đang cố gắng trở thành
một thế lực chính về quảng cáo trực tuyến. Hãng này sản xuất máy chơi
game hệ console, máy nghe nhạc di động, chuột, bàn phím và bàn cảm ứng
Surface. Thậm chí, Microsoft còn góp mặt vào một kênh tin tức truyền hình
cáp. Không một công ty nào trên hành tinh này có thể làm tốt mọi thứ cùng
lúc như vậy và thực tế là Microsoft đã không thể làm cho nhiều mảng kinh
doanh kể trên có được lợi nhuận. Thay vì ôm đồm mọi thứ, hẳn sẽ khôn ngoan
hơn nếu Microsoft tập trung vào những mảng kinh doanh cốt lõi như hệ điều
hành, ứng dụng, dịch vụ và công cụ lập trình. Một ví dụ tiêu biểu là IBM,
hãng này luôn rất nguyên tắc về những cơ hội đang theo đuổi nhưng vẫn
quyết định từ bỏ mảng kinh doanh máy tính cá nhân mà chính họ đã tạo ra.
2. Liên
tục nâng cấp, không phải vài năm một lần
Windows Vista có phần “nhạt nhẽo” khi tạo cảm giác những
tính năng chính đã được quyết định từ nhiều năm trước, vào thời kỳ đầu
của kỷ nguyên máy tính. Sự sáo mòn này là sản phẩm phụ của hướng đi của
Microsoft về phát triển và phân phối phần mềm có tuổi thọ hàng thập kỷ.
Ngược lại, Google có thể tung ra nhiều tính năng mới trên web rất nhanh
chóng, gần như ngay khi họ có ý tưởng. Thậm chí, nếu các sản phẩm sống
còn của Microsoft vẫn là các ứng dụng nền desktop thay vì dịch vụ web
thì chúng vẫn cần được chuyển sang mô hình cải tiến liên tục thay vì chỉ
thỉng thoảng. Ví dụ, tại sao không chuyển tính năng Microsoft Update từ
dang những bản sửa lỗi hệ thống đơn điệu sang cách nào sinh động hơn để
Windows, Office và các ứng dụng khác chạy tốt hơn sau từng ngày?
3. Luôn
sáng tạo - thực tế không phải vậy
Thông điệp quảng cáo từ Redmond đưa ra có thể khiến bạn
tin rằng Microsoft và sự sáng tạo là 2 từ đồng nghĩa. Thực ra, Microsoft
có vẻ như thiên về bắt chước hơn là sáng tạo: ví dụ, khi Apple in dòng
chữ nhỏ “Designed in California” ở phía sau mỗi chiếc iPod thì Zune cũng
đưa ra dòng chữ tương tự “Hello from Seattle”. Điều này khiến người ta
tự hỏi liệu Microsoft có nên chỉ định một giám đốc sáng tạo (Chief Innovation
Officer) mà nhiệm vụ gồm cả việc quét sạch không khoan nhượng những bắt
chước vô nghĩa.
4. Khách
hàng là thượng đế, không phải nô lệ
Microsoft đưa ra những công nghệ chống sao chép, làm
cho những khách hàng trả tiền phải đau đầu, rồi sau đó bảo với họ rằng
hãng làm như vậy là mang điều tốt đến cho khách hàng. Microsoft khăng
khăng vứt bỏ Windows XP khi mà rất nhiều người dùng vẫn muốn chạy hệ điều
hành này. Thậm chí, khẩu hiệu của hãng là “Your Potential. Our Passion”
(tạm dịch “Tiềm lực của bạn. Đam mê của chúng tôi”) cũng ra dáng “ bề
trên”. Công ty đang thống lĩnh thị trường vẫn có thể bị chỉ trích vì thái
độ đó; hơn nữa một công ty đang phải đối mặt với sự cạnh tranh thực sự
trên mọi thị trường thì cần phải đối xử kính trọng hơn với khách hàng,
kể cả khách hàng tiềm năng.
WINDOWS: LIÊN QUAN THẾ NÀO
5. Tương
tác desktop-web trong Windows phải trơn tru
Ứng dụng chạy trên máy tính có những lợi thế riêng, các
dịch vụ nền web cũng vậy. Các phiên bản Windows trong tương lai sẽ mạnh
mẽ nhất nếu tận dụng được những lợi thế của đồng thời 2 dạng ứng dụng
kể trên. Điều này có thể sẽ xảy ra: vào tháng 2/2007, Bill Gates chia
sẻ với tờ Newsweek về một dự án “hướng người dùng”, trong đó Windows đồng
bộ mọi tập tin, thiết lập, phông chữ và các dữ liệu khác của người dùng
qua web, do đó người dùng có thể truy cập trên bất kỳ máy tính nào (dịch
vụ Live Mesh hiện đang trong giai đoạn tiền thử nghiệm có vẻ như là sản
phẩm đáp ứng được kỳ vọng trên).
6. Khởi
động lại Windows
Trong năm 2000, Apple thay thế hệ điều hành OS 9 bằng
một hệ điều hành mới hoàn toàn là OS X. Nước cờ “được ăn cả, ngã về không”
này đã cứu Mac OS. Mặc dù Windows không phải là hệ điều hành cũ xưa như
OS 9 nhưng thật khó mà nghĩ rằng Windows sẽ tồn tại thêm một thập kỷ nữa
mà không có một nền tảng mới. “Min-Win”, một phiên bản có nhân giản lược
của Windows, có thể là điểm khởi đầu tốt, nhưng nhiều lời đồn cho rằng
nó sẽ không có trong Windows 7, hệ điều hành kế nhiệm Vista.
7. Chia
đôi Windows
Về lâu về dài, thế giới cần một phiên bản Windows có
nền tảng hoàn toàn mới. Nhưng sự phản đối mạnh mẽ kế hoạch loại bỏ Windows
XP của Microsoft cho thấy nhiều người dùng chỉ muốn có hệ điều hành quen
thuộc và có khả năng tương thích. Microsoft đã bán ra gần 20 phiên bản
hệ điều hành từ trước đến nay, do đó tại sao không giúp cho cả 2 nhóm
người dùng này đều được vui vẻ bằng cách đưa ra cả phiên bản Windows “cổ
điển” lẫn phiên bản mới từ gốc đến ngọn.
8. Làm
cho Windows chán hơn
MS-DOS là một phần mềm đơn giản, không có gì hào nhoáng,
tập trung vào một nền tảng vững chắc, ổn định cho các ứng dụng của Microsoft
và các công ty khác. Vì Windows thêm vào các công cụ cho ảnh số, giải
trí, truyền thông nên hệ điều hành này trở nên phức tạp hơn và ít thỏa
mãn nhu cầu sử dụng. Nhiều người sẽ thích ý tưởng Microsoft quay về với
hướng cơ bản đối với những phiên bản hệ điều hành Windows trong tương
lai. Một trong những trình diễn rộng rãi đầu tiên của Windows 7 lại liên
quan đến phiên bản mới của Windows Paint. Đó không phải là một tín hiệu
tốt. Microsoft nên tập trung vào việc tạo ra một hệ điều hành an toàn,
đáng tin cậy hơn, dễ sử dụng hơn, thay vì bổ sung những tính năng vào
một chương trình đồ họa.
9. Đưa
Windows Mobile lên hàng đầu
Rõ ràng máy tính cá nhân của tương lai sẽ là hậu duệ
của điện thoại thông minh ngày nay. Đó là lý do tại sao Apple tái sinh
OS X như là một hệ điều hành di động dành cho iPhone. Và nếu không thể
thích ứng được với thế giới di động, Windows sẽ chết. Windows Vista quá
nặng để chạy tốt trên các máy tính xách tay giá rẻ, nói chi đến điện thoại
di động, trong khi đó Windows Mobile 6.1 lại không có gì đột phá. Nhiều
lời bàn tán cho rằng phiên bản Windows Mobile viết lại từ đầu sẽ là phiên
bản 8 nhưng cũng phải vài năm nữa mới xuất hiện. Liệu sớm hơn có tốt hơn
không?
ỨNG DỤNG: OFFICE VÀ HƠN THẾ NỮA
10. Vượt
qua Google Docs
Ngày xưa, các ứng dụng văn phòng của Microsoft như Word,
Excel và Powerpoint từng cạnh tranh với WordPerfect, 1-2-3 và Harvard
Graphics. Sau đó, Microsoft chiếm ưu thế trên thị trường ứng dụng văn
phòng bằng cách thức cổ điển: phát triển phần mềm tốt hơn. Còn lúc này,
không quá khó để cho Microsoft tạo ra bộ ứng dụng văn phòng trực tuyến
để cạnh tranh với Google Docs. Rõ ràng lúc này không ai có thể làm điều
này tốt hơn Microsoft.
11. Kèm
với bộ Office là phiên bản trực tuyến
Microsoft đã tiếp cận với mảng phần mềm ứng dụng văn
phòng trực tuyến khá cẩn trọng bởi vì hãng này lo ngại sẽ “hạ sát” cỗ
máy đang sinh lợi Office của mình: người dùng hiện đang trả hàng trăm
USD cho bộ ứng dụng Microsoft Office sẽ chuyển sang sử dụng bộ phần mềm
trực tuyến miễn phí. Vậy tại sao không cung cấp cho những khách hàng trả
tiền một phiên bản Office trực tuyến hoàn hảo và xem đây là 1 phần của
gói sản phẩm Office? Làm vậy sẽ giúp cho thế giới biết được rằng các công
cụ trực tuyến thiết yếu rất đáng đồng tiền.
12. Biến
định dạng tập tin Office thành không thể thiếu trên web
Định dạng tập tin của Word, Excel và Powerpoint là một
trong số những tài sản giá trị nhất của Microsoft - thậm chí định dạng
của bộ Office 2007 mà công ty đã công bố như là chuẩn mở. Chúng thậm chí
sẽ còn là tài sản giá trị hơn nữa nếu được sử dụng rộng rãi trên web như
định dạng PDF của hãng Adobe. Sẽ rất hay nếu như có một ứng dụng duy nhất
để xem các tập tin Office, lý tưởng hơn nữa là kèm theo các tính năng
chỉnh sửa. Office Live Workspace phục vụ phần nào cho mục đích này nhưng
lại quá phức tạp nên khó phổ biến rộng rãi. Nếu làm được, điều này chắc
chắn sẽ có ý nghĩa hơn định dạng XPS - phản ứng nửa vời của Microsoft
với định dạng PDF.
13. Mang
khái niệm studio vào sản xuất phần mềm
Microsoft Game Studios là bộ phận chuyên về game của
Microsoft, hoạt động như là một tổ chức “mở” của các nhà phát triển: có
thể do Microsoft sáng lập, mua lại và cũng có thể là các nhà phát triển
độc lập - ví dụ, Bungie (Halo), Ensemble (Age of Empires), Lionhead (Black
and White) và Rare (Viva Pinata). Kết quả là các tựa game mức trung bình
do Microsoft phát hành lại có vẻ thú vị hơn các ứng dụng văn phòng ở mức
trung bình. Nếu hãng cũng áp dụng mô hình tương tự cho bộ phận phát triển
ứng dụng văn phòng thì có lẽ sẽ tạo được sự bùng nổ tính sáng tạo.
14. Xây
dựng IE trên Firefox
Đây chỉ là lời đề nghị. Có thời trình duyệt IE là tài
sản chiến lược của Microsoft, nhưng lúc này IE còn mang nhiều ý nghĩa
hơn nữa. Vì vậy tại sao không biến đổi IE thành một công cụ duyệt web
gọn gàng hơn, nhẹ nhàng hơn mà cũng cực kỳ dễ dàng tuỳ biến như Firefox.
15. Hãy
là nhà phát triển hàng đầu cho iPhone
Năm 1984, Bill Gates từng nói “để tạo một chuẩn mới thì
phải đưa ra một thứ gì đó không phải khác biệt một chút... Phải đưa ra
một thứ gì đó thực sự mới mẻ và bắt được trí tưởng tượng của con người”.
Không phải Gates đang ca tụng sản phẩm của Microsoft mà đang “tiên tri”
về Apple Macintosh mới mẻ ra đời sau đó. Và mặc dù thực tế là Mac cạnh
tranh trực tiếp với máy tính cá nhân chạy DOS (sau này là Windows), nhưng
Microsoft cũng đủ thông minh để tự biến mình thành một nhà phát triển
Mac quan trọng; thậm chí còn giới thiệu Excel cho máy Mac đầu tiên. Nếu
Steve Ballmer cũng xem iPhone với cùng một niềm đam mê như vậy thì Microsoft
cũng có thể làm ra tiền, không những thế các nhà phát triển của Microsoft
còn học được những điều có thể làm cho Windows Mobile tuyệt vời hơn.
Microsoft có thể duy trì là công ty phần mềm lớn nhất
thế giới trong vài năm tới, nhưng hãng cũng cần tận dụng những ý tưởng
tốt.
PC World Mỹ
(theo PC World VN) |