(Post 16/12/2009) Giáo sư ĐH Harvard Nancy Koehn đặt Steve Jobs lên bàn cân so sánh với những doanh nhân vĩ đại khác trong lịch sử để xem Jobs có đặc điểm tương đồng nào với họ, cũng như điều gì làm nên một Steve Jobs hoàn toàn khác biệt. Steve Jobs - CEO của hãng Apple | |
Trước hết, cần khẳng định Steve Jobs là một doanh nhân. Và đó là điều mà lịch sử sẽ còn nhớ tới ông. Không phải với tư cách là một nhà ủy thác tín dụng, người xây dựng thế chế hay nhà quản trị kinh doanh (mặc dù ông từng đảm nhiệm tất cả các vai trò này), mà với vai trò là một cá nhân theo đuổi không mệt mỏi các cơ hội mới. Kể từ khi những chiếc máy tính đầu tiên của Apple ra đời cho tới những bước đột phá cải tiến công nghệ trong suốt tám năm qua – đó là những iPod, iTunes, iPhone và chuỗi cửa hàng Apple – ông đã theo đuổi các cơ hội mới mà không hề nản lòng trước bất kỳ trở ngại phải đối mặt trong suốt con đường chinh phục đỉnh cao. Bảng vàng thành tích chói lọi đó đã đưa ông vào danh sách những doanh nhân vĩ đại trong hai thế kỷ qua, đứng cạnh những tên tuổi lớn như Osiah Wedgwood, John D. Rockefeller, Andrew Carnegie, Henry Ford và Estée Lauder. Mỗi doanh nhân này – đặc biệt là Steve Jobs – đều thể hiện rõ những phẩm chất làm nên một doanh nhân vĩ đại, đó là một động cơ làm việc mãnh liệt, trí tò mò không ngưng nghỉ, và khả năng hình dung có thể tạo ra lợi nhuận cho phép họ có thể nhìn thấy những sản phẩm mới, những ngành công nghiệp mới và những cơ hội ở phía trước. Mỗi một cá nhân này đều là những người làm việc cực kỳ chăm chỉ và họ đòi hỏi phẩm chất này ở chính bản thân họ và cả những người xung quanh họ. Tất cả đều bị cuốn theo tầm quan trọng của tầm nhìn hơn là những hoài nghi. Thời của Jobs là thời điểm diễn ra quá trình thay đổi kinh tế, xã hội và công nghệ sâu rộng mà giờ đây chúng ta gọi là Cuộc cách mạng thông tin. (Hồi đầu những năm 1990 - chúng ta từng sử dụng thuật ngữ Cuộc cách mạng máy tính, một sự chuyển dịch trong ngôn ngữ để nói tới bề rộng của sự thay đổi). Wedgwood, nhà sản xuất đồ sứ người Anh thế kỷ thứ 18, người đã tạo ra nhãn hiệu người tiêu dùng thực sự đầu tiên trong cuộc Cách mạng công nghiệp, cũng là một giai đoạn thay đổi sâu sắc khác trong lịch sử loài người. Và Rockefeller đã đặt nền tảng cho ngành công nghiệp dầu thô hiện đại trong những năm 1870 và 1880, khi đường sắt và sự ra đời của sản xuất hàng loạt đang biến đổi Hoa Kỳ từ xã hội nông nghiệp thành xã hội công nghiệp. Cũng như Wedgwood và Rockefeller, Jobs có một giác quan đặc biệt – đó là khả năng phân tích và khả năng trực giác – mà trong thời điểm biến đổi có tính chất lịch sử, giác quan này là điều kiện cần cho một doanh nhân thành công. Hiểu rõ tầm quan trọng của chính bản thân ông, của cái tôi trong giai đoạn khi mà tất cả mọi thứ từ ngành điện thoại cho tới quá trình phân phối âm nhạc tới các mối quan hệ của người tiêu dùng với công nghệ đang bị gián đoạn, Jobs cảm thấy chỉ đơn giản là không có thời gian để thất bại. Điều này đã châm ngòi cho một loạt các hành động liên tiếp và nỗi ảm ảnh của ông với suy nghĩ “tiếp theo sẽ là gì” trong quá trình sáng tạo ra các sản phẩm mới (mặc dù ông không bao giờ lao vào quảng bá cho một sản phẩm mà ông nghĩ là không hoàn hảo). Đó có thể cũng đã tạo dựng nên tính khắt khe thường trực của ông, một phong cách quản lý độc tài và ở một góc độ nào đó là khả năng truyền cảm hứng cho người khác trong ông. Những người làm việc với Jobs nói về mối quan tâm điên cuồng của ông tới từng chi tiết thiết kế nhỏ nhất. Đối với Jobs, làm việc trong một thế giới với các kỹ sư – những người tập trung vào sức mạnh của công nghệ, thì mối quan tâm này không bao giờ là đủ. Vâng, các sản phẩm của ông phải thiết thực. Nhưng chúng cũng phải đẹp nữa. Theo CEO của Oracle Larry Ellison, một người bạn lâu năm của Jobs, thì Jobs đặt biệt rất ngưỡng mộ Gustave Eiffel, nhà thiết kế tháp Eiffel và Tượng nữ thần tự do nổi tiếng. Ellison giải thích: “Eiffel là một nhân vật thú vị bởi vì ông là một kỹ sư xuất sắc và có khả năng cảm nhận nghệ thuật tuyệt vời”. Khi Jobs quyết định mở chuỗi cửa hàng bán lẻ Apple thành công xuất sắc hiện nay vào năm 2001, tiền và thời gian mà ông và công ty đầu tư vào thiết kế được kỳ vọng sẽ không đơn thuần chỉ là cửa hàng bán lẻ mà còn hơn thế nữa rất nhiều. Và khi rà soát cách bài trí cửa hàng ban đầu, để đảm bảo chắc chắn sản phẩm iMacs sẽ nổi bật trong chuỗi cửa hàng, công ty đã chi trả một khoản tiền rất hào phóng cho hệ thống đèn chiếu sáng. Chuỗi cửa hàng Apple đã đạt doanh thu 1 tỉ USD, nhanh hơn bất kỳ ngành kinh doanh bán lẻ nào trong lịch sử. Các khách hàng khi tới cửa hàng không hình dung được sáng kiến mà Jobs đầu tư vào – một sáng kiến mà ban đầu được xem là một đầu tư rất rủi ro cho công ty. Và theo quan điểm của Job, khách hàng không cần phải biết điều này. Như ông từng giải thích với tạp chí Fortune: “Họ chỉ cần cảm thấy điều đó. Họ cảm thấy có một thứ gì đó khác biệt”. Không có gì đáng ngạc nhiên, Jobs đã được “dán nhãn” là một trong những CEO thực tế nhất ở Mỹ. Người viết tiểu sử cho người nổi tiếng đã nói những điều tương tự về Andrew Carnegie, người đã bị ám ảnh với những khía cạnh chi tiết của động cơ cắt giảm chi phí trong ngành công nghiệp thép non trẻ hồi những năm 1890, và về Henry Ford, người mà 20 năm sau đã đưa mô hình Model T tới từng hộ gia đình Mỹ. Ford, cũng như Jobs, đã đặt niềm tin vào khả năng phán đoán của mình về thứ mà người tiêu dùng mong muốn. Ông đã nhận xét rằng: “Nếu tôi hỏi các khách hàng về thứ họ muốn, họ sẽ trả lời rằng đó là một con ngựa phi nhanh hơn”. Trong suốt sự nghiệp của mình, Jobs đã luôn ghi nhớ lời nhận xét đó, coi nó như một kim chỉ nam để cứu thị trường và phát triển sản phẩm. Trong một cuộc phỏng vấn với Fortune, Jobs từng mô tả ông đã biến đổi công nghệ mới thành sản phẩm như thế nào. “Chắc chắn có một khối lượng công việc ở nhà cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi này, thực sự vậy, nhưng phần lớn đó chỉ là việc thu nhặt những thứ bạn có thể nhìn thấy ở ngoài lề. Khi bạn đang ngủ, bạn nhận ra một thứ gì đó mà bạn phải ghi chú lại ngay. Tôi đã đặt mua dài hạn nhiều dịch vụ tin tức Internet, và tôi nhận được khoảng 300 thư điện tử mỗi ngày, từ rất nhiều người mà tôi không biết, với những ý tưởng điên rồ. Và tôi luôn chú ý tới những lời bàn tán xung quanh tôi”. Estee Lauder, doanh nhân nhiều tham vọng đã tạo ra một thị trường mới khổng lồ cho các dòng sản phẩm chăm sóc da, mỹ phẩm và nước hoa thời hậu chiến, cũng có giác quan thứ 6 tương tự như vậy về nhu cầu của người tiêu dùng. Bà thán phục và đôi khi cạnh tranh với cả giới quý tộc châu Âu trong xã hội cũ đặc biệt là thị hiếu cổ điển và vẻ yêu kiều ngay trong lối sống thường ngày của họ. Và bà đã mang nguồn cảm hứng này vào quá trình sản xuất, đóng gói và quảng bá sản phẩm của bà. Đối với Lauder, trang điểm không chỉ là sự kết hợp các sản phẩm hóa học mà phụ nữ sử dụng để cải thiện vẻ bề ngoài của họ. Mỹ phẩm là một phương tiện để thể hiện bản thân của người phụ nữ. Chúng cũng là một nguồn vui hàng ngày và là nguồn năng lượng tích cực. Cũng như Lauder, trước hết Jobs chỉ quan tâm tới việc các sản phẩm sẽ góp phần làm tăng cường chất lượng cuộc sống hàng ngày như thế nào, đó cũng chính là niềm tin đặt nền móng cho chiến lược “trung tâm kỹ thuật số” của Apple. Theo Jobs, hiện tại chúng ta đang ở giữa thời đại thứ ba của máy tính, thời đại của “phong cách sống kỹ thuật số” (Kỷ nguyên thứ nhất đó là thời đại của khả năng sản xuất, kéo dài từ năm 1980 tới năm 1994, thời kỳ thứ hai đó là thời đại của Internet, kéo dài từ năm 1994 tới năm 2000). Trong giai đoạn phát triển này, các máy tính cá nhân như iMac và MacBook kết nối và trợ giúp cho một loạt các sản phẩm, từ các máy ảnh kỹ thuật số tới điện thoại thông minh, tới máy nghe nhạc MP3, tất cả đều đang tái định hình cách chúng ta tương tác với TV, phim và âm nhạc. Trong bối cảnh này, Jobs thấy sản phẩm mà Apple phát triển – như iPod, iTunes, và iPhone – đều thể hiện khả năng giúp chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn khi không có chúng. Nhiều năm trước đây, Jobs đã gọi máy tính là một “chiếc xe đạp của tâm hồn”, một công cụ đặc biệt giúp tăng đáng kể hiệu quả vận động của con người. Thậm chí cho tới bây giờ, khi Apple tung ra các sản phẩm mới, công ty không chỉ dừng lại ở khái niệm máy tính truyền thống thuần túy, mà tiếp tục mang tới cho người sử dụng các thiết bị trợ giúp bổ sung và tăng cường chất lượng cuộc sống hàng ngày. Jobs thuộc kiểu người bí ẩn, và chính điều này đã khiến ông trở thành một nhân vật nổi tiếng. Khi người sáng lập ra Apple, một người luôn luyện tập nói một cách kỹ càng, bước ra sân khấu trong một sự kiện, thì khán giả sẽ phản ứng như thể ông là một ngôi sao nhạc rock hay một nhà tiên tri tôn giáo. Mọi người la hét. Các nhân viên, khách hàng, nhà phân tích và các đối thủ cạnh tranh chăm chú lắng nghe từng lời ông nói. Các chuyên gia trong ngành công nghiệp phải nhanh chóng viết lên blog của họ bài viết mới về tương lai của công nghệ cao. Khi ông tung ra sản phẩm iPhone lần đầu tiên vào hồi đầu năm 2007, Jobs đã coi đây là một sản phẩm “cách mạng và có khả năng lôi cuốn và thực sự đã đi trước những sản phẩm điện thoại di động khác 5 năm”. Về thiết kế và khả năng, chiếc điện thoại này “như cuộc sống đang nằm trong túi của bạn vậy. Đó là thiết bị kỹ thuật số tột bậc”. Chúng ta càng biết nhiều về con người tài năng nổi trội, gan góc, và đôi khi tàn nhẫn này, và tuy nhiên lại là một doanh nhân mềm mỏng, chúng ta càng nhận ra rằng ông tin tưởng rằng ông sinh ra để thay đổi thế giới. Và điều đó dường như là động lực thúc đẩy ông làm việc. Ông luôn thể hiện rằng ông không cần phải phô bày khả năng tài chính và quyền lực. Hơn 15 năm trước đây, khi hầu hết mọi người trong chúng ta đều không sử dụng email thường xuyên hoặc chưa biết sử dụng từ “playlist” trong ngôn ngữ, thì Jobs đã thể hiện tầm nhìn về tác động của cuộc “Cách mạng Thông tin” trên tạp chí Rolling Stone. Và quá trình phát triển này, cùng với sự gia tăng khổng lồ của quyền năng máy tính, mang lại ý nghĩa lớn lao cho Jobs về một thế giới “thực sự là một nơi tốt đẹp hơn. Các cá nhân giờ đây có thể làm mọi việc mà trước đây chỉ những nhóm người với rất nhiều tiền mới có thể làm được. Điều này có nghĩa là gì, có nghĩa là chúng ta có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận với thị trường – không chỉ là thị trường dành cho thương mại mà còn là thị trường dành cho các ý tưởng. Thị trường của các tác phẩm xuất bản, thị trường của chính sách xuất bản”. Jobs đã rất đúng về cách thức cuộc Cách mạng Thông tin vừa mang lại quyền năng cho các cá nhân và vừa mang lại dân chủ hóa cho cơ cấu quyền lực đang tồn tại – gia tài mang tính chất lịch sử của công có thể thực sự lớn hơn tầm ảnh hưởng của ông trong lĩnh vực kinh doanh. Đó có thể cũng chỉ tương tự như trường hợp của vị anh hùng khác của Jobs, đó là Mohandas Gandhi, người đã mở ra một cuộc cách mạng thái bình và có ảnh hưởng sâu rộng khác cách đây 70 năm và là người đã nhìn thấy cơ hội khi người khác chỉ nhìn thấy trở ngại. Khả năng thay đổi công nghệ, âm nhạc, và ngành giải trí của Jobs đã mang lại cho ông quyền lực mạnh mẽ. Nhưng Jobs không hề sử dụng quyền lực này ra bên ngoài biên giới lĩnh vực của ông. Không giống như Rockefeller và Carnegie, mỗi người đều tạo dựng những nền tảng quyền lực cho sự thay đổi mang tính chất xã hội, Jobs hầu như không thể hiện mối quan tâm tới công tác từ thiện và ông cũng hiếm khi nói về các vấn đề chính trị hay môi trường. Dẫu sao chúng ta cũng cùng tiếp tục chờ đợi những điều mới lạ tiếp theo từ Jobs, tiếp theo ông sẽ mang lại điều gì cho thế giới? Nancy F. Koehn Hương Mai (dịch) (nguồn Tuần Việt Nam) |