(Post 18/11/2009) Mái tóc cước trắng dài đậm
chất nghệ sỹ, vóc dáng thư sinh gầy guộc, cái lưng đã trĩu xuống dưới
sức nặng thời gian, chẳng ai nghĩ rằng ở cái tuổi 85, người nhạc sỹ của
những bản tình ca kháng chiến lại có thể trò chuyện 3 tiếng đồng hồ không
thấm mệt với đám đông bạn trẻ hâm mộ của tập đoàn FPT, lại có thể dí dỏm
như thế, hài hước như thế, khúc triết như thế, hào sảng như thế.
Người nhạc
sĩ già đã có buổi trò chuyện say sưa suốt 3 tiếng đồng hồ với
các bạn trẻ hâm mộ tại Tập đoàn FPT |
|
Sinh ra trong một gia đình tiểu thương tại Đà Nẵng, chàng
thanh niên Phan Huỳnh Điểu ngày ấy ôm giấc mộng âm nhạc của mình chỉ bằng
cây đàn mangdolin. Thời bây giờ (những năm 20 của thế kỷ trước), chỉ có
những nhà tư sản giàu có mới có điều kiện học nhạc, còn lại đều phải tự
mày mò. Phan Huỳnh Điểu không phải ngoại lệ. Nhưng lại là ngoại lệ khi
mới 16 tuổi ông đã làm nên bản sầu ca lãng mạn Trầu cau nao lòng bao thế
hệ, 21 tuổi đã có một Đoàn giải phóng quân dồn giục những bước chân thanh
niên cả nước náo nức lên đường chiến đấu.
“Đoàn giải phóng quân một lần ra đi, là có sá chi
đâu ngày trở về. Ra đi, ra đi bảo tồn sông núi, ra đi ra đi thề chết không
lui” - Ngẫm lại cái ngày viết ca khúc ấy, tôi cũng chẳng hiểu làm sao
mình lại viết được thế. Nhiều khi hay đùa, viết được bài hát hay cũng
giống như gặp tiếng sét ái tình. Tình yêu, cảm xúc tự nhiên loé lên, tự
nhiên ào ạt, và mình không bao giờ hiểu được là tại sao lại như thế”.
Có phải vì coi việc sáng tác nhạc như bị trúng “tiếng
sét ái tình”, nên ca khúc nào của Phan Huỳnh Điểu cũng có tình yêu. Dù
viết về anh pháo binh ngoài tiền tuyến “pháo anh trên đồi cao nã vào đầu
giặc Mỹ”, thì cũng phải có “cuộc đời xanh tươi trẻ ngày đêm ta bên nhau”
“đêm ngày trong chiến đấu anh với em sống vẫn gần nhau”(Hành khúc ngày
và đêm). Dù viết về người công nhân xây dựng (mà thực tế là lấy cảm hứng
từ anh đèn công trường xây dựng khu chung cư Kim Liên – Hà Nội) thì cũng
phải có “lòng anh bỗng thấy càng thương nhớ em, dù xa nhau trọn ngày đêm,
anh càng yêu em càng hăng say…”(Những ánh sao đêm).
“Thì tình yêu là cốt lõi của cuộc sống. Sở dĩ người
ta có thể vững tin chiến đấu, sở dĩ người ta có thể làm việc tốt, làm
việc hăng say là vì người ta luôn có tình yêu ở bên cạnh. Tình yêu ấy
tạo cho con người động lực, niềm hứng khởi. Vì thế, ca ngợi chiến đấu,
ca ngợi lao động thì không thể thiếu được tình yêu” - nhạc sỹ Phan
Huỳnh Điểu sẻ chia.
Tuổi 85,
ông vẫn đang say sưa hoàn thành ca khúc đặc biệt dành tặng
cho Hà Nội nhân ngày sinh nhật 1000 tuổi – ca khúc mà theo
ông, là trách nhiệm, là trả nợ, là tri ân mảnh đất đã gắn
bó với mình, nuôi dưỡng mình những năm tháng chiến tranh |
|
|
Tài năng như ông, lại thêm phong thái “vào trong phong
nhã ra ngoài hào hoa”, không đếm hết những bóng hồng si mê đeo đuổi từ
thời thanh niên ôm cây đàn mandolin rong ruổi khắp các chiến trường Nam
Bắc đến khi ông đã bước qua nửa cuộc đời. Ông cũng vô tư thừa nhận cuộc
đời mình có rất nhiều bóng hồng. “Không có những bóng hồng ấy thì
làm sao mà viết được tình ca. Chỉ có điều, mình phải ý thức được đó chỉ
là những con sóng lãng mạn, những say mê nghệ sỹ, để mà tiết chế nó, không
để nó làm ảnh hưởng, làm tổn thương đến người đang đi với mình đến hết
cuộc đời”. Rồi ông quay sang người vợ nãy giờ vẫn ngồi cạnh. Bà cười
tươi nhìn ông, có chút gì vừa âu yếm, vừa hãnh diện. Cuộc kết tóc xe duyên
giữa chàng nghệ sỹ đào hoa đa tình khi xưa 26 tuổi với cô nữ sinh Quảng
Ngãi đến giờ vẫn bền chặt, ấm êm.
Trong gia tài hơn 100 ca khúc “để đời” đã được công bố,
điều khiến người nhạc sỹ già day dứt nhất là vẫn chưa có ca khúc nào thực
sự hay về mảnh đất “chôn rau cắt rốn” của mình. Đã từng có thời Đà Nẵng
mời một nhạc sỹ người Bắc về viết cho tỉnh một bài hát. Ông ấm ức lắm
vì bài hát ấy không có chất Đà Nẵng. Ông tự mình tìm đến lãnh đạo tỉnh
đề nghị được sáng tác cho quê hương song không nhận được thái độ nồng
nhiệt. Chuyện buồn thời bao cấp ấy được ông kể lại với cách dí dỏm quen
thuộc nhưng vẫn thấy có vẻ gì xa xót lắm.
Phan Huỳnh Điều tự nhận mình là người yêu thơ. Vì yêu
thơ nên mới phổ thơ nhiều thế. Gần nửa những bản tình ca của ông là phổ
thơ của các nhà thơ nữ, nhiều nhất là Xuân Quỳnh. Điều gây ấn tượng mạnh
mẽ ở ông là hiếm có nhạc sỹ phổ thơ nào trân trọng từng con chữ của nhà
thơ như ông. Ông có thể bỏ bớt câu này, nhấn nhá câu kia, nhưng tuyệt
đối không bao giờ thay đổi con chữ. Ông phê phán nhưng ai hát câu “mùa
thu vào hoa cúc” trong bài Thơ tình cuối mùa thu thành “mùa thu vàng hoa
cúc” hay “mùa thu và hoa cúc”: “Chữ vào nó đắt lắm, mùa thu nhập hồn
vào hoa cúc, nhìn bông cúc mà thấy cái hồn của mùa thu. Tôi cũng bảo các
nam ca sỹ khi hát Thuyền và biển đừng đổi anh thành em. Nếu phải cách
xa em, anh chỉ còn bão tố. Làm gì có bão tố trong lòng người đàn ông xa
người yêu. Mà Xuân Quỳnh cũng không thích thế đâu. Tôi hiểu tâm trạng
“bão tố” của Xuân Quỳnh khi cô ấy biết Lưu Quang Vũ hơi hơi… Tôi cũng
tiếc vì từ trước đến nay chưa có nữ ca sỹ nào hát tốt bài ấy”.
Ôi, căn ke để ý từng câu chữ của người hát, dù ca từ
ấy không phải của mình, quan tâm tới cả cảm xúc của tác giả bài thơ mà
mình phổ nhạc thì chỉ có Phan Huỳnh Điểu mà thôi.
Tuổi 85, nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu vẫn sáng tác đều đặn.
Vẫn quan niệm sáng tác phải phong phú thể loại (như ông đã làm trong sự
nghiệp của mình: có tình ca, có hành phúc, có chiến đấu sôi sục, có đằm
thắm ngọt ngào, có cả những ca khúc vui tươi trẻ nhỏ). Tuổi 85, ông vẫn
đang say sưa hoàn thành ca khúc đặc biệt dành tặng cho Hà Nội nhân ngày
sinh nhật 1000 tuổi – ca khúc mà theo ông, là trách nhiệm, là trả nợ,
là tri ân mảnh đất đã gắn bó với mình, nuôi dưỡng mình những năm tháng
chiến tranh.
Tuổi 85, nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu vẫn lái xe máy chở người
bạn đời đi chơi phố. Tuổi 85, ông vẫn thường xuyên theo dõi và trăn trở
với vấn đề bản quyền âm nhạc, về đời sống của văn nghệ sỹ, về sự thiếu
thốn những Mạnh Thường Quân sẵn sàng đầu tư cho nghệ thuật nước nhà. Vẫn
đều đặn xem chương trình Bài hát Việt để hiểu hơn về dòng chảy âm nhạc
đương đại. Vẫn nghe nhạc trẻ để học cách chấp nhận và đôi khi, là tìm
kiếm sự đồng điệu.
Một nhạc sỹ như thế có bao giờ “hết thời”!
Bài&ảnh: Tùng Mai
(theo báo điện tử Tổ Quốc) |