(Post 11/11/2009) Mạng tuyển dụng VietnamWorks.com
vừa công bố bản báo cáo về các xu hướng tuyển dụng nhân sự trực tuyến
qua mạng này trong quý 3 và dự kiến trong quý 4 năm nay. Theo đó, thị
trường lao động đang bắt đầu nóng trở lại nhờ nhu cầu tuyển dụng nhân
lực tăng nhanh.
Cụ thể trong quý 3 vừa qua nhu cầu tuyển dụng lao động
trực tuyến tăng 11,4% so với quý 2 và tăng 52,4% so với quý 1 năm nay.
Có tới 24 trong tổng số 50 ngành nghề tăng nhu cầu tuyển dụng lao động,
21 ngành nghề khác giữ nguyên và chỉ có 5 ngành nghề giảm. Trong số đó
ngành nông, lâm nghiệp cho dù số lượng tuyển dụng không nhiều nhưng đã
có mức tăng trưởng cao nhất là 100% so với quý 2. Ngược lại, số nhu cầu
tuyển dụng ngành dệt may giảm nhiều nhất với mức giảm 25% so với quý 2.
Trong quý 3, nhu cầu nhân lực ngành tiếp thị tiếp tục
gia tăng khiến ngành này trở thành ngành duy nhất trong 50 ngành nghề
có nhu cầu tuyển dụng nhân lực trực tuyến cao hơn hẳn so với nguồn cung
ứng. Hơn nữa, khoảng cách cung -cầu trong ngành này đã tăng liên tiếp
trong hai quý 2 và 3 cho thấy thị trường lao động đang thiếu chuyên viên
tiếp thị thạo nghề. Năm ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng trực tuyến cao
nhất bao gồm bán hàng với mức tăng 12,5% so với quý 2, tiếp sau đó là
kế toán tài chính, kỹ sư, hành chính thư ký và công nghệ thông tin - phần
mềm (xem bảng dưới).
Đặc biệt trong quý 3 này xuất hiện một xu hướng mới trong
tuyển dụng nhân sự nước ngoài cho các vị trí quản lý. Nhu cầu tuyển dụng
này xuất phát từ xu hướng đến Việt Nam tìm việc của người nước ngoài và
Việt kiều. Những lao động này có kinh nghiệm và kỹ năng làm việc trong
môi trường quốc tế, nhưng đã sống tại Việt Nam và thực sự muốn ở lại nên
nhà tuyển dụng không phải tốn thêm chi phí để họ chuyển đến đây.
Dự báo thêm về sự sôi động trở lại của thị trường lao
động, ông Chris Harvey, tổng giám đốc VietnamWorks.com cho biết, những
biểu hiện này cho thấy thị trường lao động đang nóng dần lên. Tuy nhiên,
sẽ phải mất thêm thời gian thị trường lao động mới có thể sôi động như
cách đây khoảng 18 tháng. Tình thế này khiến người tìm việc lưu ý, trong
thời gian hiện tại, họ vẫn khó có thể “mặc cả” với nhà tuyển dụng khi
đàm phán lương.
Tây Giang
(theo báo Sài Gòn Tiếp Thị) |