(Post 31/10/2009) Bài “Khơi
dậy năng lực tiềm ẩn để thành công” đã đề cập đến vấn đề đánh thức
và sử dụng sức mạnh của tiềm thức. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ tầm quan
trọng của sự tự nhận thức (self-awareness), đồng thời gợi ý một số kỹ
thuật để nâng cao kỹ năng tự nhận thức. Kỹ năng này không chỉ giúp ích
từng thành viên trong tổ chức mà còn tạo động lực để họ phát huy hết năng
lực, đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Tự nhận thức là cảm nhận rõ ràng về nhân cách, điểm mạnh,
điểm yếu, tư duy, niềm tin, động lực và cảm xúc. Tự nhận thức cũng cho
phép bạn hiểu về người khác, cách họ cảm nhận về bạn cũng như thái độ
và phản hồi của bạn. Sự tự nhận thức là cơ sở - nền tảng - nền móng -
hỗ trợ tất cả các năng lực tư duy cảm xúc. Nó phải có trước, bởi nếu không
hiểu bản thân và cảm xúc của mình, làm sao chúng ta có thể biết và hiểu
người khác cảm xúc như thế nào?
Sự tự nhận thức giúp chúng ta biết được cái gì thúc đẩy
mình và mình say mê cái gì. Điều này hướng chúng ta đến những công việc
yêu thích, khiến chúng ta làm việc vui vẻ, hiệu quả. Nó dẫn tới những
mối quan hệ, cả trong công việc lẫn quan hệ cá nhân, ở đó chúng ta sẽ
đóng góp có tính xây dựng và tích cực hơn. Và nó cũng dẫn đến cuộc sống
chân thật hơn cũng như làm cho chúng ta hài lòng hơn.
Càng hiểu rõ bản thân, chúng ta càng có thể kiểm soát
và lựa chọn hành vi muốn biểu hiện. Sự tự nhận thức giúp chúng ta hiểu
mình đang ở đâu, muốn đi đâu để sẵn sàng thay đổi nhằm đến được nơi cần
đến. Không có sự tự nhận thức, các cảm xúc có thể che mắt chúng ta, khiến
ta trở thành người mà mình không muốn. Nếu hiểu cảm xúc và suy nghĩ của
mình, chúng ta có thể lựa chọn cách hành động hoặc phản ứng trong một
tình huống nào đó hoặc với một người nào đó. Sự lựa chọn này trở thành
sức mạnh, một sức mạnh nội tại không ai có thể lấy đi.
Một phần quan trọng khác của quá trình tự nhận thức là
bạn cần hiểu rõ về trí óc và cơ thể mà tạo hóa đã ban tặng cho mỗi người
cũng như phương pháp vận hành của chúng. Hình dung về trí óc còn được
gọi là người que. Mô hình về trí óc và cơ thể của người que do Tiến sĩ
Thruman Fleet, thuộc Đại học San Antonio, bang Texas, đưa ra vào khoảng
năm 1934.
Mô hình này có ba thành phần, trong đó hai thành phần
thuộc về trí óc là nhận thức và tiềm thức, và một thành phần là cơ thể.
Phần nhận thức là suy nghĩ và suy luận, có thể chấp nhận
hoặc phản đối các ý kiến, không ai có thể bắt bạn suy nghĩ theo những
ý tưởng bạn không muốn nghe theo và khi suy nghĩ tạo ra ý tưởng.
Phần tiềm thức là trung tâm quyền lực, không có quyền
tự do ý chí, phải chấp nhận và không có khả năng từ chối, không biết tới
giới hạn cũng như không phân biệt được đâu là thực tế, đâu là tưởng tượng,
được tự bộc lộ bằng cảm nhận. Phần cơ thể là phần hiện hữu của bạn, là
phương tiện vật chất, là công cụ của trí óc, hành động theo chỉ dẫn của
trí óc, là công cụ để bộc lộ suy nghĩ, để cảm nhận, và hành động của cơ
thể quyết định kết quả.
Do vậy, suy nghĩ tích cực sẽ tạo ra cảm nhận tích cực,
cảm nhận tích cực sẽ tạo ra hành động tích cực và hành động tích cực sẽ
tạo ra kết quả tích cực. Nếu quy trình này tiếp diễn liên tục sẽ tạo nên
một thói quen tốt giúp bạn thành công. Điều này một lần nữa chứng minh
cho câu ngạn ngữ “Gieo suy nghĩ gặt hành động, gieo hành động gặt thói
quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận” đã được
đề cập.
Tuy nhiên, giữa nhận thức và tiềm thức luôn tồn tại mâu
thuẫn nên bạn cần kết hợp nhận thức với tiềm thức. Người thành công là
người có suy nghĩ và cảm nhận đồng điệu, nghĩa là nhận thức và tiềm thức
kết hợp nhuần nhuyễn với nhau.
Sự tự nhận thức được phát triển thông qua thực hành việc
tập trung sự chú ý vào các chi tiết của cảm xúc, nhân cách và hành vi.
Sau đây là một số kỹ thuật để phát triển sự tự nhận thức:
- Ghi lại những hành vi và cảm xúc khi đối diện với tình huống căng
thẳng.
- Khi tương tác với những người bạn cảm thấy thoải mái, hãy hỏi họ
những phản hồi về hành vi và hành động của bạn.
- Liệt kê ra các điểm mạnh và điểm cần cải thiện.
- Tìm kiếm người bạn tin tưởng để giúp bạn phân tích khả năng của
mình một cách khách quan.
- Tìm kiếm công việc mà bạn đủ tiêu chuẩn và khả năng đảm nhận, sau
đó nhờ cấp trên hoặc người cố vấn đánh giá bạn cần phải làm gì để
cải thiện năng lực của mình.
- Tạo sự tin tưởng với người khác.
- Tận tâm, chú ý và tập trung vào công việc.
- Điều chỉnh bản thân để thích nghi với những hoàn cảnh khác nhau.
- Tập tư duy tích cực, lạc quan và sáng tạo.
- Đặt ra mục đích và mục tiêu cho bản thân và cho công việc.
- Áp dụng kỹ thuật tự khẳng định.
Kỹ năng tự nhận thức không chỉ giúp phát huy năng lực
tiềm ẩn của bản thân mỗi người mà còn hữu ích cho các doanh nghiệp. Ngày
nay, với môi trường cạnh tranh khốc liệt, cấu trúc tổ chức ngày càng phẳng
hơn và ít nhân viên hơn, do vậy đòi hỏi nhân viên và cấp quản lý phải
quản lý bản thân tốt hơn để có thể làm việc độc lập.
Để quản lý bản thân hiệu quả, bạn cần có kỹ năng tự nhận
biết. Đồng thời, tự nhận thức cho phép bạn hiểu rõ người khác và cách
thức người khác cảm nhận về bản thân bạn, từ đó giúp bạn nâng cao kỹ năng
làm việc đồng đội.
Một doanh nghiệp với những nhân viên và người quản lý
có kỹ năng tự nhận thức tốt sẽ hoạt động hiệu quả hơn do họ vừa có khả
năng làm việc độc lập, vừa có khả năng làm việc đồng đội tốt.
Ngoài ra, nhận thức đúng về điểm mạnh, điểm cần cải thiện
của bản thân và của nhân viên sẽ giúp cho các nhà quản lý doanh nghiệp
phát huy toàn diện năng lực của mình và nhân viên, đồng thời có kế hoạch
đào tạo, phát triển phù hợp. Doanh nghiệp cần chú trọng đào tạo kỹ năng
tự nhận thức cho nhân viên bởi nó không chỉ giúp ích cho bản thân nhân
viên mà còn tạo động lực để họ phát huy hết năng lực của mình, đóng góp
cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Nguyễn Đăng Duy Nhất
Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online |