Harvard Business School: Rạng danh kỷ niệm 100 năm tuổi  
 

(Post 23/12/2009) Trường Kinh doanh Harvard (Harvard Business School - HBS) kỷ niệm năm thứ 100 của mình bằng hai sự kiện đáng chú ý trong tháng 10: Hội thảo Nghiên cứu Quốc tế và Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Toàn cầu, với tiêu chí tôn vinh quá khứ, tập trung hướng đến tương lai với vai trò dẫn đầu và mở rộng trong lĩnh vực kinh doanh.

Khuôn viên Harvard Business School, ngôi trường rạng danh thế giới với lịch sử 100 năm thành lập. Ảnh: Vietnamnet

Tôn vinh quá khứ, hướng tới tương lai

Hội thảo Nghiên cứu Quốc tế (International Research Symposium) diễn ra vào ngày 10/10, sẽ bàn về những vấn đề đang được chú ý như: toàn cầu hóa, thương hiệu, tín dụng dành cho người tiêu dùng…

Hội thảo có sự tham gia của những gương mặt uy tín như Giáo sư marketing Sebastian S.Kresge, Giáo sư Quản trị Kinh doanh J.Gunnar Trumbull và Hiệu trưởng HBS – ông Jay O.Light.

Đặc điểm chung của các giáo sư ở HBS là các học giả thường “kiêm” luôn doanh nhân. Nói cách khác, họ không chỉ tỏa sáng trong thế giới học thuật mà còn là các nhà kinh doanh năng động, những nhà quản lý doanh nghiệp nổi tiếng trên thế giới.

Chẳng hạn, ông Jeffrey L.Cruikshank vừa là tác giả của hàng chục đầu sách về kinh doanh, vừa là Chủ tịch của Công ty Cruikshank, làm ăn phát đạt. Hay Hiệu trưởng Jay O.Light đồng thời là Giám đốc Công ty Quản lý Harvard và Blackstone Group - một công ty đầu tư tư nhân.

Chính vì vậy, họ luôn có sự kết hợp hài hòa giữa kiến thức hàn lâm và thực tiễn thương trường. Điều này tạo nên ở họ sự hiểu biết sâu rộng và sức thuyết phục ghê gớm đối với người xung quanh. Đây cũng là nét khác so với một số lượng không nhỏ giảng viên đại học ở ta. Tại Việt Nam, nhiều sinh viên các ngành kinh tế tốt nghiệp loại ưu là có thể ở lại trường dạy, nên có phần thiếu thực tiễn.

Sự tham gia của các giáo sư uy tín cùng những bài tham luận của họ luôn được cử tọa chờ đợi, và dĩ nhiên họ là yếu tố thu hút mọi người đến các hội thảo.

Trong ba ngày tiếp theo (11-14/10), HBS sẽ tổ chức họp Ban Cố vấn Quốc tế và Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Toàn cầu nhân kỷ niệm 100 năm HBS (HBS Centennial Business Summit).

Hội nghị hướng tới kỷ niệm 100 năm HBS. Ảnh nguồn: HBS Centennial

Theo dự kiến, có khoảng hơn 180 diễn giả sẽ diễn thuyết tại Hội nghị là các nhân vật rất nổi tiếng, như: Jamie Dimon - Chủ tịch kiêm CEO của JPMorgan Chase; Orit Gadiesh - Chủ tịch của Bain & Company Inc.; Bill Gates – Nguyên Chủ tịch của Microsoft Corp.; Jeff Immelt - Chủ tịch kiêm CEO của General Electric Company; Meg Whitman - Chủ tịch kiêm CEO của eBay và rất nhiều nhà lãnh đạo cũng như doanh nhân nổi tiếng khác trên toàn cầu...

Ban Cố vấn của Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Toàn cầu gồm có hơn năm mươi gương mặt là những giáo sư, doanh nhân, nhà cố vấn cấp cao và những nhà quản lý danh tiếng trên thế giới như: Dr. Kim B. Clark, PHD 1978 – Nguyên Hiệu trưởng HBS; Alan G. Lafley, MBA 1977 – CEO kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị P&G; Marjorie Yang, nữ hoàng may mặc thế giới, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Esquel China Holdings; Sir Ronald M. Cohen, MBA 1969, Chủ tịch Bridges Ventures; John H. McArthur, MBA 1959, Nguyên Hiệu trưởng HBS, Cố vấn cấp cao của Chủ tịch Ngân hàng thế giới.

Rạng danh 100 năm lịch sử “Đào tạo những nhà lãnh đạo tạo ra sự khác biệt trên toàn thế giới”

Năm 1908, theo yêu cầu của Hiệu trưởng Charles W. Eliot, Tập đoàn của Trường Đại học Harvard đã thành lập một ngôi trường quản trị kinh doanh mang tên Harvard Business School và Edwin F. Gay được bầu chọn là Hiệu trưởng. Trường chính thức thành lập ngày 1/10/1908, ban đầu chỉ là một khoa với 15 giảng viên, một khoá học nghiên cứu, 33 sinh viên chính thức và 47 sinh viên đặc biệt.

Sau một thế kỷ, ngôi trường đã sản sinh ra nhiều nhà lãnh đạo và ý tưởng, những ý tưởng đã hình thành nên thực tiễn quản lý ở các tổ chức quan trọng trong mọi lĩnh vực trên toàn cầu.

HBS nổi tiếng là ngôi trường thiết lập chương trình MBA đầu tiên cũng như giới thiệu phương pháp nghiên cứu cho giáo dục quản lý vào những năm 20 của thế kỷ XX.

Hiệu trưởng HBS Jay Light cắt nhát dao đầu tiên vào chiếc bánh khổng lồ có mô hình thư viện trường nhân dịp kỷ niệm ngày khánh thành. Ảnh: HBS Centennial

Nhà trường cũng là nơi dẫn đầu trong phát triển Giáo dục đào tạo lãnh đạo doanh nghiệp vào những năm 50 của thế kỷ XX. Được biết đến là ngôi trường sát với thực tiễn, HBS đã đi tiên phong trong việc thực thi nghiên cứu, kết quả là đã tạo ra những ngành nghề mới (như hành vi trong tổ chức và marketing), đóng góp đáng kể vào sự hiểu biết về lãnh đạo, chiến thuật và quyết định.

Jay Light, Hiệu trưởng trường HBS phát biểu: “Trong năm 2008, chúng tôi sẽ trưng bày lịch sử của HBS trên khía cạnh đổi mới nghiên cứu và giảng dạy, cùng với ảnh hưởng to lớn của những cựu sinh viên của trường trên toàn thế giới”.

“Lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập trường cũng sẽ là cơ hội để chúng tôi đặt ra những mục tiêu quan trọng, những nhiệm vụ trọng điểm trong thời kỳ tiếp theo. Tương lai của kinh doanh và giáo dục kinh doanh trong nền kinh tế toàn cầu sẽ như thế nào? Chúng ta có thể đóng góp gì cho việc hình thành tương lai đó?”

“Trong một thế kỷ, những cán bộ giảng dạy và sinh viên tốt nghiệp của HBS đã tạo nên thực tiễn kinh doanh ở Mỹ và trên toàn thế giới.” - Hiệu trưởng trường Đại học Harvard (Harvard University), Drew Faust cho biết - “Đó là truyền thống tuyệt vời hứa hẹn một tương lai rộng mở”.

Tại HBS, chúng ta có thể thấy lịch sử như một thách thức, chúng giống như một di sản về nghị lực và sự đổi mới mà chúng ta phải cố gắng để cân bằng hàng ngày. Từ các nhân viên giảng dạy của khoa cho đến các cựu sinh viên, cộng đồng HBS rộng lớn đang không ngừng khẳng định bản chất của đào tạo quản lý và kiến tạo ra tương lai của kinh doanh.

Tầm ảnh hưởng trên toàn cầu

Những gương mặt từng làm nên lịch sử của HBS. Ảnh: HBS Centennial

Năm 1909, bắt đầu có những sinh viên quốc tế đầu tiên tham gia vào Chương trình MBA: Một từ Thượng Hải và một từ Paris.

Năm 1910, một trong số những giáo viên trợ giảng đầu tiên của HBS có mặt tại Châu Mỹ La Tinh để thu nhập thông tin nhằm gia tăng các khoá học lúc bấy giờ. Hiện tại, có khoảng 30% các công trình nghiên cứu được HBS đưa ra hàng năm cùng với các tổ chức ở ngoài nước Mỹ.

Chương trình học MBA ban đầu bao gồm các khoá học ngôn ngữ (Tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Đức) dành cho trường hợp các sinh viên có thể cần ngôn ngữ thứ hai khi làm việc sau này. Hiện tại, đa số sinh viên của HBS đều nói được ngôn ngữ thứ hai và hầu hết trong số họ đều có kinh nghiệm làm việc quốc tế.

Năm 1934, các câu lạc bộ cựu sinh viên nam HBS quốc tế đầu tiên được thành lập ở Paris và Thượng Hải. Hiện tại, khoảng gần 30% cựu sinh viên nam của HBS sống ở nước ngoài và hơn 50 % câu lạc bộ cựu sinh viên nam quốc tế của HBS đã được thành lập.

Những giá trị về mặt xã hội

Toàn cảnh thư viện trường (năm 1928)
Và một phòng đọc (năm 1975). Ảnh: HBS Centennial

Tập thể HBS xác định đặc điểm riêng của trường là phải nắm lấy ba giá trị cơ bản một cách chủ động:

1. Tôn trọng quyền lợi, sự khác biệt và giá trị của những tổ chức khác.
2. Trung thực và hoà nhập trong cách đối xử với tất cả các thành viên trong tổ chức.
3. Có trách nhiệm với hành vi cá nhân.

Những giá trị này là cơ sở có ý nghĩa quan trọng đối với tập thể HBS. Chúng giúp tạo ra một không khí kích thích học tập và phát triển, rộng mở và tích cực. Chúng đại diện cho những nhà lãnh đạo chuẩn mực đặt nền tảng tiêu chuẩn thường nhật trong tổ chức của họ.

Mọi người trong cộng đồng HBS (sinh viên có bằng MBA, những học viên các chương trình lãnh đạo doanh nghiệp, giáo sư, giảng viên và nhân viên và cựu học viên) chấp thuận trách nhiệm cá nhân để hoà nhập những giá trị này với tất cả các khía cạnh kinh nghiệm của họ ở HBS. Họ thấm nhuần tinh thần và khẩu hiệu “Đào tạo những nhà lãnh đạo tạo ra sự khác biệt trên toàn thế giới”. Các vấn đề mang tính đạo đức cũng được thể hiện sâu sắc thông qua các chương trình học, dạy học và nghiên cứu.

Hơn 500 công trình nghiên cứu hiện nay của HBS tập trung rõ ràng vào một loạt các vấn đề đạo đức trong cuộc sống cùng với các vấn đề kinh doanh khác; HBS sử dụng chúng để giúp sinh viên có những thoả hiệp tránh gây rắc rối và những điều khó xử mà các nhà quản lý đôi khi phải đối mặt.

Hiện nay, phạm vi hoạt động của nhà trường phổ biến trên mạng lưới năm trung tâm nghiên cứu tại bốn châu lục trên toàn thế giới. HBS cũng điều hành NXB HBS, hoạt động của NXB bao gồm xuất bản tạp chí Harvard Business Review, Nhà in HBS (lĩnh vực hoạt động bao gồm các thông cáo báo chí, hội nghị, các công trình nghiên cứu, các sản phẩm đào tạo từ xa...).

Vũ Hoàng Long - Khánh Châu (tổng hợp)


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


Tuyển dụng người luôn phản biệnGia tài của Steve Jobs
Bằng cấp không phải là thước đo người trí thức9 kỹ năng “mềm” để thành công
Thiếu nhân lực cho thị trường tỷ “đô”Đào tạo từ nguồn
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11