(Post 03/02/2010) Sau một thời gian gián đoạn, các công ty bắt đầu đẩy mạnh gia công phần mềm trở lại nhằm cắt giảm chi phí. Một số doanh nghiệp lập bộ phận triển khai ở nước ngoài để tận dụng giá nhân công rẻ, đồng thời giúp duy trì sự cung cấp dịch vụ liên tục nhờ khác biệt múi giờ... Nghiên cứu mới của PricewaterhouseCoopers cho thấy gia công phần mềm đã tăng trở lại trong 6 tháng gần đây và vẫn tiếp tục tăng nhanh nhờ xu hướng tập trung giảm giá của các doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp lập bộ phận triển khai ở nước ngoài để tận dụng giá nhân công rẻ, đồng thời giúp duy trì sự cung cấp dịch vụ liên tục nhờ khác biệt múi giờ. Một số công ty chuyển việc tới những quốc gia như Ấn Độ và từ Ấn Độ đến những nước khác như Trung Quốc, Philippines và Costa Rica. Thậm chí, Romania cũng đã nhảy vào thị trường gia công dịch vụ kế toán. “Chi phí vẫn là yếu tố chính”, Charles Aird, giám đốc phân tích mảng dịch vụ gia công của PricewaterhouseCoopers nói. “Nhưng các doanh nghiệp thuê gia công cũng đang tìm kiếm hiệu quả cao hơn, chất lượng tốt hơn và cả nguồn nhân lực tay nghề cao”. Ví dụ ở Romania, các sinh viên tốt nghiệp ngành kế toán sẵn sàng làm việc thu nhập thấp sau khi ra trường để lấy kinh nghiệm thực tiễn. Chưa hết, số sinh viên tốt nghiệp còn đủ nhiều để giữ lương ở mức thấp trong khi chất lượng gia công dịch vụ kế toán rất cao. Tương tự, Trung Quốc đã xây dựng chương trình kế toán 3 năm để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng tốt cho dịch vụ gia công công việc kế toán với chi phí khá thấp. Danh sách những đầu việc được gia công cũng đang tăng. Danh sách của PricewaterhouseCoopers gồm nhiều việc từ phát triển ứng dụng, hỗ trợ hạ tầng cho đến các dịch vụ tài chính, kế toán, nguồn nhân lực và thậm chí cả nghiên cứu luật. Tuy nhiên, không phải cái gì thuê gia công cũng hiệu quả. Ví dụ, dịch vụ hỗ trợ máy tính được gia công sang Ấn Độ đã khét tiếng vì gây khó chịu với khách hàng. Chính vì vậy, Dell đã phải đưa hầu hết dịch vụ này từ Ấn Độ trở về Mỹ, trong khi đó Apple cũng dùng nhân lực bản địa cho những cuộc gọi hỗ trợ từ các khách hàng trong quốc gia đó. Ngược lại, việc phát triển ứng dụng, kỹ năng phức tạp hơn nhiều, được gia công sang Ấn Độ lại chứng tỏ cực kỳ thành công. Việc gia công ra bên ngoài cũng tiềm ẩn những nguy cơ với các công ty. “Gia công có thể mang lại nhiều lợi ích”, Charles Aird nói. “Nhưng nếu doanh nghiệp cắt giảm quá nhiều và gia công cả những việc như tri thức, chiến lược và kiến trúc thì tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ rò rỉ thông tin nhạy cảm”. Không phải mọi việc gia công có thể thuê ở một nơi. Ấn Độ, trung tâm gia công phần mềm lớn nhất, là nơi triển khai cho các khách hàng của thế giới nói tiếng Anh. Các nước khác như Trung Quốc là nơi làm nhiều hơn cho những quốc gia không nói tiếng Anh như Nhật. Nhân lực làm gia công chủ yếu sử dụng trình độ thấp. Tuy vậy, chi phí gia công ở những thị trường lớn như Ấn Độ và Trung Quốc cũng đang tăng lên. Ví dụ ở Ấn Độ, lương lập trình viên tăng từ 100 USD/tháng vào năm 1994 lên 3.000 USD/tháng thời điểm hiện tại. Chính vì vậy, những dự án gia công đơn giản đang được dịch chuyển sang những quốc gia giá nhân lực rẻ như Costa Rica hay Bangladesh. Tuy nhiên, nhân lực trình độ quản lý vẫn là hàng hiếm. Lương của những người này không chênh lệch nhiều dù họ ở quốc gia nào. Quốc Cường - theo Forbes (nguồn ICTnews) Các tin liên quan: |