(Post 09/01/2010) Tổng giám đốc công ty phần mềm hàng đầu Việt Nam với 2.700 nhân viên Bùi Thị Hồng Liên chỉ nhận mình là “một người phụ nữ Việt Nam không có gì đặc biệt”. Tận tâm với công việc, bản lĩnh và sự quyết liệt trong hành động để đạt được những mục tiêu mà mình đặt ra là những lời tự mô tả chân dung của nữ Tổng giám đốc này. FPT Software hiện là công ty phần mềm hàng đầu tại Việt Nam với 2.700 nhân viên. Ảnh: Thanh Hải | |
PV: Mười năm về trước, lý do gì khiến chị quyết định rời bỏ Viện KHGD của Bộ GD&ĐT, với mức lương dự án khoảng 150 USD/tháng và một công việc nhàn nhã rất phù hợp với phụ nữ để chuyển đến FPT Software đảm nhận những công việc mới đầy thách thức và mức lương chẳng hề hấp dẫn? Tôi đã được Nhà nước đào tạo rất nhiều, học lớp chuyên toán của TP. Hà Nội từ lớp 5 đến lớp 7, lớp chuyên toán của ĐHQG từ lớp 8 đến lớp 10. Sau đó lại được cử đi học đại học ở Đức, học thạc sĩ chuyên ngành CNTT ở Nhật Bản, tất cả đều bằng tiền của Nhà nước. Tuy vậy, làm trong Nhà nước tôi không được sử dụng những gì tôi đã được đào tạo. Không có sự chủ động và rất nhiều thứ ràng buộc để không được cống hiến như mong muốn. Thế hệ chúng tôi đã trải qua chiến tranh vì thế chúng tôi muốn cống hiến cho đất nước, bằng cách này hay cách khác. Khi học thạc sĩ về tôi đã 37 tuổi rồi, tôi không muốn để thời gian trôi qua và nhìn lại thấy mình không làm được gì cả. Chính vì thế tôi đã chọn FPT khi công ty bắt đầu chiêu quân để phục vụ cho một sự nghiệp lớn: Xuất khẩu phần mềm. Lương không phải là điều kiện hấp dẫn nhất với tôi, mặc dù khi bắt đầu làm việc ở FPT tôi chỉ được trả lương 500 ngàn đồng mỗi tháng. PV: Chiến lược “Toàn cầu hóa” của FPT khởi sự vào những năm 1999-2000 một lần nữa lại đưa chị đến với những thách thức mới ở phương trời mới: Phụ trách Công ty của FPT Software tại Bangalore (Ấn Độ). “Vụ Ấn Độ” đã được chính những người lãnh đạo FPT thừa nhận là thất bại và rút ra được khá nhiều bài học đắt giá. Với riêng chị, bài học chị rút ra được là gì? Vâng, tôi quyết định đi Ấn Độ khá vội vàng, vào tháng 10/1999, chỉ sau 6 tháng tôi chính thức gia nhập FPT. Ngay cả các sếp trực tiếp của tôi cũng không hiểu được tại sao tôi quyết định nhanh như vậy và khuyên tôi không nên đi. Lúc đó chỉ có anh Bình (Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty FPT– PV) là khuyến khích tôi đi. Khi đó mục tiêu của chúng tôi đơn giản là mở công ty tại Bangalore, tuyển dụng người và chờ dự án từ thị trường Mỹ chuyển về. Nhưng không may mắn là cuộc khủng hoảng dotcom và vụ khủng bố 11/9 lại xảy ra, khiến chúng tôi không thể hoàn thành được nhiệm vụ này. Đối với FPT lần đầu tiên bước ra toàn cầu hóa, kinh nghiệm không có, chiến lược không rõ ràng, việc thất bại không phải là điều khó hiểu. Tuy vậy, đối với bản thân tôi việc mở thị trường Ấn Độ lại là một cơ hội hiếm có để đào tạo bản thân mình, làm việc và xây dựng công ty trong một môi trường hoàn toàn xa lạ, lãnh đạo những người Ấn Độ… Tôi đã có gần 3 năm học hỏi và đào tạo mình, đã tận dụng tối đa các lớp học, các cuộc hội thảo dành cho các công ty Ấn Độ để tự đào tạo. Tôi đã có nhiều dịp thăm quan và học hỏi các công ty lớn của Ấn Độ như Infosys, Wipro, TCS…, đã được tiếp xúc với nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp thành công của Ấn Độ, cũng đã trải qua rất nhiều gian nan thử thách ở mảnh đất này, trải nghiệm cuộc sống rất nhiều màu sắc văn hóa và phức tạp ở đây. Đây là một thời kỳ vô cùng quý báu đối với bản thân tôi. Đối với tôi, Ấn Độ là bước đầu tiên được đào tạo để làm được các việc khác sau này cho công ty. Nếu xét về mục tiêu doanh số, dự án mở công ty ở Ấn Độ là không thành công. Nhưng thực tế chi phí cho việc xâm nhập thị trường Ấn Độ là rất thấp, và cái được lớn nhất chúng tôi thu được ở Ấn Độ chính là đào tạo được đội ngũ có kinh nghiệm quốc tế, bản thân mình trưởng thành lên nhiều. Những kinh nghiệm lập công ty ở Ấn Độ đã giúp tôi rất nhiều sau này khi sang Nhật lập công ty. Hơn nữa, hiệu quả về ngoại giao từ Ấn Độ cũng rất cao. Các đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, của TP. HCM do Phó Chủ tịch UBND TP. Nguyễn Thiện Nhân, của Đài Truyền hình Trung ương… khi sang học hỏi kinh nghiệm phát triển phần mềm và các khu công viên phần mềm tại Ấn Độ đều lấy văn phòng của FPT làm địa chỉ liên lạc, đối ngoại. Rõ ràng, xét về hiệu quả kinh doanh thì không đạt, nhưng hiệu quả chung thu được từ Ấn Độ thì không thể tính hết được. PV: Thêm một lần nữa chị được lãnh đạo FPT tin tưởng giao “lĩnh ấn tiên phong” mở thị trường phần mềm Nhật Bản vào những năm 2005-2006. Xin hỏi thật, vào thời điểm đó chị có tin là mình và FPT sẽ thành công ở một thị trường rất kỹ tính này? Tôi đã học ở Đức, từng là lưu học sinh tại Nhật Bản, đi du lịch nhiều nơi, sống và làm việc ở Ấn Độ... Cuộc sống ở nước ngoài không xa lạ với tôi. Tuy vậy, việc sang Nhật mở công ty có thể nói là “điếc không sợ súng” của tôi. Tôi được công ty bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc và giao nhiệm vụ sang Nhật Bản mở công ty vào tháng 7/2005. Khi đó, tôi chỉ có một suy nghĩ là làm sao thực hiện tốt nhất nhiệm vụ được giao. Không hề biết phía trước mình là thành công hay thất bại. Tuy vậy, thời điểm đó tôi đã có 3 năm học ở Nhật Bản; kinh nghiệm làm việc tại công ty Hitachi Soft, đã có những kết quả ban đầu cùng kinh nghiệm làm việc với các khách hàng Nhật Bản, tốc độ tăng trưởng của công ty ở thị trường Nhật Bản vào năm 2005 đạt trên 200%. Tôi không suy nghĩ nhiều về thành công hay thất bại. Thường khi nhận nhiệm vụ tôi sẽ suy nghĩ phải bắt đầu làm như thế nào và sẽ làm hết khả năng của mình. Rất may mắn là tôi đã có kinh nghiệm đi lập công ty ở Ấn Độ, nên việc xây dựng một công ty ở Nhật, nơi mà các thủ tục rõ ràng, một đất nước theo pháp luật và tôn trọng pháp luật thì lập công ty hoàn toàn không khó khăn. Tuy vậy, đứng vững được ở đấy và trở thành công ty Nhật Bản thực thụ thì là một thách thức lớn đối với chúng tôi lúc đó. Từ ngày 1/1/2010, Công ty FPT Nhật Bản (FPT Japan) của chúng tôi sẽ có một giám đốc điều hành (CEO) là người Nhật Bản – ông Ogawa Takeo. Đây chính là vị Tổng giám đốc (CEO) của công ty khách hàng lớn nhất của FSoft và là người dìu dắt tôi ngày xưa, công ty có khoảng 5.500 nhân viên vào năm 2004 (khi đó FPT Software mới vẻn vẹn có gần 300 nhân viên - PV). Ông Ogawa Takeo là người có uy tín trong giới CNTT của Nhật Bản, đã có kinh nghiệm quản lý một công ty phần mềm lớn với quy trình làm việc và mô hình quản lý chuẩn quốc tế. Thực sự, mời được ông về làm việc tại FPT Japan quả thực là một thành công lớn của FPT trong nỗ lực xây dựng FPT Japan trở thành một công ty phần mềm Nhật Bản thực thụ. PV: Chị tiếp nhận vị trí Tổng giám đốc FPT Software vào thời điểm công ty gặp khá nhiều khó khăn (khủng hoảng kinh tế, khách hàng cắt giảm hợp đồng, dự án thiếu hụt, tư tưởng nhân viên dao động…). Có cảm giác như chị luôn phải đối mặt với những thách thức mới trong bối cảnh không hề thuận lợi. Chị có nghĩ như vậy? Nếu coi cái rủi ro là điểm thuận lợi thì đây lại là thời điểm thuận lợi của tôi. Hiển nhiên trong thời điểm khó khăn nếu tôi có làm kém thì có thể đổ tại cho khó khăn khách quan, không phải do năng lực của mình (cười)! Tuy vậy, nếu nhìn vào mặt tích cực, trong khó khăn thì nhiều vấn đề sẽ lộ ra, để giải quyết nó thì tôi đã học được rất nhiều điều, mà thông thường trong thuận lợi không thể học được. Có lẽ từ bé đến giờ tôi luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn khác mọi người, nên luôn luôn phải nỗ lực hết sức cộng thêm có một chút may mắn trời thương nên tôi luôn đạt được những gì mình định làm. PV: Những nhân viên của FPT Software nhận xét rằng anh Nguyễn Thành Nam khi lên làm TGĐ FPT đã để lại cho chị một “gia tài” khá đồ sộ và không kém phần “lộn xộn”. Chị đang phải chỉnh đốn và siết lại việc quản lý “gia tài” này. Chị chỉnh đốn và siết lại theo hướng nào? Và mục tiêu mà chị đặt ra cho công ty trong 5-10 năm tới là gì? Anh Thành Nam là một trong những người sáng lập ra FPT; đã xây dựng FPT Software từ những ngày đầu tiên, nên cái gì anh cũng biết. Tôi làm cho FPT Software 10 năm nhưng phần lớn thời gian của tôi (hơn 7 năm-PV) là làm việc ở nước ngoài, nên có rất nhiều thứ khi nhận bàn giao từ anh Nam tôi không biết. Vì thế, việc đầu tiên khi nhận công ty từ anh Thành Nam là tôi phải tìm hiểu lại mọi thứ, từ tổ chức đến con người và các quy định, quy trình của FPT Software. Tính cách của tôi cầu toàn nên khi bắt tay vào mọi việc, tôi luôn nhìn thấy những vẫn đề chưa được tốt trong đó và cần phải cải thiện. Anh Thành Nam có biệt tài có thể quản lý và chỉ huy mọi thứ mà không cần có bộ máy và hệ thống tốt. Còn tôi, tôi luôn cần có bộ máy và hệ thống tốt. Do đó, việc đầu tiên tôi phải xây dựng lại các bộ máy và hệ thống để hỗ trợ công việc cho tôi, cũng như tổ chức lại con người phù hợp với tôi và với các bộ máy giúp việc cho tôi. Tôi luôn đặt sự vận hành hiệu quả và tính thực tiễn lên trên hết. Nên việc chỉnh đốn công ty của tôi cũng theo hướng đó. PV: Anh Nguyễn Thành Nam nhận xét một cách khá thẳng thắn rằng “trở ngại lớn nhất cho sự phát triển của FPT Software giờ đây không phải là cạnh tranh mà là thiếu cạnh tranh thực sự”. Còn chị, trở ngại lớn nhất của FPT Software giờ đây là gì? Tôi cũng đồng ý với ý kiến đó, do các đối thủ của chúng tôi đa phần ở nước ngoài nên rất khó có thể cảm nhận được sự cạnh tranh từ họ. Tuy vậy tôi vẫn cho rằng, cạnh tranh lớn nhất bao giờ cũng chính là bản thân mình. Và nếu để cạnh tranh với mình thì mỗi ngày đều phải tốt hơn ngày hôm qua. Đã tốt rồi thì phải làm tốt hơn nữa. Tôi rất thích cách suy nghĩ và cải tiến công việc của người Nhật Bản. Họ không bao giờ dừng lại và không bao giờ hài lòng với những gì mình đã đạt được. Sang Nhật và Mỹ, mỗi một lần tôi lại thấy một thứ mới, một sự cải tiến cái gì đó ở khắp mọi nơi. Tôi muốn FPT Software cũng có một suy nghĩ như vậy. Trở ngại lớn nhất của FPT Software là văn hóa Việt Nam, rất dễ thỏa mãn và tự hài lòng với những cái đã đạt được. Có thể vì thế mà Việt Nam chưa thể có một công ty toàn cầu và các sản phẩm toàn cầu. Các công ty Việt Nam và những người giàu Việt Nam sẽ dừng lại khi có tiền và khi mình đã là nhất Việt Nam hay chỉ hơn người bên cạnh có một tí tẹo. Mong là các thế hệ tiếp theo của FPT Software sẽ vượt ra khỏi cách suy nghĩ là rào cản đó. FPT Software sẽ không chỉ là một công ty nhất ở Việt Nam mà còn có tên tuổi trong các công ty nổi tiếng thế giới. PV: Ở FPT, người ta thường thấy những “thủ lĩnh tinh thần” tạo những cú huých hay lực đẩy để người FPT tiến lên, như chủ tịch Trương Gia Bình hay TGĐ Nguyễn Thành Nam. Nhiều người cũng hy vọng chị sẽ là một “thủ lĩnh tinh thần” mới của FPT Software? Có lẽ không. Tôi không có khả năng thuyết phục người khác như anh Bình và anh Nam. Và cũng không có những cái cuốn hút người khác như hai anh ấy. Tôi vẫn sẽ chỉ là tôi. Một người phụ nữ Việt Nam bình thường như bao người khác. Nhưng trong lịch sử phụ nữ cũng có những niềm tự hào và biết ơn các bậc tiền bối của mình Bà Trưng, Bà Triệu, Bùi Thị Xuân… và bao người phụ nữ anh hùng khác. Tôi sẽ thuyết phục những người xung quanh và nhân viên của mình bằng sự tận tâm với công việc, bằng kết quả của công việc và những lợi ích mà công ty có thể mang lại cho họ trong thời gian tôi lãnh đạo. Ngoài ra, vì hai anh quá nổi tiếng, nên tôi sẽ tích cực mượn các anh để bù đắp cho những điểm yếu của mình. PV: Cuộc sống đôi khi là những sự đánh đổi, mà để có được thành công này người ta phải trả giá cho những hy sinh, thiệt thòi khác. Nếu có một chữ “nếu”, liệu chị có đánh đổi để đạt được những thành công trong sự nghiệp ngày hôm nay hay không? Tôi nghĩ là không. Cuộc sống đã đi theo đúng những tính cách, hành động và suy nghĩ của mình. Trừ khi tôi thay đổi được tôi thì cuộc sống của tôi sẽ đi theo hướng khác. Nhưng thay đổi bản thân mình là cực khó. Tôi luôn luôn sống để khi ngoái lại, tôi có thể học được những bài học cho chính mình để bước tiếp, chứ không hối tiếc vì những gì đã qua. PV: Các đồng nghiệp nhận xét chị là một người lãnh đạo, một phụ nữ “mềm mỏng nhưng rất quyết liệt”. Còn chị, chị sẽ mô tả về bản thân mình như thế nào? Tôi: Một người phụ nữ khá nóng tính, có chí hướng, có bản lĩnh và quyết liệt để làm được điều mình đã đặt ra. Tôi thừa hưởng được các tính cách này của cha tôi, nhưng không có được sự mềm mỏng và khả năng lãnh đạo như ông. PV: Lãnh đạo FPT đã quyết định chọn chị thay anh Nguyễn Thành Nam làm CEO của FPT Software, có bao giờ chị hỏi rằng vì sao mọi người lại chọn chị mà không phải là một nhân vật nào khác? Không biết được, chắc anh phải hỏi anh Nam. Có lẽ vì tôi hay… cãi anh Thành Nam. Thế anh có biết vì sao anh Bình lại chọn anh Nam làm Tổng giám đốc của FPT không? Là vì anh Nam hay cãi anh Bình đấy. Cãi nhưng mà vẫn chọn mặt gửi vàng (cười!). Ngoài ra, thị trường Nhật Bản hiện chiếm tới 60% doanh số của FPT Software, là thị trường rất quan trọng của chúng tôi. Việc bổ nhiệm lãnh đạo cao nhất là người “quen” của khách hàng Nhật sẽ làm người Nhật yên tâm là công ty thực sự coi trọng và hướng về thị trường này. PV: Thế giờ đây có ai cãi chị không? Có, mọi người cãi thoải mái mà! Đó là nét văn hóa đặc sắc của FPT và được FPT Software đặc biệt gìn giữ cẩn thận nhất (cười). PV: Nhìn chị trẻ hơn so với tuổi. Làm thế nào để chị có thể cân bằng giữa cuộc sống của bản thân và áp lực của công việc lớn như vậy? Thực sự tôi không có nhiều thời gian để vui chơi giải trí. Tuy nhiên, khi rảnh tôi thích đi chơi xa, ra bên ngoài với thiên nhiên và ngắm phong cảnh, hay đọc sách, xem phim, chăm sóc sắc đẹp. Tôi đang tập chơi golf nhưng có lẽ không theo được vì môn này mất thời gian quá. PV: Cảm ơn chị. Chúc chị luôn thành công và hạnh phúc! “Mục tiêu đặt ra trong 3 năm tới là FPT Software trở thành công ty có doanh số 100 triệu USD, đưa FPT Software trở thành công ty thành công trên sàn chứng khoán. Mang lại tiền bạc cho nhân viên và cổ đông. Tôi chắc sẽ về hưu sớm nếu đạt được mục tiêu đề ra”. Lê Minh (theo Bưu điện Việt Nam) |