Nếu có nhiều đối thủ, FPT Software sẽ lớn nhanh hơn  
 

(Post 05/04/2010) “Ngôi vị doanh nghiệp số một xuất khẩu phần mềm của FPT Software sẽ không có ý nghĩa nếu Việt Nam không được các doanh nghiệp nước ngoài để ý đến”, TGĐ FPT Software chia sẻ.

Đại diện FPT Software nhận giải thưởng Doanh nghiệp phần mềm xuất khẩu xuất sắc nhất của Bộ TT&TT năm 2009 do Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp (trái) và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá Giáo dục Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết (phải) trao tặng. Ảnh Thanh Hải.

Ngày 20/3, Công ty cổ phần phần mềm FPT (FPT Software) vừa lần thứ hai dành giải doanh nghiệp phần mềm xuất sắc nhất và doanh nghiệp có quy mô xuất khẩu lớn nhất Việt Nam do Bộ TT&TT trao tặng. Tuy nhiên, điều đáng nói là chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy vị thế số 1 về xuất khẩu phần mềm của FPT Software sẽ bị lung lay trong vài năm tới.

Điều này là vui hay buồn với chính FPT Software nói riêng và với cả ngành gia công xuất khẩu phần mềm của Việt Nam nói chung? Đó là chủ đề chính trong cuộc phỏng vấn với nữ TGĐ FPT Software Bùi Thị Hồng Liên của biên tập viên ICTnews.

Trước tin xin chúc mừng FPT Software đã lần thứ hai giành được giải “Doanh nghiệp phần mềm xuất sắc nhất”, và năm nay có thêm giải “Doanh nghiệp phần mềm và dịch xuất khẩu xuất sắc” do Bộ TT&TT trao tặng. Giải thưởng này có ý nghĩa thế nào với FPT Software?

FPT Software rất vui mừng được nhận giải thưởng cao nhất dành cho đơn vị làm và xuất khẩu phần mềm do Bộ TT& TT trao tặng. Đây là sự ghi nhận chính thức từ phía chính phủ Việt Nam đối với các nỗ lực và đóng góp của chúng tôi cho sự phát triển của ngành phần mềm Việt Nam trong 10 năm qua.

Đặc biệt giải thưởng này được trao vào đúng năm khủng hoảng với rất nhiều thiên tai bệnh tật xảy ra (H5N1, H1N1, lũ lụt hạn hán ở miền Trung) nên thật sự là sự khích lệ và động viên lớn về tinh thần đối với ban lãnh đạo và toàn thể nhân viên.

Ngoài ra, có lẽ nó cũng là một công cụ tiếp thị rất tốt để nâng cao hình ảnh của chúng tôi đối với các khách hàng, đối tác trong và ngoài nước (cười).

Xét về quy mô, FPT Software không có đối thủ hoặc chính xác hơn là có khoảng cách xa so với các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm khác, đâu là những lý do khiến FPT Software có được thành công như vậy?

Có được thành quả như ngày hôm nay là nhờ có được chiến lược đúng đắn, tầm nhìn xa trông rộng của các lãnh đạo tập đoàn FPT và FPT Software, cùng sự quyết tâm cao của toàn bộ nhân viên FPT Software.

Chúng tôi đã sang Ấn Độ để học hỏi. Đã quyết tâm đầu tư xây dựng quy trình làm phần mềm theo tiêu chuẩn quốc tế, chúng tôi đã xây dựng các trung tâm đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech để chuẩn bị nguồn nhân lực về CNTT chất lượng cao.

Thất bại lần đầu ở thị trường Mỹ do thiếu kinh nghiệm và hoàn cảnh khách quan không thuận lơi, chúng tôi đã không nản chí mà tiếp tục tìm thị trường khác, đó là Nhật Bản - thị trường khó tính nhất để thử sức mình. Với quyết tâm, “xuất hay là chết” chúng tôi đã bước đầu đạt được các thành quả ở Nhật Bản, mở ra thị trường chiến lược cho FPT Software. Với các kinh nghiệm có được từ thị trường Nhật Bản, chúng tôi tiếp tục mở rộng sang các thị trường châu Á – Thái Bình Dương, châu Âu và Mỹ.

Không dừng lại, chúng tôi luôn cải thiện các quy trình để có được quy trình tiêu chuẩn quốc tế cao nhất như CMMi 5, và ISO 27000-2005 về bảo mật thông tin. Các công cụ này giúp chúng tôi có thêm năng lực để đáp ứng các khách hàng lớn khó tính nhất trên thế giới. Việc không ngừng đào tạo nguồn nhân lực và tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp cho nhân viên cũng là các yếu tố để thu hút nhân tài và mở rộng quy mô nguồn nhân lực của mình.

TGĐ FPT Software Bùi Thị Hồng Liên

Vị thế số một ở thị trường xuất khẩu phần mềm Việt Nam đã đem lại cho FPT Software những lợi thế gì?

Thực ra chúng tôi không quá chú tâm đến vị thế số 1 Việt nam mà luôn thấy mình còn phải cố gắng rất nhiều để mang lại dịch vụ và sản phẩm chất lượng cao cho khách hàng.

Và điều chúng tôi luôn quan tâm là làm thế nào để Việt Nam được biết đến như là 1 điểm đến hấp dẫn về CNTT và gia công (outsourcing). Chỉ khi các doanh nghiệp nước ngoài đến với Việt Nam thì các doanh nghiệp khác và chúng tôi mới có cơ hội để phát triển, nếu không thì số 1 ở Việt Nam cũng không được bên ngoài biết đến (cười).

FPT Software dù là lớn nhất Việt Nam về gia công xuất khẩu (2.700 nhân viên và doanh thu trên 40 triệu USD năm ngoái) nhưng vẫn còn nhỏ so với các đối thủ, như Ấn Độ hay Trung Quốc với quy mô vài chục nghìn nhân viên mỗi công ty. Thưa bà, đâu là những lý do khiến quy mô của các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam còn nhỏ?

Tôi nghĩ rằng về số lượng lập trình viên thì chẳng nước nào cạnh trạnh được với Ấn Độ và Trung Quốc. Ngoài ra về mặt kinh nghiệm, chúng ta cũng mới tham gia vào ngành gia công được khoảng 5 năm, đi sau khá lâu (25 năm so với Ấn độ và 15 năm so với Trung Quốc).

Việc định hướng phát triển dài hạn và các chính sách hỗ trợ của chính phủ cho ngành phần mềm và doanh nghiệp Việt nam cũng còn nhiều cách biệt so với chính sách của Ấn Độ và Trung Quốc. Việt Nam cũng không có nguồn nhân lực Việt kiều làm việc trong ngành CNTT ở các nước phát triển đông đảo như Ấn kiều và Hoa kiều để giúp các doanh nghiệp trong nước phát triển. Thêm nữa, Ấn Độ có lợi thế hơn chúng ta về tiếng Anh khi làm cho các thị trường sử dụng tiếng Anh, còn Trung Quốc có lợi thế về tiếng Nhật hơn khi làm cho thi trường Nhật.

Các doanh nghiệp Việt Nam với sự phát triển lẻ tẻ tự phát, không có định hướng khó có khả năng cạnh tranh trong các giai đoạn phát triển ban đầu. Thiếu sự đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ngoại ngữ và qui trình phần mềm cũng là các yếu tố làm các doanh nghiệp Việt nam phát triển chậm với qui mô nhỏ.

Mục tiêu trong tương lai của FPT Software là trở thành công ty CNTT quy mô trăm nghìn người, đứng trong 100 công ty phần mềm có doanh số cao nhất của thế giới.

Quy mô nhỏ đã và đang ảnh hưởng thế nào đến FPT Software nói riêng và các doanh nghiệp phần mềm VN nói chung trong cạnh tranh trên thị trường?

Ở quy mô nhỏ khách hàng sẽ không coi Việt Nam là một điểm đến để phát triển CNTT, khách hàng lớn sẽ không để ý dến chúng ta. Chúng ta không có nhiều lựa chọn tuyển dụng đựợc nguồn nhân lực tốt. Không có cơ hội tham gia các dự án lớn, không có cơ hội tham gia các công đoạn giá trị cao về nghiệp vụ để nâng cao năng lực sản xuất và phát triển lâu dài.

Có thể hiểu là FPT Software cũng muốn có thêm nhiều công ty gia công phần mềm trong nước có quy mô ngang ngửa với mình?

Đúng vậy. Người Việt chúng ta có câu “buôn có bạn bán có phường”, trong ngành CNTT cũng vậy, chúng tôi mong muốn VN sẽ có nhiều công ty quy mô tương đương chúng tôi, và nhiều công ty phần mềm tiếp tục ra đời và phát triển. Chúng ta cần cùng nhau xây dựng một “Chợ CNTT” có nhiều thương hiệu mạnh và điểm đến là Việt Nam. Lúc đó chúng ta mới có thể thu hút đươc các khách hàng lớn và dự án lớn về Việt Nam.

Việc FPT Software chuyển giao những kinh nghiệm quý giá của mình trong việc triển khai CMMi 5 chính là xuất phát từ mong muốn Việt Nam có những doanh nghiệp lớn và chuyên nghiệp.

Ngoài ra, việc cạnh tranh lành mạnh sẽ là một động lực tốt để các doanh nghiệp phải năng động hơn và đi các bước chiến lược hơn nếu muốn phát triển. Chúng tôi vẫn đang có các đối thủ cạnh tranh là các doanh nghiệp nước ngoài thì cũng muốn được thử sức cạnh tranh với các doanh nghiệp Việt Nam. Cạnh tranh để cùng phát triển đó là chí hướng của chúng tôi (cười).

Tuy vậy nguồn nhân lực chất lượng cao về CNTT của Việt Nam vẫn còn rất hạn chế, việc các doanh nghiệp cùng tăng trưởng cao, dẫn đến thiếu nguồn cung về nhân lực, đẩy các doanh nghiệp Việt Nam câu người của nhau và tỉ lệ thay đổi công việc sẽ ngày càng gia tăng ở Việt Nam, đẩy giá nhân công lên cao. Đây là một trong các điểm bất lợi của ngành gia công mà Ấn độ và Trung quốc cũng đang phải đối mặt.

Sau thất bại ở thị trường Mỹ, Ấn Độ, FPT Software chuyển hướng tấn công vào thị trường Nhật và thành công.(FPT Software tham gia triển lãm về phần mềm tại Nhật).

Thưa bà, cần có những chính sách hay tác động gì (từ chính các doanh nghiệp, chính phủ hay thị trường) để Việt Nam có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm có quy mô tầm cỡ hơn?

Đối với các doanh nghiệp, tôi nghĩ rằng nên đầu tư về quy trình sản xuất để có thể nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm của mình. Việc chuẩn bị tốt nguồn nhân lực có kĩ năng công nghệ và khả năng quản trị dự án tốt là rất cần thiết để mở rộng quy mô và đón đầu các cơ hội.

Về phía chính phủ, cần có các chương trình đầu tư dài hạn cho nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng với các kỹ năng cần thiết để khi ra trường có thể tham gia ngay vào các dự án của các doanh nghiệp. Ngoài ra cần có các cơ chế mở hơn về nội dung và chương trình cho các trường đại học, khuyến khích mở rộng qui mô theo yêu cầu của thị trường để có thêm nhiều nguồn nhân lực chuyên ngành CNTT hơn nữa.

Các doanh nghiệp cũng mong chính phủ đầu tư hiệu quả vào cơ sở hạ tầng đường giao thông, các công ty viễn thông, có chính sách tốt khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng ở các khu công nghệ cao; hỗ trợ tối đa các điều kiện về viễn thông và đường truyền trong các khu công nghiệp để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện được các dự án với yêu cầu cao của nước ngoài.

Chúng tôi cũng mong chính phủ sẽ có kế hoạch đẩy mạnh thương hiệu Việt Nam ra thị trường quốc tế, cũng như có các chính sách tốt, đơn giản về thủ tục để ngày càng có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, góp phần xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp ở Việt Nam.

Cuối cùng chúng tôi mong chờ các kế hoạch, chương trình đầu tư cho ngành CNTT đã được công bố của chính phủ sẽ hoạt động hiệu quả và hỗ trợ được các doanh nhiệp phát triển.

Xin cảm ơn bà!

FPT Software đặt mục tiêu tăng trưởng 40%

Bà Bùi Thị Hồng Liên cho biết: “Năm 2009 là một năm cực kỳ khó khăn của ngành phần mềm, nhưng chúng tôi cũng đã may mắn giữ vững doanh số 760 tỷ đồng của năm 2008. Năm 2010 sẽ có nhiều thuận lợi hơn, khi nền kinh tế đang dần phục hồi và nhiều cơ hội mới sẽ đến sau khủng hoảng. Dự báo sau khủng hoảng khách hàng sẽ lựa chọn các đối tác có lợi thế cạnh tranh về giá, nhưng lại yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng và năng suất lao động. Các doanh nghiệp phần mềm cần chuẩn bị tốt nguồn nhân lực của mình để đón cac cơ hội đang đến.

Thị trường Nhật bản chưa thật sự phục hồi, dự báo sẽ phục hồi dần dần từ tháng 10 năm nay. FPT Software đặt mục tiêu tăng trưởng trở lại khoảng 10% so với tăng trưởng -10% năm 2009 ở thị trường này. Ở thị trường Mỹ, chúng tôi đặt mục tiêu phát triển với mức tăng trưởng dự kiến 100%. Ngoài 2 văn phòng đã mở ở New York và California, chúng tôi dự định mở thêm 3 văn phòng ở các khu vực khác tại Mỹ.

Trong năm 2010, chúng tôi đặt mục tiêu đạt doanh thu 1050 tỷ đồng và tăng trưởng 40%. Muốn đạt được mục tiêu này, chắc ban lãnh đạo và toàn thể nhân viên đều phải làm vệc gấp 2 lần. Hy vọng rằng năm 2010, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ vẫn nhận được nhiều sự giúp đỡ, định hướng và hỗ trợ của Bộ TT&TT.”

Duy An thực hiện
(theo ICTnews)

Các tin liên quan:


 
 

 
     
 
Tin tức FPT-APTECH khác:


Nội san Aptechite 582010: Internet bùng nổ, phần mềm tăng trở lại
Phát động sinh viên FPT "Tiết Thực" vì cộng đồngHọc phí đại học ngoài công lập cao nhất 150 triệu đồng/năm
Thị trường phần mềm 2010: kỳ vọng bứt pháĐại học FPT công bố học bổng Nguyễn Văn Đạo
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11