(Post 26/04/2010) Khoảng cách giữa khả năng
cung ứng nhân lực và nhu cầu thực tế trong lĩnh vực công nghệ thông tin
(CNTT) sẽ ngày càng lớn nếu không có các giải pháp phù hợp và kịp thời.
Đến năm 2020, con số thiếu hụt nhân lực trong ngành công nghiệp CNTT có
thể lên tới trên 200.000 người. Đó là dự báo được TS Nguyễn Thanh Tuyên,
phó vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ Thông tin - truyền thông), đưa ra tại hội nghị
quốc gia “Phát triển nguồn nhân lực CNTT” do Bộ GD-ĐT
phối hợp cùng Bộ Thông tin - truyền thông tổ chức sáng 21-4 tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội nghị, TS Quách Tuấn Ngọc, cục trưởng
Cục CNTT - Bộ GD-ĐT, cho biết tổng chỉ tiêu tuyển mới đào tạo ĐH, CĐ ngành
CNTT - điện tử viễn thông trên 10.000 sinh viên/năm.
Ngoài ra còn có các cơ sở đào tạo kỹ thuật viên CNTT
ở trình độ trung cấp chuyên nghiệp, nhiều chương trình đào tạo quốc tế
đã được đưa vào VN dưới hình thức liên kết, hợp tác đào tạo...
Tuy nhiên, thực tế khả năng cung ứng nhân lực cho lĩnh
vực CNTT đang bị hạn chế bởi yếu tố chất lượng.
Ông Võ Tấn Long, giám đốc IBM Việt Nam, cho hay: “Nhu
cầu nguồn nhân lực của IBM Việt Nam ngày càng tăng trong khi trình độ,
kỹ năng và chất lượng của các ứng viên công ty có thể tiếp cận lại chưa
đáp ứng được sự mong muốn của doanh nghiệp. Các ứng viên thiếu và yếu
các kỹ năng mềm”.
TS Quách Tuấn Ngọc cũng thừa nhận hạn chế lớn nhất với
sự phát triển của công nghiệp CNTT nói chung và công nghiệp phần mềm nói
riêng là chất lượng đào tạo.
Ông Ngọc đề xuất cần tổng điều tra nhân lực CNTT để đánh
giá về số lượng, chất lượng, loại hình, bằng cấp. Đặc biệt ông Ngọc đề
nghị cần thực hiện tuyển sinh ngành CNTT - điện tử - viễn thông với ba
môn thi toán, lý và ngoại ngữ vì theo ông, đây mới là những môn phù hợp
với nội dung chương trình đào tạo của các ngành này.
Cùng quan điểm này, TS Nguyễn Thanh Tuyên cũng cho rằng
Bộ GD-ĐT cần sớm cho phép tuyển sinh đầu vào các mã ngành CNTT với ba
môn toán, lý và tiếng Anh để lựa chọn được sinh viên phù hợp.
Thanh Hà
(theo Tuổi Trẻ Online) |