(Post 30/07/2010) Truy cập web chậm chạp, không
mở được tập tin, máy tính tự động tắt, mất mật khẩu đăng nhập và vô số
sự cố gây ra bởi virus, spyware, trojan... Bài viết viết giúp bạn phân
biệt cơ bản các loại virus, sâu, spyware, Trojan, backdoor... và một số
biện pháp bảo vệ máy tính trước sự tấn công, lây lan của chúng.
Theo Bkis "97% số máy tính đã từng bị nhiễm virus
ít nhất một lần, có đến 90% người sử dụng đã từng phải cài lại Windows
sau khi máy tính bị nhiễm virus. Không ít người sau đó đã bị mất những
dữ liệu quan trọng hoặc nhẹ hơn là mất toàn bộ môi trường làm việc. Mỗi
tháng người sử dụng máy tính tại Việt Nam phải chịu tổn thất tới 327 tỷ
VNĐ". Đó là những con số đáng lo ngại.
MỘT SỐ KHÁI NIỆM CƠ BẢN
Malware: chỉ chung các máy tính có tính
năng gây hại như virus, sâu, trojan...
Virus máy tính là đoạn mã độc lây nhiễm
vào một chương trình, tập tin. Khi bạn kích hoạt chương trình, tập tin
kèm theo e-mail, các trò chơi, hình ảnh... virus sẽ tự nhân bản, lây lan
và phá hoại.
Sâu máy tính cũng là virus, nhưng nó
không tự nhân bản. Chúng là một chương trình hiểm độc tự động lây lan
các máy tính nối mạng với nhau. Sâu máy tính phá hoại, làm giảm hiệu suất
hoạt động của máy tính, hệ thống mạng và thường kèm theo các phần mềm
gián điệp backdoor trên máy tính đã bị lây nhiễm.
Spyware: có khả năng cướp quyền điều
khiển máy tính, thu thập thông tin, tự cài đặt thêm phần mềm, chuyển liên
kết trang web, hiện cửa sổ quảng cáo, thay đổi các thiết lập máy tính...
mà bạn không mong muốn.
Adware: là hần mềm quảng cáo kèm trong
các chương trình cài đặt bạn tải từ trên mạng. Chúng hiển thị đầy thông
tin quảng cáo trên màn hình.
Trojan: phần mềm gián điệp ẩn mình dưới
dạng một chương trình hữu ích. Nó bí mật tiến hành các thao tác mà bạn
không mong muốn, chẳng hạn mở chế độ điều khiển từ xa. Trojan không có
chức năng tự sao chép nhưng lại có khả năng phá hoại tương tự virus. Bạn
có thể bị nhiễm trojan thông qua tập tin đính kèm trên IM, email, các
chương trình màn hình nền, phần mềm dùng thử, tập tin phim, nhạc...
Backdoor: là chương trình cho phép kẻ
tấn công giữ đường truy cập về sau vào máy tính của bạn.
Rootkit: giúp kẻ xâm nhập hệ thống ẩn
nấp tránh không bị phát hiện. Rootkit thường sửa đổi một số phần của hệ
điều hành hoặc tự cài đặt chúng thành các trình điều khiển () hay mô-đun
trong .
Keylogger: là phần mềm ghi lại chuỗi
phím gõ của người dùng với mục đích lấy trộm mật khẩu.
Phishing: là một hoạt động phạm tội
dùng các kỹ thuật lừa đảo. Chẳng hạn trong giao dịch điện tử, kẻ lừa đảo
cố gắng lấy các thông tin nhạy cảm, như mật khẩu và thông tin về bằng
cách tạo một trang web đăng nhập giống như trang web thật.
"Virus máy tính" thường được dùng để gọi chung
cho các chương trình, phần mềm ác tính vì hiện nay chúng có nhiều biến
thể kết hợp, phối hợp lẫn nhau để tăng mức độ hủy hoại, lây lan, lẩn tránh
sự phát hiện. Phần tiếp theo sẽ giúp bạn cách để tự bảo vệ thông tin dữ
liệu trước sự phát triển không ngừng của virus máy tính.
CÁC BIỆN PHÁP TỰ BẢO VỆ
Cài đặt chương trình chống virus hiệu quả
Bạn và nhiều người vẫn tin rằng phần mềm chống virus
miễn phí đã đủ bảo vệ máy tính tránh khỏi sự xâm nhập, lây nhiễm của malware.
Tuy nhiên những chương trình miễn phí thường không đủ tính năng bảo vệ
cũng như khả năng cập nhật virus mới khá chậm.
Thay vào đó, phần mềm bản quyền sẽ có nhiều tính năng
hơn, cập nhật tự động, nhanh chóng với danh sách virus mới hằng giờ...
cũng như bạn sẽ nhận được sự hỗ trợ từ nhà cung cấp khi có sự cố do virus.
Cài đặt chương trình bảo vệ chống spyware thời
gian thực
Các phần mềm chống spyware miễn phí hoặc phần mềm chống
virus tích hợp chống spyware miễn phí thường không có chế độ bảo vệ thời
gian thực, chúng phát hiện ra spyware khi máy tính đã bị thâm nhập. Trong
khi đó, chương trình chống spyware chuyên nghiệp, có bản quyền, bạn sẽ
được bảo vệ thời gian thực, ngăn chặn xâm nhập, lây lan ngay khi vừa xuất
hiện.
Luôn cập nhật dữ liệu, danh sách virus mới
Cập nhật dữ liệu, danh sách virus, spyware mới thường
xuyên, vì nếu không chương trình sẽ không thể nhận biết các virus, spyware
mới. Hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh của mạng xã hội Facebook, Twitter,
My Space, các mạng chia sẻ ngang hàng Torrent, eDonkey... thì virus máy
tính cũng xuất hiện ngày càng nhiều, mức độ phá hoại, lây lan càng cao.
Quét virus máy tính hằng ngày
Dù các chương trình chống virus, spyware đã được thiết
lập kiểm tra, ngăn chặn virus ngay khi xuất hiện nhưng bạn cũng nên thiết
lập chế độ quét máy tính hằng ngày vì đôi khi bạn vô tình cho phép một
chương trình, tập tin đã nhiễm virus, spyware hoạt động. Bạn có thể lập
lịch biểu để chương trình tự hoạt động quét toàn bộ các ổ cứng.
Tắt chức năng autorun của Windows
Nhiều virus ẩn mình trong viết lưu trữ, thẻ nhớ, ổ cứng
gắn ngoài sử dụng cổng USB hoặc virus nhiễm trong tập tin được ghi vào
đĩa CD, DVD... lợi dụng chức năng autorun của Windows để lây nhiễm phát
tán vì vậy bạn nên tắt chức năng này (tham khảo ID: A0801_92 hoặc Microsoft
Knowledge Base và )
Tắt tính năng mở hình ảnh trong Outlook
Outlook mặc định tự động mở hình ảnh kèm trong e-mail,
do đó khi nhận e-mail kèm hình ảnh đã bị lây nhiễm, virus sẽ kích hoạt
và phát tán. Bạn cần tắt chức năng này trên Outlook. Outlook 2003 cho
phép đọc e-mail định dạng HTML (kèm hình ảnh), để tắt chức năng này bạn
vào Tool/ Option chọn thẻ Preference, chọn E-mail Options, check vào Read
all standard mail in plain text. Mặc định Outlook 2007 đã tắt chức năng
tự động mở hình ảnh, bạn có thể kiểm tra Tool/ Trust Center/ Automatic
Download, mục Dont Download Pictures Automatically In HTML E-Mail Messages
Or RSS.
Không click vào đường liên kết, tập tin đính
kèm
Người dùng văn phòng thường được nhân viên IT lưu ý,
nhắc nhở không click vào các đường liên kết trong e-mail hoặc tập tin
đính kèm khi không biết rõ. Tuy nhiên lỗi này nhiều người vẫn hay mắc
phải vì các đường liên kết hầu hết đều của bạn bè, đồng nghiệp. Chẳng
hạn có hình ảnh lạ, vui trên mạng, mọi người gửi nhau xem, vô tình phát
tán virus.
Do đó, bạn không nên click vào các đường liên kết, e-mail
đính kèm khi chưa được chương trình chống virus kiểm tra.
Lướt web thông minh
Khi truy cập web, hạn chế đăng nhập, đưa thông tin cá
nhân, tài khoản mật khẩu lên mạng. Khi đăng nhập tài khoản bạn cần đảm
bảo máy tính hoàn toàn "sạch sẽ”, chương trình chống virus, spyware,
phishing cập nhật đầy đủ, bật chức năng chặn các trang phụ (pop-up). Không
cài đặt các phần mở rộng (plug-in) không rõ nguồn gốc trên trình duyệt
web. Truy cập đúng trang web đã được mã hóa theo hướng dẫn của nhà cung
cấp dịch vụ, nếu thấy bất thường cần ngưng việc đăng nhập.
Thay đổi tài khoản Windows mặc định
Mặc định, trong Windows tài khoản "Administrator"
không mật khẩu có đầy đủ quyền quản trị. Bạn nên đặt password, đổi tên
tài khoản Administrator hoặc thay đổi tài khoản đăng nhập (ID: A0504_139)
vì virus có thể lợi dụng quyền quản trị để điều khiển từ xa máy tính bạn.
Cập nhật các bản vá lỗi
Luôn cập nhật các bản vá của Windows, các phần mềm ứng
dụng cài đặt trên máy tính. Nhà cung cấp phần mềm thường đưa ra các bản
sửa lỗi sau khi bị kẻ phá hoại khai thác. Việc cập nhật các bản vá này
rất quan trọng đảm bảo máy tính luôn an toàn.
Sử dụng tường lửa kiểm soát cửa ngõ Internet
Hầu hết các máy tính cá nhân đều có tường lửa bảo vệ,
chẳng hạn tường lửa Windows, nhưng những tường lửa này không thể đủ vững
chải để bảo vệ bạn chống lại vô số cuộc xâm nhập, tấn công từ Intetnet.
Do đó hệ thống mạng cần có thêm tường lửa ngăn chặn xâm nhập ngay từ cửa
ngõ giữa mạng Internet và mạng nội bộ, đảm bảo an toàn cho hệ thống. Bạn
có thể tham khảo một số tường lửa tại (chọn loại sản phẩm Tường lửa).
Sử dụng DNS an toàn
Internet rộng lớn ẩn chứa nhiều rủi ro về an ninh, bảo
mật. Việc phát tán các chương trình bị nhiễm virus trên mạng ngày trở
nên phổ biến hơn. Đặc biệt mối đe dọa từ dạng tấn công "đầu độc"
DNS. Máy tính cần DNS để xác định trang web truy cập, nếu DNS "nhiễm
độc", bạn có thể bị chuyển đến một trang web khác, được làm giả giống
như trang web bạn cần truy cập. Lúc này các thông tin đăng nhập, tài khoản
của bạn sẽ bị kẻ lừa đảo lấy trộm. Để tránh mối đe dọa từ DNS "nhiễm
độc", bạn có thể sử dụng dịch vụ DNS miễn phí của OpenDNS (ID: O0906_2).
Không sử dụng cùng mật khẩu cho mọi thứ trên
Internet
Bạn không nên sử dụng cùng một mật khẩu đăng nhập cho
các thông tin quan trọng trên Internet. Tuy nhiên điều này không đồng
nghĩa bạn phải tạo và nhớ hàng đống mật khẩu. Bạn có thể dùng phần mềm
để quản lý mật khẩu hoặc thay đổi một số ký tự để đảm bảo các mật khẩu
khác nhau. Mật khẩu bạn nên đặt tối thiểu 8 ký tự và có thêm các ký tự
đặc biệt, điều này sẽ gây khó khăn cho kẻ bẻ khóa, lấy cắp mật khẩu.
Tham khảo
- blogs.techrepublic.com
- vi.wikipedia.org
- ehow.com
- online-tech-tips.com
Quốc Dũng
(theo PC World VN) |