(Post 30/08/2010) Để cải thiện chất lượng đào
tạo ngành CNTT Ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng
trường ĐH FPT đề nghị Bộ GD-ĐT nên “thả” ngành đào tạo CNTT như là
ngành dịch vụ hoạt động theo cơ chế thị trường, biến các khoa CNTT kể
cả của các trường công lập hoạt động độc lập tài chính và có tư cách pháp
nhân riêng. “Nếu được như vậy, số lượng đào tạo của các trường sẽ
được thị trường chi phối chứ không bị chi phối bởi chỉ tiêu của Bộ GD-ĐT”,
ông Tùng nói...
Đề án với
"Mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam sẽ đứng thứ 60 trong các bảng
xếp hạng của ITU về CNTT; Tổng doanh thu lĩnh vực CNTT chiếm tỉ
trọng 20 - 23% trong GDP; Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm
lớn hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP" đối diện nguy cơ thiếu nhân
lực - Ảnh: Thanh Hải |
|
Ngành Công nghệ Thông tin (CNTT) mất dần sức hút với
học sinh đang là mối nguy cơ lớn với Đề
án tăng tốc sớm đưa Việt Nam thành nước mạnh về CNTT trong 5-10 năm tới.
Lời cảnh báo cho “Đề án tăng tốc”
Một trong mục tiêu bao trùm của ngành CNTT trong những
năm tới là thực hiện thành công Đề án sớm đưa Việt Nam thành quốc gia
mạnh về CNTT. Đề án này đã được các thành viên Chính phủ chấp nhận, trong
phiên họp Chính phủ ngày 4/8 vừa qua, chắc chắn sẽ được thông qua trong
thời gian tới. Có thể nói đây là trang mới của ngành CNTT Việt Nam. Tuy
nhiên, đề án đầy tham vọng này của ngành CNTT đang đối mặt với nguy cơ
thiếu nhân lực do nguồn nhân lực đang có xu hướng chuyển từ ngành khoa
học kỹ thuật, trong đó có CNTT, sang các ngành khác có sức hút hơn.
Như báo Bưu điện Việt Nam đã đề cập trong số báo trước,
điểm chuẩn vào ngành CNTT và điện tử viễn thông của các trường đại học
trên cả nước đang có xu hướng giảm dần. Hiện tượng này xuất hiện ở cả
những trường top đầu trong đào tạo nhân lực CNTT như Đại học Bách khoa,
ĐH Quốc gia hay Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông. Đây là vấn đề
được các chuyên gia và cả những tổ chức đào tạo cho rằng là thực trạng
báo động, đặc biệt là đặt trong bối cảnh ngành CNTT đang muốn tăng tốc
trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Theo ông Huỳnh Quyết Thắng, Viện trưởng Viện CNTT-TT
của trường ĐH Bách khoa Hà Nội, chất lượng đầu vào là yếu tố quan trọng,
thậm chí đến mức “nếu không tuyển được học sinh khá giỏi sẽ rất khó
duy trì chất lượng sản phẩm đầu ra”. “Sự giảm sút chất lượng tuyển sinh
đầu vào ngành CNTT của các trường đại học, cao đẳng là một thực trạng
đáng ngại và chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực CNTT
nước nhà. Như vậy, mục tiêu tăng tốc ngành CNTT của đất nước sẽ gặp nhiều
khó khăn để cán đích”, ông Thắng nhận định.
CNTT, theo ông Nguyễn Long, Tổng thư ký Hội Tin học Việt
Nam, là ngành khá “kén người”, đòi hỏi những người làm việc trong ngành
này phải có những năng khiếu và phẩm chất nhất định. Nếu như ngành kiến
trúc cần người có năng khiếu vẽ, ngành CNTT cần người có năng khiếu toán
học, tư duy logic và khả năng lập trình. Theo ông, nếu chất lượng tuyển
sinh đầu vào các kiến thức toán học và tư duy logic thấp sẽ khó đảm bảo
đầu ra có chất lượng.
Thực tế, chất lượng nguồn nhân lực CNTT yếu không phải
là chuyện mới. Vấn đề này đã được ngành CNTT phản ánh từ nhiều năm nay.
Đây là hệ quả của nhiều yếu tố từ sự yếu kém trong việc tổ chức của cả
hệ thống đào tạo nói chung cho đến vấn đề quy trình đào tạo bất cập, chất
lượng giáo viên thấp… chứ không chỉ do chất lượng tuyển sinh đầu vào của
các trường đại học. Tuy nhiên, trong bối cảnh các yếu tố kể trên chưa
thấy có sự cải thiện thì sự đi xuống của chất lượng đầu vào và việc ngành
CNTT mất dần sức hấp dẫn với các học sinh thực sự là hiện tượng đáng lo
ngại.
“Thả” đào tạo CNTT theo cơ chế thị trường
Để ngành CNTT trở nên hấp dẫn hơn với học sinh và để
đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ cho chiến lược tăng tốc của ngành CNTT,
các chuyên gia trong ngành cho rằng cần có những thay đổi tổng thể trong
vấn đề đào tạo nhân lực CNTT.
Ở nội dung tuyển sinh đầu vào, ông Huỳnh Quyết Thắng
cho rằng trước mắt Nhà nước cần thay điều chỉnh môn thi vào ngành CNTT
của các trường, chuyển sang thi Toán, Lý, Ngoại ngữ thay cho thi Toán,
Lý và Hóa như hiện nay. Bởi với ngành CNTT, yêu cầu kiến thức môn Hóa
học không nhiều, trong khi đó ngoại ngữ lại đặc biệt quan trọng. Bên cạnh
đó, ông Thắng đề nghị cần có cơ chế giám sát chặt chẽ chất lượng đào tạo
CNTT của các trường hiện nay, đóng cửa hoặc ngừng tuyển sinh với các trường
không đảm bảo chất lượng.
Ở vai trò là người sử dụng, ông Nguyễn Long nêu ra thực
trạng từ các kỳ thi lập trình viên quốc tế ACM/ICPC do Hội Tin học Việt
Nam tổ chức những năm gần đây, hầu hết sinh viên Việt Nam chỉ giải được
3-4 bài thi trong tổng số 10 bài của cuộc thi. Nguyên nhân được ông Long
cho là do quy trình đào tạo CNTT thiếu cập nhật, nhiều trường vẫn dạy
ngôn ngữ cổ điển Pascal trong khi nước ngoài đang đào tạo C#. “Để
các sinh viên CNTT Việt Nam có thể vượt qua 5 bài thi của ACM/ICPC, các
trường cần đổi mới chương trình đào tạo”, ông Long nói.
Tuy nhiên, ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng trường ĐH
FPT cho rằng nguồn gốc sâu xa của vấn đề chất lượng nhân lực CNTT Việt
Nam là do cách tổ chức của ngành giáo dục không phù hợp. Việc Bộ GD-ĐT
áp đặt chỉ tiêu tuyển sinh vẫn chủ yếu nhằm đảm bảo tuyển đủ số lượng
chứ không chú trọng tuyển các thí sinh đảm bảo chất lượng. Dựa vào chỉ
tiêu của Bộ GD-ĐT cấp, các trường sẽ lấy điểm trúng tuyển từ trên xuống
dưới sao chủ đủ chỉ tiêu. Vì vậy, có chuyện trường top đầu thu hút được
nhiều thí sinh chất lượng có điểm sàn cao, còn trường top cuối thì cố
tuyển cho đủ thí sinh bằng cách hạ điểm sàn xuống thấp nhất có thể.
Để cải thiện chất lượng đào tạo ngành CNTT, ông Tùng
đề nghị Bộ GD-ĐT nên “thả” ngành đào tạo CNTT như là ngành dịch vụ hoạt
động theo cơ chế thị trường, biến các khoa CNTT kể cả của các trường công
lập hoạt động độc lập tài chính và có tư cách pháp nhân riêng.
“Nếu được như vậy, số lượng đào tạo của các trường
sẽ được thị trường chi phối chứ không bị chi phối bởi chỉ tiêu của Bộ
GD-ĐT”, ông Tùng nói.
Hơn nữa, ông Tùng cho rằng hoạt động theo cơ chế thị
trường sẽ tạo ra cạnh tranh tự nhiên giữa các trường. Cạnh tranh sẽ giúp
các trường tự hoàn thiện mình, qua đó giúp nâng cao chất lượng đào tạo.
Duy An - Ngọc Minh
(theo ICTnews) |