(Post 03/11/2010) Ngoài các thủ thuật tinh
chỉnh hệ thống, “thuần phục” HĐH đáp ứng nhu cầu cá nhân. Những phím tắt
(hoặc tổ hợp phím tắt) góp phần không nhỏ trong việc cải thiện khả năng
tương tác với máy tính, tiết kiệm thời gian làm việc.
Bài viết không có tham vọng giới thiệu tất cả những phím
tắt của Windows cũng như không đòi hỏi bạn đọc phải nhớ hết tất cả các
phím tắt mà tùy vào tính chất công việc, 1 số phím tắt cần thiết sẽ giúp
bạn làm việc hăng hơn, sôi nổi hơn trong năm mới.
Phím tắt Windows
Windows + D. Thu nhỏ tất cả các cửa
sổ ứng dụng đang mở. Nhấn tổ hợp phím này 1 lần nữa để khôi phục các cửa
sổ ứng dụng trở lại trạng thái ban đầu. Tổ hợp phím Windows + M,
Windows + Shift + M cũng có tác dụng
tương tự.
Windows + E. Mở nhanh cửa sổ Windows
Explorer mà không cần dùng đến chuột.
Windows + F. Mở tính năng tìm kiếm tập
tin hoặc thư mục theo yêu cầu người dùng. Search box cũng có chức năng
tương tự, giúp khởi chạy nhanh những tập tin, ứng dụng mà không cần tìm
theo cấu trúc cây thư mục. Ngoài ra, Search box còn có thể liệt kê tất
cả mọi thứ liên quan đến ký tự mà bạn nhập vào trong khung tìm kiếm.
Windows + L. Bảo vệ máy tính an toàn
hơn khi bạn cần rời khỏi bàn làm việc trong một vài phút. Nhấn tổ hợp
phím Windows + L để khóa máy tính, Windows sẽ hiển thị màn hình đăng nhập
mà không “đụng” đến các ứng dụng đang chạy. Bạn chỉ việc nhập đúng mật
khẩu để đăng nhập và tiếp tục với công việc dang dở.
Windows + R. Tổ hợp phím Windows + R
sẽ hiển thị cửa sổ Run. Nhập tên tiện ích hoặc dòng lệnh trong khung Open
và nhấn OK để khởi chạy. Chẳng hạn với lệnh ipconfig /renew sẽ buộc Windows
làm mới các giá trị IP, subnet và địa chỉ gateway mà không cần phải khởi
động lại máy.
Phím tắt Alt
Alt + Enter. Chuyển đổi giữa chế độ
hiển thị toàn màn hình và cửa sổ.
Alt + F4. Đóng ứng dụng hiện hành. Sử
dụng phím tắt này ở màn hình nền desktop sẽ khởi chạy cửa sổ Shut down,
cho phép người dùng tắt hoặc khởi động lại máy tính.
Alt + Print Screen. Khi nhấn phím Print
Screen, toàn bộ nội dung hiển thị trên màn hình sẽ được bắt (capture)
và lưu vào bộ nhớ tạm (clip board). Nhấn Ctrl + V (lệnh paste) để chép
vào ứng dụng nào đó; chẳng hạn Paint và cắt bỏ những thứ không cần thiết.
Sử dụng tổ hợp phím Alt + Print Screen để bắt lấy màn hình hiện hành.
Alt + Spacebar. Mở trình đơn từ thanh
tiêu đề của ứng dụng hiện hành.
Alt + Tab. Giữ Alt và nhấn Tab để chuyển
nhanh giữa các ứng dụng đang mở mà không cần dùng đến chuột. Tuy “cũ rích”
nhưng tổ hợp phím tắt này vẫn được sử dụng thường xuyên nhất trong tất
cả các HĐH Windows; kể cả với Win 7.
Alt + [Ký tự gạch chân]. Các ký tự được
gạch chân trong các trình đơn cho phép người dùng sử dụng trong các tổ
hợp phím tắt. Chẳng hạn nhấn Alt + F để mở trình đơn File, kế tiếp nhấn
phím C để đóng cửa sổ ứng dụng hoặc X để thoát khỏi ứng dụng (Hình 2).
Phím tắt Ctrl
Ctrl + Esc. Hiển thị Start menu trong
những bàn phím trước đây, không có phím Windows.
Ctrl + F4. Đóng tài liệu hiện hành.
Ctrl + Tab. Tương tự tổ hợp phím Alt
+ Tab, giữ Ctrl và nhấn Tab để chuyển nhanh giữa các cửa sổ (trong cùng
ứng dụng) đang mở. Tổ hợp phím này rất hữu ích khi sử dụng với trình duyệt
web.
Ngoài ra, còn có 1 số tổ hợp phím tắt thường được sử
dụng trong các ứng dụng văn phòng. Chẳng hạn Ctrl + O, Ctrl + N để mở
hoặc tạo mới tập tin ứng dụng, Ctrl + S để sao lưu, Ctrl + P để gọi lệnh
in. Ctrl + C, Ctrl + X, Ctrl + V tương ứng với các lệnh sao chép (copy),
cắt (cut), dán (paste), Ctrl + B, Ctrl + I, Ctrl + U ứng với tô đậm, in
nghiêng, gạch chân để “tạo dáng” chữ… Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm trong
nhiều tài liệu tham khảo.
Anh Thư
(theo PC World VN) |