(Post 04/04/2011) Ngành CNTT trong nước đang đối mặt với bài toán khá nan giải: các doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước đang cần một số lượng lớn nguồn nhân lực trong khi đó ngành CNTT ngày càng kém hấp dẫn với học sinh. Đến 2015: Cần hơn 400.000 nhân lực CNTT Các doanh nghiệp lớn trong ngành CNTT như FPT, Viettel và CMC tiết lộ họ sẽ cần một lượng lớn nhân lực để mở rộng kinh doanh trong vài năm tới. Tại hội nghị với Bộ TT&TT mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel ước tính từ nay đến năm 2015, tập đoàn này có nhu cầu tuyển dụng khoảng hai chục nghìn người làm việc trong lĩnh vực viễn thông, phát triển phần mềm và sản xuất điện thoại, máy tính. Theo ông Hùng, trong vòng 5 năm tới, Viettel dự kiến đầu tư khoảng 8-10 tỷ USD để phát triển mạng viễn thông ở các thị trường nước ngoài và cần khoảng 6.000 người ra nước ngoài triển khai. Ở lĩnh vực phần mềm, tập đoàn này hiện có 700-800 lập trình viên phục vụ nhu cầu nội bộ. Viettel sẽ đẩy mạnh hoạt động sản xuất phần mềm và dự kiến có khoảng 5.000 lập trình viên vào năm 2015 với doanh thu ước tính đạt 500 triệu USD. Bên cạnh đó, Viettel đã bắt đầu tham gia sản xuất điện thoại di động, máy tính và thiết bị truy cập Internet (như USB 3G) và có tham vọng đạt 1 tỷ USD doanh thu vào năm 2015 với quy mô nhân lực 10.000 người. FPT cũng có kế hoạch tuyển dụng hàng nghìn nhân viên trong vài năm tới. Riêng lĩnh vực sản xuất phần mềm, ông Phan Phương Đạt, Phó Tổng giám đốc công ty FPT Software cho biết năm nay công ty này dự tính tuyển dụng 1.540 lập trình viên và khoảng 10.000 lập trình viên trong vòng 5 năm tới từ 2011-2015. FPT Software đạt doanh thu 53 triệu USD và có 3.100 nhân viên vào năm 2010. Công ty này dự tính sẽ có 12.500 nhân viên và doanh thu 280 triệu USD vào năm 2015, hơn 50.000 nhân viên và doanh thu 1,5 tỷ USD vào năm 2020. CMC cũng đặt mục tiêu đạt doanh thu tới 1 tỷ USD, trong đó có 200 triệu USD từ phần mềm và có khoảng 10.000 nhân viên vào năm 2015. Trong khi đó, nhiều công ty nước ngoài gần đây đã mở trung tâm phát triển phần mềm tại Việt Nam để tận dụng lợi thế nhân lực giá rẻ. Tập đoàn HP vừa nhận giấy phép xây dựng trung tâm phần mềm và dịch vụ toàn cầu tại công viên phần mềm Quang Trung ở TP.HCM với dự tính tuyển dụng khoảng 1.000 lập trình viên trong một hai năm tới. Cuối tháng 2 vừa qua, công ty Aricent của Mỹ cũng đã khai trương trung tâm phát triển phần mềm tại TP.HCM và có nhu cầu tuyển khoảng 300 kỹ sư phần mềm trong năm 2011. Với nhu cầu nhân lực tăng 13% mỗi năm, Bộ TT&TT ước tính trong vòng 5 năm tới, các doanh nghiệp CNTT trong nước có nhu cầu tuyển dụng 411.000 người có trình độ chuyên môn về CNTT, điện tử và viễn thông, trong đó có 217.000 người trình độ cao đẳng và đại học và 194.000 người trình độ trung cấp. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước cũng cần khoảng 15.000 người có trình độ cao đẳng và đại học trở lên về CNTT để tham gia triển khai các dự án ứng dụng CNTT. Tính đến cuối năm 2009, cả nước có hơn 226.000 người làm việc trong các công ty phần mềm, phần cứng và viễn thông, trong đó phần cứng có 121.000 người, phần mềm có 64.000 người và nội dung số là 41.000 người. Các doanh nghiệp trong ngành CNTT sẽ cần một lượng lớn nhân lực để mở rộng kinh doanh trong vài năm tới | |
Nguy cơ khủng hoảng thiếu nhân lực CNTT Mặc dù ngành CNTT đang có triển vọng phát triển khá sáng sủa nhưng thị trường đào tạo nhân lực CNTT lại có xu hướng ngược lại, số thí sinh dự thi vào ngành này giảm dần trong vài năm gần đây. Phát biểu tại hội nghị với các cơ sở đào tạo CNTT tại trụ sở Bộ TT&TT vào ngày 18/3 vừa qua, ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng trường đại học FPT ước tính số lượng người học CNTT đã bắt đầu giảm dần từ năm 2008, trung bình mỗi năm giảm 10-15%. Với chu kỳ đào tạo 4 năm, ông Tùng cho rằng đến năm 2014, thị trường CNTT sẽ nhận thấy rõ sự thiếu hụt nhân lực. Tuy nhiên, mức độ thiếu hụt nghiêm trọng như thế nào thì chưa thể đánh giá chính xác. Bởi ngành giáo dục hiện nay không có số liệu về số lượng tuyển sinh thực tế và số sinh viên tốt nghiệp CNTT của các trường hàng năm mà chỉ thống kê chỉ tiêu tuyển sinh. Theo ông Tùng, chỉ tiêu tuyển sinh không phải là con số thực tế bởi từ vài năm nay nhiều trường đào tạo CNTT không thể tuyển đủ chỉ tiêu, thậm chí có trường phải ngừng đào tạo ngành này vì không có đủ thí sinh dự thi. Thậm chí, ngay cả dựa theo chỉ tiêu tuyển sinh với quy mô đào tạo tăng 10% mỗi năm, Bộ TT&TT dự báo nhiều khả năng ngành CNTT sẽ thiếu nhân lực trong vài năm tới nếu không có sự tăng trưởng đột phá của các cơ sở đào tạo. Theo Sách trắng về CNTT-TT năm 2010, cả nước hiện có 271 cơ sở đào tạo về CNTT với quy mô đào tạo 50.000 chỉ tiêu trong năm học 2008-2009 và 56.000 chỉ tiêu trong năm học 2009-2010. FPT APTECH mở ra cho các bạn đam mê học tin học, học công nghệ thông tin chuyên sâu về học lập trình cơ hội được đào tạo Công Nghệ Thông Tin trong môi trường tiêu chuẩn chất lượng quốc tế ISO9001. Học CNTT - Học Aptech - Học tại FPT |
|
Làm sao giải bài toán cung cầu nhân lực? Theo các cơ sở đào tạo, sự giảm sút lượng học sinh dự thi vào ngành CNTT trong vài năm gần đây có nguyên nhân khách quan là do sự hấp dẫn của một số ngành khác tăng lên, đặc biệt là các ngành kinh tế, tài chính. Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo CNTT thừa nhận nguyên nhân chủ quan là vì tỷ lệ thất nghiệp sau đào tạo cao do chất lượng chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Trong khi đó, các trường đào tạo CNTT đang loay hoay giữa mớ bòng bong chưa có lối thoát: chương trình đào tạo không phù hợp, thiếu đầu tư cơ sở vật chất, thiếu giáo viên, phương pháp giảng dạy lạc hậu, trong khi đó cơ chế quản lý không tạo điều kiện cho các trường có nhiều cơ hội để tự chủ và thay đổi. “Chúng ta đã chuyển sang nền kinh tế thị trường nhưng ngành giáo dục vẫn đang nửa nạc nửa mỡ, không ra cơ chế thị trường mà cũng không hẳn quản lý tập trung”, ông Phí Đắc Hải, Hiệu trưởng Trường cao đẳng CNTT Việt – Hàn nói. Theo ông Hải, Bộ GD-ĐT chỉ nên quản lý về vĩ mô và giao cho các trường tự chủ về chương trình, chỉ tiêu tuyển sinh, tài chính... để tăng tính cạnh tranh và linh hoạt của các cơ sở đào tạo. Ông Lê Trường Tùng cũng đề nghị Chính phủ nhanh chóng gỡ bỏ các rào cản phi thị trường trong lĩnh vực đào tạo CNTT liên quan đến quy hoạch, thành lập, chỉ tiêu đào tạo, trần học phí, bù giá trường công...; ưu đãi thuế và tín dụng cho người học, người dạy và nhà đầu tư đào tạo CNTT để kích cầu; hỗ trợ thành lập các khu đào tạo CNTT và thành lập vụ/cục phát triển nguồn nhân lực trực thuộc Bộ TT&TT. Bên cạnh đó, các sở đào tạo cũng như các doanh nghiệp CNTT cho rằng chính phủ nên có chương trình tuyên truyền, cung cấp thông tin thống kê đa dạng và chi tiết hơn về thu nhập của người làm CNTT để gia tăng sức hút cho ngành này. Bởi trên thực tế, ngành CNTT hiện nay là một trong số các ngành nghề có thu nhập khá cao. Bộ TT&TT sẽ vào cuộc giải quyết vấn đề nhân lực CNTT Tại hội nghị với các cơ sở đào tạo CNTT vào ngày 18/3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp khẳng định Bộ TT&TT sẽ đứng ra làm đầu mối về vấn đề nhân lực CNTT và sẽ có kiến nghị với chính phủ sớm có các giải pháp cho vấn đề nhân lực CNTT. Sau hội nghị này, Bộ trưởng cho biết Bộ TT&TT sẽ tổng hợp các ý kiến góp ý để kiến nghị lên chính phủ có chính sách, cơ chế tháo gỡ khó khăn cho vấn đề đào tạo nhân lực CNTT: trao quyền tự chủ lớn hơn cho các trường; có chính sách tài chính hỗ trợ người dạy và người học về CNTT; tăng cường sử dụng giáo trình nước ngoài và dạy tiếng Anh trong đào tạo CNTT; thay đổi tuyển sinh đầu vào từ toán, lý và hoá sang toán, lý và Anh văn với ngành CNTT; tăng cường xã hội hoá đào tạo CNTT và đẩy mạnh liên thông, liên kết giữa các cơ sở đào tạo với nhau và giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT đứng ra làm đầu mối thành lập Hiệp hội các trường đào tạo CNTT để tăng cường sự liên kết và hợp tác giữa các trường, các khoa đào tạo nhân lực CNTT trên cả nước để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Hiệp hội này cũng sẽ là đầu mối tập hợp các kiến nghị liên quan đến việc cải thiện chất lượng đào tạo nhân lực CNTT của các trường để gửi tới chính phủ cũng như các cơ quan quản lý liên quan. Tại hội nghị, hầu hết các cơ sở đào tạo CNTT đồng tình với đề xuất thành lập hiệp hội của các tổ chức đào tạo CNTT để trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, xây dựng giáo trình và bồi dưỡng cán bộ đào tạo. Các đại diện của các cơ sở đào tạo CNTT dự hội nghị cũng nhất trí thành lập ban vận động thành lập Hiệp hội các trường đào tạo CNTT gồm đại diện là hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ (thuộc ĐHQG Hà Nội), Học viện CN Bưu chính Viễn thông và Đại học FPT. |
Nhóm PV (theo báo Bưu Điện Việt Nam) Tin liên quan: |