(Post 10/05/2011) Đại học FPT khẳng định sẽ đào tạo khoảng 20% trong tổng số 1 triệu nhân lực CNTT được Chính phủ đặt ra trong "Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT vào năm 2020". Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nhận bó hoa tươi thắm cùng lời chào mừng từ sinh viên Trường ĐH FPT và Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT FPT | |
Ngày 6/5/2011, đoàn công tác của Bộ TT&TT do Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp làm trưởng đoàn đã tới thăm và làm việc với lãnh đạo đại học FPT và giao lưu với sinh viên, giảng viên ngành CNTT của trường này. Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nhận xét đại học FPT là ngôi trường có tầm nhìn xa, hướng đi đúng (tập trung giải quyết vấn đề chất lượng đào tạo) và cách làm hay. Mặc dù tuổi đời mới chỉ hơn 4 năm nhưng tên tuổi, thương hiệu của đại học FPT đã vượt qua nhiều trường đào tạo CNTT có bề dày hàng chục năm. Trao đổi với lãnh đạo đại học FPT, Bộ trưởng đề nghị đại học FPT tăng cường đổi mới giáo trình, sàng lọc giảng viên và kỷ cương thi cử; mạnh dạn hợp tác quốc tế, thu hút giảng viên và sinh viên nước ngoài đến làm việc, học tập tại trường; đồng thời mạnh dạn liên doanh liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là liên kết để lo đầu ra cho sinh viên. Bộ trưởng cũng hy vọng đại học FPT không chỉ trở thành thương hiệu đào tạo CNTT lớn của Việt Nam mà còn vươn ra quốc tế. Chia sẻ về định hướng chiến lược của đại học FPT trong giai đoạn tới, ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng đại học FPT cho biết mục tiêu của trường này là "trở thành đơn vị số 1 về đào tạo CNTT tại Việt Nam và khu vực; mang lại cơ hội thăng tiến và đời sống đầy đủ cho mọi thành viên". Đặc biệt, theo ông Tùng, đại học FPT cũng kỳ vọng sẽ đào tạo được khoảng 100 ngàn sinh viên trước năm 2020 và đạt doanh thu 1.000 tỷ đồng trước năm 2015. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, ông Tùng cho biết đại học FPT sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào đào tạo CNTT-TT, trong đó đặc biệt chú trọng đầu tư cho đội ngũ giảng viên, giáo trình để nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời đảm bảo cơ sở vật chất cho sự phát triển dài hạn của trường. Đại học FPT đang xây dựng trụ sở chính của trường tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) với tổng diện tích hơn 30 héc-ta. Bên cạnh các giảng đường, khu đào tạo của đại học FPT ở Hòa Lạc có đủ chỗ ở (khu ký túc xá) cho 100% sinh viên, có sân bóng đá và cả sân trượt băng. Đại học FPT dự kiến sẽ đưa lứa sinh viên đầu tiên lên học tại khu công nghệ cao Hòa Lạc từ tháng 9 năm nay. Các sinh viên ngành CNTT của đại học FPT đã có hơn 1 giờ đồng hồ giao lưu với Bộ trưởng Lê Doãn Hợp | |
Đại học FPT, thành lập vào tháng 6/2006, hiện có 4.500 sinh viên đại học, trong đó khoảng 72% là sinh viên chuyên ngành công nghệ phần mềm. Bên cạnh đào tạo kỹ sư phần mềm, FPT đang đào tạo khoảng 6.000 sinh viên Lập trình Aptech, thiết kế đồ họa Arena và cao đẳng thực hành CNTT (Polytechnics). Theo ông Lê Trường Tùng, đại học FPT hiện có khoảng 30 sinh viên nước ngoài và 20 giảng viên nước ngoài đang học tập, giảng dạy tại đại học FPT. “Đại học FPT đang làm việc với một số đối tác nước ngoài, hy vọng trong năm 2011 này sẽ triển khai chương trình đào tạo của trường đại học FPT ở nước ngoài thông qua các đối tác nước ngoài”, ông Tùng chia sẻ. FPT APTECH mở ra cho các bạn đam mê học tin học, học công nghệ thông tin chuyên sâu về học lập trình cơ hội được đào tạo Công Nghệ Thông Tin trong môi trường tiêu chuẩn chất lượng quốc tế ISO9001. Học CNTT - Học Aptech - Học tại FPT |
|
Khác với các trường đại học khác, mỗi năm đại học FPT tổ chức sinh viên ra trường làm 3 đợt. Đầu năm nay, đại học FPT đã làm lễ tốt nghiệp cho 95 sinh viên đầu tiên tốt nghiệp kỹ sư phần mềm. Cuối tháng 4/2011, 110 sinh viên khóa 1 đã bảo vệ luận văn và dự kiến lễ tốt nghiệp đợt 2 cho những sinh viên này sẽ được tổ chức vào cuối tháng 5/2011. Đợt tốt nghiệp thứ 3 trong năm 2011 của đại học FPT dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 8 và cấp bằng vào cuối tháng 9/2011 cho khoảng 150 sinh viên. Theo kết quả khảo sát đại học FPT, 100% sinh viên của trường này có việc làm đúng ngành nghề từ trước khi nhận bằng tốt nghiệp, trong đó nhiều sinh viên "đầu quân" cho những doanh nghiệp lớn như FPT Software, CMS, CMC, Luvina, Novellus, Synegix, Mairitime Bank, Vietnam Airline... Thu nhập khởi điểm trung bình của các sinh viên đại học FPT sau khi ra trường là trên 6 triệu đồng. Bộ trưởng Lê Doãn Hợp chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện sinh viên, giảng viên, ban giám hiệu Trường ĐH FPT và lãnh đạo tập đoàn FPT có mặt tại buổi giao lưu. | |
M.T (theo ICT News) Tin liên quan: |