(Post 20/02/2006) Sáng thứ sáu 30/12/2005,
Ban Biên tập e-CHÍP gọi điện thoại mời Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch
Hội Tin học TP.HCM, Giám đốc Học viện FPT Aptech làm vị khách mời đầu
tiên của Tạp chí e-CHÍP trong năm 2006. Ông đang dự họp, cuối năm mà,
nhưng lập tức nhận lời và cho phóng viên một cuộc hẹn vào lúc 17g cùng
ngày. Khi PV e-CHÍP đến, ông đã sẵn sàng. Và cuộc trò chuyện ban đầu định
gói gọn trong 1 tiếng đồng hồ đã phải kéo dài gấp đôi. Ông vốn là một
người rất nặng lòng và có nhiều trăn trở với sự phát triển của CNTT Việt
Nam mà.
TS. Lê Trường Tùng: Trí
tuệ là nhân tố hàng đầu để phát huy sức mạnh công nghệ và phát
triển công nghiệp. |
|
Xin ông nêu nhận xét khái quát về thị trường CNTT
Việt Nam năm 2005?
Năm 2005, thị trường CNTT Việt Nam (VN), theo tôi, có
nhiều khởi sắc; mức tăng trưởng có thể đạt trên 33%. Gia công xuất khẩu
phần mềm cho đối tác nước ngoài, nhất là Nhật Bản, chúng ta cũng đạt được
kết quả đáng khích lệ. Bản thân tôi đặt tin tưởng vào sự phát triển của
thị trường này, ít nhất là trong vòng 3 đến 5 năm tới.
VN có tên trên bản đồ CNTT thế giới - dù vị trí còn thấp
- đã là tín hiệu tốt. Nếu chúng ta cố gắng làm sao con số năm nay cao
hơn năm trước thì các quốc gia khác có tên trên bản đồ cũng thế. Vị trí
của VN trên bản đồ CNTT thế giới năm 2005 so với 2004 nhìn chung chưa
có thay đổi.
Vậy Việt Nam cần làm gì để bước vào thời hội nhập?
VN đang nỗ lực xúc tiến gia nhập Tổ chức Thương mại
thế giới (WTO) vào năm 2006 - hy vọng như thế - vì hội nhập là một xu
thế tất yếu. Các doanh nghiệp CNTT cũng chuẩn bị tư thế hội nhập như cách
thức tiếp cận và khai thác thị trường, chiến lược cạnh tranh... Gia nhập
WTO mang lại cho VN cơ hội phát triển; nhưng cũng có những khó khăn, thách
thức. Điều quan trọng phải xác định được là chúng ta hội nhập bằng thế
mạnh nào và khẳng định cái nào là cái của mình; đồng thời nhận thức rõ
thách thức của mình để có sự ứng biến linh hoạt.
Thế mạnh cùng thách thức của CNTT Việt Nam là những
gì, thưa ông?
Trí tuệ là nhân tố hàng đầu để phát huy sức mạnh công
nghệ và phát triển công nghiệp. Không ít người VN học tập và làm việc
ở nước ngoài đã đạt những thành tựu đáng kể, cho thấy tiềm lực của trí
tuệ Việt Nam trong sự nghiệp phát triển CNTT. Chúng ta có nguồn nhân lực
tiềm năng vì dân số chúng ta đông, đa phần là dân số trẻ. Chúng ta có
quyết tâm cao, mà kinh nghiệm cho thấy nếu thật sự đã quyết tâm thì sẽ
làm được.
Về những thách thức, cần quan tâm hơn nữa đến chính sách
bảo hộ, chính sách về giá. Thế giới biết đến người Việt Nam thông minh,
chịu khó làm việc nhưng đồng thời họ còn biết đến Việt Nam là một trong
số các nước có tỷ lệ vi phạm bản quyền cao nhất thế giới. Việc cần làm
bây giờ không phải là phân bua, mà bằng hành động cụ thể, chứng minh cho
họ thấy chúng ta đang rất nỗ lực để khắc phục vấn đề vi phạm bản quyền.
Nhưng, nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn là bài
toán nan giải của các doanh nghiệp CNTT!
Thời gian qua, chúng ta bàn nhiều về thực trạng “thiếu
và yếu” nhân lực CNTT. Tuy nhiên, sợ nhất là không nói, chứ một khi nói
ra được tức là chúng ta đã biết cần làm gì.
Nhưng, biến nguồn nhân lực được xem là tiềm năng trở
thành hiện thực cần phải có lộ trình. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt
“Đề án đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học giai đoạn 2006-2020”.
Trong lĩnh vực CNTT, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thí điểm đối với
khoa CNTT thuộc trường Đại học KHTN (TP.HCM) vào năm 2006. Một trong những
nội dung đổi mới là cho phép trường tự quản về chương trình dạy, mức học
phí, số lượng tuyển sinh đầu vào... Đề án cũng đề cập vấn đề tạo cơ hội
để các đơn vị bên ngoài tham gia vào đào tạo; ví dụ mô hình du học tại
chỗ. Các bạn trẻ sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn môi trường học tập. Khi có
cạnh tranh, chất lượng tất nhiên được nâng cao.
Ông nghĩ sao về quan hệ giữa doanh nghiệp và đơn
vị đào tạo?
Đó là mối quan hệ hai chiều. Doanh nghiệp phải chủ động
về nhân lực chứ không thể chờ đợi. Chẳng hạn, có doanh nghiệp đặt hàng
FPT Aptech đào tạo trong 6 tháng (hoặc 1 năm) một số nhân lực theo yêu
cầu để có thể sử dụng ngay sau khi kết thúc chương trình học. Một số doanh
nghiệp (như FPT, TMA) đang xin chính phủ cho phép mở trường đại học tư
thục để chủ động nguồn nhân lực. Nếu được vậy, bài toán nhân lực trong
tương lai sẽ không còn là chuyện phải đau đầu.
Xin ông một lời khuyên cho các bạn trẻ Việt Nam
yêu thích CNTT, như một món quà đầu năm mới.
Ngoại ngữ, cập nhật công nghệ và niềm say mê là 3 yếu
tố cần thiết đối với các bạn trẻ yêu thích CNTT. Nếu biết nhiều ngoại
ngữ thì càng tốt; nhưng ít nhất cũng phải thông thạo Anh ngữ. Công nghệ
mỗi ngày mỗi mới, không trau dồi thì sẽ bị tụt lại phía sau. Còn niềm
say mê, theo tôi là rất quan trọng, đã say mê thì hai yếu tố nói trước
tin chắc là nằm trong tầm tay. Cơ hội phía trước, các bạn trẻ hãy tự tin
vào chính bản thân mình!
(Theo Echip Xuân Bính Tuất) |