(Post 01/03/2006) Đó là nhận định từ báo cáo
mới nhất Chỉ Số Nguồn Nhân Lực thị trường lao động Việt Nam quí IV 2005
và cả năm 2005 của VietnamWorks.com.
Quý IV: tăng trưởng 19%
Báo cáo Chỉ Số Nguồn Nhân Lực quí IV đo lượng cung và
cầu của thị trường lao động trên cơ sở số đầu việc và hồ sơ được đăng
trên website tuyển dụng hàng đầu này, cho thấy nhu cầu tuyển dụng tăng
19% so với quý III/2005 và nguồn cung ứng viên tăng 14%.
Năm ngành nghề có nhu cầu lớn nhất trong ba tháng cuối
cùng của năm 2005 là bán hàng, công nghệ/viễn thông, kế toán, tiếp thị
và hành chính/thư ký. Trong đó, nghề bán hàng dẫn đầu tăng 135 điểm so
với quý 3. Mặc dù giảm nhẹ 26 điểm xuống còn 409, công nghệ/viễn thông
vẫn giành vị trí thứ hai, tiếp theo là hành chính/thư ký với 291 điểm,
kế toán 281 điểm và tiếp thị 268 điếm.
“Đây là những vị trí thiết yếu trong mỗi một DN và vì
thế, chúng sẽ luôn có nhu cầu lớn đặc biệt trong điều kiện nền kinh tế
Việt Nam phát triển ổn định và sự xuất hiện nhanh chóng của các DN mới
hiện nay,” bà Tiffany Nguyễn, giám đốc Chiến Lược, phụ trách biên soạn
báo cáo Chỉ Số Nguồn Nhân Lực nhận xét.
Các ngành nghề này cũng có nguồn cung lớn nhất trong
39 phân loại. bán hàng vẫn dẫn đầu với 458 điểm. hành chính/thư ký tăng
122 điểm đứng thứ hai. Cung lao động trong lĩnh vực công nghệ/viễn thông
tăng lên 349 điểm đứng thứ ba sau khi chậm lại trong quý 2. Tiếp theo
là kế toán (343 điểm), kỹ sư (289 điểm), và quảng cáo/khuyến mãi/PR (260
điểm).
Xét theo khu vực, TP.HCM và Hà Nội vẫn là những trung
tâm việc làm hàng đầu chiếm tới 75% tổng số đầu việc trên toàn quốc. Bình
Dương và Biên Hòa - Đồng Nai đứng tiếp sau, mỗi tỉnh thành chiếm 5%.
Xu hướng mới
Trong khi cầu lao động tiếp tục phá vỡ các kỷ lục thì
cung lao động với tốc độ tăng trưởng 141% so với cùng kỳ năm 2004 mang
đến một sự ngạc nhiên thú vị vì thông thường, giai đoạn trước Tết được
coi là thời kỳ thấp điểm trong năm của tuyển dụng.
“Người tìm việc thường cố đợi tới sau khi nhận được tháng
lương thứ 13 mới bắt đầu tìm việc mới, nhưng năm nay xu hướng này đã thay
đổi khi có nhiều người bắt đầu tìm việc sớm hơn để có thể chuyển sang
chỗ làm mới ngay sau kỳ nghỉ Tết. Chúng tôi tin rằng đây là một sự thay
đổi đáng lưu ý trong suy nghĩ của người tìm việc Việt Nam, nó cho thấy
họ đã chủ động hơn trong việc tối ưu hóa quá trình tìm việc của mình,”
bà Tiffany Nguyễn bình luận.
Bà cũng cho biết quý IV vừa qua còn hé lộ một xu hướng
mới trong lĩnh vực tuyển dụng với việc ngày càng nhiều công ty lựa chọn
Internet làm kênh quảng cáo tuyển dụng chính của mình.
“Trong quý cuối cùng của năm 2005, chúng tôi nhận thấy
có sự giảm sút đáng kể quảng cáo tuyển dụng trên các tờ báo lớn trong
khi số lượng quảng cáo tuyển dụng trực tuyến trên VietnamWorks.com vẫn
tiếp tục tăng lên. Hiện tượng này cho thấy xu hướng giảm sút cuối năm
không hề ảnh hưởng tới nhu cầu trực tuyến về nhân sự. Trái lại, các công
ty đang bắt đầu chuyển từ quảng cáo tuyển dụng trên báo chí sang quảng
cáo trực tuyến.”
2005 – năm tuyển dụng của ngành công nghệ/viễn
thông
Năm ngoái là một năm lạc quan cho người tìm việc khi
nhu cầu tuyển dụng tăng đều đặn hằng quý. Chỉ số cầu tăng liên tục trong
cả năm 2005, thậm chí cả trong quý IV vốn được coi là thời kỳ thấp điểm
của tuyển dụng, chỉ số cầu tăng 159% so với cùng kỳ năm trước đó. Các
ngành nghề có nhu cầu lớn gồm bán hàng, công nghệ/viễn thông, kế toán,
tiếp thị, hành chính/thư ký và kỹ sư.
Có thể nói 2005 là năm tuyển dụng của ngành công nghệ/viễn
thông vì ngành này luôn đứng đầu các phân loại do có nhu cầu lao động
cao nhất. Năm ngoái, nhu cầu lao động trong lĩnh vực này tăng 119%, trong
khi nguồn cung chỉ tăng 59%. Tuy nhiên, tương lai nguồn cung ứng lao động
CNTT rất khả quan với dự báo của Hiệp Hội Phần Mềm Việt Nam sẽ có khoảng
20.000 chuyên viên IT mới tốt nghiệp hàng năm và khoảng 10.000 người Việt
Nam đang làm CNTT ở Mỹ sẽ sớm quay trở về quê hương làm việc.
Một lĩnh vực cũng có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm
ngoái là quảng cáo với nhu cầu tuyển dụng tăng gấp đôi, trong khi cung
lao động tăng 113%. Ngành công nghiệp non trẻ này đã có một năm bùng nổ
(năm 2005) và tiếp tục thu hút những người muốn tìm công việc mới. Với
mức doanh thu ước tính đạt 400 triệu USD năm ngoái, dự báo quảng cáo sẽ
nhanh chóng gia nhập danh sách những ngành nóng nhất trong vài năm tới.
Trong khi số lượng người tìm việc nhảy vọt 141% (2005),
chất lượng của các ứng viên đã tăng lên một cách đáng kể. Đã có nhiều
người chủ động trang bị cho mình kinh nghiệm và kỹ năng làm việc hơn để
đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của nhà tuyển dụng về các kỹ năng "mềm"
như giao tiếp, trình bày, xây dựng nhóm và giải quyết vấn đề bên cạnh
các yêu cầu quen thuộc về khả năng vi tính và ngoại ngữ.
Tuy nhiên, mảng nhân sự cấp cao vẫn tiếp tục chứng kiến
một cuộc chiến giành giật nhân tài khi mà nguồn cung ứng mới chỉ đáp ứng
được từ 30-40% nhu cầu. Trong khi sự khan hiếm những ứng viên tài năng
cho các vị trí cấp cao rất khó có thể giải quyết trong vài năm tới, thì
thị trường nhân sự cấp cao sẽ càng trở nên khó khăn hơn khi Việt Nam gia
nhập vào WTO trong nay mai và đi cùng với đó là sự xâm nhập của những
tập đoàn lớn mạnh quốc tế.
P.Q
(Theo VietnamWorks.com)
(từ PC World VN) |