(Post 04/03/2006) Các chuyên gia Châu Á đều
nhận định rằng Chính Phủ cần phải đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến
khích và tạo môi trường cạnh tranh tự do để phát triển nền công nghiệp
phần mềm nội địa. Nhận định này được rút ra từ bản báo cáo mới nhất của
Liên Minh Phần Mềm Doanh Nghiệp (BSA) công bố tại Việt Nam ngày 22/2/2006.
Ông Goh
Seow Hiong, giám đốc phụ trách Chính Sách Phần Mềm Châu Á, BSA. |
|
Bản báo cáo được tổng hợp từ kết quả khảo sát 800 chuyên
gia hàng đầu về CNTT tại 8 quốc gia Châu Á, trong đó có Việt Nam. Mỗi
quốc gia trong diện khảo sát được lựa chọn 100 người gồm các cá nhân đang
giữ cương vị giám đốc, trưởng phòng, quản lý, cán bộ cao cấp về CNTT làm
việc trong các tổ chức tư nhân về CNTT, phát triển phần mềm, các hệ thống
thông tin hoặc hệ thống thông tin quản lý. Để đảm bảo kết quả mang tính
khách quan, không phụ thuộc vào định hướng từ Chính Phủ, các chuyên gia
làm việc cho Chính Phủ không thuộc diện được khảo sát.
Với câu hỏi “lợi ích ngành công nghiệp phần mềm (CNpPM)
trong nước mang lại là gì?”, 42% (tỷ lệ riêng ở Việt Nam là 38%) cho rằng
làm tăng khả năng năng cạnh tranh của nền kinh tế; 41% (Việt Nam là 50%)
cho rằng làm giảm sự phụ thuộc với phần mềm nước ngoài; 30% (Việt Nam
là 39%) cho rằng giúp phát triển kinh tế quốc gia.
Khẳng định Chính Phủ đóng vai trò quan trọng trong việc
tạo thuận lợi để phát triển nền CNpPM nội địa, 90% (Việt Nam là 92%) cho
rằng việc điều tiết của Chính Phủ là rất quan trọng với thành công của
nền CNpPM. Tuy nhiên, 86% (Việt Nam là 89%) các chuyên gia được hỏi cho
rằng khả năng tự điều tiết của ngành công nghiệp sẽ thích hợp hơn là những
chính sách do Chính Phủ trực tiếp điều tiết. Và như vậy, vai trò của Chính
Phủ là khuyến khích và tạo môi trường cho tất cả các bên tham gia đều
được tự do cạnh tranh trên thị trường chứ không hẳn là các định chế khô
cứng.
Trong khi kết quả khảo sát chung từ 8 quốc gia cho thấy
mức đánh giá về tầm quan trọng của giáo dục – đào tạo và sự hỗ trợ của
Chính Phủ với phát triển CNpPM là gần ngang nhau (lần lượt là 25% và 22%)
thì Việt Nam lại đặc biệt đánh giá cao hơn tầm quan trọng của giáo dục
- đào tạo với 45%, còn sự hỗ trợ của Chính Phủ là 16%.
Bản nghiên cứu cũng phản ánh sự quan tâm thực sự của
các chuyên gia tin học châu Á về tính sẵn sàng của các tùy chọn nguồn
mở khi phát triển phần mềm. Tuy nhiên, trình độ và kinh nghiệm hiểu biết
về phần mềm nguồn mở và phần mềm thương mại ở những người được hỏi còn
chưa đồng nhất. Nhiều người mong chờ rằng các giải pháp nguồn mở sẽ mang
đến sự lựa chọn tốt hơn. Đa số thì tin tưởng rằng phần mềm nguồn mở và
phần mềm thương mại sẽ có thể và nên tồn tại.
Một điểm đáng chú ý trong bản nghiên cứu này là kết quả
khảo sát về các yếu tố là rào cản đối với sự phát triển phần mềm. Trong
khi tỷ lệ chung chỉ là 44% cho rằng giá là rào cản lớn nhất làm ngăn cản
sự tự do lựa chọn PM trên thị trường thì tỷ lệ riêng của Việt Nam là 100%
công nhận. Điều này cho thấy vấn đề giá đang là bức xúc lớn của đối với
sự phát triển của CNpPM nội địa.
Liên minh Phần Mềm Doanh Nghiệp (BSA) là
tổ chức gồm hơn 45 thành viên là đại diện các công ty phần mềm
và phần cứng lớn trên thế giới, như: Intel, Microsoft, Cisco,
IBM, HP, Dell, Adobe, Apple, McAfee, Autodesk... Nhiều thành viên
là các công ty ở khu vực châu Á như Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản,
Hồng Kông, Trung Quốc, Indonesia... |
Ông Seow Hiong Goh, giám đốc phụ trách Chính Sách Phần
Mềm Châu Á của BSA cho biết: “Đây là lần đầu tiên BSA thực hiện nghiên
cứu này. Những kết quả này là một trong những cố gắng mở rộng hơn nữa
của BSA nhằm giúp cho việc biên soạn các dữ liệu và nghiên cứu về đề tài
CNTT ở Châu Á, nơi mà những thông tin trong lĩnh vực này còn chưa đầy
đủ. Qua nghiên cứu này, BSA hy vọng sẽ đem tới cho những nhà hoạch định
chính sách những thông tin toàn diện làm cơ sở cho việc phân tích khi
đưa ra các chính sách và chiến lược quốc gia của mình.”
Để biết thêm thông tin, xem tại website: www.bsa.org
Thu Hiền
(theo PC World VN) |