(Post 18/03/2006) Ngày 10/03/2006, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có công văn số 339/TTg-KG, phê duyệt Tờ trình số 8088/TTr-BGD&DT ngày 12/09/2005 của Bộ Giáo dục & đào tạo về việc đồng ý chủ trương thành lập Trường ĐH Tư thục FPT. |
Ông Lê Trường Tùng, hiện là Giám đốc Dự án xây dựng đại học FPT và dự kiến sẽ giữ cương vị Hiệu trưởng Trường ĐH Tư thục FPT – cho biết: “Mục tiêu trước mắt của ĐH Tư thục FPT là đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao chuyên ngành CNTT và các nhóm ngành khác có liên quan trước hết cho tập đoàn FPT, đồng thời cho các doanh nghiệp CNTT nói chung và doanh nghiệp phần mềm Việt Nam nói riêng. Sự khác biệt của Đại học Tư thục FPT so với các trường đại học khác là đào tạo kỹ sư công nghiệp, nghĩa là đào tạo theo hình thức liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp CNTT, gắn đào tạo với thực tiễn, với nghiên cứu - triển khai và các công nghệ hiện đại nhất; Chương trình luôn được cập nhật; Tăng cường kỹ năng ngoại ngữ; Tăng cường đào tạo quy trình tổ chức sản xuất; Tăng cường đào tạo kỹ năng làm việc theo nhóm”. Quy trình hoạt động của Trường Đại học Tư thục FPT sẽ tuân thủ các quy định của hệ thống quản trị chất lượng ISO 9001 và theo mô hình đa kỹ năng (multi-modal) gồm các thành phần cơ bản: Học lý thuyết; Thực hành; Thực hiện Đồ án thực tế; Rèn luyện phát triển nhân cách và quan hệ xã hội. Việc học tập và giảng dạy không chỉ bằng hình thức nghe giảng mà còn học trên máy tính (CBT – Computer Based Training), qua mạng Internet (WBT - WEB Based Training) và các phương tiện nghe nhìn (VBT – Video Based Training). Trường sẽ bắt tay ngay vào xây dựng giáo trình dựa trên chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tập trung vào các môn liên quan đến CNTT, các môn cơ bản, bổ trợ khác (toán, lý, hoá, ngoại ngữ, chính trị, quân sự, giáo dục thể chất) sẽ tận dụng giáo trình hiện có. Trong thời gian đầu hoạt động, trường tập trung vào đào tạo trình độ đại học các chuyên ngành liên quan đến CNTT, bao gồm: Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Mạng máy tính và truyền thông. Nếu được phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường sẽ triển khai ngay mô hình đào tạo 1+4 – năm thứ nhất học ngoại ngữ, từ năm thứ 2 trở đi học chuyên môn bằng tiếng nước ngoài (tiếng Anh hoặc tiếng Nhật). “Bằng cách này, Đại học FPT có thể nhanh chóng thu hút sinh viên đến từ các nước khác, đồng thời tạo tiền để để mở các chi nhánh Đại học FPT tại nước ngoài trong 5-10 năm tới” – ông Tùng cho biết. Hiện nay đã có gần 70 giảng viên trình độ trên đại học cam kết là giáo viên cơ hữu của trường. Một số mối liên hệ hợp tác với các trường đại học nước ngoài (Nhật bản, Australia, Mỹ) cũng đã được thiết lập. Dự kiến trụ sở chính của của trường sẽ đặt tại Khu Công nghệ Cao Hoà Lạc. Tổng vốn đầu tư ban đầu của đề án là 75 tỷ đồng. Ông Lê Trường Tùng cho biết hiện nay công ty FPT đang tích cực triển khai các công việc liên quan đến dự án để có thể tuyển sinh chính thức trong năm 2006, đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động đào tạo của trường tại Tp HCM vào năm 2007 và tại Đà nẵng vào năm 2008. Ông Lê Trường Tùng cũng cho biết cương lĩnh hoạt động của Đại học FPT là “Nâng cao tầm trí tuệ”, thể hiện mong muốn và quyết tâm của trường hiện thực hoá và gia tăng giá trị trí tuệ cho giới trẻ Việt nam. Sự cần thiết của việc đưa Trường Đại học Tư thục FPT vào hoạt động: Trong sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, công nghệ thông tin (CNTT) có một vai trò đặc biệt. Chỉ thị số 58-CT/TW ngày 17/10/2000 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ mục tiêu phát triển ngành công nghiệp CNTT tại Việt Nam - đặc biệt là ngành công nghiệp phần mềm - là “làm cho ngành này trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ phát triển hàng năm cao nhất so với các khu vực kinh tế khác và có tỷ lệ đóng góp cho tăng trưởng GDP của cả nước ngày càng tăng”. Biện pháp quan trọng để đạt được các mục tiêu nêu trên cũng được chỉ rõ là “phát triển nguồn nhân lực cho CNTT là yếu tố then chốt có ý nghĩa quyết định đối với việc ứng dụng và phát triển CNTT”. Đầu năm 2004, tập đoàn tư vấn quốc tế Kearney xếp Việt Nam vào danh sách 25 nước có tiềm lực gia công phần mềm - dịch vụ tốt nhất. Việc Việt Nam có tên trên bản đồ gia công phần mềm thế giới là một dấu hiệu rất tốt và một định hướng cho các công ty nước ngoài đang tìm đối tác gia công bên ngoài. Tuy nhiên cũng trong báo cáo này, chất lượng nguồn nhân lực CNTT Việt nam mới chỉ được đánh giá cao về tiềm năng chứ chưa phải thực lực. Báo cáo “Gia công CNTT Toàn cầu” tháng 3/2005 của CIO Insight cũng xếp Việt Nam sẽ nằm trong danh sách 20 quốc gia đứng đầu về gia công phần mềm trong 5 năm tới. Thị trường CNTT Việt Nam có tốc độ tăng trưởng trên 30%/năm còn mức độ tăng trưởng chỉ tiêu đào tạo chuyên ngành CNTT tại Việt Nam tăng khoảng 10-15%/năm, trong khi nhu cầu về nhân lực trong ngành này đang ở mức độ tăng trưởng 25-30%/năm, thậm chí lên đến 60% trong lĩnh vực Công nghệ phần mềm. Dự thảo Chiến lược phát triển Công nghiệp phần mềm Việt Nam giai đoạn 2006-2010 cũng chỉ ra các mục tiêu đến năm 2010 đào tạo được khoảng 200.000 sinh viên CNTT, trong đó có 50% trở thành chuyên gia làm phần mềm chuyên nghiệp. Sự thiếu hụt chuyên viên CNTT trong vài năm tới đang là nguy cơ thực sự. Hệ thống đào tạo CNTT hiện nay cung cấp khoảng 5.000 – 6.000 chuyên gia CNTT/năm. Khi chỉ tiêu tuyển sinh CNTT tăng lên đến 15.000/năm thì sau 5 năm đào tạo, con số ra trường mới đạt khoảng 9.000/năm, chỉ đáp ứng 60% nhu cầu. Công ty FPT cũng đang rất khó khăn trong việc thực hiện kế hoạch tuyển thêm 8000 nhân viên mới trong 3 năm 2006-2008. Trường Đại học Tư thục FPT ra đời là cần thiết và phù hợp với chủ trương xã hội hóa giáo dục, xu thế phát triển đào tạo đại học trên thế giới cũng như phù hợp với chiến lược phát triển ngành CNTT của Đảng và nhà nước; góp phần giải quyết sự thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao, phục vụ cho chiến lược phát triển công nghệ thông tin của Việt Nam nói chung và chiến lược xuất khẩu phần mềm và dịch vụ nói riêng, đặc biệt cho thị trường Nhật Bản. Việc chính phủ đồng ý chủ trương thành lập một trường đại học tư thục gắn liền với các hoạt động của công ty FPT thể hiện rõ quan điểm “khuyến khích mở đại học trong các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn” được nêu ra trong Nghị quyết 14-2005 về “Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt nam giai đoạn 2006-2010” đã được chính phủ thông qua tháng 11/2005. |