(Post 25/03/2013) Năm 2012 đánh dấu sự quay trở lại tốc độ tăng trưởng 30% - được coi là thành tích nổi bật của FPT Software, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều doanh nghiệp trong nước.
GĐ bộ phận Hệ thống thông tin công cộng Hitachi, Nobuyuki Toda ký hợp đồng hợp tác chiến lược với Tổng GĐ FPT Software Nguyễn Thành Lâm. Ảnh: N.A. |
|
Theo khảo sát nhanh của VINASA, năm 2012 các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ CNTT bị sụt giảm mạnh doanh thu, gặp nhiều khó khăn trong việc thanh quyết toán cho các hợp đồng đã thực hiện. Điểm sáng của ngành là FPT Software với kết quả kinh doanh tốt, tăng trưởng đến 30%.
FPT Software cũng là đơn vị đầu tiên và duy nhất trong tập đoàn FPT hoàn thành kế hoạch kinh doanh được giao từ đầu năm (không điều chỉnh) với cam kết tăng trưởng liên tục, nhanh và bền vững trong 3-5 năm là 30-40%/năm.
Hai thị trường lớn nhất của FPT Software là Nhật Bản và Mỹ đều tăng trưởng tốt, với mức tăng trưởng lần lượt là 44% và 65%, ngay trong bối cảnh bất lợi về tỷ giá đồng Yên/USD. Thị trường châu Âu cũng đang đón nhận những tín hiệu tốt, cùng với việc mở rộng thị trường Đức. Hầu hết các Đơn vị Phần mềm chiến lược (FSU) và các chi nhánh tại nước ngoài của FPT Software đều đạt 100% kế hoạch đã đặt ra đầu năm, trong đó các đơn vị lớn như FSU1 và FSU17 tăng trưởng tốt và vượt kế hoạch.
Anh Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch công ty chia sẻ: "Trong 2 năm 2011-2012, FPT Software đã có những thay đổi lớn về tổ chức, đồng thời đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ mới và nhân lực. Theo đó, FPT Software không chỉ tập trung vào dịch vụ gia công phần mềm mà đã có những khách hàng nâng tầm quan hệ và trở thành đối tác của FPT Software để mở rộng sang các mảng hợp tác khác".
Việc đầu tư vào các khách hàng lớn như Hitachi, Panasonic, DB đang mang lại những tín hiệu khả quan với tăng trưởng tốt về doanh thu và mở rộng phạm vi công việc. Tháng 4/2012, FSOFT và Tập đoàn Hitachi đã ký kết hợp đồng hợp tác chiến lược triển khai phần mềm quản lý đại học tại Việt Nam, dựa trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây.
Tháng 6/2012, FPT Software giành hợp đồng đầu tiên về xây dựng giải pháp và phát triển ứng dụng trên nền tảng điện toán đám mây của Amazon (Amazon Web Services – AWS) với một công ty điện tử hàng đầu Nhật Bản. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng và cung cấp giải pháp & dịch vụ trên điện toán đám mây.
Đặc biệt, ngày 13/11, FPT Europe được khai trương tại Frankfurt, CHLB Đức, do Uwe Schlager làm Giám đốc. FPT Software đặt quyết tâm cao phát triển thị trường này để châu Âu thực sự trở thành một trong "kiềng ba chân" bên cạnh Nhật Bản và Mỹ, tạo nên thế tăng trưởng mạnh và bền vững cho công ty.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Anh - Đại sứ Việt Nam tại Đức và ông Uwe Schlager - Giám đốc FPT Đức cắt băng khánh thành. Ảnh: N.A. |
|
FPT Software đã tích cực đầu tư nghiên cứu các giải pháp công nghệ nhằm nâng cao năng lực của công ty trong các xu hướng công nghệ mới của thế giới như Công nghệ di động (Mobility), Điện toán đám mây (Cloud Computing). Ban Giải pháp Công nghệ đã cho ra đời những service offering mới về Mobility và Cloud có thể tiếp cận khách hàng. FPT Software đang tiếp tục đầu tư vào những lĩnh vực công nghệ cụ thể để đi vào những cuộc chơi mới ở một tầm vóc khác.
FPT Software cũng đang đón nhận những tín hiệu rất tích cực từ thị trường và khách hàng trong lĩnh vực mới mà công ty sẽ đầu tư là Dịch vụ Gia công Quy trình Doanh nghiệp (BPO). Đây là hướng đi mà nhiều công ty công nghệ lớn trên thế giới đã theo đuổi và thành công.
Đặc biệt, ngày 3/8/2012, FPT Software đã trở thành công ty Việt Nam đầu tiên có tên trong top 100 nhà cung cấp dịch vụ toàn cầu do Global Services (Ấn Độ) cùng NeoGroup (Mỹ) đánh giá. Top 100 nhà cung cấp dịch vụ toàn cầu tập hợp các doanh nghiệp có năng lực xuất sắc trong việc cung cấp dịch vụ gia công phần mềm (ITO - Information Technology Outsourcing) và dịch vụ gia công quy trình doanh nghiệp (BPO - Business Process Outsourcing) trên thế giới. Góp mặt trong top 100 nhà cung cấp dịch vụ toàn cầu năm nay là những tên tuổi lớn trong lĩnh vực CNTT đến từ khắp nơi trên thế giới như Infosys, Unisys, Capgemini, ChinaSoft, CSC, HCL, Neusoft...
Năm 2012 cũng đánh dấu sự tăng trưởng mạnh về nhân sự của đơn vị, tăng hơn 30% so với năm 2011. Trung bình mỗi tháng công ty tuyển 100-120 người. Việc tuyển dụng này được tập trung vào các nhân lực chất lượng cao nhằm đào tạo và chuẩn bị kỹ năng tốt nhất cho các dự án lớn mà FPT Software đầu tư.
Ngày 29/2, Trung tâm Đào tạo Nhân lực Phần mềm FPT Software – CSTC được thành lập với nhiệm vụ huấn luyện nguồn lực đầu vào. Trong năm 2012, CSTC đã đào tạo được hơn 1000 tân binh và hơn 1000 sinh viên thực tập ở cả 3 miền. Tháng 09/2012, FPT Software HCM đón nhân viên thứ 1000, đánh dấu mốc quan trọng trong sự phát triển.
Ngày 23/10, Đỗ Thùy Vân, nhân viên Kiểm thử phần mềm, đã trở thành nhân viên thứ 4.000 của FPT Software. Con số này đã minh chứng cho cam kết của lãnh đạo FPT Software cuối năm 2012 là "tăng trưởng bằng cách đầu tư vào nguồn lực và các cơ hội mới chuẩn bị đón đầu sau khủng hoảng".
Tăng trưởng nhân sự cũng đặt ra bài toán về cơ sở vật chất đối với đơn vị. Cuối tháng 10 vừa qua, tòa nhà Trung tâm Đào tạo Lập trình viên FPT Software Đà Nẵng với vốn đầu tư 16 tỉ đồng cũng đã được khởi công, gồm hai tầng với tổng diện tích sử dụng 2.000 m2. Trung tâm sẽ đào tạo các khóa tân binh theo chương trình thống nhất cả ba miền, và là nơi đào tạo nâng cao cho các nhân viên FPT Software Đà Nẵng.
Tại Tp HCM, dự án FTown giai đoạn 2 với tổng đầu tư gần 135 tỉ đồng, xây dựng gần 12800 m2 sàn, đáp ứng chỗ làm việc cho gần 2000 lập trình viên đã được phê duyệt. Dự kiến đầu quý 2/2013 bắt đầu khởi công và đi vào sử dụng từ đầu quý 3/2014. Tại Hà Nội, dự án Làng phần mềm tại Hòa Lạc với 16,000 m2 sàn vẫn đang tiếp tục xây dựng, dự kiến tháng 6/2013 đi vào sử dụng, cung cấp chỗ làm việc cho 1500 lập trình viên.
Kết thúc 2012, FPT Software đã cán đích đạt doanh số hơn 1700 tỷ Đồng và gần 4.800 nhân viên (trong đó có 4.000 nhân viên chính thức và 800 nhân viên thời vụ).
Năm 2012 được coi là bước đệm quan trọng để FPT Software hướng tới mục tiêu là công ty phần mềm Việt Nam đầu tiên đạt doanh số trên 100 triệu USD với 5.000 lập trình viên vào 2013. Với thị trường Nhật Bản, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh đà tăng trưởng, tích cực các hoạt động phát triển thị trường trong bối cảnh Nhật Bản chuyển hướng sang Đông Nam Á.
Ở thị trường Mỹ, sẽ tập trung vào phát triển những khách hàng "đại gia" có mặt trong Top 50 và 150 công ty hàng đầu thế giới do tạp chí Fortune. Tại thị trường Việt Nam và khu vực, FPT Software sẽ hoàn thiện giải pháp trong lĩnh vực phân phối, tạo lợi thế cạnh tranh lâu dài.
Đặc biệt, ở mảng Mobility, FPT Software sẽ xây dựng năng lực phát triến ứng dụng mobile trên các nền tảng chính iOS/Android/Windows phone cho các công ty công nghệ đẳng cấp thế giới như Microsoft, SAP.
Trong năm 2013, đơn vị sẽ mở trung tâm R&D ở Mỹ, hướng tới xây dựng cơ sở sở hữu trí tuệ công nghệ/giải pháp riêng của FPT Software.
Nam Anh
(theo chungta.vn)
Tin liên quan:
|