(Post 05/12/2013) Gây lo sợ, không chắc chắn và nghi ngờ là một chiến thuật trong marketing được áp dụng rất rộng rãi trong một môi trường kinh doanh đầy cạnh tranh như thế giới công nghệ. Đối với Android, hệ điều hành này cũng đã phải hứng chịu một số quan niệm hoang đường mà cho đến tận ngày nay vẫn còn tồn tại trong tâm trí nhiều người.
Các công ty công nghệ được hậu thuẫn bởi một lượng lớn người hâm mộ đã đầu tư không ít thì nhiều tiền của vào sản phẩm của các công ty đó. Tất cả đều chia sẻ suy nghĩ của mình thông qua kênh phát tán thông tin lớn nhất từ trước đến nay – Internet. Không gì tuyệt bằng Internet để bất cứ ai có thể tung ra tin đồn hoặc những lời dối trá, dù là cái chết của một người nổi tiếng hay game PC đã đến hồi kết. Một khi thông tin của bạn được đưa lên mạng, nó nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn.
Dưới đây là 5 thông tin sai trái phổ biến và "sống dai" nhất về hệ điều hành Android, theo tổng hợp của trang công nghệ Android Authority.
Android phức tạp
Theo báo cáo mới nhất của IDC, Android chiếm tới 80% thị phần di động thế giới vào quý IV vừa qua. Chỉ riêng điều này đã đủ để gửi quan niệm rằng Android phức tạp, khó dùng vào nhà xác. Chỉ một vài năm trước, cựu CEO Microsoft, Steve Ballmer đã phát biểu rằng: "Bạn không phải là một nhà khoa học về máy tính để dùng điện thoại Windows Phone, như bạn cần như vậy để dùng Android".
Ngay từ ngày đầu Android ra mắt, ý kiến rằng Android không trực quan hoặc khó làm quen đã rất vô lý. Hầu hết những người đến với Android từ những chiếc điện thoại phổ thông. Nền tảng cũ chứa đầy những biểu tượng rắc rối và hàng lớp menu chồng chất lên nhau. Nếu đem ra so sánh, Android lại cực kì trực quan và trải nghiệm người dùng rất quen thuộc, đặc biệt là với các phiên bản về sau.
Nếu cho rằng nền tảng Android rất khó dùng, đây có thể coi là một sự xem thường đối với bất kì người dùng trung bình nào. Gần như không sự khác biệt rõ rệt nào về tính dễ sử dụng giữa các hệ điều hành di động ngày nay.
Android cần trình hủy tác vụ
Số lượng các topic tranh luận về việc Android có cần trình hủy tác vụ (task killer) hay không trên các diễn đàn mạng quả thực đã lên tới mức không thể đếm nổi. Vào những ngày đầu khi có nhiều người tin vào sự cần thiết của nó, ứng dụng hủy tác vụ hàng đầu có hơn nửa triệu lượt tải. Trên gian hàng Android Market (nay là Google Play Store) khi đó có rất nhiều ứng dụng khác tương tự. Một thời gian sau, một số người bắt đầu tỏ ra nghi ngờ liệu những ứng dụng đó có giúp cải thiện thời gian pin và tăng hiệu năng smartphone như được quảng cáo? Liệu điều ngược lại có đúng?
Nhiều cuộc tranh luận nảy lửa đã diễn ra nhưng kết quả có lẽ vẫn chưa thực sự rõ ràng. Chỉ biết rằng, có không ít người sau khi xóa các ứng dụng hủy tác vụ đã thấy sự cải thiện rõ rệt về tính ổn định và thời lượng pin. Có thể bạn muốn nâng cao trải nghiệm cho chiếc smartphone của mình, nhưng trừ khi bạn làm đúng cách, sự khác biệt có thể sẽ không như bạn mong đợi.
Đôi khi, thứ mà bạn nghĩ là hiệu quả do trình hủy tác vụ mang lại thực chất chỉ là một dạng tác dụng phụ nào đó. Hãy thử xóa nó đi và xem bạn có cảm nhận được điều gì khác biệt hay không.
Phần mềm Android độc hại sẽ lây vào smartphone của bạn
Không thể chối cãi được sự thật rằng phần mềm độc hại có tồn tại trên Android và có nhiều người đang cố lây nhiễm chúng vào điện thoại của bạn. Tuy nhiên, đối với một người dùng trung bình, Android vẫn đủ an toàn. Hoàn toàn không khó hay phức tạp để bạn tự bảo vệ mình khỏi các nguồn gây hại. Mọi ứng dụng Android nếu muốn được cài đặt đều phải xin quyền (permission) và bạn là người có thể xem xét các quyền này trước khi cài đặt.
Nếu bạn cảm thấy thế vẫn là quá phức tạp, hãy cài một ứng dụng bảo mật. Hầu hết các ứng dụng bảo mật của các hãng nổi tiếng như Kaspersky, BitDefender, McAfee và Bkav Mobile Security đối với người dùng Việt Nam đều miễn phí trên Play Store. Bạn không nên cài ứng dụng từ các nguồn không phải là Play Store bởi chúng chính là nơi ứng dụng độc hại được phát tán. Hơn nữa, bạn cũng chỉ nên cài các ứng dụng được tải nhiều và đánh giá cao. Hãy duyệt web trên điện thoại giống như bạn làm trên máy tính – đừng click vào các đường dẫn hoặc tải về file đính kèm khả nghi. An toàn nhất, đừng root điện thoại Android.
Chủ tịch Eric Schmidt của Google bị chê cười khi cho rằng Android an toàn hơn iPhone, nhưng điểm yếu lớn nhất thực sự lại là người dùng. Nếu bạn cố tình qua mặt các lớp bảo mật của Android, bạn phải chấp nhận rằng mình đang mạo hiểm.
Android trên máy nào cũng giống nhau
Chúng ta đều đã thấy một ai đó đi từ diễn đàn này tới các diễn đàn khác than phiền dùng Android khó chịu như thế nào trên HTC Wildfire, Samsung Galaxy Y hay LG Optimus L3. Google đang nỗ lực cải thiện trải nghiệm Android và tối ưu các thiết bị để bất cứ máy nào cũng hoạt động tốt nhất. Tuy nhiên, khả năng của Android cũng chỉ có giới hạn. Nếu một nhà sản xuất nào đó làm ra một chiếc điện thoại chất lượng tầm thường và cài lên đó phiên bản Android tùy biến của riêng họ, đó không phải là hình ảnh đại diện tốt cho Android.
Bạn không thể mua một chiếc iPhone 3GS rồi hy vọng nó tuyệt vời như iPhone 5s. Là một hệ điều hành mã nguồn mở nên Android có thể đến tay nhiều khách hàng bằng nhiều thiết bị ở nhiều tầm giá khác nhau. Tuy nhiên, điểm yếu không thể tránh được là sẽ có những thiết bị không đảm bảo được chất lượng. Chỉ cần nghiên cứu một chút, bạn sẽ tìm được một chiếc Android tốt mà không phải tốn nhiều tiền.
Android giật (lag) và hay hỏng hơn đối thủ
Từ những ngày đầu, Android đã mang tiếng là giật và quan điểm này chưa bao giờ mất đi. Ngoài ra, ứng dụng Android cũng được cho là hay ngừng hoạt động hơn các nèn tảng khác. Hệ điều hành di động nào cũng giật và hay hỏng, không lúc này thì lúc khác. Vấn đề thường trở nên nghiêm trọng hơn sau khi hệ điều hành đón nhận một bản cập nhật lớn vì các nhà phát triển phải mất thời gian để nâng cấp ứng dụng của mình theo.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng ứng dụng iOS ngừng hoạt động đột ngột nhiều hơn Android. Một năm sau, lại có báo cáo rằng iOS 6 ổn định hơn Jelly Bean. Rất khó để thu thập được thông tin chính xác và rất khó khi so sánh giữa các hệ điều hành xét về khía cạnh này.
Việc Android chịu nhiều tai tiếng hơn có thể liên quan tới chất lượng thiết bị như đã đề cập ở trên. Cấu hình yếu rồi giao diện do nhà sản xuất tự phát triển sẽ gây ảnh hưởng, nhưng chúng đều không phải nguyên nhân có thể gây ra vấn đề cố hữu cho Android. Smartphone và máy tính bảng Android tốt không bị giật hay thiếu ổn định hơn thiết bị sử dụng các nền tảng khác. Ở đây, "tốt" không nhất thiết phải là cấu hình khủng.
Còn nhiều điều thất thiệt nữa
Còn nhiều thông tin hoang đường nữa về Android nói riêng và thiết bị di động nói chung. Chúng ta có thể nói đến việc cân chỉnh thông số pin, hay ý kiến rằng chỉ Android mới bị phân mảnh bộ nhớ. Theo bạn, những thông tin thất thiệt nào gây khó chịu nhất?
(theo VnReview)
Tin liên quan:
|