Năm Ngựa, công nghệ thông tin Việt nước đại đuổi theo... chim  
 

(Post 18/03/2014) Như một thói quen đã từ 20 năm của một nhà báo, người chuyên theo dõi ICT (Công nghệ Thông tin và Viễn thông, sau này thêm truyền thông) - đúng hơn là chỉ theo đuổi mỗi lĩnh vực này có thêm trong suốt thời gian từ khi bắt đầu vào nghề, hàng năm tôi vẫn viết một bài, như tổng kết, mà lại cũng như ước vọng cho ICT Việt Nam.

FPT-APTECH-nam-ngua-cong-nghe-thong-tin-viet-nuoc-dai-duoi-theo-chim

Hoang dài giấc mơ hơn hai thập kỷ

Hai thập kỷ là một chặng đường không hề ngắn, cho những ước vọng đã dần nguội, không chỉ với những nhà báo theo dõi ngành, mà cho chính những người đã theo đuổi ngành này. Câu lạc bộ các Nhà báo CNTT (ICT Press Club) do chính tôi khởi xướng, kêu gọi anh chị em cùng ngành, lên Hội Nhà báo Việt Nam xin được thành lập đến nay cũng đã hơn 10 năm, và sau năm thứ 10 thì tôi xin rút nhường lại cho lứa trẻ vẫn đang "đeo ngành". Tuy vậy, cái nỗi niềm đau đáu khi mà 10 sự kiện ICT nổi bật được bình chọn hàng năm, mảng CNTT cứ mai một dần, thưa vắng dần... vẫn không thôi nhạt đi sự day dứt.

Một ước mơ về cường quốc CNTT hàng đầu, có tên trên bản đồ thế giới không chỉ là dang dở, mà còn xa vời như những ngày đầu tiên. Cái ngày mà chúng tôi đùa: Phần cứng chưa cứng, phần mềm vẫn mềm... Một thời của các đại gia CNTT hàng đầu chen chân vào thị trường Việt mới nổi - cũng là thời đánh nhau sứt đầu mẻ trán của các doanh nghiệp CNTT Việt để giành quyền đại lý các sản phẩm đem lại lợi nhuận béo bở đã qua. Giờ các hãng công nghệ ở Việt Nam hoạt động cầm chừng, kiểu đủ sống. Những IBM, Cisco, HP, Microsoft, Intel... dường như chỉ còn thấp thoáng trong các dự án đầu tư CNTT đã định hình của nền kinh tế Việt Nam, và họ có vẻ bằng lòng vậy.

Các doanh nghiệp Việt sau thời nở rộ như nấm sau mưa, dần đi vào thực chất, và đứng lại ở thị trường là những doanh nghiệp có thế mạnh về nhân lực, vật lực và chủ yếu còn lại ở lĩnh vực phần mềm, nội dung số và sức mạnh đem lại từ việc lấn sang mảng viễn thông mà chủ yếu là đường truyền và dịch vụ Internet. Nhưng 10 năm trở lại đây, con số các doanh nghiệp lại tiếp tục mai một để rồi, nó lại đếm trên đầu ngón tay với các tên tuổi đã thuộc hạng "tượng đài" như FPT, CMC, HPT, Tinh Vân, BKAV... mà khoảng cách giữa các "tượng đài" này về doanh thu cũng như về nhân lực lại một trời một vực.

Nhìn về bề nổi thì CNTT cũng đem lại cho các doanh nghiệp một giá trị lợi nhuận và vị trí khá vững chắc trong nền kinh tế chung. Cùng đó, những gì họ đóng góp cho công cuộc xây dựng đất nước là không hề nhỏ. Những phần cứng, phần mềm, giải pháp mà họ mang lại, đã tạo nên một xương sống khá vững chắc về công nghệ cũng như làm nên mạng huyết mạch nuôi dưỡng cơ thể nền kinh tế. Nhưng, đó là chỉ là một phần của giấc mơ, mà ngay cả điều này cũng khá chật vật với các doanh nghiệp Việt khi chủ tịch hội đồng quản trị FPT-IS, đơn vị cung cấp giải pháp doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam vẫn than vãn đầy ngán ngẩm cho cảnh "vét nồi" ngồi chiếu dưới của CNTT so với các ngành kinh tế khác.

Hoặc như giấc mơ xuất khẩu phần mềm khởi xướng từ năm 1998 đến nay thấm thoắt hơn 15 năm, khi đó, con số 500 triệu USD doanh số xuất khẩu phần mềm được đưa ra hùng hồn đến độ, nó như đã nằm trong túi và chỉ việc thò tay vào lấy ra. Song vào kỷ niệm 15 năm của đơn vị hàng đầu trong xuất khẩu phần mềm FPT Software mới đây, doanh số được công bố là hơn 110 triệu USD - chỉ mới bằng 1/5 niềm mơ ước của 15 năm trước. Cho dù, với doanh số này, với 6.000 nhân lực, với số khách hàng có ở khắp các châu lục mà trong đó có những khách hàng vô cùng lớn đến độ không được phép công bố, những gì FPT Software có là niềm tự hào, cũng như mơ ước của nhiều doanh nghiệp Việt, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang ngoi ngóp trong cơn bĩ cực. Nhưng, như một bài viết mà ông Đỗ Cao Bảo, một trong những người đã đi cùng CNTT, gắn bó với FPT cả cuộc đời mình thì: "Khát vọng của người FPT đã từng nhiều lần hơn thế, và trong suốt 25 năm qua, giấc mơ xuất khẩu phần mềm chưa bao giờ cạn trong huyết quản người FPT, dù là thế hệ sáng lập hay thế hệ trẻ mới gia nhập FPT" - đó cũng chính là khát vọng của chúng tôi, những người đã theo đuổi CNTT không chỉ như là một ngành nghề để làm báo, mà như một niềm tin vào sức mạnh của nó đối với nền kinh tế đất nước, đối với sự phát triển của đất nước trong xu hướng toàn cầu hóa.

FPT-APTECH-nam-ngua-cong-nghe-thong-tin-viet-nuoc-dai-duoi-theo-chim

Ăn xổi thị trường và sự trả giá

Thời kỳ đỉnh điểm của ngành CNTT cũng là thời điểm đỉnh của nền kinh tế khi vừa bước vào giai đoạn tư nhân hóa với sự ra đời của sàn chứng khoán vào cuối năm 2006. Đây là mấu chốt để FPT vượt lên bứt xa đối thủ luôn thứ hai là CMC. Nhưng, lên cao quá hóa ra ngộ nhận, và các đường hướng kinh doanh của FPT bỗng trở nên rối rắm khi họ mở ra hàng loạt các ngạch kinh doanh mới chẳng dính dáng gì đến CNTT, để rồi "lĩnh sẹo". Hàm lượng công nghệ trở nên quá ít trong tổ chức được coi là hãng công nghệ hàng đầu của Việt Nam này. Nhiều năm trời, FPT không có một sản phẩm mang tính công nghệ cao, có tính chất phổ biến và đóng góp cho nền công nghiệp CNTT. Những sản phẩm máy tính FPT Elead, hay những chiếc điện thoại được sản xuất theo công nghệ tuốc nơ vít, thậm chí cả con robot mà ông Trương Gia Bình "bộ não" của FPT mới đây hết lòng quảng bá không những chẳng giúp FPT có thêm lợi nhuận hay hàm lượng công nghệ mà thậm chí nó còn làm cho thương hiệu đã được đánh bóng hết sức bài bản của FPT một thời bị lu mờ và đi xuống như là sự tụt dốc của thị trường cổ phiếu.

Chẳng riêng gì FPT, các doanh nghiệp CNTT khác cũng trong cảnh chạy vòng quanh tương tự theo một xu hướng gần như bất di bất dịch: hướng "cái gì bở thì đào". Xu hướng này đã khiến thị trường CNTT không thoát khỏi tình trạng ăn xổi cố hữu: Chạy theo những món hàng tạo lợi nhuận cao, mua đi bán lại mà không tìm ra hướng đi cho những sản phẩm công nghệ đích thực làm một tên tuổi của nhà công nghệ. Thị trường Việt Nam trong bao nhiêu năm vẫn được đánh giá là tiềm năng nhưng hiểu đúng đây chỉ là tiềm năng tiêu thụ chứ không phải tiềm năng sản xuất.

Gần đây, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Sofrware - chiến tướng mới nổi của phần mềm FPT, người đã vực phần mềm đang ở mức tăng trưởng èo uột vượt lên một ngưỡng mới và hứa hẹn đem lại doanh số mơ ước 1 tỷ USD (gấp 10 hiện nay và gấp đôi con số đề ra năm 1998) cũng chua xót thừa nhận: FPT chưa có một sản phẩm "Made by FPT" và hiện đang tạm bằng lòng lựa chọn con đường "dịch vụ" bởi lợi nhuận hấp dẫn mà nó đưa lại, còn giấc mơ sản phẩm thì hãy để đó, để còn... ước mơ.

Tuy nhiên bài toán dịch vụ chưa hẳn là đã ngon ăn, bởi lẽ lời giải về nguồn nhân lực vẫn còn chưa có. Sự thiếu nguồn nhân lực khiến cho các doanh nghiệp phần mềm lại đi vào một "sai lầm" nữa khi "ăn xổi ở lĩnh vực đào tạo". Để đáp ứng nguồn lực, thì các doanh nghiệp đang thực hiện xu hướng tự đào tạo, đi đầu cũng lại là FPT và tiếp đó các đại học dân lập cũng đã có những môn học đào tạo chỉ cho xuất khẩu phần mềm. Tức là, họ tập trung đào tạo thợ theo hướng thạo việc, tốn ít thời gian. Xu hướng này cũng được các công dân tương lai hưởng ứng vì nó đem lại cho họ công việc làm nhanh chóng, thu nhập ổn định mà chẳng phải học nhiều.

Nhưng, nếu rời phần mềm, rời CNTT những công dân này sẽ làm gì? Sự hiểu biết của họ về các nền tảng cơ bản lịch sử, văn hóa, dân tộc... đến đâu? Và ngay cả làm phần mềm, nếu từ ong thợ lên ong chúa thì cần có một kiến thức xã hội, văn hóa, chính trị đủ để tổng hợp, để hiểu biết về thị trường, sản phẩm mình làm cho thị trường đó...

Đã ăn xổi thị trường, để rồi sau hơn hai thập kỷ, chúng ta chẳng có một sản phẩm CNTT nào ra hồn, là niềm tự hào của CNTT Việt. Dịch vụ, gia công ì ạch ở con số 1/5 mơ ước cách đây 20 năm. Giờ, nếu tiếp tục ăn xổi đào tạo, cái giá mà chúng ta sẽ phải trả còn đắt hơn rất nhiều - bởi sản phẩm đó, là con người.

FPT-APTECH-nam-ngua-cong-nghe-thong-tin-viet-nuoc-dai-duoi-theo-chim

Câu chuyện về "Chú chim sải cánh"

Những ngày đầu năm mới Giáp Ngọ, bỗng có một trò chơi trên điện thoại khiến cả thế giới phát sốt và người sáng tạo ra nó là một thanh niên Việt, tuổi chưa đến 30 và trước đó, chưa hề có tên tuổi ở bất cứ công ty CNTT nào, chẳng một chuyên gia CNTT nào biết đến anh ta.

Dong Nguyen với Flappy Bird - tạm dịch là "Chú chim sải cánh" liên tục xuất hiện trên các tờ báo danh tiếng thế giới từ Forbes, CNN, The Guardian cho đến CNet, Mashable... Flappy Bird - game vô cùng đơn giản cả về đồ họa lẫn nội dung đã làm đảo lộn các công thức về thành công trong phát triển nội dung số. Nó nhanh chóng leo lên đỉnh cao của hai kho ứng dụng lớn nhất thế giới là App Store và Google Play tại 187 nước. Chưa hết, ngoài Flappy Bird, hai game khác của Đông là Super Ball Juggling và Shuriken Block của cũng lọt vào top 10 ứng dụng phổ biến nhất của App Store với vị trí thứ hai và thứ sáu.

Lạ lùng là Flappy Bird được thiết kế dựa trên một nguyên mẫu gameplay cổ điển có thể nói là cũ rích nhưng nó đã được Đông làm theo một cách khá cực đoan mà lại đem lại hiệu quả cao đó là lượng nội dung rất ít, buộc phải tăng độ khó để kéo dài vòng đời của sản phẩm và nâng cao tính cạnh tranh của người chơi.

Hầu hết các trò chơi của Đông, được "sản xuất bởi .GEARS (studio do Đông lập năm 2012) đều đơn giản như vậy, chỉ có một mục tiêu, một cách chơi duy nhất, và anh đã viết ra hàng chục game như vậy, để rồi có thành công "sải cánh" hiện tại. Mới ra mắt chính thức vào tháng 11/2013, theo các con số (chưa được kiểm chứng bởi một cơ quan nghiên cứu độc lập) nhưng được công bố rộng rãi, thì số lượt tải của Flappy Bird là hơn 50 triệu trên iOS và Android, chủ yếu đến từ Mỹ. Trò chơi này vẫn đang dẫn đầu App Store Mỹ gần 1 tháng qua và là ứng dụng được download nhiều nhất trong tháng 1-2014. Nếu so sánh một mức tương đương với một game có lượt tải về như Flappy Bird có thể thu về tới nửa triệu đô la mỗi tháng nhờ quảng cáo. Còn có con số đưa ra là trò chơi miễn phí này hiện đã đem lại doanh thu 50.000 USD/ ngày dựa vào các banner quảng cáo ở đầu và dưới cùng của màn hình.

Thực ra, mảng hội tụ số: dịch vụ, game online, vẫn luôn là "con gà đẻ trứng vàng" và được FPT cũng như các doanh nghiệp CNTT đã hướng tới cả chục năm nay. Song dường như họ vẫn chưa tìm được hướng đi đúng. Như một chuyên gia nước ngoài phân tích, chính triết lý đơn giản kiểu một ngọn lửa mà người ta không thể dừng lại tiếp nhiên liệu khiến nó hấp dẫn. Và vì thế, sẽ còn nhiều người chọn lựa tải game của .GEARS.

Trong một lần trò chuyện gần đây, chủ tịch FPT Sofrware Hoàng Nam Tiến cũng nhận định rằng, nhất định sẽ có người Việt làm được ứng dụng cho cả thế giới sử dụng, và Đông cùng Flappy Bird đã xuất hiện. Điều đáng nói là cùng với sự xuất hiện đó, điểm sáng của ngành phát triển ứng dụng Việt Nam này sẽ là cú hích để các nhà phát triển ứng dụng Việt Nam tiếp tục đi vào phát triển các phần mềm của mình. Vấn đề là anh không được từ bỏ niềm đam mê, anh cần xác định đúng hướng đi của mình cũng như hiểu được nhu cầu của người sử dụng sản phẩm... Và quan trọng hơn nữa, đừng vội ngốt với cái doanh số nghìn, triệu đô la kia mà lại tiếp tục bài "ăn xổi." Hãy như chú chim sải cánh, bay miệt mài, không thay đổi đường đi, và sẽ đến đích.

Năm ngựa vừa đến, hãy phi nước đại lên các doanh nghiệp CNTT, lẽ nào, lại chịu thua một chú chim bé bỏng, đang sải cánh bay?

FPT APTECH mở ra cho các bạn đam mê học tin học, học công nghệ thông tin chuyên sâu về học lập trình cơ hội được đào tạo Công Nghệ Thông Tin trong môi trường tiêu chuẩn chất lượng quốc tế ISO 9001

Học CNTT - Học Aptech - Học tại FPT

Hàn Phi
(theo Báo Công An Nhân Dân, Chuyên đề ANTG)

Tin liên quan:


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


15 tuổi đã có công ty công nghệ triệu đôNhững tỷ phú đi lên từ tay trắng
Tỷ phú Whatsapp từng sống nhờ tem phiếuViệt Nam có trở thành Thung lũng Silicon mới?
Để không còn điều đáng tiếc như Flappy BirdHãy đi đến cùng điều mình muốn
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11