Theo đó trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu trên địa bàn thì điện tử - công nghệ thông tin khát nhân sự nhất, kế đến là cơ khí, chế biến lương thực thực phẩm, hóa chất - nhựa cao su.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM, Quý I năm 2014, TP HCM có 55.000 chỗ làm việc trống, khoảng 15% trong số này dành cho lao động thời vụ, 40% nhu cầu lao động phổ thông. Trong đó có 4 ngành công nghiệp trọng yếu trên địa bàn năm 2014 như điện tử - công nghệ thông tin khát nhân sự nhất, kế đến là cơ khí, chế biến lương thực thực phẩm, hóa chất - nhựa cao su.
Về lĩnh vực kinh tế dịch vụ, nhu cầu lao động ngành thương mại đứng đầu bảng (tới 35%), trong khi tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm đứng thứ 2 cũng chỉ đạt tỷ lệ gần 6%. Dịch vụ tư vấn - khoa học công nghệ, nghiên cứu và triển khai chỉ định tuyển gần 4%. Ông Trần Anh Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM cho biết: "Năm 2014 doanh nghiệp cần nhiều ứng viên thuộc ngành kỹ thuật và việc tái cấu trúc cũng diễn ra trong lĩnh vực kinh doanh - dịch vụ vào năm tới".
"Khát" nguồn nhân lực tay nghề cao
Hiện cả nước có trên 270 trường ĐH, CĐ đào tạo ngành CNTT. Trung bình mỗi năm, chỉ riêng các trường trên địa bàn TP.HCM đào tạo từ 18.000 đến 20.000 sinh viên ngành CNTT (trong đó ĐH chiếm 41%, CĐ: 43%, TC: 26%). Tuy nhiên, theo thống kê của Viện Chiến lược CNTT cho thấy, hiện nay 72% sinh viên ngành CNTT không có kinh nghiệm thực hành, 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm, 100% không biết lĩnh vực hành nghề. Đặc biệt là đối với các sinh viên mới tốt nghiệp, chỉ khoảng 15% sinh viên ra trường đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp. Hơn 80% lập trình viên phải đào tạo lại, cá biệt có những doanh nghiệp phải mất tới 2 năm để đào tạo lại. Đồng thời các doanh nghiệp, công ty phần mềm trong nước cũng đang chật vật tìm kiếm nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao. Có thể kể đến các vị trí hiện đang khát nguồn nhân lực trầm trọng như: Lập trình di động, quản trị mạng, chuyên gia bảo mật và an ninh mạng…
"Trong khi các doanh nghiệp đang khát nhân lực thì có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT thất nghiệp hoặc phải làm công việc trái ngành. Nguyên nhân lớn nhất là do trình độ của các em còn hạn chế, chưa phù hợp với công việc mà doanh nghiệp yêu cầu", ông Tuấn nhấn mạnh.
Gắn đào tạo với sử dụng
"Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, để có được đầu ra đáp ứng nhu cầu là doanh nghiệp phải tham gia hỗ trợ huấn luyện chuyên môn và kỹ năng nghề. Theo tôi được biết đã có một số doanh nghiệp và các trường ĐH-CĐ đào tạo ngành CNTT gắn kết trực tiếp đào tạo. Tuy có thể là số lượng nhân sự được đào tạo theo dạng này chưa nhiều nhưng đó cũng là khởi đầu của một mô hình mới. Có thể nói, đã đến lúc các doanh nghiệp cần làm tốt việc thông tin với cơ quan quản lý Nhà nước và phối hợp với đơn vị dự báo nhu cầu nhân lực thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động theo cơ cấu ngành nghề, số lượng lao động ngắn hạn và trung hạn. Để từ đó phối hợp với các trường cùng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, ra trường là làm được việc ngay, không cần phải đào tạo lại...", ông Tuấn chia sẻ.
Có thể nhận thấy rõ nét, thị trường nhân lực và đầu ra của ngành CNTT có chiều hướng phát triển mạnh về số lượng, chất lượng và yêu cầu chuyên nghiệp hơn trong nhiều năm tới. Vấn đề cần quan tâm là có những giải pháp thu hút người học, nâng cao chất lượng đào tạo ngành CNTT giỏi kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề, ngoại ngữ để sinh viên Việt Nam sau khi ra trường có thể đáp ứng được thị trường lao động trong nước và quốc tế... Đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động hiện nay, trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin TP.HCM đã và đang triển khai đào tạo, giảng dạy sinh viên theo xu hướng thực nghiệp để những "sản phẩm" Nhà trường đào tạo sẽ là nguồn nhân lực chất lượng cao cho nhà tuyển dụng trong nước.
Anh Thư
(theo báo Hà Nội Mới)
Tin liên quan:
|