(Post 15/05/2014) Bản thân là người từng "nhảy việc" khá nhiều, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam Vũ Minh Trí khuyên các bạn trẻ chỉ nên "nhảy việc" khi có định hướng nghề nghiệp rõ ràng.
Ông Vũ Minh Trí, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam. Ảnh: Internet. |
|
Ông Vũ Minh Trí là một trong những khách mời bị các bạn trẻ đặt câu hỏi nhiều nhất tại Tọa đàm "CNTT nền tảng cho sáng tạo và thành công" do Bộ TT&TT phối hợp Sở TT&TT Thái Nguyên và Hội Tin học Việt Nam tổ chức vừa qua ở Thái Nguyên.
Bạn Hà Đình Hoàng, sinh viên Đại học Nông lâm Thái Nguyên đặt câu hỏi khá hóc búa rằng ông Vũ Minh Trí là người Việt nhưng hay làm cho công ty nước ngoài, và có vẻ rất thích nhảy việc, liệu làm cho công ty nước ngoài có cảm thấy bị áp lực hay không.
Ông Vũ Minh Trí khẳng định làm việc cho công ty nào cũng có áp lực vì đều phải hoàn tất công việc của mình. Riêng về vấn đề "nhảy việc", Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam chia sẻ: "Có nhiều người "nhảy việc" vì thấy chỗ khác trả lương cao hơn. Tuy nhiên, lời khuyên của tôi là phải có định hướng rõ ràng cho sự nghiệp của mình, trả lời câu hỏi sau 5 - 10 năm nữa mình muốn đóng góp cái gì, học cái gì".
Theo ông Trí, một công ty thường không mang lại đủ cơ hội để xây dựng sự nghiệp. Nếu lựa chọn bước đi để có sự nghiệp rõ ràng thì khi đó "nhảy việc" là đúng đắn. Còn nếu không có định hướng rõ ràng, tại sao phải chuyển đổi công việc thì sẽ làm chậm sự phát triển sự nghiệp. Ở góc độ những người tuyển dụng, họ cũng luôn muốn biết công ty có tạo được môi trường làm việc cho nhân viên hay không.
Trong khi đó, một bạn trẻ khác băn khoăn về hiện trạng phần lớn sinh viên luôn phải loay hoay tìm việc, học xong không làm đúng ngành học, nếu ở thành thị thì có thể kiếm sống bằng nghề khác, còn ở nông thôn thì rất khó khăn. Về vấn đề này, ông Vũ Minh Trí đã phân tích một cách rất khách quan: "Nhà tuyển dụng vẫn đang thiếu trầm trọng lực lượng lao động có kiến thức về CNTT. Trong khi đó, nhiều bạn học CNTT ra trường vẫn thiếu việc làm. Như vậy, có thể thấy cung và cầu chưa gặp nhau".
Ông Trí cho rằng cái hay của CNTT là liên tục thay đổi, song đó cũng là thử thách. Nếu các bạn trẻ cứ chờ ngày ra trường mới xem những gì mình học có hợp thức tế hay không thì quá chậm. Chẳng hạn nếu học máy tính cách đây 10 năm sẽ không còn phù hợp xu thế điện toán đám mây, thiết bị di động, hạ tầng CNTT hỗ trợ điện toán đám mây… Chính vì thế, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam khuyên "các bạn trẻ cần phải biết việc học không gói gọn trong giáo trình ở trường mà phải liên tục cập nhật kiến thức, công nghệ mới đang diễn ra bên ngoài. Microsoft luôn sẵn sàng cung cấp phần mềm, công nghệ mới nhất miễn phí từ Microsoft cho các bạn sinh viên CNTT cập nhật kiến thức".
Một câu hỏi khác đang được rất nhiều bạn trẻ quan tâm sau hiện tượng Flappy Bird là "làm thế nào để trở thành lập trình viên giỏi và giàu vì CNTT" cũng đã được chuyển tới Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam. Tuy nhiên, câu trả lời chưa thỏa mãn được nhiều người khi ông Vũ Minh Trí nhận định: "Microsoft nhìn nhận lập trình viên giỏi hay không dựa trên ý tưởng đưa ra, ứng dụng có đáp ứng nhu cầu thiết thực trên thị trường hay không chứ không phụ thuộc vào khả năng coding giỏi. Các gương thành công trên thế giới đều bắt đầu từ ý tưởng chứ không phải ngồi lập trình, coding,… Ai cũng nói về Facebook, công cụ search, nhưng người làm ra chúng không phải lập trình viên giỏi mà là người có ý tưởng kết nối các công cụ, ý tưởng với nhau".
Nhiều ý kiến cho rằng nếu không có những người giỏi coding, lập trình thì sẽ lấy đâu ra nền tảng tốt cho những ý tưởng kết nối các nền tảng này lại để kinh doanh. Tuy nhiên, mọi người đều đồng tình quan điểm trong thời đại ngày nay, nếu là lập trình viên giỏi, có công việc tốt thì có thể giàu lên nhờ CNTT.
Xuân Bách
(theo ICTnews)
Tin liên quan:
|