Nghịch lý "nhiều người thất nghiệp trong khi nhà tuyển dụng "bói" không ra người lao động làm được việc" - là điểm chung tại một hội thảo khoa học "Biến động việc làm ở TP.HCM - thực trạng và những vấn đề đặt ra" diễn ra tại Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM vừa qua...
Cần hướng nghiệp cho các em chuẩn bị rời ghế nhà trường PTTH tránh tình trạng thừa thầy thiếu thợ. - Ảnh: Dân Trí |
|
Qua khảo sát tại một số trung tâm giới thiệu việc làm ở TP.HCM, ông Phan Đình Phước (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) nhận thấy nhu cầu tìm việc của người lao động luôn cao hơn so với nhu cầu nhà tuyển dụng, thế nhưng doanh nghiệp vẫn than khát lao động!
Ông Phước dẫn ra số liệu và nhận định: "TP.HCM hiện có khoảng 8 triệu người. Trong đó, số người trong độ tuổi lao động vào khoảng 5,9 triệu người. Mặc dù TP có lượng lao động rất đông đảo, nhưng tỉ lệ lao động chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật chiếm tỉ lệ trên 85%. Số lao động đã qua đào tạo có khoảng 830.000 người, chiếm chưa tới 15% và có cơ cấu không đều. Vì vậy đã dẫn đến tình trạng nguồn lao động tại TP.HCM luôn tuy thừa mà thiếu".
Tại sao cử nhân, thợ tay nghề cao ra trường vẫn thất nghiệp và phải chọn những công việc tay ngang, trái nghề?
Ông Trần Anh Tuấn, giám đốc Trung tâm dự báo nguồn nhân lực TP.HCM, cho rằng tại TP.HCM nói riêng và VN nói chung, có quá nhiều "cử nhân giấy", học những ngành nghề theo mốt, nhiều khi chỉ vì nghĩ sau khi ra trường sẽ làm giám đốc, ông chủ. Trong khi thực tế doanh nghiệp tuyển dụng yêu cầu người lao động trước hết phải có kỹ năng, kinh nghiệm để thấu hiểu công việc cần làm thay vì tuyển những người có bằng cấp mà không làm được việc.
Dẫn dắt từ một bài báo nói về một "thần đồng" có chỉ số IQ cao nhất nước Mỹ cuối cùng vẫn thất nghiệp, tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên chia sẻ: "Cái mà nhà tuyển dụng cần là một nhân viên đa năng, thích nghi với mọi công việc họ yêu cầu chứ không phải là một người giỏi về kỹ năng chuyên môn mà lúng túng trước yêu cầu thực tế".
Ông Nguyên cũng đề xuất thay vì loay hoay trước những nghiên cứu về thị trường lao động luôn biến động, các nhà nghiên cứu nguồn nhân lực nên khai thác việc nghiên cứu về thị trường "lao động đang thất nghiệp" để tìm ra hướng đi cho người muốn tìm việc.
Tại hội thảo, mô hình hướng nghiệp dạy nghề cho thanh niên ngoại thành của huyện Nhà Bè gây ấn tượng với các chính sách nắm bắt tâm lý, nguyện vọng của người có nhu cầu học nghề và tìm việc.
Trung tâm dạy nghề Nhà Bè đã tổ chức những đợt hướng nghiệp, học nghề để phân luồng lao động ngay từ các trường học. Kết quả đã phân luồng được 15% thanh niên học nghề, 85% học phổ thông nhưng có cam kết nếu không vào ĐH, CĐ sẽ quay lại học nghề.
Nhờ đó, hiện nay trung tâm đã phân luồng được độ tuổi, trình độ lao động tại địa phương và gửi trực tiếp tới các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất đào tạo để sau khóa đào tạo hầu hết lao động đều tìm được việc làm phù hợp. Trong quá trình học nghề, nhiều doanh nghiệp vẫn trả lương cho học viên tùy theo sản phẩm học viên làm ra cho doanh nghiệp.
"Sẽ không còn quá khó khăn và biến động khi có sự liên kết giữa nơi đào tạo - nhu cầu của nơi cần lao động và chính sự hợp tác của người lao động để tạo ra một cái kết có hậu cho cả ba bên" - thạc sĩ Cao Ngọc Thanh, chuyên viên Viện Nghiên cứu phát triển, đúc kết từ hiệu quả mô hình đào tạo nghề huyện Nhà Bè.
Lê Vân
(theo báo Tuổi Trẻ)
Tin liên quan:
|