Một cậu bé người Mỹ gốc Ấn đã kết hợp bốn đam mê khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học trong sản phẩm máy in chữ nổi Braigo để khởi sự một doanh nghiệp từ tuổi 13...
Doanh nhân 13 tuổi Shubham Banerjee và chiếc máy in chữ nổi Braigo dành cho người mù - Ảnh: Neil Banerjee |
|
Trước năm 2013, Shubham Banerjee chưa từng biết tới chữ Braille. Thế rồi một ngày tháng 12-2013, khi bắt gặp tờ rơi kêu gọi quyên góp ủng hộ giúp đỡ người khiếm thị, em đã hỏi bố mẹ "Người mù đọc bằng cách nào?". Và đó là lần đầu tiên Shubham biết tới chữ nổi Braille.
Tuy nhiên khi em hỏi kỹ hơn về chữ Braille, vì đang bận rộn, cha mẹ Shubham chỉ đáp ngắn gọn: "Con lên Google tìm hiểu đi!".
Vì tò mò, cậu bé lên Google tìm kiếm thông tin về chữ Braille, hiểu rõ thêm về cách thức tiếp cận thông tin của người khiếm thị. Điều khiến Shubham quan tâm là giá máy in chữ Braille quá đắt, hơn 2.000 USD.
Và ý tưởng làm một chiếc máy in chữ Braille giá rẻ cho người mù bắt đầu nhen lên trong tâm trí cậu học sinh lớp 7 Trường Champion ở San Jose (Mỹ).
Với niềm say mê đặc biệt cùng đồ chơi Lego, sau nhiều buổi tối loay hoay với bộ đồ chơi Lego Mindstorm EV3 và một số thiết bị phụ trợ, Shubham đã chế tạo thành công mô hình chiếc máy in chữ nổi giá rẻ (500 USD) đầu tiên và đặt tên nó là Braigo - sự kết hợp của "Braille" và "Lego".
Nhiều người đã tò mò hỏi Shubham vì sao em lại chọn các khối hình đồ chơi Lego để chế tạo chiếc máy in chữ Braille giá rẻ đầu tiên.
Sau thành công này, các bạn ở trường đặt cho Shubham biệt danh "Braigo Boy" (anh chàng Braigo).
Chiếc máy in chữ nổi đầu tiên được chế tạo từ các khối lắp ghép Lego của Shubham đã được chính trung tâm người mù nơi em ở hào hứng đón nhận. Sau đó, Braigo theo chân em đi khắp nước Mỹ, tham dự hội chợ sáng chế do Nhà Trắng tổ chức hè năm 2014.
Tháng 9-2014, Shubham Banerjee trở thành doanh nhân công nghệ trẻ nhất được Intel Capital đầu tư vốn. Không chỉ tài trợ vốn, Intel còn đề nghị Shubham thử ứng dụng thêm bộ phận vi xử lý Edison của họ vào chiếc máy in Braigo để tăng hiệu suất hoạt động cho máy.
Trong kế hoạch của Shubham, em ấp ủ phát triển chiếc máy in Braigo trở nên hữu ích toàn diện với người mù khi định thiết kế khả năng chuyển lời nói thành văn bản cho máy.
Shubham giống như một thiên thần của người mù khi đột nhiên xuất hiện trước mặt họ với chiếc máy in chữ nổi giá rẻ. Khoảng 39 triệu người hiện sống chung với bóng tối đang hi vọng sớm tiếp cận được những chiếc máy chữ Braigo giá rẻ do Shubham sáng chế.
D.KIM THOA (theo America)
(nguồn báo Tuổi Trẻ)
Tin liên quan:
|