Trần Nguyễn Lê Văn và cộng sự đã xây dựng thành công vexere.com, trang web đặt vé xe khách lớn nhất hiện nay. Để có được kết quả này, Văn và nhiều nhân viên trong công ty anh đã phải "nằm gai nếm mật" trong thời gian dài...
Trần Nguyễn Lê Văn |
|
Kinh doanh phải có tâm
Trần Nguyễn Lê Văn khởi sự vexere.com mới được hai năm, nhưng vị CEO 30 tuổi này đã có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực vận tải hành khách. Anh và các cộng sự đã từng "ăn dầm nằm dề" tại nhiều nhà xe để giúp các họ thiết lập hệ thống quản lý doanh nghiệp và đặc biệt là phần mềm giám sát việc bán vé. Anh chia sẻ, nhờ làm việc có tâm mà vexere.com đã thuyết phục được nhiều hãng xe tham gia số hóa doanh nghiệp, doanh nghiệp này lại giới thiệu doanh nghiệp khác sử dụng hệ thống do vexere.com cung cấp.
Trần Nguyễn Lê Văn cho biết, hệ thống anh xây dựng ngốn vài tỷ đồng, nhưng anh sẵn sàng chia sẻ nó với các chủ hãng xe để giúp họ quản lý doanh nghiệp tốt hơn, đồng thời dễ dàng tham gia với vexere.com hơn.
Các chủ nhà xe đa số đi lên từ tài xế, lơ xe, vì thế anh và các cộng sự khi làm việc đòi hỏi nhiều kỹ năng khác bình thường, phải làm sao để cả những chủ hãng xe lớn tuổi đều dễ dàng ứng dụng công nghệ vào việc quản lý công ty và bán vé xe.
Anh Văn chia sẻ, kinh nghiệm từ thời anh quản lý câu lạc bộ Kỹ Năng Sống (câu lạc bộ chuyên đào tạo kỹ năng sống cho sinh viên) đã giúp rất nhiều trong việc thuyết phục khách hàng, là những đối tượng thuộc tầng lớp khá đặc biệt. Khi tuyển nhân viên cho vexere.com, Trần Nguyễn Lê Văn cũng chỉ tuyển những người anh biết rõ đã có tham gia các hoạt động tình nguyện cộng đồng.
"Tôi từng làm công việc cộng đồng suốt thứ bảy và chủ nhật, ngày thường khi đi làm cũng chỉ nhớ đến các hoạt động tình nguyện nên hiểu rằng, chỉ có những người sẵn sàng làm không công như vậy cho các hoạt động xã hội thì mới lăn xả được trong các dự án khởi nghiệp", anh Văn nói.
Những người tham gia các hoạt động cộng đồng đều có một tấm lòng mong muốn xã hội tốt đẹp hơn, đó cũng là giá trị mà vexere.com đang theo đuổi. Anh Văn mong muốn vexere.com sẽ làm cuộc cách mạng hóa ngành giao thông vận tải và ngành du lịch. Đó chính là mục đích cao đẹp mà anh muốn những người cùng làm với mình nhận thức rõ.
Anh Văn kể, đã có lúc anh và các cộng sự dành hai tháng trời ăn ngủ ở nhà xe S.V, nhà xe đã lâm vào cảnh khốn đốn khi để xảy ra tai nạn làm chết 14 người cuối năm 2014. Trong hai tháng, vexere.com đã tham gia xây dựng lại hệ thống quản lý doanh nghiệp cho nhà xe này ngay sau khi tai nạn thương tâm xảy ra. Giai đoạn đó, anh và các nhân viên vexere.com ngoài việc hỗ trợ xây dựng hệ thống số hóa, còn phải làm các nhân viên bán vé bất đắc dĩ khi nhà xe thiếu người.
"Để làm được những việc mất thời gian và công sức với mức thù lao ít ỏi như vậy, những người không có "tâm" khó làm được", anh Văn nói.
Một góc phòng làm việc của vexere.com |
|
Những lúc mất phương hướng
Trần Nguyễn Lê Văn cho biết, bốn năm rưỡi học đại học là giai đoạn cực hình của anh. Học chuyên toán trường Lê Hồng Phong (TP.HCM), Văn sau đó chọn học Đại học Bách Khoa ngành công nghệ thông tin chỉ vì độ "hot" của ngành này. Nhưng rồi anh phát hiện, việc ngồi hàng giờ trên máy tính để lập trình không phải là sở thích của mình, tuy vậy anh vẫn cố gắng hoàn thành chương trình học đại học.
Trong suốt những năm này, vì chán ngán ngành học, Trần Nguyễn Lê Văn gần như mất phương hướng vì không biết phải làm gì. Nhà Văn gặp khó khăn về kinh tế từ thời Văn học phổ thông nên suốt giai đoạn cấp ba đến đại học, anh sống bằng tiền của các mạnh thường quân. Đó chính là lý do vì sao Lê Văn khát khao khẳng định mình, khát khao làm giàu để đền đáp không chỉ công sức những người đã bỏ tiền tài trợ cho mình, mà cao hơn là đền đáp cuộc sống này, mong muốn đóng góp một phần cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Ít ai biết Trần Nguyễn Lê Văn đã trải qua khoảng... 10 nghề trước khi gắn bó với vexere.com. Anh từng làm giảng viên tin học, dạy kỹ năng sống, lập trình… Anh cũng từng làm môi giới bất động sản vì muốn... giàu nhanh. Có lần, anh mở thương hiệu Bánh đúc Đồng Nai vì... bắt chước chuỗi Phở 24.
Tất cả những nghề nghiệp anh làm đều có mẫu số chung ai cũng biết, thất bại hoặc là nghề anh không yêu thích. Anh Văn cho biết, có lẽ những nghề anh chọn chỉ vì ước mơ làm giàu mà thiếu đi một thứ gì đó khiến anh đam mê.
Sau đó, Lê Văn đi... bán thịt bò. Anh làm đầu mối bo thịt bò cho nhiều hệ thống lớn. Đang trong lúc công việc phát triển thì Lê Văn bỏ để đi du học.
Anh chia sẻ, là dân công nghệ nhưng nhận được học bổng MBA toàn phần là một cố gắng lớn của mình, nó chứng tỏ một người khi muốn làm gì thì họ sẽ có một sức mạnh lớn lao để hoàn thành ước mơ đó. Vì thế, anh bỏ dở công việc kinh doanh thịt bò đang tốt để đi học là vì anh muốn tích lũy thêm kinh nghiệm.
Theo Trần Nguyễn Lê Văn, đi Mỹ thì kiến thức anh đi lên, còn ở Việt Nam, kiến thức anh sẽ chỉ đi ngang. Bởi anh nhận ra rằng, lợi nhuận vài năm khi bán thịt bò không thể nào bằng với lượng kiến thức học 2 năm MBA ở Mỹ. Thế là... xách va li lên và đi.
Tuy vậy, ở Mỹ, Lê Văn vẫn có nhiều khi mất phương hướng. Anh luôn khát khao "làm một cái gì đó" nhưng "cái gì đó" vẫn chưa hiện hữu. Cho đến khi anh chứng kiến cảnh hàng ngàn người Việt Nam chen chân mua vé xe Tết thì Văn mới nhìn ra "trọng trách" phải giải quyết vấn nạn này, làm một cuộc cách mạng ngành giao thông. Cuộc "cách mạng" này như là sứ mệnh mà Văn luôn nhắc tới trong các câu chuyện của mình.
"Lúc đó tôi như cá gặp nước, dồn sức nghiên cứu ngày đêm, sau đó thuyết phục bạn bè để cuối cùng tìm được những người đồng hành với mình hôm nay ở vexere.com", Văn nói.
Góc làm việc và thư giãn màu sắc |
|
Làm sao để khởi nghiệp thành công?
"Muốn thành công phải đam mê", Văn nói. "Làm sao biết được đam mê của mình", tôi hỏi. "Phải đi tìm, tìm mãi rồi cũng ra. Lúc đó sẽ như cá gặp nước mà bùng nổ. Nếu không đi tìm, cơ hội có đến rồi cũng sẽ vuột mất thôi".
Văn chia sẻ, anh mất phương hướng một thời gian dài, ở từng giai đoạn khác nhau nhưng anh luôn biết rằng mình phải khởi nghiệp, phải làm một điều gì đó có ích. Cho đến khi gặp dự án vexere.com thì đó là lúc anh "bùng nổ", làm việc không biết mệt.
Theo Trần Nguyễn Lê Văn, cách để xác định đam mê mà anh áp dụng chính là đặt ra ba vấn đề. Một là, đâu là điểm mạnh của bản thân, khái niệm "điểm mạnh" rất rộng, gồm nghề nghiệp chuyên môn, tính cách, kỹ năng... Hai là, bản thân sẵn sàng làm việc gì mà dù không được trả tiền vẫn vui vẻ làm. Ba là, tìm điểm giao thoa giữa hai yếu tố trên để tìm ra đam mê của mình.
Anh chia sẻ, vì con đường khởi nghiệp rất gian nan và rất dài, người khởi nghiệp phải "lỳ" để dám đi con đường khác với mọi người mà không bị dao động.
Như nhiều người khởi nghiệp thành công khác mà tôi gặp, Trần Nguyễn Lê Văn cho rằng, tiền không phải là yếu tố quan trọng nhất khi khởi nghiệp. Khó khăn tiền bạc cũng như bao khó khăn khác rồi sẽ có cách giải quyết. Điều quan trọng là người khởi nghiệp phải có ý tưởng, phải hành động, phải làm ra sản phẩm, khi đó tiền sẽ đến sau.
Cuối cùng, Lê Văn khuyên, bạn trẻ cũng nên đọc sách làm giàu nhưng quan trọng nhất là hành động. Hãy biến những thứ đã đọc, đã học ra áp dụng ở thực tiễn, sau đó tiếp tục học từ thực tế. Chỉ có thực tế mới dạy ta những bài học đắt giá, và cũng chính thực tế sẽ mang lại vinh quang cho ta.
H.Đ
(theo ICTnews)
Tin liên quan:
|