Chương 4: Diệt phát
xít
Việt nam bao năm ròng rên xiết lầm than
Dưới ách quân tham tàn đế quốc sài lang
Bây giờ tôi nghĩ chúng ta vẫn chưa qua được cái hạn
"rên xiết lầm than" dưới sự bóc lột ngày càng tinh vi hơn
của các cường quốc ngoại bang. Bởi thế tôi muốn dành một ít tâm sự cho
chương "Diệt phát xít" nói về các hợp đồng mà chúng ta đã
làm với các khách hàng là đối tác nước ngoài. Trong chuyến đi gần đây
nhất sang Singapore, tôi được nói chuyện với Giám đốc của hãng ISIS,
một hãng phần mềm nhỏ nhưng rất chuyên về communication trên AS/400
của Singapore. Thật tình cờ nhưng con đường ông ta đã đi từ đầu năm
80 khá gần với cái chúng ta đang làm. Một trong những bài học của ông
là "lấy Tây đánh Ta". Ông ta nói, ban đầu không ngân hàng
Singapore nào chịu chấp nhận công nghệ của ông cả. Ông ta bèn quay sang
dùng mọi cách để cưa đổ Standard Chatered Bank tại Singapore, và dùng
họ như một điểm reference, sau đó là các Ngân hàng địa phương mới chịu
lần lượt quy phục.
Công lớn trong công cuộc diệt phát xít này là anh Lê
Tấn Lộc, lúc đang chức tại Ngân hàng Công thương. Năm 1990, nhờ có liên
doanh giữa Ngân hàng Công thương và Indonexia, anh đã học được đôi chút
kinh nghiệm đánh Tây. Giữa năm 1992, từ HCM anh gọi ra cho tôi, thông
báo với giọng cực kỳ sung sướng: "Nam ơi, thắng đậm rồi".
Đó là anh nói đến việc thuyết phục được chi nhánh Ngân hàng BNP (Banque
National de Paris) tại HCM sử dụng chương trình của Việt nam. Cái giá
16.000 USD lúc đó có một ý nghĩa khác xa bây giờ. Theo lời mời của anh
Lộc và anh Châu, chúng tôi gồm có Nam, Thành, Phương bay vào HCM để
trực tiếp tham gia vào đề án. Thành và Phương còn tiện thể tham gia
thực hiện hợp đồng cho EximBank và VietsoPetro.
Lại quay về đánh Tây. Đội bạn cử một đoàn từ Singapore
sang để thẩm định và đặt yêu cầu, có cả Tàu, Pháp. Phải nói rằng tiếng
Anh của tôi lúc đó phọt phẹt kinh khủng. Không ngờ gặp bác Lộc cũng
chẳng hơn gì. Thế nhưng có vẻ như anh hiểu hết bọn nó và luôn mồm "No
problem", bọn kia khoái lắm, chắc là lần đầu tiên gặp phải thằng
bán hàng mà cái gì cũng làm được. Chúng gọi luôn anh Lộc là Mr. No Problem.
Lần đó, nhân một lần đội bạn mời đi ăn, tôi còn phát hiện ra Mr. Lộc
có biệt tài nói tiếng Anh suốt buổi mà chỉ cần khoảng 20 từ. Phải nói
là lần nào cùng làm việc với anh tôi cũng học thêm được nhiều thứ.
Đội ta ngoài tôi làm thiết kế và tài liệu và Phương
làm về security, còn có anh Lộc, Bùi Văn Dũng, Tuấn, Lợi và Mrs Trâm.
Sau khi thực hiện HĐ xong, Mrs Trâm được tổ chức phân sang hẳn bên BNP
làm việc để bảo hành chương trình luôn. Bùi Dũng bây giờ ở IndoVina,
vẫn hợp tác với FSS thường xuyên, Tuấn là cán bộ lập trình chủ chốt
của Ngân hàng Công thương lúc đó, hiện là phụ trách máy tính của Ngân
hàng Công thương Khu vực II. Lợi con đang là giám đốc BitCo, một công
ty chuyên về mạng ở HCM. Tay này trước đi thi Lý quốc tế, rất thích
làm về các vấn đề mạng. Chính hắn đã dựng nên mạng diện rộng không dây
đầu tiên, nối tất cả 14 chi nhánh của Ngân hàng Công thương thành phố
Hồ Chí Minh. Mạng đã hoạt động được một thời gian, sau phải ngưng vì
bên cung cấp là một công ty củ chuối không có khả năng cung cấp các
thiết bị thay thế. Năm 1992, khi thiết kế chương trình liên hàng cho
Ngân hàng Công thương, sau khi khảo sát một số chi nhánh, tôi với Lợi
đã ấp ủ ý định làm lấy một chương trình truyền tin của mình. Thậm chí
đã viết một số thiết kế. Có thể nói đó là những ý đồ đầu tiên của TTVN
bây giờ. Lúc đó Đình Anh vẫn còn đang thực tập và vật lộn với những
số dư và tài khoản. Nếu quyết tâm biết đâu TTVN bây giờ đã trở thành
CompuVietnam rồi?
Sau gần 1 tháng cọ xát với đội bạn, chúng tôi đã thực
sự hấp thụ được một cách làm việc bài bản. Nhất là tài liệu. Niềm tự
hào nhất của anh Lộc lúc đó và FIBI sau này là 4 tập hồ sơ dày cộp về
chương trình SIBA cho BNP. Trong đó có tập Data Dictionary là tập đáng
quý nhất, mô tả toàn bộ các trường dữ liệu của chương trình.
Một bài học nữa là khả năng tìm lỗi. Đội bạn cử hẳn
một mẹ Tàu để test chương trình của ta. Lúc đó tôi và Dũng Bùi cũng
đã làm việc rất cẩn thận thế mà mẹ đó cứ ngồi vào là đỏ lòm màn hình.
Chúng tôi rất lấy làm khâm phục. Võ này sau tôi cũng dùng được nhân
một lần Tú Huyền thách tìm lỗi chương trình 5000 đồng/lỗi. Trong có
5 phút tôi đã tìm được 3, 4 lỗi. Tú Huyền phải tuyên bố sập tiệm. Test
chương trình cũng là một nghệ thuật đáng phải học không kém gì lập trình
nếu bạn làm chương trình thương mại chứ không phải đồ án tốt nghiệp.
Người test bắt buộc phải là người có cái nhìn xuyên suốt toàn chương
trình chứ không locate ở từng menu nhỏ.
Thời điểm này cũng có thể coi là thời điểm ra đời của
chương trình SIBA, có lẽ là một trong những chương trình phần mềm thành
công nhất về mặt thương mại ở Việt nam. Chính xác hơn là quãng tháng
4/1992. FIBI đang ở trong giai đoạn thành lập. Do có mật báo của Ngân
hàng, chúng tôi được biết Văn phòng cộng đồng châu Âu EC tại Việt nam
đang gọi thầu một chương trình quản lý tín dụng nhằm quản lý việc cho
vay từ quỹ EC cho các thuyền nhân Việt nam hồi hương. Tôi phải bay vào
HCM để bàn. Không biết anh Lộc moi từ đâu ra được bộ tài liệu chào thầu
của một Hãng phần mềm Thái lan. In ấn rất đẹp và chuyên nghiệp. Nhờ
nó mà chúng tôi biết được rằng muốn có một bộ hồ sơ chào thầu, chương
trình chúng tôi phải có một cái tên. Như trên đã nói, tôi mới tìm hiểu
về Ngân hàng từ năm 1991 nên có thể coi là còn non. Nhưng không hiểu
sao, anh Lộc tỏ ra rất tin cậy, có lẽ vì thấy tôi một mình xoay xở được
với Ngân hàng Hàng hải mà không phải gọi hắn. Hôm đó hai anh em quyết
định phải nghĩ cho bằng được một cái tên. Trên tầng 2, trụ sở Ngân hàng
Công thương HCM, Mr. Lộc đi đi lại lại mồm tuôn ra những chữ tiếng Anh
còn tôi thì ghi lại và ghép các chữ xem chữ nào hay nhất. Sau một lúc
chỉ còn vài chữ Banking, Integrated, Software, Solution, Application,
System. Các chữ cái lơ lửng. Bất giác tôi nhớ đến bộ phim mới xem trên
truyền hình "Nữ hoàng Siba" nói về thời văn minh Ai cập. Chữ
SIBA được anh Lộc nhất trí tức thời vì rất hợp với những chữ đã được
lựa chọn. Sau này tôi có kể lại cho anh Lộc chữ SIBA từ đâu ra, anh
có vẻ hơi bất mãn vì lại là tên đàn bà. Tuy nhiên cũng chẳng sao, vẫn
bán được.
Lại nói về chương trình của EC. Hẳn mọi người còn nhớ,
vấn đề thuyền nhân Hong Kong là vấn đề nóng bỏng của Việt nam trên trường
quốc tế trong những năm đầu 1990. Cộng đồng châu Âu quyết định viện
trợ cho Việt nam một số tiền lớn để hỗ trợ những người hồi hương và
những cơ sở tạo công ăn việc làm cho họ. Hình thức thực hiện là cho
vay lãi suất nhẹ thông qua các ngân hàng Công thương và Nông nghiệp
Việt nam. Tại thời điểm đó, các Ngân hàng Việt nam hầu như chưa triển
khai bất cứ một chương trình phần mềm quản lý tín dụng nào. Cách thức
theo dõi tín dụng của ta cũng chưa bài bản, chủ yếu dựa trên quan hệ,
do đó mấy ông Tây không thoả mãn. Dẫn đến việc đấu thầu như đã nói ở
trên. Chương trình dự kiến triển khai trong toàn quốc tại gần 200 chi
nhánh ngân hàng.
Sau khi bất ngờ nhận được hồ sơ đấu thầu của Trung
tâm Tính toán Ngân hàng Công thương HCM, văn phòng EC rất ngạc nhiên
và tìm cách tiếp xúc. Để tiện giao dịch, anh Lộc lập ra hồ sơ một nhóm
gọi là VinaSoft (một vài chi tiết về nhóm này các bạn có thể xem ở chương
sau) trong đó kể ra tất cả những người nào mà chúng tôi biết về phần
mềm ở Việt nam. EC rất khâm phục. Có thể đó cũng là một nguyên nhân
dẫn đến việc họ ký với ICB HCM một hợp đồng trị giá 23.000 USD (sau
đó được mở rộng thành 28.000 USD) để mua một chương trình mà chúng đặt
một cái tên rất hay là LAMIS. Sau này anh Lộc bắt chước cũng đặt tên
các module của SIBA là SAMIS, TAMIS,... Tuy nhiên chúng (những cái tên)
đều không sống được. Hợp đồng do anh Lộc ký, tôi đứng tên là Contact
Person. Tất nhiên là chẳng cần dấu má gì. Luật Tây cũng vui. Mỗi khi
đến hạn đòi tiền, tôi xông đến phòng tài vụ của chúng. Câu đầu tiên
chúng hỏi sau khi xem hợp đồng là:
- Anh có phải là anh Lộc không?
Tôi trả lời:
- Không, tôi là Nam.
Chúng xem lại hợp đồng và gật gù:
- Đúng là Nam rồi.
Thế là đếm tiền cho tôi, chẳng cần chứng minh thư,
phiếu thu,... lằng nhằng. Vậy mà vẫn suôn sẻ, chẳng ai lừa bịp ai cả.
Thực tế sau này cho thấy hợp đồng quản lý tín dụng
EC là hợp đồng được tiến hành có bài bản nhất và được triển khai rộng
rãi nhất ở Việt nam. Công lớn trong việc này là do nhóm triển khai hợp
đồng của Nguyễn Khắc Thành với sự hỗ trợ đắc lực của Lê Thái Thường
Quân (FiBI). Ngoài ra còn có Nguyễn Khắc Tâm (FPT), Mai Thanh Long (FiBI,
nay là acb.longmt@fpt) hiện đều đang làm tại ACB. Thực ra ban đầu còn
có nhóm Ngân hàng Nông nghiệp HCM gồm Thành và Thảo tham gia. Sau chừng
một tháng, thấy phong cách làm việc có vẻ không hợp, mới quyết định
Khắc Thành thay thế.
Bài học lớn nhất của anh em trong vụ này là tiếng Anh.
Cả tôi, Thành, Quân trước đó đều chưa dùng tiếng Anh trong công việc
hàng ngày bao giờ. Giai đoạn khảo sát và thiết kế chúng tôi phải làm
việc với 2 ông Tây người Anh và một tay chỉ huy người Xcotlen. Tiếng
Anh của lão Xcotlen có tên là Francis thật là khó mê. Của chúng tôi
cũng vậy. Làm việc cứ như một buổi cãi lộn. Phải thừa nhận là các ông
Tây đã thể hiện một tinh thần chịu đựng đáng nể. Trong quá trình làm
việc họ tỏ ra rất ủng hộ chúng tôi và mọi việc có vẻ đều thuận buồm
xuôi gió. Tôi còn nhớ ông già tên là Ross rất phúc hậu còn mời chúng
tôi có dịp sang nghỉ tại trang trại của ông tại Anh.
Sau chừng 3 tháng chúng tôi đã nghiệm thu chương trình
giai đoạn 1 và triển khai thí điểm tại 2 chi nhánh dưới Hải phòng. Sau
đó 2 ông Tây nghiệm thu và cắp đít về nước. Anh em yên trí rút về Hà
nội, bụng thầm nghĩ "Moi tiền Tây cũng dễ thật". Nào dè, bẵng
đi một thời gian, tôi được văn phòng EC thông báo là sẽ có chuyên viên
của hãng Earns & Young, một hãng kiểm toán hàng đầu thế giới đến
kiểm tra chương trình. Không hiểu gì, tôi dò hỏi mới biết việc của bọn
này là kiểm tra tính tương thích giữa quy trình và chương trình. Bọn
chúng nhận mỗi ngày ít nhất 1000 USD. Tên tôi gặp là một tay trẻ măng.
Bằng những võ in ấn học được trong vụ BNP, tôi in cho hắn mấy tập tài
liệu. Hắn cười nhạt rồi phi ô-tô xuống Hải phòng. Hai hôm sau, cả văn
phòng EC nhốn nháo vì tin tay Financial Controller, một tay cực kỳ quyền
thế, bị bọn Việt nam sỉ nhục. Mấy hôm sau Khắc Thành về mới rõ sự tình.
Số là, tay kiểm toán đại bợm nọ mò xuống, không chịu làm việc theo chỉ
đạo của ta mà xông thẳng đến hỏi mấy cô kế toán. Gặp mấy cô thật thà
khai hết, nào là cả tháng này chúng em bận quá chưa vào số liệu gì cả,
nào là máy tính để trong lồng kính nhiều khi không có khoá không mở
được, nào là các anh Thành, Quân gọi có lúc được lúc không,... Hắn cứ
thế ghi lại và báo cho tay controller kia. Tay kia xông xuống chi nhánh
gặp trần Thành, chửi bới lung tung. Không ngờ trần Thành quắc mắt mắng
lại "You, you ... " tên kia cụp đuôi bỏ về, quát tháo quân
sĩ loạn xạ, gây nên scandal như đã kể. Sau vụ đó, quân ta cũng khá vất
vả. Nhưng lợi bất cập hại. Văn phòng EC trước đây chỉ loăng quăng không
chú ý lắm, nay cũng phải dồn sức để cho việc triển khai chương trình
được hiệu quả. Do nắm được cái chính là tiền, nên những yêu cầu, quyết
định của EC cho các chi nhánh ngân hàng có khi còn được thực thi nhanh
chóng hơn bản thân những quyết định của ngân hàng. Việc đó đã giúp đội
triển khai khá nhiều.
Kết thúc giai đoạn 1, quân ta triển khai chương trình
xong tại gần 40 chi nhánh của 3 tỉnh Hải phòng, Quảng ninh và Hồ Chí
Minh. Thu được toàn bộ tiền, kết thúc một trong những hợp đồng hợp tác
thành công nhất giữa FPT và FiBI. Sau đó văn phòng EC vì tiếc 56000
USD mà chúng tôi đòi để triển khai trong toàn quốc, đã chuyển sang phương
án thuê người thực hiện, chúng tôi cũng không quan tâm nữa.
Đóng một vai trò đắc lực trong hợp đồng này là Lê Thái
Thường Quân. Tốt nghiệp Đại học kinh tế HCM, anh lại rất có duyên và
yêu Hà nội. Anh đại diện cho trường phái đào tạo của HCM làm việc rất
bài bản, một tay viết tài liệu kiểu như Phan Văn Hưng bây giờ. Với Quân
tôi có một số kỷ niệm vui vui. Khi đó trụ sở của đội lập trình ngân
hàng nằm ở 25 Phan Đình Phùng. Một hôm cả bọn kéo nhau lên Phủ Tây Hồ
ăn bún ốc. Lúc về tôi mới rủ Quân và Vũ (hiện là giám đốc kinh doanh
của FiBI-HCM) đi bộ về. Bọn chúng nhất trí ngay. Chúng tôi đi vòng ra
bờ đê, men theo các lò gạch của bãi sông. Nhìn dòng sông Hồng đỏ quạch
phù sa, tôi thốt lên: "Giá mà được bơi qua sông nhỉ". Không
ngờ hai tay nọ tụt quần áo lội ra bơi thật. Lúc đó là quãng đầu tháng
4, trời còn khá lạnh. Bơi một lúc, quay lại thấy tôi vẫn đứng trên bờ,
bọn chúng mới quay lại.
Quân và Vũ cũng đã tham gia tích cực vào việc đặt nền
móng cho phiên bản SIBA hiện nay ở FSS cùng với Thành, Huyền, Hồng Sơn,
Đình Anh, Phương. Hồi đó, quãng tháng 8/1993, chẳng hiểu vì sao chúng
tôi quyết định là phải thiết kế lại chương trình. Thế là cả bọn kéo
nhau lên Tam đảo. Gồm có tôi, Khắc Thành, Lâm Phương, Quân, Vũ. Gần
cuối tuần có Hồng Sơn phi xe máy lên tham gia. Chúng tôi phân nhau thiết
kế và trình bày, có ghi âm lại hẳn hoi. Ăn uống có một chị rất xinh
giúp, gọi là chị nhà. Suốt ngày, chúng tôi loay hoay trong sương mù
Tam đảo và cãi nhau về các thuật toán cập nhật dữ liệu và xử lý giao
diện. Ý tưởng ngông cuồng nhất là thiết kế một kiểu Client/Server trong
một môi trường hoàn toàn monotask là DOS/Foxpro. Do toàn bộ hệ thống
được thiết kế thành nhiều module độc lập, chúng tôi quy định việc cập
nhật vào file dữ liệu thuộc module khác được thực hiện thông qua các
hàm do module đó export ra. Phải nói đó là bước tiến bộ đáng kể trong
việc abstraction data ra khỏi chương trình, nhất là trong môi trường
một chương trình do nhiều người thực hiện. Tuy nhiên điều đó cũng gây
giảm tốc độ đáng kể và tạo thêm một số khó khăn trong việc lưu giữ và
phục hồi môi trường trước và sau khi gọi hàm. Lần đầu tiên Lâm Phương
cũng đưa ra một thiết kế chi tiết cho module quản trị các tài nguyên
của chương trình: các file dữ liệu và index, các chương trình ứng dụng,
các báo cáo và màn hình, hệ thống menu và người sử dụng, data dictionary.
Module này còn có khả năng kiểm tra tính toàn vẹn của dữ liệu, đặc biệt
là các lỗi "Not a database file".
Ngoài giờ làm việc, mỗi đứa một ý thích. Riêng Vũ thì
tha thẩn ngoài rừng để kiếm quà tặng chị Tú Huyền. Cuối cùng hắn cũng
bắt được 1 con chuồn chuồn rất đẹp ướp trong chiếc hộp đĩa mềm bằng
nhựa trong. Rất thẩm mỹ. Phải nói là Tú Huyền lúc đó là thần tượng của
Hồng Sơn và Vũ. Có lẽ cũng hợp lý, mới chân ướt chân ráo vào FPT, chị
đã bị giao cho toàn bộ đề án bảo hiểm Hà nội và đã thành công. Theo
chỗ tôi được biết đến bây giờ chương trình vẫn đang hoạt động.
Làm việc căng thẳng, hôm nào chúng tôi cũng được chị
nhà chiêu đãi thịt lợn, nai rừng với rau bí xào. Tuy tiêu chuẩn có 10.000đ/người,
nhưng thức ăn khá tươm tất. Chúng tôi cứ cho rằng vì thịt rừng rẻ hơn
thịt nhà. Mãi đến hôm chia tay, anh nhà mới gọi vào nói nhỏ: "Thịt
lợn nhà đấy, móc đâu ra cho các chú thịt rừng với giá đấy" cả bọn
mới ngã ngửa. Dù sao cũng rất ngon miệng.
Việc thiết kế bài bản đã mang lại những hiệu quả thiết
thực. Ngày 12/9/1993, FPT ký một trong những hợp đồng phần mềm lớn nhất
của mình với Ngân hàng Cathay Trust của Đài loan, thực chất là bán bản
thiết kế Tam đảo của chúng tôi. Hôm đó đối với tôi là ngày thật hạnh
phúc, lần đầu tiên trong một đề án, tỷ lệ phần mềm chiếm hơn 50%: 63000
USD cho phần mềm và hơn 50000 USD cho thiết bị. Đây cũng là lần đầu
tiên FPT quyết định triển khai cáp UTP và mạng cấu trúc cho khách hàng.
Trước đó chỉ dùng độc cáp đồng trục theo hình bus. Còn nhớ khi bảo vệ
đề án mạng cho Bộ Thủy lợi, khi anh Khắc Sơn ở Trung tâm Thông tin,
phản biện rằng ở các nước trong khu vực chẳng thấy ai dùng cable đồng
trục cả, cả hội đã ồ lên phản đối. Bây giờ nghĩ lại thật xấu hổ, mong
anh Sơn cũng bỏ quá cho.
Lại quay về với hợp đồng với Cathay Trust. Tôi và anh
Ngọc trực tiếp đàm phán hợp đồng này. Việc đàm phán chia làm nhiều giai
đoạn. Sau khi không thỏa thuận được với phái đoàn của Đài loan sang
trong vòng 1, chúng tôi đã tưởng thất bại rồi. Tuy nhiên bọn Ngân hàng
tại VN thì lại rất ủng hộ chúng tôi. Mr. Michael Hsieh, phụ trách đàm
phán của chi nhánh Hà nội còn thì thầm: "Bọn nó (tức là bọn head
quater) mà bê chương trình ở nước mẹ sang thì chúng tao chết".
Chắc bên đó bọn máy tính vênh váo lắm nên không được cảm tình của dân
nghiệp vụ. Khi được yêu cầu dẫn đi xem một địa điểm cài đặt, chúng tôi
lại thấy hy vọng sống lại. Sau khi đã dặn dò chân gỗ MooSun ở ngân hàng
VID-Public, tôi tống 4 tay Đài loan béo ú lên ghế sau của chiếc xe Service,
niềm tự hào của ISC thửơ đó. Đến nơi, cả bọn mừng rú vì thoát được cảnh
chen chúc vô cùng nóng nực trên xe nên chẳng đứa nào quan tâm đến việc
hỏi cặn kẽ nữa ngoài việc chứng kiến có máy tính đang hoạt động. Lúc
về, bọn chúng hội ý rồi xin phép được đi bộ. Chúng tôi đã ghi được 1
điểm quý giá. Đến bây giờ tôi vẫn ân hận một điều là đã không giảm giá
một xu nào từ giá đầu tiên đưa ra. Michael có vẻ không hài lòng. Sau
khi ký hợp đồng hắn nói với tôi: "Như thế là không lịch sự, đã
có đàm phán thì phải có thỏa hiệp chứ". Bù lại, chúng tôi nhận
tổ chức cho chúng một lễ khai trương thật công nghệ. Còn nhớ ngày khai
trương là ngày 25/10/1993. Sẵn bộ Multimedia ở Lễ hội, chúng tôi mông
má lại rồi bê ra. Cả bọn gồm có Hùng Xoăn, Cù Tuấn, Khắc Thành,... làm
đến tận tối muộn đêm hôm trước. Hôm sau, băng khánh thành vừa cắt, cửa
mở, tay giám đốc khoát tay một cái, tất cả các màn hình bật sáng, mặt
trời đỏ nhô lên với dòng chữ Cathay Trust và nhạc hùng tráng. Cực kỳ
ấn tượng. Michael chắc cũng thỏa mãn lòng tự ái của mình. Hơn nữa, sau
này tôi còn phát hiện ra mình bị hớ trong hợp đồng khi đồng ý cho bọn
chúng có toàn quyền cài đặt chương trình cho các chi nhánh trong Việt
nam. Điều khoản này cũng đã gây ra một mối bất đồng nhất định trong
quan hệ giữa hai bên khi chúng mở chi nhánh tại thành phố HCM.
Việc triển khai thành công hợp đồng này cũng nhờ công
lớn của Khắc Thành và Hùng xoăn về mặt thiết bị. Vì thời gian rất gấp,
từ ngày ký HĐ đến ngày cài đặt chương trình chỉ có 1 tháng. Chương trình
lại chỉ mới tồn tại trên giấy, nên thời gian đầu tất cả đều bị phân
vào việc. Ngay cả em Thủy (cùng năm với Hương còm), mới xin vào đang
lớ ngớ, cũng bị bắt đi dạy. Đúng ngày khai trương, các module Demand
Deposit, GL và System Management đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên "đầu
voi, đuôi chuột", sau đó việc phát triển tiếp chương trình bị phó
mặc cho Khắc Thành. Bây giờ hắn vẫn tiếc là nếu hồi đó tập trung cả
bọn làm tiếp với tinh thần Tam Đảo thì chắc đã bớt được bao nhiêu nỗi
vất vả sau này. Nhắc đến em Thủy, lại nhớ đến một chuyện vui vui. Em
Thủy trông cũng dễ thương, thực tập ở Viện Tin, bị chúng bạn lôi kéo
sang FPT. Anh em toàn gán ghép cho Khắc Thành. Tuy nhiên em hơi bị quá
rụt rè. Trong kỳ thi tuyển về chuyên môn (cùng một lần với Đình Anh
như đã nhắc đến ở trên), em run bần bật không trả lời được câu hỏi nào.
Anh Gia Bình lúc đó là thành viên của Hội đồng Giám khảo (nghiêm trọng
chưa!), lấy làm lạ lắm bèn kéo tôi ra chỗ vắng hỏi: "Em này là
thế nào, ở đâu ra?". Tôi trả lời: "Khắc Thành đang để ý đấy",
Anh Bình gật đầu cười ra dáng hiểu. Nên trong cột điểm của Thủy mới
có hiện tượng: 0,0,0,10,0. Về sau em đã thi lại đỗ, nhưng có lẽ do mặc
cảm em đã xin đi chỗ khác, để lại nhiều niềm tiếc nuối.
Làm hợp đồng với Chinfon (tên sau này của Cathay Trust),
cũng không thể không nhắc đến anh Hoàng Phương Đông, phụ trách máy tính
của Ngân hàng. Anh vốn là bạn cùng lớp với Trung Hà và Phan Ngô Tống
Hưng. Khi mới vào làm việc, được biết giá trị hợp đồng anh thì thào:
"Sao chúng mày bóp bọn nó ác thế". Sau này, khi đã làm với
nhau lâu, anh đúng là người "Tuy đi với địch nhưng làm cho ta".
Anh thường xuyên giúp chúng tôi lấp liếm các lỗi và tìm cách áp đặt
các điều kiện có lợi cho ta. Tháng 12 năm 1995, anh theo phu nhân sang
NewYork làm việc, chúng tôi tiếc mãi.
Tuy thành công có vẻ bất ngờ nhưng hợp đồng Chinfon
là kết quả tất yếu của việc đầu tư lâu dài của FPT trong lĩnh vực Ngân
hàng. Bằng cách vừa làm vừa mày mò học, chúng ta đã có thể đạt được
những hiểu biết khá sâu sắc trong lĩnh vực hệ thông tin ngân hàng trong
một thời gian khá ngắn. Kinh nghiệm sau này khi làm việc với VietComBank
đã minh chứng khá rõ ràng cho điều đó.
Về khía cạnh "bám thắt lưng Tây để học" mà
nói, tiêu biểu nhất có lẽ là toàn bộ quá trình hợp tác của FPT với Ngân
hàng VID-Public Bank.
VID-Public Bank (viết tắt là VPB) là ngân hàng liên
doanh giữa Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt nam với Public Bank,
Ngân hàng lớn thứ ba ở Malaysia. FPT đến với VPB khá bất ngờ. Tháng
8/1992, FPT đạt được những thành công vượt bậc trong việc tiêu thụ máy
Olivetti tại thị trường Việt nam. Tổng giám đốc khu vực của Olivetti
khi đó là Mr. Unduraga đã sang thăm và làm việc với FPT. Có lẽ đó là
đoàn đại biểu cấp cao đầu tiên của các hãng có tên tuổi đến thăm FPT.
Hồi đó Olivetti còn mang sang nhiều thiết bị và phần mềm về ngân hàng
để demo. Kinh nghiệm quý nhất mà chúng tôi học được của bạn là nếu chương
trình có lỗi thì cứ tắt béng máy đi rồi bật lại.
Trong các cuộc nói chuyện, tình cờ ông ta nhớ ra ông
bạn là Chan Kok Choy, Tổng Giám đốc của VPB. Ông ta bèn dẫn anh Bình
đến giới thiệu. VPB đồng ý mua luôn máy Olivetti, đồng thời cũng muốn
ta đưa ra giải pháp phần mềm toàn diện thay cho hệ thống nửa thủ công
lúc đó. Được trang bị bằng kiến thức của hai vụ MSB và BNP, tôi liền
bắt tay ngay vào đàm phán hợp đồng. Nhờ đó, tôi gặp MooSun (tức moo@vpb.han),
người đã góp phần không nhỏ vào thành công của nhóm Ngân hàng. Những
hôm đầu tiên là những hôm cực kỳ khó khăn. MooSun có vẻ hoàn toàn không
hiểu chương trình của chúng tôi làm được gì. Câu hỏi làm anh băn khoăn
nhất là mở tài khoản như thế nào. Hồi đó chúng tôi cũng thấy bất lực
lắm. Chương trình của ta cứ thấy tài khoản mới là mở cần gì phải module
riêng. Một việc nhỏ như thế mà thằng này cũng không nhận thức được.
Mãi sau này chúng tôi mới hiểu. MooSun vốn được đào tạo như một người
Operation, nhìn nhận chương trình như một công cụ cung cấp việc tự động
hóa các nghiệp vụ của Teller. Còn SIBA khi đó đơn giản chỉ là một chương
trình Accounting thuần túy, back-end (tất tần tật làm vào cuối ngày).
Tuy nhiên, chắc do tin lời giới thiệu của Olivetti, Mr. Chan cũng ký
với chúng tôi một hợp đồng phần mềm trị giá 16.000 USD (theo chuẩn của
BNP).
Đây là đề án có nhiều kỷ lục, kỷ lục thứ nhất là thời
hạn. Đây có lẽ là đề án kéo dài nhất. Cho đến bây giờ vẫn chưa có bản
nghiệm thu HĐ mặc dù tiền đã đòi hết từ lâu, thậm chí đã ký thêm và
đòi tiền mấy hợp đồng nữa rồi. Sở dĩ có chuyện đó là vì MooSun là người
không bao giờ thỏa mãn với cái hiện có mà luôn luôn tìm các ứng dụng
mới. Do đó anh chấp nhận ký thêm hợp đồng mới mà chẳng cần nghiệm thu
HĐ cũ. Chính anh đã mạnh dạn áp dụng Passbook Printer, một loại máy
in có khả năng in trên các form in sẵn với độ chính xác tới 1/240 inch.
Trong lời giới thiệu của TTVN cũng có lời cám ơn ông MooSun vì anh đã
chấp nhận đưa chương trình vào cho hệ thống thông tin nội bộ Ngân hàng.
Một trong những hệ quả hiển nhiên của kỷ lục thứ nhất
là biến đề án này thành đề án qua tay nhiều người nhất từ xa đến nay.
Sau khi ký hợp đồng, do toàn bộ đội phần mềm của cả FPT và FiBI đều
đang bận chinh chiến trong thị trường phía Nam là BNP và EximBank, tôi
phải mượn Tấn Vinh (lúc đó đang làm cho khách sạn Thắng lợi) để thiết
kế màn hình nhập giao dịch. Tuy trước đó anh chưa hề biết về ngân hàng,
nhưng kỳ lạ thay giao diện đó vẫn còn giữ được cho đến nay. Sau đó anh
Phạm Anh Tuấn bên Công thương tham gia viết các báo cáo kế toán, chị
Quyên bên Hàng hải viết phần tổng hợp, Tú Huyền sau khi chạy khỏi Bảo
Việt Hà nội viết phần tiền gửi và Tín dụng, Hồng Sơn và Vũ FiBI chịu
trách nhiệm phần Remittance. Phạm Anh Đức tham gia một phần viết các
chương trình in trên Passbook Printer. Module hệ thống do Đình Anh viết
có cả chức năng cấp phép tức thời cho các giao dịch vừa là niềm tự hào
vừa là nỗi lo âu khi tự nhiên các trạm làm việc không bắt được liên
lạc. Đinh Quang Thái (tức thai@fpt) cũng góp một phần khi triển khai
lại hệ thống Remittance. MooSun chịu trách nhiệm toàn bộ về phần tài
liệu. Số là sau khi đọc các tài liệu mà chúng tôi cấp cho (vì không
trốn tránh được), hắn chẳng hiểu gì cả nên đành phải bắt tay vào viết
lấy. Phải nói tài liệu của MooSun đã cho chúng tôi hiểu được thực sự
thế nào là User Manual. Trong đó miêu tả chi tiết cách một nhân viên
phải làm thế nào để thực hiện được một giao dịch, kể cả việc bố trí
máy, cắm điện, bật máy,... Tuy nhiên hiểu là một chuyện, còn làm được
lại là chuyện hoàn toàn khác. Cho đến bây giờ các tài liệu sử dụng của
FPT vẫn nổi tiếng là không giống với chương trình thật. Làm với MooSun
còn có một thuận lợi lớn nữa, đó là anh luôn luôn viết rất chi tiết
và có hệ thống những yêu cầu của mình. Những bản yêu cầu đó, thực chất
đã góp phần đào tạo nghiệp vụ cho cả một lớp nhân viên FPT. MooSun gần
như mê tín Tú Huyền, Hồng Sơn, Đình Anh và Xuân Chung (Bảo hành - chungnx@fpt).
Đám cưới gây đầy thất vọng cho Khánh hói là của Tú Huyền cũng có vợ
chồng anh tham dự. Có một chuyện nhỏ, như khi Ngân hàng mở chi nhánh
ở Đà nẵng, anh cứ kỳ kèo anh Chung đi lắp mạng bằng được mặc dù biết
rằng ở Đà nẵng có vô khối đội lắp được mạng. Vui nhất là khi anh Chung
kể lại chuyện Hồng Sơn chiều chiều rủ anh ra bãi biển ngắm hoàng hôn,
bỏ mặc các cô giao dịch viên ngân hàng xinh như mộng. Phải công nhận
Sơn là người lãng mạn mà lại chung thủy - thế mới hay chứ. Là thần tượng
của các em ngân hàng xinh đẹp, anh vẫn giữ được sự trong trắng. Nghe
đồn là anh sắp lấy vợ.
Tháng 6/96, MooSun hết hạn về nước, FSS họp chia tay
với anh tại quán ăn Huế Lý Thường Kiệt. Chúng tôi cùng hát với nhau.
Anh cảm động nói: "Bây giờ tôi mới thấy thực sự buồn khi quyết
định trở về". Hy vọng anh đang làm ăn thành đạt ở đâu đó trên đất
nước Malaysia xa xôi và có nhiều duyên nợ với FPT. Những kỷ niệm về
mối quan hệ với MooSun đã minh chứng rằng kiến thức và tình người không
biết đến ranh giới địa lý và dân tộc cũng như ngôn ngữ.
Sở dĩ tôi nói là FPT có duyên nợ với Malaysia vì chính
đề án VID-Public đã đưa SIBA ra ngoài biên giới Việt nam. Sau khi triển
khai xong giai đoạn đầu, chúng tôi hân hạnh được đón ông Joseph Heathcote
sang kiểm tra. Ông này là một chuyên gia hàng đầu về các hệ thống tin
học ở Australia. Nghe đâu cả nước chỉ có dăm ba người. Ngân hàng mẹ
của VID-Public là Public Bank thuê ông này trong 5 năm để chủ trì việc
thay đổi toàn bộ hệ thống thông tin của mình. Public Bank là ngân hàng
lớn thứ Ba tại Malaysia, và dự định sẽ down size và chuyển toàn bộ các
chi nhánh của mình sang PC. Tổng dự án lên đến hàng trăm triệu đô la
Mỹ. Nghe đâu đã ngã ngũ và người thắng cuộc hình như là HP Malaysia.
Không hiểu sao ông Heathcote tình cờ lại quan tâm đến một hợp đồng bé
tí có 16.000 USD ở Việt nam. Có lẽ vì liên quan đến giải pháp PC, nhưng
nhiều phần chắc hơn là ông ta muốn thăm Việt nam. MooSun và Tổng Giám
đốc Chan sợ lắm. Sau khi đã làm việc tại Ngân hàng, chúng mới dẫn ông
ta đến trụ sở ISC tại Giảng Võ. Có lẽ đấy là bất ngờ lớn đối với ông
ta vì thay vào những cơ sở lập trình sang trọng thì ông ta lại bắt gặp
một sân trường đúng giờ ra chơi, ồn ào và hỗn loạn. Tôi có ngồi nói
chuyện với ông ta chừng 1 tiếng đồng hồ về đủ thứ trên đời trong máy
tính. Cũng tương đối thôi vì tiếng Anh giọng Úc của lão, tôi chỉ hiểu
được chừng 30%. Không ngờ hôm sau lão mang đến một hợp đồng dày cộp
đề nghị ký với FPT để mở rộng chương trình. Ngoài những điểm tôi và
MooSun đã thỏa thuận trước, hợp đồng có chứa một điều khoản quan trọng
cho phép Public Bank sử dụng SIBA trong các chi nhánh của mình tại nước
ngoài. Quá bất ngờ và sung sướng vì chương trình của mình được tôn trọng
thế, tôi đã đồng ý ngay với khoản phí bản quyền là 5000 USD/chi nhánh,
bụng cũng không tin rằng có lúc nào đó điều này lại trở thành hiện thực.
Sau này khi triển khai tại Lào và Campuchia, cố gắng bịa ra mọi thứ
chúng tôi cũng chỉ nâng hợp đồng lên được tới 20000 USD (kể cả ăn ở).
Thiệt hại sơ sơ cũng tới 50000 USD và còn có thể bị thiệt nữa. Tuy nhiên
đổi lại ông Heathcote đã cho chúng tôi một cơ hội để khẳng định mình.
Đối với cá nhân tôi điều đó là vô giá. Ông còn sang thăm Việt nam nhiều
lần nữa. Lần nào tôi cũng dẫn ông và Chan đến ăn ở quán Huế, vừa rẻ
và ngon. MooSun thì thầm với tôi: "Mr. Heathcote rất nể chúng mày,
thỉnh thoảng ông lại bảo sang chơi để nói chuyện với Mr. Nam".
Vì thế nên Tổng Giám đốc Chan luôn luôn coi chúng tôi là thần tượng.
Hôm cuối năm vừa rồi, tôi nói Hồng Sơn muốn gặp Chan tại Emotion, cũng
chỉ để gặp nhau cho vui, tôi quên mất rằng hôm đó là ngày bận rộn nhất
của Ngân hàng. Thấy 2 cậu hớt hải phóng xe Mercedes đến tôi mới thấy
hơi xấu hổ vì đã quá lạm dụng lòng tốt của bạn. Chính Chan đã mời tôi
sang Malaysia chơi mấy ngày tháng 8/1994. Nhân dịp đó, Heathcote đã
dẫn tôi đến thăm một chi nhánh được coi là tiên tiến nhất của Public
Bank. Chương trình ở đó chạy trên Windows, tuy nhiên so về tính tích
hợp giữa các modules thì coi bộ có vẻ kém của ta. Phần nào đó chuyến
thăm này cũng liên quan đến TTVN sau này. Chẳng là hồi đó, ở VN đang
rộ lên làm Internet. Cuộc đấu ác liệt giữa Viện Tin học, anh Trần Xuân
Thuận, Trung tâm Thông tin Thương mại, Bưu điện. Ai cũng đưa ra dự án,
nghe nói đến 500.000 USD. Anh Bình có nói tôi nên tham gia. Tuy nhiên
lúc đó hoàn toàn mù tịt chẳng biết gì nên tôi làm ngơ. Nhân chuyến thăm
Malaysia, được Peter Bate, một tay gián điệp của FPT nằm trong nội bộ
Olivetti giúp đỡ, tôi gặp được 1 tay tự xưng là chuyên tư vấn về các
giải pháp mạng. Sau này khi tôi mời chú tư vấn cho đề án Internet VN
(vẫn võ cũ để khai thác thông tin), chú than rằng chẳng có tiền tôi
mới ngã ngửa ra là các phần mềm và công cụ cho Internet lúc đó hầu hết
là cho không. Cuộc cạnh tranh chủ yếu là tổ chức khai thác và nội dung,
các vấn đề mà các nhà khoa học ở ta hoàn toàn không đề cập đến. Khi
làm TTVN chúng tôi vẫn luôn luôn tuân theo các nguyên tắc đấy. Xin nói
1 chút đến Peter Bate. Anh làm ở Olivetti Malaysia và là người đấu tranh
để Olivetti đầu tư chiều sâu vào Việt nam thông qua FPT. Những năm 91-92,
Olivetti đang có khoảng 60% thị trường Ngân hàng ở Việt nam. Ru ngủ
bởi những thắng lợi đó, những lời khuyên của Peter bị lãnh đạo hãng
bỏ qua. Khi Olivetti bắt đầu nhận thức được điều đó, cam kết vào Việt
nam thì có thể nói cơ hội tốt nhất đã bị qua. Từ vị trí dẫn đầu, Hãng
lại phải bắt tay vào cuộc chiến mới để dành lại các thị trường đã mất.
Một phần đó cũng là thất bại của FPT. Thiết nghĩ tất cả nhân viên FPT
có thể rút ra những kinh nghiệm sâu sắc cho riêng mình. Peter sau đó
chán lại bỏ về Australia. Xin mở ngoặc thêm là chính Peter đã giới thiệu
SilverLake đến FPT từ đầu năm 1993.
Một đề án lý thú về mặt marketing mà tôi muốn nêu ra
đây hợp đồng với chương trình cấp nước Phần lan gọi tắt là YME. Chính
phủ Phần lan tài trợ cho Hà nội để cải tạo hệ thống cấp nứơc sạch của
thành phố. Trong đó có việc xây dựng lại chương trình Quản lý thu tiền
(gọi là Billing). Đột nhiên một ngày đẹp trời cuối năm 1992 chúng tôi
nhận được đơn mời tham gia đấu thầu chương trình Quản lý Thu tiền. Đây
là lần đầu tiên FPT tham gia vào một cuộc đấu thầu phần mềm. Chúng tôi
rất lúng túng không biết xoay xở thế nào. Cùng tham gia có các công
ty Gen Pacific và Viện Tin học. Trong đó đáng ngại nhất là Viện Tin
học vì có các chuyên gia kinh nghiệm trong việc viết dự án. Tôi và anh
Bảo được phân công chuẩn bị hồ sơ. Chúng tôi quyết định sẽ gồm 2 phần:
Giải pháp kỹ thuật và Giới thiệu Công ty. Trong giải pháp kỹ thuật,
phần phức tạp nhất là giải trình việc tại sao dùng Fox. Còn nội dung
công việc, rất may là đội bạn đã chuẩn bị khá chi tiết. Lý thú nhất
là phần giới thiệu Công ty. Anh Bảo nghĩ ra kế kể thật nhiều những người
sẽ tham gia đề án. Và thế là danh sách những chuyên gia của FPT sẽ tham
gia thực hiện đề án bao gồm cả các Tiến sĩ Thủy lực (chúng tôi cho rằng
cũng gần với nước) như Trương Gia Bình, Lê Thế Hùng, Trần Văn Trản,...
tổng cộng mấy trang. Quả nhiên hồ sơ chúng tôi gây ấn tượng. Sau mấy
lần thất bại trong việc thuyết phục tôi giảm giá, anh chàng Seppo to
béo và vui tính người Phần lan đồng ý ký với FPT hợp đồng trị giá 13000USD,
cao hơn gấp rưỡi so với giá của Viện Tin là 7000 USD. Tôi còn nhớ ngày
ký hợp đồng là ngày 2/1/1993. Tôi và anh Ngọc đèo nhau lên tận chỗ rẽ
cầu Thăng long. Anh Ngọc thú nhận đây là hợp đồng dày nhất mà anh ký.
Sau đó chúng tôi có ăn cắp lại mẫu này và áp dụng cho hầu hết các hợp
đồng phần mềm khác. Về anh chàng Seppo này tôi nhớ nhất là chuyện khi
tôi hỏi: "Are you married?", anh ta trả lời "Many times".
Đề án này cũng góp phần làm cho anh ta thấy rõ tính mềm dẻo của người
Việt nam. Do đã liệt kê danh sách những người tham gia quá nhiều, tôi
với anh Bảo bàn nhau lúc đầu cũng phải đi họp cho đông thật. Thế là
Nam, Bảo, Khánh, Phương, Thành, Huyền,.... được huy động hết. Đến lúc
triển khai hợp đồng còn mỗi Phạm Anh Đức. Thế mà vẫn xong, Seppo lại
còn rất kính trọng Đức và ký thêm mấy hợp đồng nữa.
Hợp đồng này tuy không lớn lắm về giá trị nhưng có
ý nghĩa lớn vì lần đầu tiên chúng tôi chủ động tham gia đấu thầu với
Tây và đã thắng. Tôi chắc rằng trong thành công ngày nay của anh Bảo
cũng có ít nhiều kinh nghiệm từ vụ này.
Nhắc đến Marketing không thể không nhắc đến lần xuất
ngoại đấu thầu đầu tiên của tôi và Khắc Thành. Đó là vụ MayBank. MayBank
là Ngân hàng lớn nhất Malayxia, quyết định mở chi nhánh tại Việt nam
vào giữa năm 1995. Nhờ môi giới, họ biết được FPT đã cung cấp giải pháp
cho VID-Public và Chinfon Bank. Sau mấy lần gặp gỡ, Mr. Wan Kup, giám
đốc chi nhánh Việt nam bảo tôi: chúng mày phải sang bên Trụ sở chính
của Ngân hàng bọn tao để giới thiệu cho bọn máy tính ở đó. Thế là tôi
và Thành khăn gói quả mướp sang đó. Đối thủ của chúng tôi là một công
ty Malayxia tên là InfoPro. Bọn này tôi đã từng gặp khi sang Phnompenh.
Chương trình của chúng cũng chạy trên Fox, tuy nhiên do có sự đầu tư
và tham gia bài bản của Unisys, nên chương trình khá chuyên nghiệp.
Mặc kệ chúng, bọn tôi miệt mài chuẩn bị slides và chương trình mẫu.
Không ngờ, tay chịu trách nhiệm chính, Mr. Azip người Ấn độ lại ủng
hộ chúng tôi nhiệt liệt. Sau khi liếc qua chút ít, anh trực tiếp đứng
ra giới thiệu và bảo vệ SIBA trước đại diện của các phòng ban nghiệp
vụ khác. Buồn cười nhất là trong khi Azip đang ca ngợi SIBA thì chúng
tôi tìm cách ăn trộm bản InfoPro để về nghiên cứu. Một hôm tôi mượn
cớ kéo mấy tay quân địch ra một góc để nói chuyện cho Khắc Thành "backup"
dữ liệu. Tất nhiên là thay vì backup, anh đã nhanh tay copy tất cả những
file đã được chúng tôi bí mật nén trước vào đĩa mềm (Có một điểm chúng
tôi quên mất là không nhìn trộm mã khóa người dùng supervisor, may mắn
làm sao khi về Triều cái lại mò ra được). Khó nhất là ăn cắp tài liệu.
Quyển user manual to tướng là nỗi thèm muốn của chúng tôi. Cuối cùng
tôi quyết định ngỏ lời với Azip hy vọng cậu ta giúp đỡ. Không ngờ hắn
ta cười lên hô hố: "Chương trình này thối lắm, của chúng mày hay
hơn nhiều lấy làm gì" thế là chúng tôi ngọng. Tuy nhiên sau này
khi thực hiện hợp đồng, cuối cùng Tú Huyền cũng trộm được.
Chúng tôi để chương trình lại và ra về trong bụng cũng
không hy vọng lắm. Không ngờ ít lâu sau tự nhiên thấy gọi đến để ký
hợp đồng khẩn cấp cả phần cứng lẫn phần mềm. Để lấy tiền nhanh, Khánh
hói đã ký đại mà chẳng cần đóng dấu gì. Có lẽ sự tự tin của chúng tôi
đã thuyết phục được Azip và đến lượt mình sự tự tin của anh đã thuyết
phục được các vị kiểm tra khó tính của một trong những ngân hàng lớn
nhất khu vực này.
Biết chuyện chúng tôi sang tận nước bạn để bán hàng,
bè bạn ở chỗ khác cũng có vẻ nể lắm.
Có lẽ điều đáng kể nhất mà tôi học được trong các cuộc
hợp đồng với nước ngoài đó là sự tự tin. Nhờ may mắn tôi được gặp gỡ
và làm việc với khá nhiều chuyên gia của các nước bạn. Từ Âu, Á, Mỹ,
Úc đều có. Chân thật và thẳng thắn, chưa bao giờ chúng tôi làm cho bạn
phải thất vọng. Cả chúng tôi và đối tác đều thừa biết là còn rất nhiều
điều chúng tôi chưa làm được, thậm chí còn chưa biết tới. Nhưng khả
năng học hỏi và áp dụng nhanh chóng của những lập trình viên Việt nam
đã làm cho đội bạn phải tôn trọng. Tôi thật sự tin rằng nếu tất cả mọi
người đều nhận thức được điều đó chúng ta sẽ có một cơ hội tốt để thực
hiện bước nhảy vọt trong công nghệ thông tin. Tin học là một ngành đặc
biệt, đến một ngày nếu chúng ta cho rằng mình đã quá giỏi và không cần
lắng tai nghe, thì sản phẩm dù có tốt đến đâu cũng sẽ nổ tung không
còn dấu vết như bong bóng xà phòng.
(còn nữa)
|