Thị trường đang rộn ràng đua nhau khuyến mãi các thể loại quà tặng nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10. Tôi tự hỏi sao Việt Nam mình có nhiều ngày tôn vinh phụ nữ như thế (đầu năm thì 8.3, cuối năm là 20.10), mà phụ nữ vẫn khổ? Hay vì thấy phụ nữ khổ quá nên Nhà nước nhắc nhở mọi người phải nhớ đến phụ nữ?
Người phụ nữ này đang kiểm tra, chuẩn bị đóng gói hoa hồng, chuyển từ Sapa về Hà Nội, phục vụ cho ngày 20.10 - Ảnh: Phạm Ngọc Triển |
|
Từ nhỏ đến lớn, tôi luôn thấy phụ nữ Việt phải làm nhiều việc hơn đàn ông. Khi còn là con gái trong gia đình, con gái luôn phải giúp cha mẹ nhiều hơn con trai. Tôi biết rất nhiều gia đình dù chỉ có một cô con gái giữa một bầy con trai thì vẫn giao cho cô gái ấy nhiều việc như đi chợ, nấu ăn, đóng tiền điện nước, liên hệ giấy tờ với phường xã địa phương, phụ cha mẹ buôn bán hay làm ăn… mà chả bao giờ sai bảo tụi con trai làm gì. Khi lớn lên lấy chồng rồi, cô gái ấy vẫn phải một tay lo toan gia đình riêng của mình, một tay thu xếp việc làm cho các anh em trai bên gia đình lớn, kể cả một mình chăm sóc cha mẹ khi ông bà bệnh. Dường như các bậc cha mẹ Việt Nam đều "mặc định" tất tần tật việc nhà là của con gái; và các ông chồng Việt cũng "mặc định" như thế với vợ, cho dù vợ anh ta cũng phải đầu tắt mặt tối bươn chải để kiếm tiền chả thua kém gì anh ta.
Đây là mặt trái của việc hô hào bình đẳng giới chăng? Hay là nếp nghĩ "trọng nam khinh nữ" đã ăn sâu vào đời sống, khiến nhiều thế hệ gia đình Việt Nam thản nhiên với việc đàn ông có thể bù khú với bạn bè bên ngoài sau giờ làm việc, còn phụ nữ phải mau mau về nhà rước con và lo toan mọi việc trong nhà? Không ít người bạn nước ngoài, là đàn ông, hỏi tôi một câu giống nhau: "Sao tao thấy phụ nữ Việt Nam làm nhiều việc hơn đàn ông? Sau giờ làm việc, ra ngoài đường toàn thấy đàn ông ngồi với nhau ở các quán bia rượu, còn phụ nữ ở đâu vậy? Trong các đám giỗ ở các làng quê cũng thế, tao cũng thấy toàn thấy phụ nữ dưới bếp, còn đàn ông ngồi trên mâm đã dọn sẵn?".
Bây giờ tôi hiếm thấy phụ nữ nào lấy chồng xong mà được chồng nói một câu: "Anh đủ khả năng lo cho gia đình, em chỉ cần lo lắng việc trong nhà và sinh cho anh vài đứa con". Nếu có người phụ nữ trẻ nào lấy chồng xong may mắn được ở nhà nội trợ thì ít có ai hạnh phúc vui vẻ vì vẫn được ông chồng tôn trọng. Bên cạnh đó, xã hội dường như coi khinh những người phụ nữ nội trợ, cho rằng họ không được bình đẳng, họ đã "thụt lùi" so với chồng. Trong khi ở Nhật, phụ nữ ở nhà nội trợ cũng được coi như một nghề và họ được hưởng lương hưu đàng hoàng.
Không có thống kê, nhưng nhìn quanh, tôi thấy tỷ lệ phụ nữ Việt sau khi lập gia đình vẫn phải bươn chải kiếm tiền, thậm chí trở thành người kiếm tiền chính cho gia đình, có lẽ xấp xỉ mức hơn 90%. Điều vô lý nhất là dù kiếm tiền giỏi thế nào chăng nữa thì người phụ nữ đó vẫn phải lo toan trọn vẹn việc nhà cho chồng cho con. Nếu con hư, nếu chồng lăng nhăng... thì xã hội vẫn cho rằng đó là do người phụ nữ đã không trọn vẹn vai trò làm vợ làm mẹ!
Các lao động nữ tại một công ty ngành dệt may - Ảnh: Ngọc Thắng |
|
Làm thế nào mà người phụ nữ Việt Nam phải gánh quá nhiều trách nhiệm lên vai của mình như vậy? Tôi nhớ lại những năm mình còn làm việc trong một cơ quan nhà nước: mỗi năm chúng tôi phải đăng ký thi đua làm "phụ nữ hai giỏi": giỏi việc nước, đảm việc nhà. Hầu như phụ nữ nào cũng đăng ký, bởi vào dịp 20.10 sẽ có một số tiền thưởng nho nhỏ cho những ai đạt danh hiệu đó. Làm thế nào mà một người phụ nữ có thể "giỏi việc nước", tức làm giỏi công việc của mình, đồng thời lại vẫn "đảm việc nhà" là có được gia đình thuận hòa, con cái giỏi giang? Những kiểu thi đua hình thức thế này đã khiến người phụ nữ luôn phải gồng mình lên để làm tròn trách nhiệm, và nếu chẳng may vì quá yêu công việc đến mức không còn thời gian cho chồng con thì chỉ còn biết tự trách mình mà thôi.
Thật tội nghiệp cho phụ nữ Việt Nam. Mỗi năm cứ đến ngày 8.3 và 20.10, trong lúc các cơ quan truyền thông ra rả những lời tôn vinh, chúc tụng phụ nữ… tôi lại thấy hiện lên quãng đời phụ nữ "hai giỏi" của mình thật nặng nề làm sao và thấy thương những người phụ nữ hiện tại đang gồng mình giống như mình ngày xưa.
Trời sinh phụ nữ để chỉ giao cho họ một thiên chức mà thôi: đó là vun vén tổ ấm của mình để nuôi nấng nên những đứa trẻ thành người và làm cho người đàn ông của mình an tâm với sự nghiệp ngoài xã hội. Xã hội xưa đã chứng minh biết bao gia đình Việt đã có những ông chồng và những người con làm rạng danh tổ quốc nhờ có những bà mẹ Việt "không tên" âm thầm đứng sau lưng họ. Vì thế, xin đừng an ủi phụ nữ bằng một ngày tôn vinh để rồi gán quá nhiều trách nhiệm lên vai họ nữa.
Ami Nguyễn (*)
(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà báo hiện đang làm việc và sinh sống ở TP.HCM
(theo báo Thanh Niên)
Tin liên quan:
|