Đến nay, Đại học FPT với Khát vọng Đổi thay, với đường lối "Làm khác để làm tốt" - đã thực sự nổi lên như một trường đại học đổi mới tại Việt Nam...
Ôn cố tri tân
Mười năm trước, FPT bước vào giáo dục đại học - lĩnh vực cấp cao nhất trong thang bậc giáo dục quốc dân. Tất cả xuất phát từ sáng kiến bất chợt để giải bài toán doanh thu 1 tỷ USD của FPT tại Hội nghị chiến lược Quảng Ninh cuối năm 2003, vào thời điểm nếu dừng ở đào tạo theo mô hình liên kết, Khối Giáo dục FPT đã đến ngưỡng trong quá trình phát triển.
Thời ấy, dư luận từng nhíu mày: "Với việc thành lập trường đại học, FPT đã mang sự học của dân Việt ra làm trò đùa". Thấy chưa làm gì mà dường như nói to quá, nhiều quá, dư luận đặt câu hỏi: "FPT có phải là siêu đại học?". Và cũng dư luận từng nhen nhóm hy vọng khi chứng kiến những bước cựa mình đầu tiên với ngọn cờ tự chủ của ĐH FPT.
Sự việc tóm gọn như thế này: Sau khi có giấy phép thành lập do Thủ tướng ký tháng 9/2006, ĐH FPT tuyển sinh luôn. Bộ GD&ĐT bảo: Việc mở ngành, việc xin cấp chỉ tiêu thì sao, không định làm à? ĐH FPT nói rằng: Xin phép Bộ cho thí điểm tự chủ, chỉ tiêu bao nhiêu, mở ngành gì để trường tự quyết. Rồi ĐH FPT đưa báo chí vào cuộc giương cao ngọn cờ "giáo dục đại học - tự chủ hay là chết" với hàng trăm bài viết, phỏng vấn trên vài chục báo mạng và báo giấy.
Tối 14/11/2006, Vietnamnet đưa tin "Ngày 15/11, Bộ GD&ĐT sẽ trả lời chính thức ĐH FPT". Đầu giờ sáng 15/11/2006, tôi được Bộ nhắn lên gặp gấp. Chuyên viên của Bộ đưa bộ hồ sơ mở ngành ĐH FPT đã chuẩn bị trước đó, nói: "Các anh ký và đóng dấu vào bộ hồ sơ này, Bộ sẽ có ngay văn bản cho phép trường tuyển sinh". Tôi trả lời: "Việc này tôi phải về trao đổi lại với HĐQT". Tôi trở lại 89 Láng Hạ (Hà Nội), và cuối giờ trưa trả lời: "HĐQT FPT không đồng ý ký hồ sơ mở ngành, vẫn mong muốn được thử nghiệm tự chủ".
15h, Bộ nhắn: "Ký rồi đấy, cho người lên lấy". Cùng giờ, báo điện tử Dân Trí đưa tin: "Bộ GD&ĐT không đồng ý cho ĐH FPT tự chủ". Chúng tôi lên Bộ nhận quyết định với nội dung hằng mơ ước: "Giao cho ĐH FPT nhiệm vụ xây dựng chương trình đào tạo đại học ngành Kỹ thuật Phần mềm, trường được tuyển 500 chỉ tiêu từ thí sinh đã thi đại học đạt điểm sàn". 16h, tin trên Dân trí được gỡ xuống và thay bằng "Bộ GD&ĐT đồng ý phương án tự chủ tuyển sinh của FPT".
Tờ Vietnam Economy cuối năm 2006 đánh giá: "Cuộc chiến dai dẳng đến nay đã kết thúc, và sự nhượng bộ thuộc về phía cơ quan quản lý Nhà nước. ĐH FPT cuối cùng cũng được phép tuyển sinh khóa đầu tiên muộn mất 2 tháng so với dự kiến. Văn bản chính thức do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT ký ngày 15/11/2006 đánh dấu một cột mốc trong giáo dục đại học Việt Nam: Một trường đại học tư ra đời và hoạt động. Cũng là lần đầu tiên, một trường đại học đã công khai sử dụng thành công các phương tiện truyền thông để đấu tranh với Bộ đạt được mục tiêu của mình".
Đến nay, ĐH FPT với Khát vọng Đổi thay, với đường lối "Làm khác để làm tốt" - đã thực sự nổi lên như một trường đại học đổi mới tại Việt Nam. ĐH FPT không chỉ là một trong các lĩnh vực hoạt động của FPT, mà còn là một sản phẩm mà tập đoàn đóng góp cho xã hội trong quá trình xây dựng và trưởng thành của mình.
Linh cảm giáo dục
Những năm gần đây, tôi thường có trong đầu một số thứ, gọi bằng từ ngữ to tát là "dự báo tương lai" (linh cảm) liên quan đến giáo dục . Các thứ này nhen nhóm hình thành, và dần củng cố thành niềm tin - theo dạng cảm nhận, tin không cần lý giải, tin mà không xúc cảm về việc có nhiều người không tin như vậy.
Linh cảm thứ nhất là các đại học tinh hoa riêng lẻ như Harvard sẽ chết. Tương lai thuộc về các hệ thống giáo dục lớn. Đây sẽ là xu hướng toàn cầu, quy luật 80:20 (20% số hệ thống giáo dục đại học sẽ đào tạo 80% tổng sinh viên) sẽ được hiện thực hóa, và các quy định như quy mô một trường đại học không quá 15.000 sinh viên chính quy (chiếm không quá 1% thị phần đào tạo đại học tại Việt Nam) sẽ là… tầm phào.
Mầm mống này đang le lói hình thành, kiểu như tập đoàn giáo dục Laureate đi thu gom các trường khác vào hệ thống toàn cầu của mình. Hệ thống này khi hợp lực nhiều trường lại sẽ có tên tuổi và sức mạnh kinh khủng. Những trường riêng lẻ muốn tồn tại chỉ có hai cách: Tự xây dựng hệ thống hoặc trở thành thành viên của một hệ thống đang có.
Theo linh cảm thứ nhất, Khối Giáo dục FPT (FE) từng dự kiến trở thành thành viên của một chức giáo dục đào tạo quốc tế lớn. Khi đó, ĐH FPT sẽ là trường đại học đào tạo về CNTT nổi bật trong hệ thống giáo dục này. Ý định không thành và nay cứ tiếc. Khi không thành thành viên của tổ chức giáo dục sẵn có, ĐH FPT vặn mình để trở thành FPT Education (FE) - Tổ chức giáo dục FPT bằng cách mở rộng nhiều lĩnh vực, địa bàn, đồng thời tìm cách sáp nhập các trường khác vào hệ thống của mình.
Linh cảm thứ hai là tấm bằng đại học sẽ mất dần giá trị, các chứng chỉ kỹ năng (skill set) sẽ lên ngôi. Bằng tốt nghiệp chỉ còn giá trị duy nhất là nhằm học cao hơn, để làm việc, cái cần là các chứng chỉ kỹ năng mà ngành công nghiệp đòi hỏi. Theo linh cảm thứ hai, FE đang triển khai Hệ thống đào tạo chứng chỉ quốc tế (FPT SkillSETs) để đón trước xu thế này.
Linh cảm thứ ba là ảnh hưởng của công nghệ đến giáo dục, mang tính cách mạng, làm thay đổi hình hài hệ thống dạy và học. Công nghệ không chỉ là CNTT - Truyền thông, MOOC (Massive Open Online Course), OER (Open Education Resourse), mà quan trọng hơn là công nghệ giáo dục được hiện thực hóa bằng nền tảng CNTT, cùng với công nghệ quản lý việc tổ chức dạy và học.
Ba mũi công nghệ này cho phép nâng cao chất lượng, năng suất dạy và học, và hình thành các mô hình đào tạo hoàn toàn mới. Theo linh cảm thứ ba, ĐH FPT đã đưa vào hoạt động trường đại học trực tuyến FUNiX. Các hệ đào tạo truyền thống đang vận hành dự kiến tăng dần tỷ trọng các môn tự học online theo phong cách FUNiX từ 20% (mỗi học kỳ một môn học trực tuyến).
Linh cảm thứ tư - thuộc về cội rễ vấn đề - đâu sẽ là câu trả lời cho câu hỏi: Giáo dục đào tạo là gì? Tôi linh cảm đáp án sẽ là: Giáo dục đào tạo là tổ chức và quản lý quá trình tự học của người học. Theo đó, các quy trình đào tạo của FE đang dịch chuyển theo hướng này...
Linh cảm thứ năm là có một thứ Core University Management System (CUMS), giống như core banking trong hoạt động ngân hàng, core ERP trong hoạt động doanh nghiệp, CUMS là hệ thống quản trị nền tảng chứa đựng phương thức quản trị hiện đại mà mọi trường đại học cần tuân thủ và sẽ xây dựng hệ thống quản trị đặc thù của mình trên đó. Linh cảm này đang được nung nấu hình thành. Làm được CUMS không chỉ tốt cho ĐH FPT mà hy vọng có ảnh hưởng sâu rộng.
Linh cảm nhiều như vậy có là "mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây" quá không?
Thay lời tri ân
2016 kỷ niệm 10 năm hoạt động giáo dục đại học của FE. Cứ xem 2015 - năm FE tạm ngưng tăng trưởng - như một khoảng lặng trước một cơn bão báo trước sự mở rộng bùng nổ trong những năm tới.
Tăng trưởng, phát triển - cũng để ghi nhận và không phụ công lao của những ai chia một nghĩ suy, xúm một bàn tay cho FE trong nhiều năm qua, cho "những người muôn năm cũ" chứng kiến và ủng hộ ĐH FPT: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, GS. Nguyễn Văn Đạo, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo…
Cũng ghi nhận những đóng góp vô hình không dễ nói ra.
Lê Trường Tùng - chủ tịch ĐH FPT
(theo Nội san chungta.vn)
Tin liên quan:
|