FPT Đà Nẵng hiện đang có khoảng 2.000 lập trình viên và năm nào cũng cần tuyển ít nhất 1.000 lập trình viên, thế nhưng trên địa bàn có Đại học Bách khoa Đà Nẵng lâu nay có tiếng chất lượng đào tạo rất tốt, nhưng mỗi năm chỉ ra trường khoảng 200 cử nhân công nghệ thông tin. Vì thế, để có đủ nguồn nhân lực, có thời điểm người của công ty phải lên tận Đại học Đà Lạt để tuyển người...
"Giữ chân"… bất thành
Từ nhiều năm nay, cứ đến sau dịp Tết Nguyên đán, các DN ở TP. Đà Nẵng lại phải đối mặt với nỗi lo nhân lực. Thế nên, từ trước tết Nguyên đán Bính Thân 2016, nhiều DN ở thành phố đã tăng thưởng, thêm đãi ngộ để "giữ chân" người lao động.
Thậm chí, để lôi kéo công nhân một số DN còn hỗ trợ tiền, hoặc tổ chức tàu xe đưa đón 2 chiều cho lao động ở xa về quê trong dịp Tết. Song, bất chấp những nỗ lực đó, vào thời điểm này, tức là sau tết Nguyên đán gần cả tháng trời, nhiều DN ở địa phương vẫn đang phải "chạy đôn, chạy đáo" để tìm người lao động...
Thực tế, tại các KCN Hoà Khánh, Hoà Cầm hay An Đồn… nhiều DN đang rao tuyển lao động với mức thu nhập hấp dẫn cùng các chế độ đãi ngộ. Tuy nhiên, số lượng tuyển được không nhiều, chưa đáp ứng được nhu cầu. Đặc biệt, tình trạng thiếu lao động càng phức tạp hơn đối với những DN cần nhiều công nhân phổ thông như, dệt may, da giày, thủy sản...
Trong đó có thể kể đến, Công ty Keyhintoy Việt Nam (KCN Hòa Khánh) đang cần tuyển hơn 700 lao động, với mức lương từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng/người/tháng. CTCP sản xuất thương mại Hữu Nghị (KCN An Đồn) cần tuyển 300 lao động may giày xuất khẩu, cùng với mức lương tương tự. Ngoài ra, còn có thể kể đến Công ty dệt 29/3 tuyển 500 công nhân may, CTCP thương mại Vinatex Đà Nẵng tuyển 100 công nhân may...
Theo thống kê của Trung tâm giới thiệu việc làm KCN TP. Đà Nẵng, hiện tại 6 KCN trên địa bàn thành phố đang thiếu đến hàng nghìn công nhân. Ông Nguyễn Thanh Diệp, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm TP. Đà Nẵng cho biết, do yêu cầu mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng các đơn hàng ngay từ đầu năm, có nhiều DN, đặc biệt các DN dệt may, thuỷ sản, sản xuất linh kiện điện tử… đang thiếu hụt lao động.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực phổ thông tại TP. Đà Nẵng ngày càng nghiêm trọng, do thời gian gần đây nguồn lao động cung cấp cho các DN trên địa bàn chủ yếu đến từ Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế hay Quảng Bình, Quảng Trị…
Thế nhưng, gần đây tại những địa phương này ngành công nghiệp, đặc biệt dệt may phát triển khá nhanh, thu hút nhiều lao động tại chỗ. Thậm chí, một số công nhân đã ổn định công việc tại Đà Nẵng cũng thu xếp về quê, gần nhà để có điều kiện ổn định cuộc sống…
Trong khi, một bộ phận lao động phổ thông có hộ khẩu ở TP. Đà Nẵng, "chê" công việc lao động chân tay, nhưng lại thiếu trình độ làm việc tại những DN yêu cầu có tay nghề…
Nỗi lo lâu dài
Trước mắt thiếu hụt là vậy, thế nhưng về lâu dài các DN ở TP. Đà Nẵng cũng vẫn sẽ "đau đầu" với bài toán nhân lực. Bởi, còn nhiều bất cập giữa cung cầu nguồn nhân lực trên địa bàn… Đặc biệt, tình hình càng khó khăn hơn ở những lĩnh vực mà địa phương đang có thế mạnh như, công nghệ thông tin, du lịch hay dệt may…
Ông Bùi Thiện Cảnh, Tổng giám đốc CTCP đô thị FPT Đà Nẵng đưa ra dẫn chứng, FPT bắt đầu đầu tư tại TP. Đà Nẵng từ năm 2004 và hiện đang có khoảng 5.000 nhân viên, trong đó có khoảng 2.000 nhân viên phần mềm... DN năm nào cũng tuyển ít nhất 1.000 nhân viên phần mềm.
Thế nhưng, trên địa bàn có Đại học Bách khoa Đà Nẵng lâu nay có tiếng chất lượng đào tạo rất tốt, nhưng mỗi năm chỉ ra trường khoảng 200 cử nhân công nghệ thông tin. Thế nên rất khó cho FPT Đà Nẵng khi phải cạnh tranh với nhiều DN khác cùng lĩnh vực ở trên địa bàn. Vì thế, để có đủ nguồn nhân lực, có thời điểm người của công ty phải lên tận Đại học Đà Lạt để tuyển người.
Tương tự, ngành công nghệ thông tin, một thế mạnh khác của Đà Nẵng cũng đang phải đối mặt với nỗi lo mang tên nhân lực. Việc cân bằng giữa phát triển hạ tầng du lịch và chất lượng con người phục vụ đang mất thăng bằng. Tình hình càng khó khăn hơn, bởi trong thời gian tới TP. Đà Nẵng sẽ tổ chức, đăng cai nhiều sự kiện lớn mang tầm thế giới như, Hội chợ Du lịch quốc tế Đà Nẵng, Đại hội Thể thao bãi biển châu Á, hay việc TP. Đà Nẵng vinh dự đại diện cho Việt Nam đăng cai tổ chức Diễn đàn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017.
Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch TP. Đà Nẵng, cho rằng hội nhập mang lại nhiều cơ hội cho các DN du lịch trên địa bàn. Thế nhưng, mặt khác cũng tạo nên không ít thách thức cho ngành du lịch trong đó có nguồn nhân lực.
Đặc biệt, trong bối cảnh việc công nhận nghề lẫn nhau giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Asean được thực hiện. Có thể dẫn đến tình trạng DN vẫn thiếu nhân lực, trong khi có nhiều người thất nghiệp do không đáp ứng được nhu cầu công việc, đặc biệt ở những ngành nghề kỹ thuật, đòi hỏi phải có tay nghề…
Dẫn chứng thực trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành du lịch, ông Vinh cho biết, gần đây khách sạn Furama Resort có nhu cầu tuyển một nhân viên trợ lý giám đốc, với mức lương đề xuất lên đến 2.500 USD, song hơn 3 tháng vẫn không có một ứng viên phù hợp.
Xung quanh vấn đề nhân lực, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho rằng, thời gian gần đây chính quyền thành phố đã rất quan tâm đến vấn đề đầu tư cho chiến lược con người kể cả đào tạo cán bộ quản lý cho đến đào tạo nguồn nhân lực lâu dài cho các ngành nghề.
Tuy nhiên, trong thực tế vẫn gặp không ít khó khăn. Để góp phần tháo gỡ khó khăn về lao động cho DN, một hình thức "chữa cháy" đã được Trung tâm giới thiệu việc làm KCN TP. Đà Nẵng thực hiện, đó là tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn với hình thức: Tuyển dụng (người lao động) - đào tạo (trung tâm) - chuyển giao (DN). Trung tâm và DN hợp tác đào tạo theo địa chỉ, theo sát chương trình DN yêu cầu, có thời gian thực tập trên các thiết bị, công nghệ tại DN… thế nên sau khi kết thúc khóa học, học viên có thể làm việc ngay mà không phải qua đào tạo lại.
(theo thoibaonganhang.vn)
Tin liên quan:
|