Theo đánh giá của các chuyên gia và doanh nghiệp, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội cũng như thách thức về nguồn nhân lực. Trong giai đoạn sắp tới, Việt Nam đứng trước yêu cầu đầu tư đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực như khoa học, hoá học, toán học, thiết kế, công nghệ, mỹ thuật, tiếng Anh và phần mềm. Đó là những kỹ năng cần thiết cho cuộc cách mạng công nghiệp số. Vậy làm sao để Việt Nam có nguồn nhân lực số sớm nhất và nhiều nhất?
Các diễn giả tham gia Diễn đàn CEO do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 7/4 - Ảnh: Việt Tuấn. |
|
Trọng dụng nhân tài
Phát biểu tại Diễn đàn CEO với chủ đề Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - Được và mất do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức cuối tuần qua, giám đốc một công ty chuyên về logistics cho rằng, để bước vào cuộc cách mạng 4.0, đầu tiên cần phải thay đổi về yếu tố con người, phải xem xét hiện tại các doanh nghiệp đã thân thiện với nhau theo hướng chia sẻ cởi mở hay chưa? Ở các quốc gia trên thế giới, các tập đoàn lớn như Facebook, các kỹ sư đều có những chia sẻ cởi mở với nhau về kiến thức để cùng nhau phát triển, cùng nhau ra ngoài cạnh tranh.
Bên cạnh đó, nền giáo dục phải đào tạo được con người trung thực và minh bạch. Vị này lấy ví dụ, hệ thống phần mềm tối ưu 40% chi phí logistics, tuy nhiên, con người đã làm hỏng đầu vào hệ thống. Khi đặt chỉ tiêu cho nhân viên bán hàng phải bán được 1 triệu đồng một ngày nhưng họ lại chia ra 10 đơn để đạt được doanh thu. Bằng cách này, người giao hàng không thể giao được hết các đơn đó khiến chi phí giao hàng tăng cao.
Chuyên gia tài chính Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh, để bắt kịp cách mạng 4.0, không chỉ đơn giản là đào tạo con người mà phải biến những việc đang làm hiện nay thành số hoá như kế toán được số hoá, quản trị kinh doanh được số hoá, tất cả lĩnh vực về tài chính tiền tệ đều được đào tạo dưới dạng số hoá.
"Việt Nam rất có khả năng làm chuyện này, các trường đại học chuyển từ giảng dạy hiện tại sang số hoá, doanh nghiệp cũng vậy, khởi đầu cách mạng 4.0 bằng cách số hoá toàn bộ hội đồng quản trị", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh cũng cho rằng cần có sự thay đổi từ lãnh đạo doanh nghiệp. Nếu như chúng ta không thay đổi thì cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng khủng hoảng. "Chúng ta có tinh thần trọng dụng nhân tài và chấp nhận sự phản biện, đó là con đường cho công cuộc đổi mới 4.0 và đổi mới lần thứ hai hiện nay", ông Doanh nói.
Để 90 triệu dân Việt Nam đều là lập trình viên bậc cao
Có đến 92% các đại biểu tham dự diễn đàn trả lời "Có" khi được hỏi Việt Nam có cơ hội tiên phong trong cung ứng nguồn nhân lực số, tức là người có khả năng làm cho thế giới số hay không.
Ông Nguyễn Nhật Quang, Phó chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa), cho hay, để tốt cho cuộc cách mạng 4.0, Việt Nam phải đi trước các quốc gia khác, trong đó, Chính phủ cũng như toàn bộ nền kinh tế làm sao tạo ra hành lang, thúc đẩy khối doanh nghiệp sáng tạo phát triển.
Thông thường, các startup về công nghệ sẽ tìm ra những cái có thể làm cho doanh nghiệp truyền thống phát triển mạnh hơn. Cũng có những doanh nghiệp có công nghệ cao để ứng dụng vào các nhà máy như dệt may. Muốn vậy, cần có hành lang về đầu tư như mở rộng cho quỹ đầu tư nước ngoài vào đầu tư cho startup Việt Nam dễ dàng hơn, hành lang pháp lý cho nhà đầu tư thiên thần, bổ sung vốn mồi…
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng giám đốc tập đoàn Viettel, lại cho rằng, nếu nghĩ cách làm thế nào Việt Nam có nguồn nhân lực ví dụ như lập trình viên giống như FPT thì không khả thi. Tuy nhiên, nếu chúng ta nghĩ khác một chút thì có thể làm được.
Chúng ta nên nghĩ rằng hiện nay, mỗi người Việt Nam cần trở thành một lập trình viên ở dạng ngôn ngữ bậc cao. Ví dụ nói về mạng lưới vạn vật kết nối Internet (IoT), tức là chúng ta mua thiết bị về lập trình nó, để giải quyết bài toán của mình và kết nối internet. Nếu lập trình đó thì không ai làm được. Còn nếu đi thuê, nhờ thì không biết bao giờ xong.
Để lập trình ở mức đó, theo ông Hùng, rất đơn giản, và chúng ta nên đặt vấn đề chúng ta trở thành nguồn nhân lực số ở khía cạnh nào.
"Làm báo có cần lập trình không? Rất cần lập trình. Làm báo giờ có quá nhiều người đưa tin, người làm báo buộc phải là người phân tích tin mà muốn phân tích tin thì phải biết lập trình để xử lý dữ liệu", ông Hùng nói.
Cũng theo Tổng giám đốc Viettel, nếu nhìn vào cuộc cách mạng công nghiệp 3.0 thì thấy một số nước khá giàu đều có một điểm chung là các bộ của họ đều có nghĩa vụ quân sự bắt buộc, tất cả người dân đều đi bộ đội.
Nếu Việt Nam cũng có chính sách đấy sẽ tạo ra tinh thần kỷ luật của dân tộc. Có một người đi vào môi trường quân ngũ 9 tháng, trong 9 tháng đó bỏ ra 1-3 tháng để dạy lập trình này thì mau chóng chúng ta có một dân tộc lập trình 90 triệu người. Bài toán đó dễ làm hơn rất nhiều so với cải cách giáo dục, xây dựng trường đẳng cấp quốc tế... Những câu chuyện đó chúng ta phải làm nhưng phải đến 10-20 năm và có thể lâu hơn nữa, CEO Viettel nói.
"Trong thời gian đó, chúng ta chia làm hai phương án, tiếp tục làm thuê và chúng ta lập trình giải bài toán của chính chúng ta bằng những ngôn ngữ bậc cao và dạy họ thì trong thời gian rất ngắn thôi chúng ta sẽ có một dân tộc lập trình, dân tộc có khả năng về công nghệ số", ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Khánh Linh
(theo VnEconomy)
Khối Giáo dục FPT – fpt.edu.vn
Trường Đào Tạo Lập Trình Viên Quốc Tế – aptech.fpt.edu.vn
Tin liên quan:
|