(Post 18/09/2006) Bản thân D. cho rằng "...
các trung tâm Aptech nên tổ chức các seminar về vấn đề này cho học viên
các trung tâm vì theo cậu nhiều bạn trẻ sau bài học của D. vẫn chưa nhận
thức đầy đủ các tác hại việc làm của mình..." Tác giả của virus Vlove,
một sinh viên của hệ thống Aptech, từng gây lên cơn sốt cho cộng đồng
YM cuối tháng 7 vừa qua tâm sự
|
Cuối tháng 7 vừa qua, các cư dân “online” của cộng đồng
YM liên tục nhận được tin nhắn với thông điệp mời viếng thăm website có
tên http://nguoii...com khi họ đang sử dụng công cụ chat này. Trang web
này thuần túy là một trang giải trí, truyện cười với nội dung khá lành
mạnh và dường như vô hại với người truy cập. Virus Vlove được tạo điều
kiện thuận lợi bởi sự chủ quan của người dùng Internet lập tức lây lan
với tốc độ nhanh chóng mặt chỉ trong vài ngày. Vlove được xác định là
không phá hoại ăn cắp dữ liệu của các máy tính bị lây lan nhưng đã gây
ra sự phiền toái đáng kể cho những nạn nhân vô tội bởi nếu một account
bị lây nhiễm, tất cả friendlist trong Yahoo Mesenger của họ cũng bị lây
nhiễm theo. Danh tính của tác giả viết virus Vlove được xác định gần như
ngay lập tức khi trung tâm BKIS vào cuộc bởi lí do đơn giản chủ sở hữu
con virus này vẫn để tên và địa chỉ trên trang web cá nhân. Bản thân Nguyễn
Đức D., một học viên của hệ thống Aptech, cho đến khi đọc được các thông
tin cảnh báo về virus của mình trên các báo vẫn chưa ý thức được là mình
đang phát tán một con virus. Nguyên nhân D. viết Vlove chỉ vì muốn có
nhiều người biết tới và truy cập website của mình.
D. có vẻ bề ngoài khá hiền lành, đôi mắt thông minh và
nụ cười dễ mến, khác hẳn với phong cách mà mọi người hay hình dung về
một “hacker”. D tâm sự rất thật: Lúc đưa virus Vlove lên mạng, em chỉ
nghĩ đơn giản đó là cách mà một số Webmaster vẫn hay sử dụng để thu hút
nhiều người biết tới website của mình chứ chưa ý thức được rằng việc lợi
dụng chương trình Yahoo Mesenger để phát tán đường link tới Website sẽ
gây khó chịu và ảnh hưởng tới người sử dụng như vậy”. D. sinh năm 1987,
là người gốc Hải Dương. Say mê công nghệ thông tin từ khi còn học cấp
3, D. đã tự mày mò về lập trình từ khối thông tin khổng lồ trên Internet.
Ở trường, D. được đánh giá là thông minh và khá trái tính. Điểm học của
D lẹt đẹt hết năm này qua năm khác bởi điều lạ lùng là với các bài toán,
câu hỏi cả lớp chọn của cậu bó tay thì một mình cậu trả lời ngon lành
và ngược lại.
D kể lại quá trình viết virus: “Từ một người bạn cho
em vài mã nguồn các chương trình tiện ích viết bằng AUTOIT, em load chương
trình này về và dựa vào các hướng dẫn cụ thể của chương trình như cách
dùng của các hàm, các lệnh (vòng lặp, rẽ nhánh)…để viết ra Vlove”. Cũng
theo lời D. nói, quy trình để viết một con virus không hề khó khăn, kể
cả với người chỉ có trình độ “i-tờ” về CNTT, tất cả đều có sẵn trên Internet.
Như vậy, cộng đồng những người dùng Internet có thể bị xâm hại bất cứ
lúc nào và tất cả đều phụ thuộc duy nhất vào nhận thức của bản thân từng
cá nhân trong cộng đồng ấy.
Ở Việt nam, người dùng Internet hầu hết là giới trẻ và
ở độ tuổi các bạn, việc kì vọng điều này là rất khó. Nên chăng ở các trường
và trung tâm đào tạo công nghệ thông tin nên có một môn học đạo đức giống
như bài học Y đức mỗi bác sĩ tương lai phải thuộc nằm lòng. Bản thân D.
cho rằng các trung tâm Aptech nên tổ chức các seminar về vấn đề này cho
học viên các trung tâm vì theo cậu nhiều bạn trẻ sau bài học của D. vẫn
chưa nhận thức đầy đủ các tác hại việc làm của mình. Khi D. ở trong tâm
trạng hoảng sợ bởi không ngờ mình đã có hành vi làm hại người khác và
ở trong tầm ngắm của cơ quan an ninh, bạn bè của cậu vẫn bầy tỏ sự thích
thú và nhờ D. chỉ cách tạo Virus. Trong một cuộc điều tra của chúng tôi,
cũng có tới một nửa số người được hỏi cho rằng: “Nếu em viết được thì
em cũng viết cho vui”. Và từ chữ “vui” đó sẽ không xa để bước vào chữ
“tội”. Các bạn trẻ đã và đang có ý định thử nghiệm, nghiên cứu và phát
tán virus với bất cứ mục đích gì hãy dừng lại khi chưa quá muộn. Đừng
vì hư danh mà phạm phải những sai lầm đáng tiếc.
Hoàng Thanh
(theo Nội san Aptechite) |