(Post 19/10/2006) Lời qua tiếng lại giữa một
bên là bà Vụ trưởng Vụ Đại học và Sau đại học - Bộ Giáo dục và Đào tạo,
một bên là ông Hiệu trưởng trường Đại học FPT đã minh chứng thêm một việc
nữa rằng sự thay đổi, đổi mới về tư duy khó khăn như thế nào!
Bà vụ trưởng bảo: “Phải được giao chỉ tiêu
thì mới được tuyển sinh”!
Ông hiệu trưởng bảo: “Chỉ tiêu chỉ giao cho trường
công. Vì có chỉ tiêu mới có tiền ngân sách. Trường tư thục là tiền túi
của doanh nghiệp, tuyển bao nhiêu là tùy thuộc trong túi của doanh nghiệp
có bao nhiêu tiền”!
Thế là một bên căn cứ vào quy chế xuất phát từ đồng
tiền ngân sách, một bên quyết không chịu thay đổi chỉ tiêu căn cứ vào
tiền ở trong túi của doanh nghiệp để tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội.
Mà lần này trường tư thục FPT là trường tư thục của các nhà kinh doanh,
khác về chất với trường tư thục thời kỳ đầu đổi mới tư duy. Những trường
tư thục còn ít nhiều dựa vào ngân sách Nhà nước.
FPT là một đại gia tiếng tăm lần này kinh doanh việc
dạy học. Nghe đâu cuộc kinh doanh này không nhằm giúp cho các công dân
có bằng cấp, mà là kinh doanh để cung ứng lao động có trình độ
cho các nhà kinh doanh nhằm đón trước một làn sóng đầu tư mới.
Như thế ở đây không có việc “xin” chỉ tiêu và “cho”
chỉ tiêu. Cuộc lời qua tiếng lại đang xảy ra chả khác gì chuyện “Ông nói
gà, bà nói vịt” vậy.
Cố nhiên dám nói như “bà” như “ông” không phải ai
cũng nói được. “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền” dân gian đều đã tỏ tường như
thế từ lâu rồi.
Nhưng thôi! Nên bỏ qua tất cả để dấn thân vào con
đường “đổi mới tư duy” không thể đảo ngược đầy sống động đang diễn ra.
Đã là tư thục, đã là tư nhân thì làm sao lại duy
trì cung cách quản lý “giao chỉ tiêu”?! Quản lý hành chính, quản lý kinh
tế, quản lý văn hóa... thời kỳ phát triển kinh tế nhiều thành phần, định
hướng xã hội chủ nghĩa đang diễn ra: Liệu có bao nhiêu chỗ, bao nhiêu
thứ “giao chỉ tiêu” được? Bao nhiêu chỗ, bao nhiêu thứ không thể “giao
chỉ tiêu” được? Thậm chí có “giao” cũng không ai “nhận” hoặc chỉ nhận
cho phải phép mà thôi?!
Nếu mà rà soát lại cho nghiêm túc, cho dũng cảm,
cho cầu thị thì “cơ chế” “giao chỉ tiêu” đã không còn nhiều đất đai lắm
đâu. Nói cho khách quan thì có chổ phải kiên quyết giữ cho được. Ví dụ
tài sản, tài nguyên, vốn liếng của dân của nước trao cho ai thì người
đó phải quản lý không được để mất, phải sinh lời dù nhiều, dù ít. Nhưng
mà giữ bằng “chỉ tiêu” hay giữ bằng cái gì khác còn là một câu chuyện
dài dài về khoa học quản lý.
Còn đã là của tư nhân, của tư thục, của cổ phần thi
tư duy “giao chỉ tiêu”, “cho chỉ tiêu” có lẽ là không phải?!
Quản lý nhà nước việc dạy học là quản lý nội dung,
chất lượng dạy và học, quản lý điều kiện đảm bảo cho thầy và trò dạy và
học...
Các nhà “kinh doanh” dạy học không dại gì bỏ tiền
túi ra chiêu sinh để đầu ra không có ai dùng hoặc vừa nhận bằng cấp xong
đã phải “đào tạo lại”. Chiêu sinh bao nhiêu là căn cứ vào nhu cầu thị
trường lao động; chiêu sinh bao nhiêu là căn cứ vào điều kiện đảm bảo
cho thầy và trò dạy và học để đưa ra các sản phẩm có chất lượng.
Thế nên, có lẽ quản lý Nhà nước không phải là “giao
chỉ tiêu” mà là kiểm tra, thanh tra các ông chủ, bà chủ dạy cái gì? Chất
lượng thế nào? Thầy và trò làm việc, ăn ở (nếu có) trong điều kiện thế
nào?...
Vậy nên cuộc lời qua tiếng lại giữa nhà quản lý và
một đại gia như ta đang thấy là một cuộc lời qua tiếng lại hay là một
cuộc tranh luận về tư duy vậy.
Thành Hưng
(theo An ninh Thủ đô, 12/10/2006) |