Sinh viên CNTT VN trước “vận hội” mã nguồn mở  
 

(Post 02/10/2006) Trong thời gian qua 2000-2005, “Mã Nguồn Mở” nói chung và hệ điều hành Linux nói riêng, là những thuật ngữ được nhắc đến rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam. Cũng từ đây, các sản phẩm phần mềm, các giải pháp kỹ thuật, các dự án… khi phát triển đều theo một trong hai dòng: Mã nguồn mở và Mã nguồn đóng.

Website của Cộng đồng Mã nguồn mở Việt Nam

Từ trước, dân IT ở nước ta chỉ biết đến Hệ điều hành Windows, phần mềm Microsoft Office của Microsoft, và một số tiện ích đa phần là phải mua mới có quyền sử dụng, đó là dòng Mã nguồn đóng. Tuy nhiên, mọi người, từ một người dân sử dụng máy tính bình thường, cho đến các cơ quan, tổ chức, ở trên thế giới, tình trạng sử dụng Windows và các tiện ích không có bản quyền đã trở nên rất phổ biến.

Nhưng với sự ra đời của các luật liên quan đến Sở hữu trí tuệ, thắt chặt việc bản quyền đối với các sản phầm tin học, đồng thời với xu thế hòa nhập thế giới, con đường gia nhập WTO, chúng ta, những sinh viên CNTT của Việt Nam, phải biết con đường nào là phù hợp với sự nghiệp phát triển CNTT của nước nhà.

Người dùng máy tính ở Việt Nam, đa phần đều quen thuộc với việc sử dụng Windows cho cả mục đích giải trí, làm việc, trên những máy trạm, hay máy chủ, nên xu thế sử dụng và phát triển theo Mã nguồn đóng vẫn là lựa chọn đầu tiên. Tuy nhiên “kinh phí” vẫn là vấn đề lớn cho chúng ta, chỉ tính đơn giản số lượng máy tính nhân với số tiền để mua một hệ điều hành Windows, đã là con số rất lớn, đó là chưa tính đến các tiện ích kèm theo. Vì vậy, “Mã nguồn mở” đã bùng nổ ở nước ta, như là một hướng mới, một giải pháp mới cho sự phát triển CNTT ở Việt Nam.

Trên các tờ báo trong và ngoài nước, đã bàn rất nhiều về Mã nguồn mở, bài báo này xin tổng hợp lại và tập trung nêu rõ xu thế mới tác động thế nào với sinh viên CNTT.

Mã nguồn mở là gì

Mã nguồn mở là thuật ngữ chỉ các sản phẩm phần mềm công khai mã nguồn (source code). Người dùng không phải trả một khoản chi phí nào, hơn thế nữa họ có quyền xem, sửa đổi, cải tiến, nâng cấp theo một số nguyên tắc chung qui định trong giấy phép phần mềm nguồn mở General Public Licence - GPL. Ông tổ của Mã nguồn mở là Richard Stallman, người đã xây dựng dự án GNU, và cho ra giấy phép Mã nguồn mở GPL, hai nền tảng then chốt cho sự phát triển của Mã nguồn mở.

T.S Nguyễn Chí Công - tổ trưởng chuyên môn Đề án 112 - đã phát biểu: “Mã nguồn mở là các phần mềm mà các tác giả khi công bố, đã cung cấp mã để người khác tái sử dụng và phát triển. Các nhà cung cấp phần mềm nguồn mở có quyền yêu cầu người dùng trả một số chi phí về các dịch vụ bảo hành, huấn luyện, nâng cấp, tư vấn, v.v… tức là những dịch vụ thực sự đã thực hiện để phục vụ người dùng, nhưng không được bán các sản phẩm nguồn mở vì nó là tài sản của trí tuệ chung, không phải là tài sản riêng của một nhà cung cấp nào.”

Khác với các sản phẩm bên Mã nguồn đóng, bao gồm phần mềm phải mua và phần mềm miễn phí, khi phân phối, các sản phẩm này chỉ cung cấp bản đóng gói để cho người dùng cài đặt, mà không có quyền xem mã nguồn.

Các sản phầm Mã nguồn mở chính

Sản phẩm Mã nguồn mở đầu tiên phải kể đến là hệ điều hành Linux (chính xác là GNU Linux), với cha đẻ là Linus Torvald. Linux được biết đến như là một hệ điều hành miễn phí, ổn định, bảo mật, linh hoạt, hiệu suất cao, và được một cộng đồng rất lớn trên Internet cùng nhau phát triển. Tuy nhiên, Linux chỉ là tên của nhân (kernel), “trái tim” của hệ điều hành. Khi chúng ta sử dụng hệ điều hành Linux, thực ra đó là các bản phân phối (distribution, gọi tắt là distro) của các tổ chức khác nhau. Hiện nay, có rất nhiều distro với những đặc điểm, tính năng riêng, phục vụ cho những mục đích riêng, chúng ta có thể tham khảo ở trên http://www.distrowatch.com. Các distro của các hãng nối tiếng là Redhat/Fedora, Debian, SuSE, Gentoo, Mandrake, Slackware, Ubuntu …

Trên thị trường dành cho máy chủ, các distro này đáp ứng được rất tốt về mặt hiệu suất, an toàn, bảo mật, và đã chiếm thị phần lớn; nhưng trên thị trường máy trạm, cho người dùng cuối, thì phần lớn các distro không thuyết phục được người dùng do đồ họa và tính dễ sử dụng còn kém so với Windows. Tuy nhiên Ubuntu – một distro mới được xem là khá thân thiện với người dùng, và các distro khác đang có rất nhiều cố gắng phát triển để đem lại sự thuận tiện cho người dùng.

Thứ hai, phần mềm máy chủ web Apache. Trên hệ điều hành Windows có tích hợp phần mềm máy chủ IIS, cùng với máy chủ cơ sở dữ liệu SQL Server và ngôn ngữ lập trình trang web ASP, đã tạo ra một hệ thống web hoàn chỉnh. Song song với hệ thống trên, bên sản phẩm Mã nguồn mở có máy chủ web Apache, kết hợp cơ sở dữ liệu MySQL, và ngôn ngữ lập trình PHP, Perl, Python, tạo ra một hệ thống máy chủ web rất linh hoạt, an toàn và ổn định, và hệ thống này đã được sử dụng rất phổ biến trên cả hệ điều hành Linux lẫn Windows.

Trong thời gian qua, hệ thống máy chủ web trên dòng Mã nguồn mở luôn được giới chuyên môn đánh giá rất cao. Theo thống kê của Netcraft vào tháng 12/2004, trên Internet có 68% website chạy Apache, và chỉ có 21% chạy IIS, và 47 trong top 50 website có thời gian sống (tức thời gian giữa hai lần khởi động lại máy) lâu nhất là chạy trên máy chủ web Apache. Trong tương lai chắc chắn hệ thống LAMP (Linux + Apache + MySQL + PHP/Perl/Python) sẽ ngày càng khẳng định được vị trí của mình trong thị trường máy chủ web trên thế giới.

Web browser Firefox với các tính năng nổi bật về tốc độ, bảo mật, nhỏ gọn, nhiều tính năng và miễn phí, Firefox đang dần chiếm thị trường về trình duyệt web trên thế giới, và là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của IE (Internet Explorer). Nhiều chuyên gia IT đã đánh giá, phần lớn lỗ hổng bảo mật của Windows là xuất phát từ trình duyệt IE, vì vậy việc thay thế IE bằng Firefox là một lựa chọn tốt cho các máy cài đặt hệ điều hành Windows. Thậm chí, hãng tìm kiếm lớn nhất thế giới, Google, đã đưa ra phong trào “xóa sổ” IE, ủng hộ Firefox dựa trên các thành viên trong Google Adsense.

Ngoài ra, các phần mềm Mã nguồn mở cũng rất nổi tiếng, đang cạnh tranh mạnh mẽ với dòng Mã nguồn đóng trong cùng ứng dụng là: ứng dụng soạn thảo văn bản Open Office – Microsoft Office, Tin nhắn Gaim – Yahoo Messenger, Đồ họa GIMP – Photoshop, dịch vụ mail Mail Exchange Server – Qmail/Postfix/Courier,…

Lợi ích của Mã nguồn mở với Sinh viên

Sinh viên CNTT có hai mối quan tâm chính, đó là kiến thức trong quá trình học và việc làm sau khi ra trường. Về cả hai mặt này, Mã nguồn mở là một lựa chọn tuy mới, nhưng rất xứng đáng.

Về mặt kiến thức. Sinh viên đa số quen làm việc trên Windows, một hệ điều hành được tập đoàn Microsoft công bố là rất dễ sử dụng, dễ quản trị cho những người giàu kinh nghiệm, cũng như người mới bắt đầu. Đối với các nhân viên văn phòng, trong các tổ chức, đây là một sự thuận tiện, làm giảm bớt sự khó khăn cho công việc, tuy nhiên với các nhân viên quản trị, có thể sẽ mang lại sự dễ dàng cho việc sử dụng, cập nhật, bảo vệ, nhưng độ rủi ro cũng rất cao do tính kém ổn định, an toàn của Windows (so với Linux).

Còn đối với sinh viên CNTT, mục đích học tập là quan trọng, thì việc sử dụng Windows đem lại sự đơn giản, bởi hầu hết các thao tác với hệ thống chỉ đơn giản là các “Click chuột”. Đó hầu hết là các thao tác mang tính “thói quen”, chứ không phải là do kiến thức của người dùng. Một thực tế là có rất nhiều sách, báo, các bài hướng dẫn đều hướng dạy người dùng theo phương pháp thao tác từng bước, mà không tập trung vào dạy người dùng hiểu tại sao phải thực hiện thao tác này, thực hiện nó thì dẫn tới kết quả gì…

Khi làm việc với Linux, bạn mới thực sự làm chủ hệ thống của mình. Một hệ thống Linux an toàn, ổn định, thì chắc chắn người làm chủ nó phải là người giàu kiến thức, kinh nghiệm. Trong quá trình học cách sử dụng Linux, người học có nhiều cơ hội học hỏi, tiếp cận các kiến thức về hệ thống, các dịch vụ. Để sử dụng được Linux thành thạo, bạn phải nắm vững các kiến thức tin học cơ bản, như Nguyên lý hệ điều hành, Mạng cơ bản, ... Tóm lại, khi mới sử dụng Linux, bạn sẽ vấp phải nhiều khó khăn, tuy nhiên đó đều là những điều kiện để bạn tìm hiểu, học hỏi thêm nhiều kiến thức cần thiết cho công việc sau này.

Sinh viên sử dụng các phần mềm Mã nguồn đóng chỉ có thể biết phần mềm đó dùng để làm gì, sử dụng như thế nào, điều mà chỉ thích hợp với những người dùng cuối. Nhưng tố chất của sinh viên là ham học hỏi, tìm tòi, khám phá, và những kiến thức về ngôn ngữ lập trình, về công nghệ, về cấu trúc của một phần mềm, thì dòng Mã nguồn đóng không đáp ứng được.

Không chỉ có vậy, khi làm việc trên các sản phầm Mã nguồn mở, sinh viên có thể tùy biến chỉnh sửa theo một phong cách của riêng mình, đó là sự sáng tạo; sinh viên có thể sử dụng các đoạn chương trình nhỏ đưa vào đóng góp cho sản phẩm của mình, đó là sự tiếp thu… Một bằng chứng là phong trào Việt hóa, hay chỉnh sửa mã nguồn của các forum, các portal được viết bằng ngôn ngữ lập trình Mã nguồn mở (PHP, Perl) đã trở nên rất phổ biến.

Về mặt việc làm, phong trào Mã nguồn mở ở Việt Nam vẫn đang là xu thế mới. Nhu cầu về nguồn nhân lực Mã nguồn mở vẫn đang là cấp thiết. Hiện nay, tại các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam, số lượng máy chủ Linux (Redhat, Fedora, Debian, … ), tựa Linux (như FreeBSD, Sun Solaris) và các ứng dụng Mã nguồn mở (Apache, MySQL, Firefox, BIND,…) ngày càng được lựa chọn, vì đặc tính ưu việt của nó: bảo mật và ổn định, linh hoạt và uyển chuyển. Một lý do quan trọng khiến cho doang nghiệp muốn sử dụng các sản phẩm Mã nguồn mở là chi phí sử dụng và bảo trì thấp (rất phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ) và đặc biệt là không phải lo chuyện vi phạm bản quyền, một lý do có thể gây nên sự hạn chế hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài.

Thêm vào đó, Thương mại điện tử ở Việt Nam đang phát triển, đặc biệt sẽ rất mạnh mẽ trong năm 2006 này, thì nhu cầu phát triển các website trên nền tảng Mã nguồn mở là rất cấp thiết. Thực tế cho thấy, số lượng các website được viết trên nền PHP, Perl, giao tiếp với máy chủ web Apache và hệ cơ sở dữ liệu MySQL, ngày càng phổ biến. Ngoài ra, khi tham gia và sử dụng và phân phối sản phẩm Mã nguồn mở, các doanh nghiệp có thể hòa vào một cộng đồng Mã nguồn mở trên toàn thế giới, mà phát triển mạnh mẽ nhất là tại châu Á. Đó cũng là một trào lưu lớn ở Việt Nam hiện nay. Đồng thời từ môi trường này, việc phát triển, cung cấp và hỗ trợ các dịch vụ Mã nguồn mở, cũng như tạo dựng danh tiếng, đã đem lại cho các doanh nghiệp rất nhiều lợi nhuận.

Mã nguồn mở đang phát triển khắp đất nước ta, khắp châu lục và lan toả toàn thế giới, đó là một “thị trường việc làm” khá rộng, mà đối lập với nó là sự thiếu thốn về nhân lực có khả năng về Mã nguồn mở, đây là một cơ hội rất lớn cho sinh viên CNTT. Nếu một sinh viên ra trường với kinh nghiệm quản trị hệ thống Linux, sinh viên đó có lẽ không phải lo gì về vấn đề việc làm tại các tổ chức và công ty lớn. Trong thực tế ở Việt Nam, số lượng nhân viên có hiểu biết về Mã nguồn mở, các quản trị viên hệ thống Linux giỏi là rất ít, vì vậy nhu cầu tuyển dụng các nhân viên có kinh nghiệm làm việc với Mã nguồn mở ngày càng trở nên cấp thiết.

Trong dự án tổng thể về ứng dụng và phát triển Mã nguồn mở tại Việt Nam giai đoạn 2004-2008, có 9 nhóm dự án đã được Chính phủ thông qua, trong đó dự án đào tạo nguồn nhân lực là một trong những dự án trọng điểm. “Sinh viên CNTT là người trực tiếp gánh trên vai sứ mệnh phát triển PM Mã nguồn mở. Vì thế trong năm tới, chúng tôi sẽ dành những khoản kinh phí thỏa đáng cho những sinh viên có nguyện vọng tham gia nghiên cứu PM Mã nguồn mở”, ông Nguyễn Trung Quỳnh, Trưởng ban quản lý Dự án PM MNM, Bộ KH&CN, cho biết.

Bạn muốn tìm hiểu về Mã nguồn mở?

a. Cộng đồng Mã nguồn mở trên Internet rất lớn, với kho vô hạn các bài viết, bài hướng dẫn về các ứng dụng Mã nguồn mở, người học có thể dễ dàng tìm kiếm nguồn tài nguyên này qua các search engine như Google, Hotbot.

b. Cộng đồng Mã nguồn mở Việt Nam – Viet Nam Open Source Software (VNOSS) đã đưa ra mục tiêu: “VnOSS được lập ra với mong muốn là nơi qui tụ các người Việt quan tâm đến phần mềm mã nguồn mở. VnOSS tạo ra một sân chơi bình đẳng và thân thiện cho tất cả mọi người, qua đó giúp đỡ lẫn nhau trong việc cài đặt và sử dụng OSS, quảng bá cho việc dùng phần mềm mã nguồn mở”. Bạn có thể lên website http://vnoss.org để học hỏi những thông tin bổ ích.

c. Diễn đàn yêu thích Linux Việt Nam http://www.vnlinux.org. Đây là một môi trường rất hữu ích với những bài viết về hướng dẫn sử dụng Linux và các ứng dụng Mã nguồn mở. Diễn đàn cũng là nơi giao lưu, học hỏi các kiến thức, kinh nghiệm cho tất cả những người mong muốn học tập Linux.

d. Nhóm Mã nguồn mở trường Đại Học Công Nghệ - ĐHQGHN được thành lập từ tháng 9/2003 với mục đích giúp sinh viên trong trường làm quen và sử dụng ứng dụng Mã nguồn mở. (Website: http://osg.vnu.edu.vn)

(Theo Conmaz.com)
(theo VietNamNet)


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


Craig Barret: Với công nghệ, 25 năm là quá xaHai câu chuyện ghi từ blog
Ba sinh viên Nga đoạt giải nhất cuộc thi lập trình quốc tế 2006Nếu bạn muốn xây dựng một đế chế Google thứ hai... (Phần II)
Nếu bạn muốn xây dựng một đế chế Google thứ hai... (Phần I)Outsource sang Việt Nam: Giảm 30% chi phí
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11