(Post 07/12/2006) Đó là Nguyễn Thanh Tùng,
cậu bé không có đôi tay nhưng giàu nghị lực, người thường được thầy cô
và bạn bè ở Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aptech gọi bằng cái
tên thân mật - “chàng trai lập trình bằng chân”.
Nguyễn
Thanh Tùng |
|
Vượt lên tật nguyền
Nguyễn Thanh Tùng là con trai cả trong một gia đình có
hai anh em ở 83- ngõ 135 Đội Cấn- Ba Đình- Hà Nội.
Cất tiếng khóc chào đời trong niềm hân hoan của cả gia
đình như bao đứa trẻ khác, nhưng trớ trêu thay, một tai nạn về điện đã
cướp đi đôi tay của Tùng khi em chỉ vừa tròn 8 tuổi.
Mất đôi tay, Tùng phải nghỉ học giữa chừng. Cả nhà em
đau xót, bởi rồi đây mọi thứ sẽ đóng sập lại với em. Nghĩ thế nhưng không
ai dám nói nên lời.
Những lúc khó khăn trong sinh hoạt, đau đớn khi trái
gió trở trời, em chỉ biết ngây ngô hỏi mẹ: “Mẹ ơi! Tay con đâu?”.
Một ngày, Tùng lại gọi cha: “Bố ơi, con muốn đến trường!”.
Nghe con gọi, người cha lặng đi, vì đến trường Tùng làm sao học được khi
em không còn đôi tay để viết.
Không chùn bước, Tùng bắt đầu ngồi lì ở nhà hằng ngày
lấy bút, giấy tập viết bằng chân. Em tâm sự: “Có hôm, ngón chân kẹp bút
tóe máu, nhưng em vẫn cứ viết…”.
Và cuối cùng, những dòng chữ viết bằng chân cũng thẳng
hàng. Tùng trở lại trường học tiếp.
Sau đó, nhờ thông tin trên báo chí, một tổ chức nhân
đạo tại Mỹ biết đến tấm gương đầy nghị lực của Tùng nên đã mời em sang
phẫu thuật chỉnh hình, lắp tay giả miễn phí. Dù vậy, việc đi Mỹ cũng chỉ
“chỉnh hình”, chứ không thể phục hồi chức năng của đôi tay.
Càng lớn, Tùng càng ý thức được sự mất mát này. Tuy nhiên,
chưa bao giờ Tùng mặc cảm. Em tâm niệm: “Mất đôi tay không có nghĩa là
mất tất cả!”.
Vốn thông minh, lại được bố mẹ tạo điều kiện cùng với
sự nỗ lực của bản thân, giờ đây, mọi sinh hoạt Tùng đều tự lực được khá
dễ dàng. Sau bao ngày kiên trì luyện tập, đôi chân đã trở thành “đôi tay”
giúp em làm mọi việc: Từ ăn uống, sinh hoạt, học tập đều bằng chân.
Hơn nữa, Tùng còn đạt được những kết quả học tập mà những
người bình thường phải nể phục. Mười hai năm liền, em là học sinh khá,
giỏi. Mới học lớp 4, Tùng đã được bầu chọn là đại biểu danh dự của Hội
nghị Người tốt việc tốt do thành phố Hà Nội tổ chức.
Bước chân vào THPT, lập tức Tùng khẳng định mình với
giải học sinh giỏi tiếng Anh cấp quận. Lớp 11, Tùng là một trong số bạn
được nhận học bổng dành cho học sinh giỏi toàn quốc của Pháp Odor Valle.
Năm 2005 vừa qua, em vinh dự được Cty Bảo hiểm Nhân thọ Prudential trao
Học bổng hỗ trợ học sinh- sinh viên vượt lên số phận.
Đã 12 năm qua kể từ ngày tai nạn ấy xảy ra,
chưa bao giờ Tùng có cảm giác chán chường, tuyệt vọng.
Dù số phận không mỉm cười với em nhưng Nguyễn
Thanh Tùng đã tự mang lại cho cuộc sống bản thân và gia đình những
nụ cười của niềm tin, nghị lực và khát vọng vươn tới thành công.
|
Niềm đam mê tin học
Tùng bắt đầu tiếp xúc với máy vi tính từ những ngày sang
Mỹ chữa bệnh. Từ đó, “con chuột, bàn phím” đã trở thành những hình ảnh
vô cùng thú vị và hấp dẫn với em.
Dù bị tật cả hai tay, em vẫn nuôi mơ ước được sử dụng
máy tính thành thạo. Cùng với những giờ tin học bắt buộc ở trường, về
nhà, em tìm mọi cách tiếp cận sâu hơn với máy vi tính. Bằng đôi chân,
em tự mày mò nghiên cứu cách sử dụng máy, đánh văn bản, truy cập mạng,
lập trình trang web…
Nhìn những ngón chân của Tùng lướt trên bàn phím với
tốc độ nhanh không kém người đánh máy giỏi bằng tay, tôi thực sự cảm phục.
Ý chí và sự nỗ lực không mệt mỏi đã giúp em thi đỗ vào Trung tâm Đào tạo
Lập trình viên Quốc tế Aptech năm 2005 với số điểm khá cao.
Tuy nhiên, vì hoàn cảnh gia đình, ước mơ được đào tạo
bài bản để trở thành một lập trình viên giỏi của Tùng chỉ trở thành sự
thật vào tháng 7/2006, khi em được nhận Học bổng Hỗ trợ 99% học phí của
Trung tâm.
Từ bỏ con đường học đại học như bạn bè cùng trang lứa
bởi hoàn cảnh riêng của gia đình và bản thân mình, Tùng đang nỗ lực rất
nhiều cho cơ hội và niềm đam mê của mình. Một tuần bốn buổi, em phải nhờ
người đưa đón hoặc có hôm phải đi bộ đến trường.
Không còn đôi tay lại chưa có bàn máy tính riêng để em
ngồi điều khiển bằng chân, chương trình học căng thẳng, phải thường xuyên
thuyết trình và trải qua những kỳ thi tuyển gắt gao song Tùng đều vượt
qua.
Thỉnh thoảng, em vẫn cùng một nhóm bạn thiết kế những
trang web cá nhân; sắp xếp hoặc lắp ghép những phần rời rạc để tạo thành
những trang web hoàn chỉnh.
Hy vọng của Tùng là sau một năm học ở Aptech, em sẽ có
đủ điều kiện về sức khỏe cũng như kinh tế để tận dụng vốn kiến thức của
mình, trở thành một doanh nhân về công nghệ thông tin.
Linh Nga
(theo báo Tiền Phong) |