(Post 15/12/2006) “Chúng tôi xót xa thương
tiếc anh, một nhà khoa học tài hoa, một cán bộ lãnh đạo vững vàng, một
con người trung thực và thẳng thắn, một người bạn giàu tình cảm, một người
thầy mẫu mực với nhiều thế hệ trẻ, một đảng viên gương mẫu, một người
chồng, người cha, người ông hết lòng thương yêu gia đình”. GS Nguyễn Lân
Dũng
GSVS
Nguyễn Văn Đạo |
|
Có những sự thật mà không ai muốn tin là sự thật. Tôi
đang đi tiếp xúc cử tri trong Đắk Nông thì nhận được tin dữ. Anh đi bộ
mà bị xe máy đâm đến tử thương. Tôi không sao cầm được nước mắt. Thương
anh quá, thương chị Chi và các cháu quá.
Tôi có nhiều người bạn cùng trang lứa nhưng với anh
dù chỉ hơn tôi một tuổi, dù cùng học với nhau từ thời niên thiếu tại trường
Hùng Vương (Phú Thọ) và những năm học Đại học Sư phạm khoa học tại Việt
Nam học xá (1954-1956) nhưng tôi vẫn gọi anh là Anh xưng Tôi, vì tôi rất
kính trọng anh.
Anh học giỏi lắm. Đậu Tiến sĩ ở Đại học Tổng hợp Lomonosov
(Nga), Tiến sĩ khoa học ở Đại học Bách khoa (Varsava, Ba Lan). Anh là
Viện sĩ tới 4 Viện Hàn lâm khoa học (Thế giới thứ ba, Châu Âu, Tiệp Khắc,
Ukrain). Với 103 công trình và 12 sách tham khảo đã công bố trong và ngoài
nước ,anh là tấm gương sáng cho thế hệ chúng tôi. Giải thưởng Hồ Chí Minh,
các Huân chương Lao động Hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến Hạng Nhì và
nhiều phần thưởng cao quý khác là sự đánh giá cao của Đảng, Nhà nước và
nhân dân ta đối với anh.
Sâu đậm trong tôi là các hoạt động khoa học rất có hiệu
quả của anh. Sau những năm làm Chủ nhiệm Bộ môn Cơ học Lý thuyết ở Đại
học Bách khoa HN, anh được cử là Phó Viện trưởng kiêm Tổng thư ký Viện
Khoa học Việt Nam. Tuy ở cương vị lãnh đạo cao nhưng anh luôn là người
bạn thân mật không chỉ với loại cùng trang lứa như chúng tôi mà với cả
các nhà khoa học trẻ tuổi.
Một kỷ niệm không bao giờ quên là có lần anh hỏi tôi:
“Tại sao Lân Dũng chưa chịu đi Liên Xô lần nào nhỉ?”. Tôi thản nhiên trả
lời “Có ai cho đi đâu mà đi!” Chỉ nói vui thế thôi không ngờ anh làm ngay
quyết định cho tôi đi khảo sát Nga và mấy nước Cộng hòa khác ở Liên Xô
thời ấy. Tôi quá ngạc nhiên vì tôi đâu có công tác ở Viện khoa học của
anh. Từ đó tôi có thêm quan hệ với rất nhiều nhà Vi sinh vật học nổi tiếng
của đất nước Xô Viết.
Anh làm Chủ tịch Hội đồng Khoa học tự nhiên của Bộ Khoa
học và Công nghệ từ năm 1996. Lại một lần anh rủ tôi đi khảo sát tình
hình nghiên cứu khoa học cơ bản của Trung Quốc, chỉ bằng một câu nói thân
mật: “Dũng thạo tiếng Trung Quốc, vừa đi khảo sát về Công nghệ Sinh học
vừa làm phiên dịch luôn cho mình tại những nơi họ không nói tiếng Anh”
.
Với bao nhiêu cán bộ khác chắc cũng có rất nhiều kỷ
niệm như thế. Đáng ghi nhớ nhất là không có anh thì làm sao có được Đại
học Quốc gia Hà Nội hoành tráng và rộng quyền tự chủ như ngày hôm nay.
Anh đã dồn hết cố gắng để làm công việc khó nhất là vừa thành lập được
cơ sở đào tạo đa ngành, đa chức năng với sự đầu tư cao của Nhà nước, vừa
kiên trì kiến nghị với các cấp cao nhất để cho có được một cơ chế tự chủ
đặc biệt để có thể nhanh chóng phát triển. Công lao ấy là không ai dễ
gì làm nổi và mãi mãi về sau sẽ gắn liền với lịch sử của trường Đại học
hàng đầu đất nước này.
Cho đến khi nghỉ quản lý anh vẫn được suy tôn làm Chủ
tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội từ năm 2001
đến nay. Anh là Ủy viên Đoàn Chủ tịch của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Hòa bình thế giới, Phó chủ tịch Ủy ban
Quốc gia UNESCO Việt Nam và nhiều trọng trách quan trọng khác. Tuy vậy
anh vẫn gắn liền với nghiên cứu khoa học.
Anh làm Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam, đại diện của Việt
Nam trong Hiệp hội Cơ học quốc tế. Anh còn là tác giả của nhiều cuốn sách
chuyên sâu viết bằng tiếng Anh có mặt tại các thư viện trên thế giới.
Anh không chỉ làm Tổng biên tập Tạp chí Cơ học của nước
ta mà còn là Ủy viên Ban biên tập Tạp chí quốc tế về Cơ học và Tự động
hóa. Anh say mê với việc cùng các thành viên trong Hội Cơ học quyết tâm
làm ra chiếc máy bay loại nhỏ với hy vọng xây dựng cả một ngành công nghiệp
xuất khẩu máy bay gia đình. Khi chiếc máy bay đầu tiên bay thử thành công
anh gọi điện cho tôi và tỏ ra vui mừng khôn xiết.
Anh là thành viên xét học hàm GS,PGS của Nhà nước. Nhiều
lần anh tâm sự với tôi về chuyện sắp đến lúc xét duyệt là có đơn thư này
nọ. Anh kiên quyết đề nghị cứ xét theo các tiêu chuẩn như bình thường,
sau đó mới điều tra thực hư theo các đơn thư. Thực tế là anh đã làm đúng
vì nhiều đơn thư thiếu trung thực và không trong sáng.
Năm 2002 trước yêu cầu vận động 3-4 triệu kiều bào ta
ở nước ngoài Nhà nước chủ trương thành lập Hội liên lạc với người Việt
Nam ở nước ngoài (thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam). Ban vận động
suy tôn anh làm Chủ tịch Hội dù biết là anh rất bận, nhưng với uy tín
như anh thì mới làm nổi trọng trách này. Anh suy nghĩ và tâm sự với tôi:
“Nếu mọi người đồng lòng giúp tôi thì tôi mới nhận lời!”.
Đau xót quá, mấy tháng nay anh và chúng tôi tất bật
chuẩn bị Đại hội lần thứ hai của Hội, định tổ chức trước Tết Nguyên đán.
Anh lo lắng từ từng việc nhỏ nhất để phân công cho ai lo liệu. Anh nhận
phần khó nhất là Phương hướng công tác và Nhân sự. Chúng tôi rất yên tâm
sẽ có một Đại hội với ý nghĩa trọng đại của thời kỳ Hậu WTO, thời kỳ Hội
nhập kinh tế thế giới. Vậy mà anh bất ngờ bỏ chúng tôi ra đi.
Mới cách đây một tuần anh cử tôi viết thư cho Bộ trưởng
Nguyễn Thiện Nhân đề nghị thu xếp thời gian để ngồi thảo luận với 5 giáo
sư đã có nửa thế kỷ đứng lớp nhằm thật sự giúp Bộ trưởng tháo gỡ các khó
khăn rất lớn hiện nay trong giáo dục. Bộ trưởng chưa kịp trả lời thì anh
đã không còn cơ hội để dốc hết nhiệt tình ra đóng góp cho công việc quan
trọng này.
Vào dịp Tết Nguyên Đán anh thường rủ chúng tôi mang
hoa đến thăm các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Tôi nhận thấy đồng
chí nào cũng tỏ ra yêu mến và tin tưởng ở nhà khoa học đầy uy tín này.
Ngay với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, dù tuổi đã rất cao nhưng chưa lần nào
anh xin phép để đưa bà con Việt kiều đến thăm hỏi mà Đại tướng từ chối.
Chúng tôi oán hận người đi xe máy bất cẩn đã gây nên
điều có thể coi là một tội ác rất nghiêm trọng này. Chúng tôi xót xa thương
tiếc anh, một nhà khoa học tài hoa, một cán bộ lãnh đạo vững vàng, một
con người trung thực và thẳng thắn, một người bạn giàu tình cảm, một người
thầy mẫu mực với nhiều thế hệ trẻ, một đảng viên gương mẫu, một người
chồng, người cha, người ông hết lòng thương yêu gia đình.
Anh ra đi quá sớm khi đất nước đang rất cần những người
như anh, khi anh đang sung sức đảm nhiệm các trọng trách và ở cương vị
nào anh cũng hoàn thành một cách xuất sắc.
Chúng tôi sẽ mãi mãi nhớ về anh và trong cương vị mỗi
người chúng tôi sẽ cố gắng noi gương anh để làm tiếp những công việc mà
anh đang mong muốn làm tốt hơn trong giai đoạn lịch sử đầy cơ hội lớn
lao này.
GS Nguyễn Lân Dũng (12/2006)
(theo VietNamNet) |