Một thời để nhớ - Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Viện CNTT: Hồi ức về những chiếc máy vi tính đầu tiên của Việt Nam - Phần I  
 

(Post 28/03/2007) LTS: Cách đây khoảng 30 năm, Việt Nam đã từng thiết kế, chế tạo thành công máy vi tính với đầy đủ các bộ phận riêng biệt và rồi đã từng đưa vào ứng dụng. Nghĩa là nó đã được vận hành thực sự trong cuộc sống chứ không phải chỉ tồn tại ở phòng thí nghiệm. Nơi đã làm nên kỳ tích này chính là Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển – nay là Viện Công nghệ Thông tin - vừa kỷ niệm 30 năm thành lập (27/12/1976 – 27/12/2006). Nhân dịp Xuân Đinh Hợi 2007, Tạp chí Tin học & Đời sống xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc Hồi ức về những chiếc máy vi tính đầu tiên của Việt Nam qua bài viết của TS Nguyễn Chí Công – một trong những tác giả của loạt máy này…

Chiếc máy vi tính đầu tiên của Việt Nam (Photo: Nguyễn Chí Công, 1977)

Kỳ I: VT80 - chiếc máy vi tính đầu tiên của Việt Nam

Nhận được điện mời từ Ban Lãnh đạo Viện CNTT, ngày 27-12-2006, tôi về Nghĩa Đô, Hà Nội, dự lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Viện và tham gia một Hội nghị khoa học kéo dài sang tận hôm sau. Thật xúc động được trở lại nơi gắn bó tuổi xanh của mình, gặp gỡ hàn huyên với bạn bè đồng nghiệp khi tóc đã điểm sương! Tiếc rằng các anh chị Trần Thành Trai, Nguyễn Văn Gấm, Ngô Thu Nguyệt... ở xa không về được, còn các anh Nguyễn Thúc Loan, Trần Lợi Chung thì đã khuất bóng. Những người khác hầu như đều có mặt đông đủ: từ lớp tiền bối như các anh Phan Đình Diệu, Nguyễn Ngọc Hoàng, Trịnh Quang Khuynh, Nguyễn Lãm, Nguyễn Liệu, Lê Thiện Phố, Hồ Thuần... đến các kỹ sư, kỹ thuật viên trung cấp, sơ cấp, phụ việc mà tôi vẫn nhớ tên, rồi các thế hệ đến sau, tất cả đều tay bắt mặt mừng, từng nhóm chuyện trò không muốn dứt. Trong không khí đầy ắp kỷ niệm, anh Trần Tất Hợp - nay là nhà báo – có đề nghị tôi ghi lại một vài mẩu chuyện xưa. Từ chối chẳng đừng khi hội ngộ, tôi đành nhận lời nhớ đâu kể đấy về “cái thủa ban đầu lưu luyến ấy”, nếu lan man hoặc quên sót mong được bổ sung và lượng thứ.

Câu chuyện tiếp theo khá ly kỳ, có cả một số nhân vật lịch sử của dân tộc. Riêng Viện cũng ghi những trang sử của mình, gắn cùng đất nước vừa thống nhất sau 30 năm đổ máu, rồi bị cấm vận và vướng vào hai cuộc chiến mới. Ai đã từng sống trong giai đoạn bi tráng ấy thì dễ hiểu vì sao chúng tôi vượt qua được những lúc tối, lúc sáng của số phận…

Một phần trụ sở dưới chân "Đồi Thông": 3 phòng bên phải của Phòng Kỹ thuật tính toán (thuộc Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển), 4 phòng kia của Viện Cơ học (Photo: Nguyễn Chí Công 1977)

KHỞI THỦY

Cuối 1976, Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển ra đời như một thành viên của Viện KH Việt Nam (sau đổi tên là Viện KH và Công nghệ VN). Lúc đó, anh chị em trong Viện đa số rất trẻ, chủ yếu lấy từ Phòng Máy tính và Ban Điều khiển học, hai đơn vị thuộc Uỷ ban KH và Kỹ thuật Nhà nước (tiền thân của Bộ KH và Công nghệ hiện nay); viện trưởng là TSKH Phan Đình Diệu, 40 tuổi; phòng Kỹ thuật tính toán của chúng tôi thì do TS Trần Văn Tiễu phụ trách.

Viện có trụ sở ban đầu chung với Viện Cơ học, toạ lạc ở khu ao hồ Liễu Giai, Hà Nội. Nó gồm mấy dãy nhà cấp 4 lợp ngói, xếp thành hình chữ E và một căn hầm chứa máy tính Odra 1304 nằm trong lòng “Đồi Thông”, ngụy trang dưới bóng phi lao xanh tốt quanh năm. Xung quanh Viện là các vườn quả và ruộng hoa tươi đẹp. Hướng Nam có khách sạn La Thành ở phố Đội Cấn, hướng Bắc là rặng xà cừ trên đường Hoàng Hoa Thám. Mỗi mùa mưa, cả hai ngõ thông ra những phố đó đều lầy lội, xe đạp rất khó đi. Phía Tây có 4 ụ pháo phòng không, xa xa phía Đông là làng hoa Ngọc Hà, nơi một máy bay ném bom B52 của Mỹ bị bắn rơi vào tháng 12-1972. Cảnh thơ ấy nay đã phải nhường chỗ cho những ngôi nhà bê tông chen chúc, lởm chởm.

Các anh Phan Đình Diệu và Alain Teissonnière (Photo: Nguyễn Chí Công 1977)

CƠ HỘI LỚN

Mới hoạt động, chúng tôi đã gặp may. Cuối 1977, anh Phan Đình Diệu mời được Alain Teissonnière và Hoàng Thành Đào, hai chuyên gia Pháp, sang làm việc. Anh Alain dành nhiều buổi sáng để thuyết trình về Vi xử lý (Microprocessing), một khái niệm ngày ấy còn mới lạ đối với cả thế giới, cho nên có tới 54 người từ 7 trường, viện khác nhau tham dự, mặc dù hầu hết còn chưa tin điều Alain tiên đoán rằng các bộ vi xử lý (Microprocessors) sẽ là những viên gạch thông minh có mặt khắp nơi, thay cho những máy tính kềnh càng. Các buổi chiều, hơn 10 kỹ sư chúng tôi thực hành với anh Alain, còn anh Đào, KS điều khiển học, thì đến với nhóm anh Nguyễn Quang A ở Học viện Kỹ thuật Quân sự. Anh Đào còn gặp tôi nhiều lần trong mấy năm sau, trước khi bị mất sớm vì bạo bệnh. Nhanh chóng thân nhau, tôi học được ở anh tinh thần cần cù và yêu nước của một người con dân tộc Thái. Mong anh dưới suối vàng vui lên vì nền tin học nước ta ngày nay đã tiến xa, một phần cũng do được anh khai phá.

Là một chuyên gia kỹ thuật có tài sư phạm, anh Alain đặc biệt thẳng thắn và cởi mở, đồng thời cũng rất khiêm tốn và giản dị. Anh Diệu cho biết Alain mỗi tuần chỉ lao động 3 ngày cho mình và dành tới 4 ngày cho Việt Nam. Alain đã cẩn thận chuẩn bị từ lâu chuyến đi tiên phong này - mà để đến đích thì cần gấp ba thời gian bay Paris-Hà Nội bây giờ vì bắt buộc phải vòng vèo qua Liên Xô cũ - rồi anh lại bỏ ra hơn hai tháng làm việc không lương với Viện. Nhờ bài giảng dễ hiểu và sự hướng dẫn tận tình của anh, chúng tôi đã nhanh chóng làm chủ công nghệ mới và chế tạo thành công chiếc máy vi tính đầu tiên trên đất Việt, bằng những vật tư và tài liệu do anh gom góp tiền túi để mua, phần lớn của Mỹ nên ngày ấy vô cùng hiếm, đắt.

Thời bao cấp ở Hà Nội, nhân dân sống cực kỳ khó khăn, ăn mặc giới hạn bởi tem phiếu, có xe đạp đã là khá giả...; may sao con người nói chung rất tốt và đi đường khó bị tai nạn giao thông... Từ phương Tây đến, Alain lại gặp những nỗi khổ khác. Chỉ nhìn ánh mắt anh đau xót khi mở xem cặp lồng cơm lèo tèo rau, lạc của chúng tôi là đủ hiểu. Khi rời Hà Nội, Alain đã sụt mất 4 cân vì thao thức. Đáng sợ hơn hàng rào ngôn ngữ hoặc điều kiện vệ sinh, lại còn sự thật là rất ít ai dám tiếp chuyện “Tây” ở ngoài cơ quan và khách sạn, như thế khác gì giam lỏng. Thậm chí thấy Alain cư xử quá tốt, có kẻ còn nghi ngờ là CIA, làm chúng tôi càng khốn khổ. Việc này còn tiếp tục một cách dở mếu dở cười như thế, kể cả khi anh đã trở thành Tổng Thư ký UB vì sự hợp tác KH và Kỹ thuật với Việt Nam (CCSTV – Comité pour la Coopération Scientifique et Technique avec le Vietnam), một đối tác phương Tây quan trọng trong nhiều năm của UB KH và KT Nhà nước. Sau hàng chục năm dài biểu tình chống Mỹ, Alain đã cùng CCSTV đi tới cuộc gặp gỡ lịch sử vào đầu năm 1977 tại Paris với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Hành động thực tiễn đầu tiên của anh là gửi thư đến UB KH và KT Nhà nước để tìm một cơ quan khoa học có khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ vi xử lý vào Việt Nam. Đáp lại lá thư này là quyết định đồng ý hợp tác và lời mời Alain của anh Diệu, người đã trúng cử vắng mặt vào Quốc hội CH XHCN VN trong khi sang Paris tiếp xúc giới tin học Pháp ...

Đối thoại về hợp tác khoa học và kỹ thuật Pháp-Việt tại Paris: cố Chủ tịch CCSTV Henri Van Regemorter ngồi bên phải cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nguyên Tổng Thư ký CCSTV Yvonne Capdeville phát biểu, anh Alain đứng cạnh gương (Photo CCSTV 1977)

KẾT QUẢ ĐẦU TIÊN

Chiếc máy vi tính này sử dụng bộ vi xử lý Intel 8080A, vì vậy có tên là VT80. Nó được xây dựng theo thiết kế với kỹ thuật quấn dây điện nối các chân cắm vi mạch điện tử (chip) do anh Alain mang sang, vì chưa thể làm được mạch in ở Việt Nam lúc ấy và cũng không được phép hàn trực tiếp vào các chip. VT80 bao gồm bìa xử lý trung ương (CPU card), các bìa nhớ (RAM/ROM cards) và ghép nối vào/ra dữ liệu (I/O cards) cùng các thứ lỉnh kỉnh khác, từ bảng hiển thị-điều khiển đến vỏ máy, nguồn điện. Những người xây dựng là Nguyễn Gia Hiểu, Nguyễn Chí Công, Huỳnh Thúc Cước, Nguyễn Trung Đồng, Đặng Văn Đức, Phí Mạnh Lợi, Nghiêm Mỹ, Phạm Quang Oai, Nguyễn Văn Tam, Phan Minh Tân, Đỗ Đình Phú, Trần Bá Thái, Lê Võ Bạch Thông, Nguyễn Chí Thức, Bùi Xuân Vinh. Giá như phòng không chật chội thì một số anh em khác cũng muốn trực tiếp tham gia.

Thời gian nghiên cứu, lắp ráp, thử nghiệm, căn chỉnh đều rất ngắn; điện thì không ổn định, có thể bị cắt bất kỳ lúc nào, chúng tôi lại chưa từng được sờ đến những chip hiện đại như thế, chỉ sợ hỏng do tĩnh điện hoặc sốc điện. Mặt khác, phải thực hiện mấy bìa nhớ mới được vỏn vẹn vài chục kilobyte (vâng, tối đa 64 kB !!) vì ngày đó không có chip nhớ động mà mỗi chip nhớ tĩnh chỉ chứa mấy trăm bit. Anh Alain chưa đủ tiền mua bàn phím và màn hình, cho nên chúng tôi phải thực hiện việc nhập vào từng bit thông tin bằng các công tắc và hiển thị chúng bằng các diode phát quang. Hệ phát triển cũng chưa có, phải dịch thủ công chương trình điều khiển rồi nạp trực tiếp thông tin trên mấy nghìn diode mắt muỗi và điện trở. Lập trình và sửa lỗi còn tiêu mất nhiều thời gian nữa vì phải dùng ngôn ngữ Asembly và mã máy, lại chẳng có máy in nào để giúp cho mắt đọc, tay viết. Tuy nhiên tất cả vẫn thường xuyên tươi cười, quên đi mọi nhọc nhằn...

Phần lớn các tác giả của VT80 (Photo: Nguyễn Chí Công 1977)

Thời gian vùn vụt trôi và cuối cùng thì mừng ơi là mừng, máy ta chạy được thật. Nghe nói Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Thủ tướng phụ trách KHKT cũng quan tâm. Một kế hoạch hợp tác lâu dài lập tức được thoả thuận giữa lãnh đạo Viện và CCSTV. Rồi chúng tôi bồi hồi lưu luyến tiễn đưa những người thày đầu tiên về nước với lòng biết ơn vô hạn. Trong hoàn cảnh khó khăn như thế, các anh đã thổi bùng ngọn lửa nhiệt tình và lòng tự tin của tuổi trẻ chúng tôi, những con người dám vươn tới tương lai. Các bạn trẻ đừng lạ khi VT80 chỉ chạy ở tần số... 2MHz (!). Một tháng sau, tôi thi đỗ tiếng Pháp và được chọn đi thực tập, nhờ vậy mới biết VT80 có tính năng không hề kém mà thậm chí kích thước còn nhỏ gọn hơn chiếc máy vi tính Mỹ đầu tiên đã đi vào lịch sử thế giới năm 1975 (ALTAIR 8800). Nhưng nếu đem cả hai đi ứng dụng có lẽ chưa thích hợp bằng dùng để nghiên cứu, và muốn ứng dụng thật sự thì còn phải mất nhiều công sức nữa cùng các anh em Phòng Lập trình, như kỳ sau sẽ kể tiếp.

Nguyễn Chí Công
(theo Tạp chí Tin học & Đời sống)


 
 

 
     
 
Văn hóa - Giáo dục khác:


Tư duy mới cho nguồn nhân lực CNTT"Hãy suy nghĩ khác biệt vì đó chính là sự sáng tạo"
Chuyên đề Kế Hoạch Cuộc Đời - Bài 3: Những người trẻ sống bằng kế hoạch của người khácChuyên đề Kế Hoạch Cuộc Đời - Bài 2: Những kế hoạch gây "sốc
Chuyên đề Kế Hoạch Cuộc Đời - Bài 1: Kế hoạch cuộc đờiGhi chép ở Mỹ: Trường và đời sau cổng ĐH - Kỳ IV
  Xem tiếp    
 
Lịch khai giảng của hệ thống
 
Ngày
Giờ
T.Tâm
TP Hồ Chí Minh
Hà Nội
 
   
New ADSE - Nhấn vào để xem chi tiết
Mừng Sinh Nhật Lần Thứ 20 FPT-APTECH
Nhấn vào để xem chi tiết
Bảng Vàng Thành Tích Sinh Viên FPT APTECH - Nhấn vào để xem chi tiết
Cập nhật công nghệ miễn phí cho tất cả cựu sinh viên APTECH toàn quốc
Tiết Thực Vì Cộng Đồng
Hội Thảo CNTT
Những khoảnh khắc không phai của Thầy Trò FPT-APTECH Ngày 20-11