(Post 23/04/2007) Kể từ khi trở thành người đứng đầu Chính phủ đến nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hai lần trực tiếp về làm việc với Ban quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Tây). Điều đó cho thấy, sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng đối với Khu công nghệ cao này. Và dự kiến trong tháng 4/2007 sẽ làm lễ động thổ khởi công xây dựng trường Đại học FPT tại đây. Quy hoach mặt bằng đại học FPT giai đoạn 1 tại khu công nghệ cao Hòa Lạc | |
Còn nhớ, lần làm việc thứ nhất (tháng 8/2005) của Thủ tướng với Khu công nghệ cao (KCNC) Hòa Lạc, việc tìm nhân sự lãnh đạo KCNC Hòa Lạc đã trở thành một trong những chủ đề “nóng”, vì vị trí Trưởng ban đã bị bỏ trống từ đầu năm 2005 do GS Chu Hảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ kiêm Trưởng Ban quản lý KCNC Hòa Lạc đã nghỉ hưu. Đến lần làm việc thứ hai của Thủ tướng vào cuối tháng Ba vừa qua, KCNC Hòa Lạc đã có Trưởng ban là ông Nguyễn Văn Lạng, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc. Quyết định số 1293/QĐ-TT của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Trưởng ban KCNC Hòa Lạc cho ông Nguyễn Văn Lạng đã được Bộ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ Hoàng Văn Phong công bố và trao vào ngày 10/10/2006. Sáu tháng sau khi quyết định trên được trao, Tiền phong đã có cuộc gặp gỡ với ông Nguyễn Văn Lạng, ông Lạng nói: Ông Nguyễn Văn Lạng | |
Ngay đầu tuần này, tôi vừa tiếp một nhà đầu tư với dự án 7 triệu USD, chỉ trong vòng 30 phút là Ban quản lý đã nói “ok” với giấy phép cho nhà đầu tư này. Tôi nghĩ, cuối cùng khi cơ chế như nhau thì cạnh tranh phải bằng sự thân thiện của nền hành chính. |
Việc xây dựng các khu công nghệ cao đã được tiến hành lâu nay ở nhiều nước trên thế giới, ngay như nước láng giềng Trung Quốc như tôi biết, có khoảng 53 khu công nghệ cao. Có nhiều cách làm khu công nghệ cao khác nhau, nhưng nhìn chung các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ... đều thành công với cách làm của mình. Để trả lời câu hỏi vì sao Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hết sức quan tâm và chỉ đạo rất quyết liệt đối với việc xây dựng và phát triển KCNC Hòa Lạc, xin đơn cử một vài số liệu sau: Một trong những khu công nghệ cao của Đài Loan (có diện tích 655 ha, tổng vốn đầu tư là 35 tỷ USD, 113 nghìn lao động kỹ thuật), riêng năm 2005 khu này làm ra 30,7 tỷ USD. Chúng ta biết rằng, toàn tỉnh Đồng Nai với hơn 20 khu công nghiệp, gần 630 dự án đã đầu tư, khoảng 67% diện tích đã được lấp đầy, có nơi lấp đầy đến 98%, có 223 nghìn lao động, nhưng cũng chỉ tạo ra chưa đến 5 tỷ USD (thời điểm năm 2005 là 3,8 tỷ USD). Cùng là ở Việt Nam, như dự án công nghệ cao của Intel mới khởi công cuối tháng 3 vừa qua, diện tích có 46 ha, dự kiến đến giữa năm 2009 sẽ chính thức đi vào hoạt động, thu nhận khoảng 4.000 lao động, và đạt mức doanh thu bình quân mỗi năm là 5 tỷ USD. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta nên bỏ hết các công nghiệp khác để đi làm công nghệ cao. Nhưng rõ ràng so với những ngành công nghiệp khác, giá trị gia tăng của công nghệ cao là rất lớn. Đó là điều cần suy nghĩ. Sáu việc “cần làm ngay” Làm công nghệ cao hấp dẫn như vậy, nhưng tại sao được hình thành ý tưởng từ năm 1992, nhưng mãi đến ngày 5/10/2005 thì KCNC Hòa Lạc mới mở cửa đón dự án nước ngoài đầu tiên, và hiện tại đa số các hạng mục của dự án vẫn dang dở? Ý tưởng về KCNC Hòa Lạc đã có từ thời của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đến năm 1996, dự án bắt đầu hình thành và sang năm 1998 thì JiCA Nhật Bản bắt đầu báo cáo khả thi quy hoạch chung 1.650 ha của toàn bộ dự án. Bản đồ quy hoạch sử dụng đất 800 ha của khu công nghệ cao Hòa Lạc | |
Nhưng thực sự việc xây dựng và phát triển KCNC này là rất khó, đã có nhiều phân tích về vấn đề này, tôi xin nói gọn các nguyên nhân như sau: - Thứ nhất, do chúng ta chưa có mô hình, chưa có kinh nghiệm trong việc xây dựng một KCNC; - Thứ hai, chưa có cơ chế chính sách cụ thể đối với một KCNC, mãi đến năm 2003 chúng ta mới có một Nghị định đề cập đến KCNC, đây được xem là hành lang pháp lý đầu tiên; - Thứ ba, do một số khâu tổ chức chưa tốt nên không giải phóng được mặt bằng, hoặc giải phóng rất chậm, dẫn đến mức độ đầu tư hạ tầng rất thấp, đến nay mới làm được khoảng hơn 8 km đường và vài công trình rất nhỏ bé không đáng kể. Tổng chi phí đầu tư cho KCNC Hòa Lạc đến nay mới đạt khoảng 216 tỷ đồng kể cả giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, thời gian gần đây cùng với sự quan tâm của Thủ tướng thì KCNC Hoà Lạc đang được khởi động lại và hứa hẹn một diện mạo mới trong thời gian tới. “1 cửa, 1 dấu, 1 chữ ký, 1 ngày” Chúng tôi đang nỗ lực để có cách làm khác trước đây trong việc kêu gọi đầu tư, tinh thần là mọi việc phải được thực hiện cụ thể hơn, tránh hình thức, tránh kiểu tổ chức hội nghị rồi phát biểu này khác. Chúng tôi sẽ chủ động lên danh sách các nhà đầu tư tiềm năng, tiếp cận họ và trực tiếp đưa ra lời mời. Bên cạnh các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước có công nghệ cao cũng sẽ là “thượng đế” của chúng tôi. Ngay tuần trước, tôi đã ký giấy phép cho Viện Công nghệ Vũ trụ vào KCNC Hòa Lạc, đây là cơ quan thường trực thực hiện các dự án, đề án về công nghệ vũ trụ Việt Nam, Viện Vệ sinh dịch tễ Hà Nội cũng có dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu y - sinh học quốc tế tại Hòa Lạc... Đặc biệt, chúng tôi đã ký thỏa thuận đầu tư với Cty FPT xây dựng Khu công viên phần mềm FPT và Trường Đại học Tư thục FPT về công nghệ thông tin. Một việc quan trọng chúng tôi đang tiến hành là cơ cấu lại bộ máy, ban hành Quy chế làm việc. Việc này được triển khai từ đầu tháng Tư này, bộ máy từ 7 phòng rút xuống còn 4 phòng, phòng quan trọng nhất sẽ là phòng hỗ trợ đầu tư. Chúng tôi phấn đấu trong 1 đến 3 ngày có thể cấp phép được cho các nhà đầu tư, nghĩa là khi các nhà đầu tư đến đây, chỉ cần điền vào 3 loại giấy tờ cần thiết, sau đó cấp phép ngay. Trừ những dự án phức tạp, còn lại tinh thần là cấp phép với “1 cửa, 1 dấu, 1 chữ ký, 1 ngày”. |
Để “khoác áo mới” cho KCNC Hòa Lạc, ông và các cộng sự đang làm gì? Chúng tôi đang tập trung làm 6 việc. - Thứ nhất, giải phóng mặt bằng, dự kiến đến quý II sang năm, phải “giải phóng” xong diện tích 800 ha trong giai đoạn 1 của dự án. - Thứ hai, điều chỉnh lại quy hoạch chung, vì quy hoạch trước đây đã không còn phù hợp do nhiều thông số đã thay đổi. - Chúng tôi đã đề nghị Thủ tướng cho JICA Nhật Bản tiếp tục làm việc này và khoảng trung tuần tháng 4 này JiCA sẽ bắt tay vào việc. Việc này sẽ hoàn tất vào cuối năm. - Thứ ba, làm quy hoạch chi tiết 800 ha của giai đoạn 1, bao gồm các khu công nghiệp, công viên phần mềm, đô thị, dịch vụ, nghiên cứu triển khai, trường đại học… - Thứ tư, là đẩy mạnh xây dựng hạ tầng bằng nguồn ngân sách của Nhà nước, tập trung vào hạ tầng các khu công nghiệp, khu phần mềm để có thể kêu gọi đầu tư và triển khai ngay các dự án. - Thứ năm, kêu gọi xúc tiến đầu tư. - Thứ sáu, tổ chức lại bộ máy và lề lối làm việc của Ban quản lý. 5 năm nữa dự án sẽ hoàn tất Ông vừa nói đến sự cạnh tranh, giới chuyên môn cho rằng, tương lai KCNC Hoà Lạc sẽ không những phải cạnh tranh với KCNC của TPHCM, mà với cả các khu công nghiệp bình thường khác. Bởi vì các nhà đầu tư hoàn toàn có thể đặt một nhà máy công nghệ cao tại một khu công nghiệp nào đó ở Bắc Ninh, hay Bình Dương, như cách Canon đã làm? Điểm khác của chúng tôi là đang hướng mạnh đến việc trở thành một đô thị khoa học, có công nghiệp, có dịch vụ, có viện nghiên cứu, có trường đại học, có khu đô thị, có cả sân golf 18 lỗ..., chứ không chỉ là một khu công nghiệp thuần tuý. Nhà đầu tư đến với KCNC Hòa Lạc, trong tương lai sẽ có tất cả những cơ sở nêu trên, còn ngay trước mắt là nhiều cơ chế ưu đãi và sự thân thiện như tôi đã nói. Như vậy là Hòa Lạc đang mang trong mình “giấc mơ” trở thành đô thị khoa học. Liệu bao giờ “giấc mơ” sẽ trở thành sự thật, thưa ông? Thủ tướng đã quyết định và chúng tôi quyết tâm thực hiện, đó là đến hết năm 2009 sẽ cơ bản làm xong 800 ha của giai đoạn 1 của dự án. Với tiến độ như hiện nay, trong vòng 5 năm nữa toàn bộ dự án sẽ hoàn tất và về cơ bản Hòa Lạc sẽ có những nền móng đầu tiên cho việc trở thành đô thị khoa học. 6 tháng kể từ khi tôi về làm việc tại KCNC Hòa Lạc, đã có 200 nhà đầu tư khác nhau đến tìm hiểu về KCNC này, dĩ nhiên không phải tất cả các nhà đầu tư đến sẽ quay lại, nhưng dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ có 4 đến 5 nhà đầu tư sẽ bắt đầu triển khai các dự án của họ. Cũng cần nói rằng, vấn đề khó nhất hiện nay với chúng tôi vẫn là giải phóng mặt bằng. Khi hạ tầng chưa hoàn thiện, chúng ta kêu gọi các nhà đầu tư vào quá nhiều e sẽ phản tác dụng. Cảm ơn ông! Lê Vũ - Võ Văn Thành thực hiện (theo báo Tiền Phong) |