(Post 17/07/2008) Đó là nhận định của tuần
báo Mercury News (Mỹ) trong số ra cuối tháng 6.2008 về tình hình phát
triển CNTT và internet tại Việt Nam.
Động lực của internet
Một nhóm người Mỹ gốc Việt trẻ tuổi ngồi vắt vẻo trên
ghế trong quán cafe Highlands, bên những ly sôđa và bánh sandwich, họ
trao đổi công việc trong một không khí thoải mái. Đó là cảnh ngày càng
phổ biến tại VN trong thời đại "Việt Nam 2.0" hiện nay.
"Chúng tôi đang nỗ lực tạo ra một thung lũng
Silicon ở đây, nơi chúng tôi có thể ăn mặc thoải mái và làm việc từ xa",
Don Phan, một Việt kiều Mỹ, cho biết. Don rời Mỹ vài tháng trước để về
VN mở một trung tâm nghiên cứu và phát triển cho Công ty TechFox của anh
ngay tại căn hộ của anh ở VN.
Hiện gần ¼ dân số VN (khoảng 20 triệu người) đã nối mạng,
so với con số 500 nghìn của 8 năm về trước. Quỹ đầu tư IDG dự đoán sẽ
có ít nhất 36 triệu người VN sử dụng internet trong vòng chưa đầy 2 năm
tới. Năm 2009, VN sẽ bắt đầu triển khai công nghệ WiMax.
Internet bùng nổ thu hút mạnh mẽ những người như Don
về VN để tìm kiếm cơ hội làm ăn. Những "ông lớn" như eBay, Yahoo!
và Google cũng bày tỏ sự quan tâm rất lớn. Sức hấp dẫn còn đến từ cộng
đồng internet trẻ trung, năng động. "So với các nước đang phát
triển trên thế giới, VN có mật độ sử dụng Internet cao nhất; một trong
các lý do là dân số trẻ với độ tuổi trung bình là 24", Bryan
Pelz, Giám đốc điều hành của VinaGame nhận định.
Các đại gia ở thung lũng Silicon dù còn thăm dò thị trường
VN nhưng đã có những động thái tích cực. Ebay bắt tay với chodientu.vn
xúc tiến thương mại điện tử ở VN. Yahoo! có một văn phòng đại diện, với
đội ngũ nhân viên người Việt và triển khai một loạt các đại lý quảng cáo
trực tuyến tại VN.
Không ít khó khăn
Còn không ít khó khăn trong việc tiếp cận và phát triển
thị trường VN. Một trong số đó là sự thiếu hụt lực lượng lao động có trình
độ về công nghệ, nên các công ty phải thuê một loạt các sinh viên VN không
hề có kinh nghiệm về internet.
Theo các DN, chính phủ VN chưa làm đủ để nâng cao trình
độ sử dụng internet của lực lượng lao động, chưa tạo ra các chính sách
hấp dẫn DN như của Singapore, Trung Quốc và Đài Loan. Tại VN, những DN
khởi nghiệp phải vượt qua tới 7 cấp thủ tục hành chính để xin giấy phép.
Bên cạnh đó, thương mại điện tử và thị trường quảng cáo trực tuyến của
VN chưa đủ lớn.
Tuy nhiên, thị trường internet ở VN vẫn tràn trề sức
hấp dẫn với các DN nước ngoài. Việt kiều Esther Nguyễn vừa chuyển từ Mỹ
về TP.HCM để triển khai website tải nhạc trực tuyến pops.vn, nhận định:
"VN đang háo hức thay đổi. Thay đổi với một tốc độ triển khai
nhanh chóng - đó là khoảnh khắc mà chúng ta không bao giờ nhìn thấy lần
thứ hai trong đời".
(theo Uyên Minh - báo Lao Động) |