(Post 08/11/2008) Để các ĐH có thể nhanh chóng
và linh hoạt tranh thủ được cơ hội, cần sớm để cho các ĐH trở thành những
pháp nhân độc lập, có quyền tự chủ cao... - Giáo sư (GS) Phạm Phụ.
GS Phạm
Phụ |
|
Thưa GS, đã hơn 4 năm thực hiện giao quyền tự chủ
cho các trường ĐH, nhưng các trường vẫn cho rằng, chưa được tự chủ bởi
thiếu cơ chế và những hướng dẫn cụ thể. Là người theo sát quá trình đổi
mới GDĐH Việt Nam, có nhiều quan tâm đến chủ đề quản trị ĐH, GS bình luận
gì về những ý kiến này?
- Nghị quyết 14 năm 2005 của Chính phủ đã nêu: “Chuyển
các cơ sở GDĐH công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ”, “xóa bỏ cơ
chế Bộ chủ quản”. Nhưng cho đến nay, các trường ĐH thường vẫn phải xin
phép Bộ phê duyệt mở ngành. Để mở một ngành mới, phải là một quyết định
tập thể của Hội đồng khoa học trường, có hội đồng trong đó có đến hàng
chục giáo sư – phó giáo sư. Còn “phép” của Bộ trên thực tế nhiều khi chỉ
là một vài phán xét của một hai chuyên viên ở Vụ có thẩm quyền. Tôi muốn
lấy một ví dụ như vậy để nói rằng, đúng là các trường chưa có được tự
chủ.
Tuy nhiên cũng cần phải nói rõ thêm. Thứ nhất, ở các
quốc gia đang phát triển, chính phủ thường là “người bảo trợ” chính cho
ĐH, tự chủ ĐH, vì vậy, không phải là vấn đề chính phủ không can thiệp
vào việc điều hành của các sở ĐH mà là “can thiệp đến mức độ nào”.
Thứ hai, qua khảo sát ý kiến của các học giả, người ta
cho rằng, trong các hoạt động của trường ĐH, có những mặt vẫn cần có sự
can thiệp nhất định của chính phủ, như “chuẩn mực học thuật”, tài chính
v.v…, nhưng cũng có những mặt nói chung không nên có sự can thiệp, như
“nhân sự thầy giáo”, “chương trình - giảng dạy” v.v…
Và, thứ ba, vẫn tồn tại một “phổ” về mức độ tự chủ ĐH
trong hệ thống GDĐH của một nước. Ở Mỹ, các ĐH định hướng nghiên cứu có
mức độ tự chủ ĐH rất cao, trong khi đó nhà nước vẫn “điều khiển” (state
control) các trường cao đẳng cộng đồng.
Hiện, ta chưa có những
chế tài đủ mạnh để hạn chế làm bậy nên phải hoàn thiện hệ thống
luật pháp, chế tài hạn chế những điều đó cần phải hoàn thiện. Bên
cạnh những chế tài phải có cuộc vận động sâu rộng để từng hiệu trưởng
các trường, thủ trưởng các đơn vị hiểu rằng: thương hiệu của mình,
uy tín của mình còn quý hơn tiền được cấp. Tiếp nữa là giao cái
gì, giao đến đâu, giao cho ai là vấn đề phải nghiên cứu!
(GS-TSKH Vũ Minh Giang, Phó
Giám đốc ĐHQG Hà Nội) |
GS đã từng phát biểu, tự chủ ĐH phải được “đánh đổi”
với “trách nhiệm xã hội” và phải được trao cho Hội đồng trường (HĐT).
HĐT đã được ghi trong Điều lệ trường ĐH do Thủ tướng Chính phủ ký quyết
định ban hành từ 30/7/2004. Thế nhưng đến nay như vẫn chưa có được mấy
HĐT đúng nghĩa. Phải chăng vì vậy mà chủ trương giao quyền tự chủ đặt
ra lâu nay nhưng chưa có hiệu quả?
- Có thể cho rằng, có 3 nguyên nhân chính, 3 trở ngại
chính làm cho chủ trương giao quyền tự chủ cho các cơ sở ĐH chưa có hiệu
quả.
Thứ nhất, giao quyền tự chủ cho cơ sở cũng có ý nghĩa
là giảm bớt thẩm quyền có tính pháp lý ở cấp Bộ, cụ thể hơn là ở cấp Vụ,
cấp Cục. Mà thông thường là, ít ai tự nguyện giảm bớt thẩm quyền.
Thứ hai, HĐT là một cơ chế quyền lực, đại diện pháp lý
của Chủ sở hữu (là Nhà nước ở các ĐH công lập), là cơ chế chịu trách nhiệm
đối với xã hội, nhưng ở phần lớn các ĐH công lập hiện nay vẫn chưa có
HĐT, ở các ĐH đã có thì lại chưa phải là một cơ chế quyền lực.
Thứ ba, cơ chế “trách nhiệm xã hội” chứ không là “tự
chịu trách nhiệm” của các cơ sở GDĐH vẫn còn chưa rõ ràng. Trách nhiệm
xã hội là trách nhiệm đối với những “nhóm có lợi ích liên quan”, chẳng
những là Nhà nước, là Bộ, mà còn là thầy giáo, sinh viên, phụ huynh, chính
quyền địa phương, nhân dân trong vùng v.v… Trách nhiệm cái gì? Có thể
nói gọn là: Đảm bảo định hướng quốc gia; Đảm bảo chất lượng đào tạo; Sử
dụng có hiệu quả nguồn lực; Đem lại sự thỏa mãn cho sinh viên và cộng
đồng; Quản trị minh bạch và thông tin trung thực trong các báo cáo giải
trình v.v…
Nhiều chuyên gia cho rằng, giao tự chủ cho các trường
ĐH vào thời điểm này đã là quá muộn. Nếu không có những quyết sách mạnh
mẽ thì các ĐH Việt Nam khó lòng mà khẳng định được vị trí của mình trong
bối cảnh toàn cầu hóa?
- Để các ĐH có thể nhanh chóng và linh hoạt tranh thủ
được các cơ hội cũng như ứng phó được các thách thức trong bối cảnh toàn
cầu hóa, bối cảnh có xuất/nhập dịch vụ GDĐH, có thị trường lao động toàn
cầu, trong khoảng hơn một thập kỷ qua đã rộ lên một phong trào ở châu
Á, gọi là “Tập đoàn hóa” các ĐH công lập, như ở Nhật Bản, Trung Quốc,
Malaysia, Singapore v.v… Thực chất đây là việc để cho các ĐH này trở thành
những pháp nhân độc lập, có quyền tự chủ rất cao chứ không phải là “cổ
phần hóa” (!).
Ở Việt Nam, đúng là phải có những quyết sách mạnh mẽ
mới có thể vượt qua được 3 trở ngại nói trên để các ĐH có thể nâng cao
được khả năng cạnh tranh của mình trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia
vào WTO. Cuối cùng cũng xin được lưu ý, đã có một nhận xét rất đáng quan
tâm trên thế giới, cộng đồng ĐH vẫn thường bị “dị ứng” với cơ chế quản
trị ĐH.
Cảm ơn Giáo sư!
Tùng Linh (thực hiện)
(theo VietNamNet) |